Chủ Nhật, 04/12/2011 21:05

Bình luận Kinh tế Vĩ mô: Tuần 05 – 09/12

(Vietstock) – Hoàn toàn có khả năng trần lãi suất huy động sẽ được kéo xuống. Cần lưu ý rằng điều này sẽ không đồng nghĩa với việc nới lỏng tín dụng ở mức độ mạnh do bối cảnh vĩ mô hiện tại.

Tuần qua trên thị trường đã rộ lên tin đồn giảm trần lãi suất huy động xuống 12%

I. KINH TẾ TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Mỹ: Trong khi những nỗ lực hồi phục kinh tế Mỹ vẫn chưa thật sự phát huy được nhiều tác dụng thì Quốc hội nước này đang phải đối mặt với những thách thức mới, trong đó có việc xem xét quyết định gia hạn giảm thuế và trợ cấp thất nghiệp trong thời gian tới. 

Nếu thỏa thuận này không được thông qua thì kể từ ngày 1/1/2012, thuế an sinh xã hội đánh vào lương người lao động nước này sẽ tăng từ mức 4.2% lên 6.2%; và những người thất nghiệp sẽ chỉ nhận được trợ cấp thất nghiệp cho 26 tuần so với 99 tuần như trước đây. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, điều này đồng nghĩa với việc GDP của Mỹ có thể bị kéo tụt từ 1 – 1.55 điểm phần trăm và nền kinh tế Mỹ sẽ tiến nhanh tới bờ vực suy thoái.

Ngược lại, nếu việc cắt giảm thuế được gia hạn thì thiệt hại ngân sách ước tính là 110 tỷ USD. Đây là lý do khiến cho cả hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa tỏ ra khá lưỡng lự trong quyết định ủng hộ việc gia hạn này.

Khi mà sức công phá của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu ngày càng lớn và đã có những ảnh hưởng tiêu cực đến đà phục hồi kinh tế Mỹ, Quốc hội Mỹ gần như không còn nhiều sự lựa chọn. Thông qua thỏa thuận gia hạn giảm thuế và trợ cấp thất nghiệp, hoặc phải xem xét lại kế hoạch việc làm trị giá 447 tỷ USD, hoặc kết hợp cả hai kế hoạch này là điều mà Quốc hội Mỹ phải xem xét.

Trong khi đó, ngày 28/11, Fitch đã hạ triển vọng tín nhiệm Mỹ từ “ổn định” xuống “tiêu cực” sau khi khi ủy ban đặc biệt của Quốc hội Mỹ không thể thống nhất về các biện pháp cắt giảm ít nhất 1.2 ngàn tỷ USD thâm hụt ngân sách.

Nền kinh tế Mỹ đón nhận thông tin khá tích cực khi tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 11 của Mỹ bất ngờ giảm xuống 8.6% và là mức thấp nhất kể từ tháng 3/2009.

Theo báo cáo việc làm của ADP, số việc làm trong lĩnh vực tư nhân Mỹ tăng 206,000 trong tháng 11, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 12 năm ngoái và cao hơn so với mức đã được điều chỉnh trong tháng 10 là 110,000.

Chỉ số quản lý thu mua (PMI) bang Chicago tăng từ 58.4 điểm trong tháng 10 lên 62.6 điểm trong tháng 11, mức cao nhất trong 7 tháng và đánh dấu tháng thứ 26 liên tiếp đứng trên mốc 50.

Châu Âu: Các động thái nới lỏng chính sách tiền tệ và hành động phối hợp chặt chẽ giữa các ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới là tâm điểm chú ý trên thị trường tài chính toàn cầu trong tuần.

Lo ngại nền kinh tế sẽ rơi vào suy thoái do tác động xấu của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu, nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đã và đang có kế hoạch nới lỏng tiền tệ, cắt giảm lãi suất.

Số liệu và dự báo từ JP Morgan cho thấy việc nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ đẩy lãi suất bình quân của các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới giảm từ mức 2.16% trong tháng 9 năm nay xuống 1.79% vào tháng 6 năm tới, mức giảm mạnh nhất trong hai năm.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã thông báo sẽ hạ bớt tỷ lệ dự trữ bắt buộc 0.5% từ ngày 5/12. Với động thái trên, ước tính 396 tỉ nhân dân tệ (62.38 tỉ USD) sẽ được tung vào thị trường nhằm giúp khôi phục tăng trưởng kinh tế.

Ngoài ra, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã phối hợp với 5 Ngân hàng Trung ương hàng đầu (châu Âu – ECB , Anh – BOE, Nhật Bản – BOJ, Thụy Sỹ – SNB, Canada – BOC) công bố kế hoạch chung nhằm hạ giá đối với các hợp đồng hoán đổi thanh khoản bằng đồng USD bớt 0.5% bắt đầu từ ngày 05/12 và kéo dài đến ngày 01/02/2013. Động thái này được cho là nhằm xoa dịu sự căng thẳng nguồn vốn trên các thị trường tài chính. 

Liên quan đến giải pháp cho cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu, 17 bộ trưởng tài chính trong khu vực đã đồng ý tăng cường năng lực cho vay của Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu (EFSF) theo hai phương án nhưng không cho biết rõ quy mô.

Cụ thể, theo phương án thứ nhất, các trái chủ sẽ đảm bảo một phần rủi ro đối với 20-30% trái phiếu do EFSF phát hành; và theo phương án thứ hai, EU sẽ thiết lập ít nhất một quỹ đồng đầu tu cho phép kết hợp nguồn vốn công và tư nhân để mua trái phiếu trên thị trường sơ cấp và thứ cấp. Cả hai phương án trên dự kiến được áp dụng vào đầu năm 2012.

Bên cạnh đó, các bộ trưởng châu Âu đã đồng ý giải ngân khoản cứu trợ thứ 6 cho Hy Lạp trị giá 8 tỷ EUR (tương đương 10.7 tỷ USD) và sẽ cung cấp tiền vào giữa tháng 12.

Thêm một động thái “giải cứu” khá tích cực nữa là Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự định bơm tiền vào Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để giúp đỡ các quốc gia khó khăn của châu Âu.

Ngoài ra, Chủ tịch ECB cũng gợi ý rằng việc thiết lập một liên minh tài chính chặt chẽ hơn sẽ dọn đường cho các hành động mạnh hơn từ ECB. Theo nhận định của giới chuyên gia, lời ám chỉ này đồng nghĩa với việc nới lỏng định lượng.

Có thể nói, khi mà thời gian để giải cứu cuộc khủng hoảng nợ công không còn nhiều nữa, thì những động thái “giải cứu” mới đang dần lộ diện. Một gói giải pháp toàn diện cho vấn đề này trong thời gian sắp tới là điều hoàn toàn có thể hy vọng được.

Lợi suất trái phiếu Ý trong phiên giao dịch ngày 29/11 tiếp tục tăng cao đạt mức 7.89% đối với kỳ hạn 3 năm và 7.56% với kỳ hạn 10 năm, lần lượt cao hơn so với mức 4.93% và 6.06% trong cuộc đấu giá tương tự hôm 28/10. Tổng số tiền huy động được trong đợt đấu giá này là 7.5 tỷ EUR (tương đương 10.1 tỷ USD), thấp hơn so với chỉ tiêu cao nhất là 8 tỷ EUR.

S&P hạ bậc tín nhiệm Bỉ lần đầu trong gần 13 năm từ AA+ xuống AA với triển vọng tiêu cực. S&P dự báo nợ công của Bỉ sẽ tương đương 93% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào cuối năm nay và có thể sớm vượt 100%.

II. KINH TẾ TÀI CHÍNH TRONG NƯỚC

Giảm trần lãi suất huy động: Cơ hội và rủi ro?

Khả năng hạ trần lãi suất huy động là điểm nóng trên thị trường tài chính trong những ngày gần đây. Tuy vậy, xét trong bối cảnh kinh tế vĩ mô vẫn còn nhiều bất ổn, động thái giảm trần lãi suất huy động có thể vấp phải những rủi ro.

Cơ hội để giảm trần lãi suất huy động

(1) Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 4 tháng gần đây liên tục được duy trì ở mức dưới 1% và CPI tháng 11 tăng 0.39% hoàn toàn nằm trong kỳ vọng. Với dự báo CPI tháng 12 trong khoảng 0.5 – 0.6%, lạm phát cả năm 2011 sẽ nằm trong khoảng 18.1% - 18.2% so với cuối năm 2010. Đây sẽ là tiền đề tích cực để kéo giảm mặt bằng lãi suất. 

(2) Tỷ lệ trúng thấu trái phiếu Chính phủ bảo lãnh cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) phát hành vào ngày 30/11 đạt 100%, đáng lưu ý là khối lượng đặt thầu tăng lên khá mạnh và vượt xa khối lượng gọi thầu. Đây là chỉ dấu quan trọng cho thấy kỳ vọng về khả năng lãi suất kéo giảm trong thời gian tới đang dần tăng cao.

(3) Chính phủ phát ra thông điệp khá rõ ràng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét, điều chỉnh giảm lãi suất trong bối cảnh doanh nghiệp đang khó khăn về vốn như hiện nay. Trước đó, Thống đốc NHNN cũng đã chính chức đề cập đến khả năng kéo giảm trần lãi suất xuống dưới 14% nếu lạm phát tăng thấp.

Rủi ro trong việc giảm trần lãi suất huy động

(1) Sau động thái xử nghiêm việc vượt trần lãi suất huy động, nguồn vốn huy động trong hệ thống ngân hàng có dấu hiệu sụt giảm rõ rệt. Cụ thể, tổng số dư tiền gửi tại các tổ chức tín dụng đến 20/10 ước giảm 0.74% so với tháng 9, riêng tiền gửi bằng VND giảm 1.29%. Trước đó, tổng số dư tiền gửi đến 23/9 giảm 1.07% so với tháng 8.

(2) Sự khan hiếm nguồn vốn trên thị trường dân cư kéo theo những biến động bất ổn trên thị trường liên ngân hàng, và từ đó làm tăng rủi ro hệ thống.

(3) Kênh tiền gửi tiết kiệm mất đi tính hấp dẫn khiến dòng tiền chảy ra khỏi hệ thống ngân hàng và tìm đến các kênh đầu tư thay thế như vàng, ngoại tệ. Động thái găm giữ, đầu cơ, tích trữ có thể khiến các thị trường này diễn biến bất ổn hơn, đặc biệt nếu có cộng hưởng từ thị trường thế giới.

Chúng tôi tin rằng hoàn toàn có khả năng trần lãi suất huy động sẽ được kéo xuống. Cần lưu ý rằng điều này sẽ không đồng nghĩa với việc nới lỏng tín dụng ở mức độ mạnh do bối cảnh vĩ mô hiện tại. Cụ thể, lạm phát tiếp tục là một thách thức điều hành vĩ mô trong quý 1/2012; và các ngân hàng cũng e ngại rủi ro nợ xấu do hoạt động doanh nghiệp cần phải có thời gian nhất định để hồi phục trở lại.

Quyết liệt IPO BIDV: Thể hiện quyết tâm cải cách ngân hàng và DNNN?

Thị trường bất ngờ đón nhận thông tin Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) sẽ đấu giá bán cổ phần ra công chúng (IPO) trong những ngày cuối cùng của năm 2011.

Lộ trình triển khai vụ IPO này tỏ ra khá quyết liệt, khi thời gian từ lúc công bố thông tin bán đấu giá (02/12/2011) đến lúc tổ chức đấu giá (28/12/2011) chỉ diễn ra trong vòng chưa đến 1 tháng.

Thị trường thường hay “thấp thỏm” hy vọng trước mỗi đợt IPO các ngân hàng/công ty lớn. Và thực tế lần này, giao dịch chứng khoán cũng đã có những diễn biến tích cực hơn sau khi thông tin BIDV được công bố.

Dễ dàng có thể nhận thấy đây là một thời điểm không hề thuận lợi về mặt tâm lý thị trường, định giá, dòng tiền...

Điểm tích cực nhất có lẽ là nó thể hiện quyết tâm của cơ quan quản lý trong việc cổ phần hóa, tái cấu trúc các ngân hàng quốc doanh, hệ thống ngân hàng nói riêng và doanh nghiệp nhà nước nói chung.  

III. TIN TỨC VĨ MÔ TRONG NƯỚC NỔI BẬT

• Tại phiên họp thường kỳ tháng 11/2011, Chính phủ yêu cầu khẩn trương hoàn thiện 3 đề án tái cấu trúc đầu tư, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng. Cụ thể:

Về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ giao cho Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan.

Về cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 – 2015, Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan.

Về tái cơ cấu đầu tư, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan.

• Cũng tại phiên họp ngày 1/12, thông tin cho biết Chính phủ đã thảo luận các giải pháp giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng hơn. Trong đó, Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước xem xét có phương áp hạ mặt bằng lãi suất, vẫn đảm bảo lãi suất dương nhưng phải linh hoạt.

Ngoài ra, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính xem xét những chính sách thuế tháo gỡ khó khăn hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

• UBND TP Hà Nội đã có quyết định hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố này trong năm 2011. Theo đó, mức lãi suất hỗ trợ là 0.2%/tháng (2.4%/năm), tính trên số tiền vay và thời hạn cho vay thực theo quy định tại văn bản này.

• Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, chỉ tính riêng năm 2010, ngành điện đã bao cấp chéo cho sản xuất thép, xi măng lên đến 2,547 tỷ đồng; trong đó các liên doanh có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sản xuất thép đã được “bao cấp” hơn 506 tỷ đồng.

Bộ trưởng bộ này cũng cho biết sẽ phải khắc phục tình trạng này trong quá trình điều hành về giá.

• Theo báo cáo của Cục Đầu tư Nước ngoài, tổng vốn đầu tư cho lĩnh vực bất động sản trong 11 tháng đầu năm chỉ đạt 464 triệu USD, xếp thứ tư về thu hút FDI. Đây là con số thấp kỷ lục trong vòng 5 năm qua.

• Theo Bộ Công thương, đơn hàng xuất khẩu hai mặt hàng chủ lực là dệt may và da giày có nguy cơ giảm 30% trong năm 2012 do xuất khẩu vào các thị trường Mỹ và EU gặp nhiều khó khăn vì khủng hoảng nợ công.

• Theo dự báo của Tổ điều hành thị trường trong nước, CPI tháng 12 có thể tăng khoảng 0.5% - 0.6% so với tháng 11/2011. Nguyên nhân là do thị trường hàng hóa trong tháng này sẽ chịu tác động của nhiều yếu tố gây tăng giá như dịp lễ Noel, Tết Dương lịch, cận tháng Tết Âm lịch.

• Theo khảo sát của Grant Thornton Việt Nam trong quý 4/2011, triển vọng kinh tế Việt Nam đã có sự thay đổi đáng kể từ quan điểm tích cực sang quan điểm tiêu cực. Cụ thể, tỷ lệ các quan điểm tiêu cực về tình hình kinh tế Việt Nam tăng đến 51%; trong khi quan điểm tích cực giảm từ 53% trong quý 2/2011 xuống còn 17%.

• Liên quan đến vấn đề Vinashin, đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết chính sách của WB sẽ không bị ảnh hưởng bởi sự kiện này. Tuy nhiên, WB cũng bày tỏ quan ngại vấn đề này có thể ảnh hưởng đến uy tín, gây rủi ro đối với nền kinh tế; và cho biết WB đang hỗ trợ Chính phủ Việt Nam tìm ra giải pháp tốt nhất.   

Thân Hoàng Dung, Phòng Nghiên cứu VIETSTOCK   

Các tin tức khác

>   Bình luận Kinh tế Vĩ mô: Tuần 28/11 - 02/12 (26/11/2011)

>   CPI tháng 11 tăng 0.39%: Cao hay thấp? (24/11/2011)

>   Bình luận Kinh tế Vĩ mô: Tuần 21 – 25/11 (19/11/2011)

>   DPM: Company Update - Lợi nhuận 2011 dự báo sẽ vượt mạnh kế hoạch, bất chấp tình hình cạnh tranh (16/11/2011)

>   4 nhóm dư nợ bất động sản ra khỏi phi sản xuất: Được gì? (15/11/2011)

>   Bình luận Kinh tế Vĩ mô: Tuần 14 – 18/11 (13/11/2011)

>   Bình luận Kinh tế Vĩ mô: Tuần 07 – 11/11 (05/11/2011)

>   Chiến lược giao dịch ngày 03/11/2011 (03/11/2011)

>   Bình luận Kinh tế Vĩ mô: Tuần 31/10 - 04/11 (30/10/2011)

>   Kiềm chế lạm phát: Cơ hội đã rõ, nhưng… (24/10/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật