Chủ Nhật, 18/12/2011 19:02

Bình luận Kinh tế Vĩ mô: Tuần 19 – 23/12

(Vietstock) – Việc xây dựng các tiêu chí nếu không được minh bạch hóa sẽ càng làm dấy lên mối nghi ngại về cơ chế “xin – cho” trong phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.

I. KINH TẾ TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Mỹ: Dự thảo chi tiêu ngân sách năm 2012 trị giá 1,000 tỷ USD vừa được thông qua vào ngày 16/12. Theo kế hoạch, chương trình tài trợ ngân sách tạm thời sẽ hết hạn vào ngày 16/12; và nếu hai đảng vẫn “ngoan cố” không tìm được tiếng nói chung thì Chính phủ Mỹ buộc phải đóng cửa các dịch vụ quan trọng nằm dưới sự điều hành của Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục, Bộ Y tế và Bộ Lao động.

Trước đó, ngày 15/12, Đảng Cộng hòa đã giới thiệu dự luật chi tiêu trị giá 915 tỷ USD. Tuy nhiên, các nhà lập pháp Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa vẫn đang đấu tranh về các điều khoản chi tiết của dự luật này; trong đó có vấn đề nổi cộm về tranh cãi cách thức kéo dài thời hạn của các khoản cắt giảm thuế thu nhập cho 160 triệu người Mỹ.  

Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn giữ nguyên chính sách tiền tệ khi định rằng kinh tế Mỹ đang mở rộng vừa phải bất chấp sự giảm tốc tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu. Tuy vậy, Fed cũng cho rằng những khó khăn trên thị trường đang đe dọa đến tăng trưởng kinh tế của quốc gia này.

Theo số liệu của Fed, các tổ chức tài chính gia tăng các khoản vay công nghiệp và thương mại thêm gần 10% trong quý 3, mức cao nhất kể từ quý 3/2008 và trái với mức sụt giảm bình quân 1.7% trong vòng 4 năm qua. Số liệu mới nhất cho thấy tăng trưởng cho vay (đã được điều chỉnh theo yếu tố thời vụ) đạt 15% trong tháng 10 và 6.1% trong tháng 11.

Theo thống kê của Fed, thâm hụt ngân sách liên bang đứng ở mức 137.3 tỷ USD trong tháng 11, nâng tổng thâm hụt trong hai tháng đầu của năm tài khóa 2012 lên 235.8 tỷ USD, thấp hơn so với mức 290.8 tỷ USD trong cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chính giúp thâm hụt ngân sách thấp hơn so với cùng kỳ năm trước là do khoản thanh toán trợ cấp tháng 10 trị giá 31 tỷ USD đã được chuyển sang tháng 9.

Thâm hụt ngân sách của Chính phủ Mỹ lên cao kỷ lục 1.41 ngàn tỷ USD trong năm tài khóa 2009 trước khi giảm nhẹ xuống còn 1.29 ngàn tỷ USD trong năm 2010. Theo Bộ Tài chính Mỹ, hiện tổng nợ công của Mỹ ở vào khoảng 15 ngàn tỷ USD.

Không nằm ngoài dự kiến, nền kinh tế Mỹ tiếp tục cho những tín hiệu phục hồi khả quan. Số người lần đầu nộp đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp giảm xuống 366,000 người trong tuần qua, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2008 và thấp hơn nhiều so với ước tính của các nhà phân tích.

Bên cạnh đó, Cục Dự trữ bang Philadelphia thông báo chỉ số hoạt động sản xuất của khu vực nhảy vọt từ 3.6 điểm trong tháng 11 lên 10.3 điểm trong tháng 12.

Báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 9/12 cũng cho biết nhập siêu trong tháng 10 ước khoảng 43 tỷ USD, mức thấp nhất trong một tháng kể từ đầu năm 2011. Điều này có thể được lý giải do nhu cầu ở cả thị trường trong và ngoài nước đều không cao. 

Châu Âu: Thỏa thuận về một hiệp ước liên chính phủ mới là điều kiện cần để xoa dịu tâm lý hoang mang trên thị trường, nhưng chưa đủ để lấy lại niềm tin của giới đầu tư và các cơ quan xếp hạng tín nhiệm.

Chưa thật sự “hài lòng” với kết quả thỏa thuận đạt được, S&P tiếp tục gây sức ép lên khu vực đồng tiền chung euro với tuyên bố thời gian để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công đã không còn nhiều nữa và đòi hỏi sự hành động nhanh chóng hơn cả về tài khóa và tiền tệ. Tuyên bố trên không loại trừ khả năng cơ quan xếp hạng tín nhiệm này sẽ sớm xem xét đưa ra những quyết định hành động nhanh chóng hơn.

Sau S&P, cả Moody’s và Fitch đều nhắc nhở thị trường rằng thỏa thuận mà châu Âu đạt được trong tuần trước không đủ để đẩy lùi nguy cơ hạ bậc tại Eurozone trong ngắn và trung hạn. Fitch vừa hạ bậc triển vọng của Pháp từ “ổn định” xuống “tiêu cực” nhưng vẫn giữ nguyên mức xếp hạng tín nhiệm AAA.

Trái ngược với sự hoang mang của thị trường, Thủ tướng Đức Angela Merkel khá “bình tĩnh” khi nhận định rằng châu Âu có thể phải mất nhiều năm để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công đang có nguy cơ đẩy kinh tế khu vực rơi vào suy thoái trầm trọng. Bà Merkel cũng không loại trừ khả năng thất bại;  tuy nhiên, nếu kiên trì, châu Âu có khả năng vượt qua khủng hoảng và vươn lên mạnh mẽ.

Liên quan đến việc Thủ tướng Anh phủ quyết đề xuất sửa đổi Hiệp ước Lisbon, nội bộ Chính phủ quốc gia này đã có những bất đồng khi Phó Thủ tướng Nick Cleg cảnh báo Anh có thể bị cô lập và hất ra bên lề ngay trong lòng Liên minh châu Âu (EU). Ngoài ra, Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế EU, Olli Rehn, cũng lấy làm tiếc khi Anh không sẵn sàng tham gia thỏa thuận này, vì lợi ích của cả châu Âu và Anh.

Trong nỗ lực hạn chế mức thấp nhất cú sốc lên thị trường, ngày 12/12, các chuyên gia Eurozone, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã nối lại các cuộc đàm phán với Chính phủ Hy Lạp về gói cứu trợ thứ hai dành cho quốc gia này. Theo đó, hai vấn đề quan trọng sẽ được thảo luận là gói giải cứu thứ hai trị giá 130 tỷ EUR đã được nhất trí hồi tháng 10/2011 và đàm phán xóa bỏ 50% nợ Hy Lạp.

Liên quan đến việc tăng nguồn vốn mới cho IMF, Liên minh châu Âu (EU) đã cung cấp 200 tỷ EUR (270 tỷ USD) để IMF có thể tăng cường khả năng tín dụng hỗ trợ giải quyết khủng hoảng nợ công châu Âu và nguy cơ suy thoái mới của nền kinh tế toàn cầu.

Trong khi đó, Chính phủ Obama tuyên bố sẽ không đóng góp tài chính vào IMF để giải cứu các quốc gia châu Âu với lý do IMF đã được cung cấp đủ tiền và bản thân châu Âu cũng có đủ các nguồn lực tài chính để tự giải quyết các khó khăn của mình.

Lợi suất đối với trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Ý tăng lên ngưỡng 7% trước khi lùi về mức 6.6%, trong khi lợi suất kỳ hạn 5 năm tăng lên 6.47%.

II. KINH TẾ TÀI CHÍNH TRONG NƯỚC

Bài toán phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2012

Trong những ngày cận kề cuối năm 2011, bài toán tăng trưởng tín dụng của riêng các NHTM đang trở thành tâm điểm chú ý.

Định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2012 chỉ khoảng từ 15% - 17% và tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán trong khoảng 14% - 16% đã được NHNN xác định rất rõ. Tuy nhiên bài toán đặt ra là chỉ tiêu phân bổ tăng trưởng tín dụng ở các NHTM trong năm 2012 sẽ như thế nào?

Tiêu chí nào làm căn cứ cho việc phân bổ?

(1) Lịch sử hoạt động của ngân hàng là điều cần được quan tâm đầu tiên. Với định hướng mở rộng tín dụng cho sản xuất và thu hẹp tín dụng phi sản xuất, thì việc những NHTM triển khai các hoạt động phi sản xuất sẽ bị theo dõi sát sao hơn cùng với một mức tăng trưởng tín dụng hạn chế.

(2)  Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) cần được xem xét để đánh giá mức độ quản trị rủi ro của ngân hàng, tránh việc tăng trưởng nóng, không bền vững.

(3) Nợ xấu, thanh khoản và quản trị rủi ro yếu kém… cũng là những điều cần phải xét đến khi phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các NHTM.

Việc xây dựng các tiêu chí nếu không được minh bạch hóa sẽ càng làm dấy lên mối nghi ngại về cơ chế “xin – cho” trong phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Từ đó, tiêu cực phát sinh sẽ phần nào làm mờ nhạt những nỗ lực tái cấu trúc trong hệ thống ngân hàng.

Hạ lãi suất: Giải pháp nào ít rủi ro?

Thông tin giữ nguyên trần lãi suất huy động 14%/năm đến hết tháng 12/2011 của NHNN đã phần nào dẹp bỏ những tin đồn trong thời gian gần đây.

Động thái hạ lãi suất cho vay của BIDV đối với một nhóm đối tượng ưu tiên lại làm dấy lên hy vọng liệu hiệu ứng domino hạ lãi suất có xảy ra trên toàn thị trường?

Về cơ bản, khi phải sử dụng các biện pháp hành chính để hạ mặt bằng lãi suất thì những rủi ro phát sinh là điều khó tránh khỏi.

Thực tế đã cho thấy, việc áp trần lãi suất huy động 14%/năm một cách nghiêm ngặt trong những tháng vừa qua đã phần nào phát huy được tác dụng. Tuy nhiên, ở một khía cạnh nào đó, động thái này cũng mang lại những rủi ro cho hệ thống ngân hàng như đề cập trong các bình luận truớc đây của chúng tôi.

Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế lại cho rằng việc áp trần lãi suất cho vay sẽ mang lại những tác động trực tiếp đến mặt bằng lãi suất của nền kinh tế. Vậy đâu là những lợi ích và khó khăn?

Lợi ích của việc áp trần lãi suất cho vay

(1) Việc áp trần lãi suất cho vay sẽ tác động trực tiếp đến mặt bằng lãi suất; từ đó giảm bớt gánh nặng cho chi phí vốn cho nền kinh tế vốn đang phải "còng lưng" gánh chịu.

(2) Động thái này phần nào giải quyết được những "nghịch lý" chênh lệch quá lớn giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động. 

(3) Việc áp trần lãi suất cho vay sẽ giảm chi phí cho vốn vay, nhưng không ảnh hưởng nhiều đến dòng vốn đang luân chuyển trong hệ thống ngân hàng.

Khó khăn của việc áp trần lãi suất cho vay

(1) Việc áp trần lãi suất cho vay sẽ khiến các NHTM hạn chế những hoạt động tín dụng; từ đó, khả năng tiếp cận nguồn vốn của các nhà đầu tư sẽ bị thu hẹp lại và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

(2) Không loại trừ các hình thức lách luật tinh vi hơn xảy ra sẽ khiến cho công tác điều tra, xử phạt gặp nhiều khó khăn. 

Tỷ giá hạ nhiệt: Lạc quan quá sớm?

Dự kiến lượng kiều hối về Việt Nam trong năm 2011 đạt 9 tỷ USD, và kéo theo đó là cán cân thanh toán tổng thể thặng dư khoảng 3 tỷ USD. Kết quả này cộng với việc áp dụng nghiêm khắc Nghị định 95 đã góp phần hạ nhiệt áp lực tỷ giá trong những ngày cuối năm 2011.

Tuy nhiên, còn quá sớm để lạc quan khi mà những vấn đề yếu kém nội tại của nền kinh tế như nhập siêu, biến động trên thị trường vàng, tâm lý kỳ vọng đồng nội tệ tiếp tục mất giá... vẫn còn đó.

Điều này được thể hiện khá rõ nét thông qua động thái nâng tỷ giá bình quân liên ngân hàng của NHNN lên 20,813 VND/USD (tăng 0.9% so với mức 20,628 VND/USD) nhằm giảm sốc tỷ giá trong những tháng đầu năm 2012 tới. Do đó, cũng không loại trừ khả năng tỷ giá tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm trong thời gian tới.

III. TIN TỨC VĨ MÔ TRONG NƯỚC NỔI BẬT

• Theo thống kê của NHNN, tăng trưởng tín dụng tòan hệ thống trong năm 2011 dự kiến chỉ ở mức 12 – 13%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đã điều chỉnh là 15 – 16%, và là mức thấp nhất chưa từng có trong lịch sử phát triển ngành ngân hàng.

• Trung tuần tháng 12 này, NHNN sẽ nhóm họp với các NHTM về vấn đề chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2012 trên cơ sở phân định hạn mức khác nhau tùy vào sức khỏe của từng NHTM.

• Theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ, do một số đơn vị phát điện chưa hoàn thành cài đặt và tích hợp hệ thống thông tin … nên chưa đảm bảo việc vận hành thị trường phát điện cạnh tranh chính thức vào ngày 01/01/2012. 

• Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vừa công bố Báo cáo Phát triển tài chính toàn cầu 2011, trong đó Việt Nam xếp thứ 50 trên tổng số 60 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng. Thứ hạng này tụt 4 bậc so với báo cáo 2010 do Việt nam chỉ nhận được 2.98 điểm (trên thang điểm 7), giảm 0.05 điểm so với năm ngoái.

Tuy nhiên, dịch vụ ngân hàng của Việt Nam được đánh giá khá cao khi xếp ở ngưỡng trung bình (30) bất chấp những vấn đề nảy sinh gần đây về thanh khoản cũng như nợ xấu hay áp lực sáp nhập, hợp nhất.

• Tuần qua, báo cáo cạnh tranh công nghiệp Việt Nam 2011 đã được Bộ Công Thương và Tổ chức phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) công bố. Theo đó, báo cáo sơ bộ về xếp hạng hiệu suất công nghiệp (CIP) cho thấy, chỉ trong bốn năm (từ 2005 – 2009), Việt nam đã tiến 14 bậc, vượt qua cả những đối thủ cạnh tranh lớn với truyền thống công nghiệp hóa lâu đời như Ai Cập, Morocco và Nga. 

• Liên quan đến vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ cho biết sẽ trực tiếp chỉ đạo nhiệm vụ trọng tâm này. Các phó thủ tướng, các bộ trưởng theo phân công sẽ chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ tái cơ cấu trong phạm vi ngành, lĩnh vực đang phụ trách.

Theo đó, Thủ tướng cho biết không cần thiết thành lập Ủy ban tái cơ cấu nền kinh tế và xây dựng một đạo luật riêng về tái cơ cấu. Chính phủ sẽ trình Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng tại Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội. 

• Ngày 14/12, tại Hội nghị ngoại giao lần thứ 27, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu chấm dứt mời gọi đầu tư với các dự án ximăng, thép, da giày, may mặc… và tập trung vào các dự án, tập đoàn có công nghệ cao.

• Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ vừa ký ban hành Chỉ thị số 03/CT-BTC về việc bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn và quý 1/2012. Theo đó, về công tác bình ổn giá, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu giám đốc sở tài chính các tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành của địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu và tình hình giá cả thị trường.

• Theo kế hoạch phân bổ vốn năm 2012 của Bộ Giao thông Vân tải đã được trình Chính phủ thì ngành giao thông cần tới 54,000 tỷ đồng.

Trong đó, 15,000 tỷ đồng vốn ngân sách bối trí cho 87 dự án; 20,000 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho 120 dự án; và khoảng 20,000 tỷ đồng còn lại sẽ được Bộ Giao thông Vận tải huy động từ các nguồn vốn bên ngoài để đầu tư cho 40 dự án thực hiện dưới hình thức xây dựng – khai thác – chuyển giao (BOT) và hợp tác công – tư (PPP).

• Vụ Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công thương cho biết, từ đầu năm đến nay da giày đã trở thành một trong các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Theo thống kê của Bộ Công thương, trong 10 tháng đầu năm 2011, xuất khẩu da giày đã thu về 5.11 tỷ USD, tăng 25.8% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo cả năm 2011, xuất khẩu giày dép của Việt Nam sẽ đạt 6 tỷ USD.

• Hiệp hội bất động sản châu Á của Mỹ (AREAA) đã tới thăm thị trường bất động sản Việt Nam. Đây được xem là một sự kiện quan trọng mang lại nhiều tín hiệu vui cho những nhà đầu tư bất động sản cũng như cho thị trường bất động sản trong nước.

Thân Hoàng Dung, Phòng Nghiên cứu VIETSTOCK

Các tin tức khác

>   Bình luận Kinh tế Vĩ mô: Tuần 12 – 16/12 (10/12/2011)

>   Bình luận Kinh tế Vĩ mô: Tuần 05 – 09/12 (04/12/2011)

>   Bình luận Kinh tế Vĩ mô: Tuần 28/11 - 02/12 (26/11/2011)

>   CPI tháng 11 tăng 0.39%: Cao hay thấp? (24/11/2011)

>   Bình luận Kinh tế Vĩ mô: Tuần 21 – 25/11 (19/11/2011)

>   DPM: Company Update - Lợi nhuận 2011 dự báo sẽ vượt mạnh kế hoạch, bất chấp tình hình cạnh tranh (16/11/2011)

>   4 nhóm dư nợ bất động sản ra khỏi phi sản xuất: Được gì? (15/11/2011)

>   Bình luận Kinh tế Vĩ mô: Tuần 14 – 18/11 (13/11/2011)

>   Bình luận Kinh tế Vĩ mô: Tuần 07 – 11/11 (05/11/2011)

>   Chiến lược giao dịch ngày 03/11/2011 (03/11/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật