Kinh tế Vĩ mô tuần 03-06/01: Lạc quan hay bi quan trong thời điểm giao mùa?
(Vietstock) – Bên cạnh một số bất ổn vĩ mô vẫn còn đó, kinh tế trong nước năm 2011 cũng có nhiều tín hiệu khá khả quan.
* Vietstock Weekly: Nhận định thị trường chứng khoán Tuần 03 - 06/01/2012
* Technical View – Phân tích kỹ thuật chứng khoán, vàng và dầu: Tuần 03 - 06/01/2012
* Technical View – Phân tích kỹ thuật cổ phiếu chọn lọc: Tuần 03 - 06/01/2012
I. KINH TẾ TÀI CHÍNH THẾ GIỚI
Khép lại một năm 2011 đầy biến động, màu xám u ám vẫn là tông màu chủ đạo chi phối bức tranh tổng thể của kinh tế toàn cầu.
Kinh tế khu vực châu Âu đã trải qua giai đoạn khá đen tối khi cuộc khủng hoảng nợ công lan nhanh và nhiều khả năng “nuốt chửng” một số quốc gia trong khu vực Eurozone.
Không dừng lại ở đó, khủng hoảng tín dụng trên hệ thống ngân hàng và khủng hoảng niềm tin đang có dấu hiệu vượt xa khỏi tầm kiểm soát của các nhà hoạch định chính sách; và có nguy cơ nhấn chìm kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái.
Mặc dù khá thụ động trước những diễn biến ngày càng phức tạp của cuộc khủng hoảng nợ công, các nhà lập pháp châu Âu cuối cùng cũng đã tìm được tiếng nói chung khi đạt được thỏa thuận về một hiệp ước liên chính phủ mới. Tuy vẫn chưa đủ để lấy lại niềm tin của giới đầu tư và các cơ quan xếp hạng tín nhiệm, nhưng thỏa thuận này đã phần nào xoa dịu được tâm lý hoang mang trên thị trường.
Nền kinh tế Mỹ lại đạt được những bước tiến khả quan hơn trong những tháng cuối năm 2011, bất chấp những xung đột chính trị gay gắt ở quốc gia này. Đây cũng một trong những lý do khiến trái phiếu kho bạc Mỹ đã có một năm bội thu khi các nhà đầu tư đổ vốn vào các tài sản an toàn của Mỹ.
Trong khi đó, những tín hiệu tích cực giúp vực dậy kinh tế thế giới đến từ các nền kinh tế mới nổi BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) và các nền kinh tế năng động khu vực châu Á.
Bước sang một năm mới 2012, nền kinh tế thế giới được hy vọng sẽ có thêm những mảng màu tươi sáng hơn trong bức tranh xám màu như hiện nay. Tuy vậy, cũng có những luồng nhận định bi quan hơn về tình hình sức khỏe của kinh tế toàn cầu.
Tỏ ra khá lạc quan về kinh tế 2012, nhóm Nghiên cứu Kinh tế Toàn cầu của Morgan Stanley cho rằng quan điểm về sự suy yếu nghiêm trọng hay suy thoái của các nền kinh tế trên thế giới là sai lầm.
Dù vậy, Morgan Stanley vẫn hạ triển vọng tăng trưởng toàn cầu năm 2012 xuống 3.5% (thấp hơn so với mức bình quân trong dài hạn), dự báo tăng trưởng trong năm 2011 vào khoảng 3.9%; và nhận định các rủi ro lớn trong thời gian tới vẫn là chính sách tài khóa thiếu tin cậy và bất lợi.
Theo Morgan Stanley, Mỹ sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi nhanh chóng của lĩnh vực tiêu dùng và sự cải thiện của hoạt động đầu tư cố định vào nhà ở; và dự kiến kinh tế Mỹ tăng trưởng 2.2% trong năm 2012.
Kém lạc quan hơn, Goldman Sachs dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3.2% trong năm 2012 (giảm 0.2% so với lần dự báo trước) khi cho rằng cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu sẽ tiếp tục là một rào cản đối với tăng trưởng toàn cầu.
Goldman Sachs cũng dự báo GDP ở khu vực Eurozone sẽ giảm 0.8% trong năm 2012, nhưng sẽ phục hồi lại ở mức 0.7% trong năm 2013.
Ngoài ra, Goldman Sachs cho rằng các ngân hàng trung ương ở các nền kinh tế phát triển sẽ có những động thái mạnh tay hơn trong hai năm 2012 và 2013 nhằm vực dậy nền kinh tế quốc gia. Cụ thể, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tung ra gói QE3, Ngân hàng Trung ương Anh sẽ mua thêm trái phiếu chính phủ, hay Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ tiếp tục can thiệp vào thị trường ngoại hối.
Trong khi đó, Standard Chartered bi quan hơn khi đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế Eurozone sẽ sụt giảm 1.5% trong năm 2012 và tăng trưởng kinh tế thế giới chỉ ở mức 2.2% nhờ lực đẩy từ châu Á.
Đồng quan điểm này, nhà kinh tế học Nouriel Roubini cho rằng sự suy yếu ở các nền kinh tế Mỹ, Eurozone, Anh hiện nay càng làm tăng nguy cơ rơi vào suy thoái sớm hơn dự kiến (vào năm 2013). Tuy nhiên, ông cũng cho rằng điều này còn phụ thuộc vào những công cụ chính sách trong thời gian tới.
Chuyên gia kinh tế trưởng của IMF, Olivier Blanchard, cảnh báo rủi ro sụt giá ngày càng cao tại cái nền kinh tế phát triển, và môi trường chính sách còn nhiều bất ổn có thể khiến điều kiện kinh tế thế giới tồi tệ hơn trong năm 2012.
Ông Blanchard nhận định việc đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo phục hồi sẽ khó hơn so với cách đây 1 năm; và để làm được điều này, cần phải có các chính sách mạnh và dứt khoát hơn.
Ngoài ra, bà Christine Lagarde, Tổng Giám đốc IMF cũng cảnh báo một triển vọng kém lạc quan hơn nếu các quốc gia không có thêm bất kỳ hành động nào; và tất cả các nước sẽ cùng gánh chịu những hậu quả nghiêm trọng.
Dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2012 của IMF có thể sẽ bị điều chỉnh giảm (so với mức dự báo 4% vào tháng 9/2011) khi được công bố vào tháng 1 tới.
II. KINH TẾ TÀI CHÍNH TRONG NƯỚC
Tín hiệu khả quan từ số liệu kinh tế cả năm 2011
Bên cạnh một số bất ổn vĩ mô vẫn còn đó, kinh tế trong nước năm 2011 cũng có nhiều tín hiệu khá khả quan. Cụ thể:
(1) Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2011 ước tăng 5.89% so với năm 2010; trong đó, quý 1 tăng 5.57%, quý 2 tăng 5.68%, quý 3 tăng 6.07% và quý 4 tăng 6.1%.
Nhìn chung, tăng trưởng kinh tế năm 2011 giảm đáng kể so với con số 6.78% trong năm 2010, và cùng chung với xu hướng giảm tốc của kinh tế toàn cầu.
Tuy vậy, số liệu đã cho thấy có sự cải thiện nhẹ tốc độ tăng trưởng GDP theo các quý trong năm 2011.
(2) Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2011 tăng 6.8% so với năm 2010; trong đó công nghiệp khai thác mỏ giảm 0.1%, công nghiệp chế biến tăng 9.5%, sản xuất, phân phối điện, ga nước tăng 10%.
(3) Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2011 ước tính đạt 2,004.4 ngàn tỷ đồng, tăng 24.2% so với năm 2010, nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì tăng 4.7%.
(4) Kim ngạch xuất khẩu năm 2011 ước tính đạt 96.3 tỷ USD, tăng 33.3% so với năm 2010. Kim ngạch nhập khẩu năm 2011 đạt 105.8 tỷ USD, tăng 24.7% so với năm trước.
Nhập siêu hàng hóa năm 2011 ước tính 9.5 tỷ USD, bằng 9.9% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Mức nhập siêu của năm 2011 là mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua, và là năm có tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu thấp nhất kể từ năm 2002.
(5) Tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2011 ước tính đạt 674.5 ngàn tỷ đồng, bằng 113.4% dự toán năm; và tăng 20.6% so với năm 2010.
Tổng chi ngân sách Nhà nước năm 2011 ước tính 796 ngàn tỷ đồng. Bội chi ngân sách Nhà nước bằng 4.9% GDP, so với con số kế hoạch là 5.3% GDP.
(6) Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện năm 2011 theo giá thực tế ước tính đạt 877.9 ngàn tỷ đồng, tăng 5.7% so với năm 2010, và bằng 34.6% GDP. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì vốn đầu tư toàn xã hội theo giá thực tế thực hiện năm 2011 bằng 90.6% năm 2010.
Vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước thực hiện năm 2011 ước tính đạt 178 ngàn tỷ đồng, bằng 101.8% kế hoạch năm và tăng 6.7% so với năm 2010.
(7) Giải ngân FDI trong năm 2011 đạt 11 tỷ USD, bằng với con số năm 2010, nhưng thấp hơn mức dự kiến là 11.5 tỷ USD.
Riêng về vốn đăng ký, tính đến 15/12, vốn đăng ký mới và đăng ký tăng thêm đạt 14.7 tỷ USD, giảm tới 26% so với năm 2010, và thấp hơn con số chỉ tiêu 20 tỷ USD. Trong đó, vốn đăng ký mới đạt 11.6 tỷ USD, giảm 35% so với năm trước.
Tuy vậy, điểm tích cực là 76.4% vốn FDI đăng ký trong năm 2011 tập trung vào lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, cao hơn hẳn tỷ trọng đầu tư vào lĩnh vực này năm 2010 (54.1%). Tỷ trọng FDI đăng ký vào lĩnh vực bất động sản trong năm 2011 chỉ còn 5.8% so với con số 34.3% trong năm 2010.
Dự kiến trong năm 2012 sẽ có khoảng 15 – 16 tỷ USD vốn FDI đăng ký, và 10 – 11 tỷ USD giải ngân.
Tái cơ cấu tổ chức tín dụng: Thời điểm đã chín muồi!
Sau một thời gian dư luận loay hoay tìm lời giải đáp cho bài toán tái cơ tổ chức tín dụng (TCTD), thì động thái hợp nhất 3 ngân hàng Ficombank, SCB và TinNghiaBank thành một ngân hàng mới với tên gọi Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đã phần nào hé lộ ra lộ trình tái cơ cấu TCTD trong thời gian tới.
Mới đây, Thống đốc Nguyễn Văn Bình vừa đưa ra quan điểm khá rõ ràng về trách nhiệm đối với những tổn thất phát sinh trong quá trình tái cơ cấu TTCD. Theo đó, Chính phủ và NHNN không bao cấp cho bất kỳ tổ chức nào, và chủ sở hữu TTCD phải chịu trách nhiệm đầu tiên và cuối cùng đối với những tổn thất này.
Ngoài ra, các TCTD yếu kém sau khi được ưu tiên tái cơ cấu để trở lại thị trường hoạt động theo các chuẩn mực, quy định của pháp luật nhưng vẫn không thể phục hồi được, thì sẽ bị đưa ra khỏi thị trường một cách có trật tự.
Với những thông điệp mạnh mẽ và rõ ràng này, có thể thấy NHNN đã chuẩn bị khá kỹ lưỡng cho lộ trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng được dự báo sẽ diễn ra khá sôi động trong năm 2012. Hay nói cách khác, đã đến thời điểm chín muồi để tiến hành một đợt thanh lọc, tái cơ cấu tổng thể các TCTD.
Đây cũng sẽ là một trọng điểm của thị trường tài chính trong năm 2012 mà chúng ta cần theo dõi.
III. TIN TỨC VĨ MÔ TRONG NƯỚC NỔI BẬT
• Ngày 27/12, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2011 – 2015.
Mục tiêu cụ thể là phấn đấu đến cuối năm 2015, tỷ lệ tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 11%.
• Theo Nghị định số 122/2011/NĐ-CP, hàng loạt loại thu nhập sẽ được bổ sung vào danh sách thu nhập chịu Thuế thu nhập doanh nghiệp, đáng chú ý bao gồm cả tiền gửi ngân hàng của doanh nghiệp. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/3/2012, và áp dụng cho kỳ tính thuế từ năm 2012 trở đi.
• Theo Thông tư số 197/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính, từ ngày 28/12, thuế nhập khẩu đối với mặt hàng dầu nhẹ và các chế phẩm, xăng động cơ có pha chì loại cao cấp, không pha chì loại cao cấp, xăng máy bay… sẽ phải chịu mức thuế 4%, thay cho mức áp dụng trước đó là 0%.
Về việc sử dụng quỹ bình ổn giá, Bộ Tài chính cũng yêu cầu đối với mặt hàng dầu diesel giảm từ 1,000 đồng/lít xuống còn 690 đồng/lít; dầu hỏa giảm từ 900 đồng/lít xuống còn 440 đồng/lít; dầu mazut gairmtuf 950 đồng/lít xuống còn 740 đồng/lít.
• Bộ Tài chính vừa đưa ra một số giải pháp tái cấu trúc DNNN; trong đó, sẽ yêu cầu chấm dứt tình trạng đầu tư ra ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính. Cụ thể, những đơn vị đã đầu tư phải thoái vốn hết trước năm 2015.
• Bộ Công thương vừa phê duyệt Kế hoạch cung ứng điện và vận hành hệ thống điện năm 2012 do EVN lập ra. Theo đó, tổng sản lượng điện sản xuất của các nhà máy điện và nhập khẩu toàn quốc trong năm 2012 là 120,795 tỷ kWh, tăng 10.89% so với năm 2011.
• Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có kế hoạch thoái vốn khỏi Ngân hàng An Bình (ABBank) và Công ty Tài chính Điện lực.
Hiện EVN đầu tư vào Ngân hàng An Bình 114.9 tỷ đồng, vào Công ty Tài chính Điện lực 1,000 tỷ đồng.
Tổng đầu tư ngoài ngành vào các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản của EVN là 2,108 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 4.22% trên tổng vốn đầu tư.
• Ngày 26/12, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Quyết định số 2716/QĐ-NHNN về việc hợp nhất 3 ngân hàng TMCP gồm Đệ Nhất (Ficombank), Sài Gòn (SCB) và Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank).
Theo Giấp phép số 283/GP-NHNN, việc hợp nhất 3 ngân hàng này thành một ngân hàng với tên gọi Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).
Ngày 26/12/2011, Thống đốc NHNN có văn bản xác nhận ngân hàng SCB đủ điều kiện hoạt động cung ứng dịch vụ ngoại hối.
• Ngày 13/12/2011, Thống đốc Ngân hàng Nhà Nước đã chấp thuận việc sửa đổi Giấy phép về tên gọi của Ngân hàng TMCP Gia Định (GiaDinhBank). Theo đó, tên gọi mới của GiaDinhBank là Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Commercial Joint Stock Bank).
Thân Hoàng Dung, Phòng Nghiên cứu VIETSTOCK
|