Chứng khoán năm 2011: Tăng là xả!
(Vietstock) - Chứng khoán năm 2011 có một số đợt phục hồi tương đối mạnh nhưng sau đó nhanh chóng lùi sâu. “Tăng là xả” là 3 từ mô tả đầy đủ nhất diễn biến của TTCK Việt Nam trong năm vừa qua.
Chúng ta hãy cùng điểm lại năm 2011 đầy sóng gió của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Giai đoạn từ đầu năm đến 9/2/2011: Hiện tượng ”xanh vỏ đỏ lòng”
Trong giai đoạn này, VN-Index đã tăng 7.8% từ 484.66 điểm vào ngày 31/12/2011 lên mức 522.59 điểm vào ngày 9/02/2011.
Tuy nhiên, đây là khoảng thời gian thị trường xuất hiện hiện tượng “xanh vỏ đỏ lòng”, do sự ảnh hưởng của một số các cổ phiếu lớn như BVH, MSN, VIC, VPL.
Lý do được nhắc đến là việc tập trung mua ròng mạnh của khối ngoại ở các mã vốn hóa lớn. Động thái này được cho là để nâng đỡ NAV của chứng chỉ quỹ đầu tư chỉ số ETF.
Tuy vậy, chúng tôi cho rằng trên thực tế đây chỉ là bản chất hoạt động của các quỹ ETF. Các quỹ này chỉ đơn thuần nắm giữ các cổ phiếu được lựa chọn trong danh mục để mô phỏng chỉ số. Việc tập trung mua vào các mã này (thường là các mã vốn hóa lớn) đã ảnh hưởng đến chỉ số thị trường.
Chỉ số lạm phát tháng 1/2011 được công bố tăng 1.74%, cao hơn rất nhiều so với kỳ vọng. Điều này đã khiến giá nhiều cổ phiếu lao dốc sau đó, và việc VN-Index tăng điểm trong giai đoạn này được xem là không gắn liền với xu hướng phục hồi thật sự của thị trường.
Trước sự ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn làm méo mó chỉ số, Vietstock đã cho ra đời chỉ số VS 100 và hệ thống chỉ số Market Cap, giúp đo lường chính xác hơn sự biến động của thị trường.
Giai đoạn đến ngày 9/2/2011, dù VN-Index tăng điểm nhưng chỉ số VS 100 cho thấy mức sụt giảm 0.33% ở nhóm cổ phiếu chủ chốt trên thị trường.
Giai đoạn từ 9/2/2011 đến 25/05/2011: Lao dốc trước chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất tăng cao
Thị trường lao dốc về mốc 386.36 điểm vào ngày 25/05/2011, mức thấp nhất kể từ đáy năm 2009. Trong gần 4 tháng, chỉ số VN-Index đã mất 26% so với mức đỉnh thiết lập vào ngày 9/02/2011.
Điểm đáng chú ý trong giai đoạn này là sự kháng cự ở ngưỡng 450 – 470 điểm của VN-Index. Sau gần 2 tháng giao dịch lình xình và đi ngang ở ngưỡng này, VN-Index đã chính thức lao dốc mạnh, xuyên qua ngưỡng 420 - 400 điểm một cách khá dễ dàng và rớt về 386.36 điểm. Khối lượng giao dịch cũng đã sụt giảm mạnh trong giai đoạn này.
Sự sụt giảm của thị trường bị ảnh hưởng bởi những thông tin không mấy tích cực khi chỉ số CPI luôn có mức tăng cao; việc điều chỉnh tăng giá các mặt hàng thiết yếu như điện và xăng dầu càng khiến vấn đề CPI thêm trầm trọng.
Quyết định giảm giá đồng nội tệ thêm 9.3% cũng khiến giới đầu tư lo lắng. Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt khi hạn chế tăng trưởng tín dụng ở mức 20% và đặc biệt là việc yêu cầu kéo tỷ lệ dư nợ tín dụng phi sản xuất về mức 22% vào giữa năm và xuống còn 16% vào cuối năm.
Việc điều chỉnh này đã khiến lãi suất trên thị trường liên tục gia tăng. Mức lãi suất huy đông của các ngân hàng trong giai đoạn này có lúc đã lên tới 19-20%, vươt xa trần huy động cho phép là 14%. Trong khi đó, lãi suất cho vay trên thị trường cũng tăng vọt, có lúc lên hơn 25%.
Giai đoạn từ 26/5 – 12/8/2011: Test lại ngưỡng hỗ trợ 385 điểm
Ngay sau khi chạm mốc 386.36 điểm, thị trường đã có chuỗi 6 phiên hồi phục liên tiếp giúp VN-Index tăng 16.6%, đưa chỉ số lên mức 450.59 điểm vào ngày 2/6/2011.
Việc thị trường sụt mất hơn 26% trước đó đã kích thích dòng tiền bắt đáy trở lại. Ngoài ra, thị trường đón nhận nhiều thông tin vĩ mô tích cực như CPI giảm tốc, thị trường trái phiếu phát đi những tín hiệu lạc quan và khả năng lãi suất được kéo giảm xuống, Bộ Tài chính trình phương án giãn và miễn giảm thuế...
Trong đợt hồi phục nhanh này, một lần nữa các cổ phiếu Large Cap tiếp tục thể hiện vai trò đầu tàu và hiện tượng “xanh vỏ đỏ lòng” tái diễn trong một số phiên.
Áp lực điều chỉnh thị trường do bị ảnh hưởng của nhóm Large Cap cùng với những e ngại về triển vọng kinh tế vĩ mô, đặc biệt là lạm phát, sự co hẹp của tín dụng chứng khoán... Bên mua chùn tay và thị trường sụt giảm trở lại về mức 383.92 điểm vào ngày 12/08/2011.
Chứng khoán Việt Nam trong những ngày đầu tháng 8 cũng chịu tác động tâm lý không nhỏ từ cuộc khủng hoảng nợ công Châu Âu ngày một diễn biến phức tạp hơn.
Giai đoạn từ 13/08- 15/9/2011: Birth of the bull... ngắn ngủi
Tình trạng của chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn này là tin xấu tràn ngập, tâm lý bi quan phổ biến, thanh khoản cạn kiệt và phục hồi yếu ớt. Tuy nhiên, chính những điều này đã tiếp tục kích thích dòng tiền tham lam trở lại thị trường, và những người đi ngược xu hướng đã tận hưởng được thành quả đáng kể (và hiếm hoi) trong năm.
Tin tức tác động đến thị trường trong giai đoạn này là sự kỳ vọng từ nhiệm kỳ Chính phủ khóa mới với những tư duy đột phá trong chính sách, hứa hẹn sẽ mang lại luồng gió mát cho nền kinh tế. Dấu hiệu lạm phạt đạt đỉnh vào tháng 8 giúp khả năng giảm lãi suất nhiều khả năng thành hiện thực. Bên cạnh đó NHNN đã có những bước đi cụ thể hóa định hướng giảm lãi suất.
Với nhiều yếu tố thuận lợi, VN-Index chính thức bước vào chuỗi tăng điểm ấn tượng trong năm khi có mức tăng trưởng gần 22% từ 383.92 lên mức 470.67 điểm tại ngày 15/9.
Giai đoạn từ 16/9 đến cuối năm: Đáy ở đâu?
Đợt tăng mạnh trong hơn 1 tháng khiến cho nhiều người kỳ vọng về việc hình thành sóng tăng trên thị trường. Tuy nhiên, diễn biến thế giới ngày càng trở nên căng thẳng, trong khi tình hình vĩ mô trong nước không mấy sáng sủa đã nhanh chóng nhấn chìm sự kỳ vọng này. Thị trường trở lại lao dốc liên tục và vẫn chưa biết đâu là đáy.
Thế giới: Vòng xoáy khủng hoảng nợ công ngày càng phức tạp hơn, mở rộng ảnh hưởng đến nền kinh tế của các nước nội vi eurozone, và gây hoang mang đến thị trường tài chính toàn cầu.
Trong nước: Vấn đề thiếu thanh khoản của một số NHTM ngày càng trở nên trầm trọng hơn khi Chính phủ có những biện pháp hành chính mạnh tay trong việc quản lý trần lãi suất huy động 14%. Hoạt động tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã được kích hoạt. Nhưng nợ xấu gia tăng liên tục cùng với hàng loạt vụ vỡ nợ trên thị trường chợ đen đã khiến giới đầu tư trở nên bi quan và thận trọng hơn.
Chủ đề thanh khoản cũng cũng lan sang một số CTCK khiến niềm tin của giới đầu tư bị sụt giảm nghiêm trọng. Hiện tượng đầu cơ vàng tăng mạnh khiến cho thị trường này hỗn loạn, vấn đề tỷ giá cũng vì đó mà biến động phức tạp.
Đối mặt với những khó khăn chồng chất, TTCK đã liên tục sụt giảm và dễ dàng xuyên thủng nhiều ngưỡng hỗ trợ mạnh trước đây.
Thị trường vẫn xuất hiện một số phiên phục hồi, nhưng với việc kinh tế vĩ mô đang phải đối mặt nhiều khó khăn mang tính cơ cấu bộc phát cùng lúc, thì sự phục hồi này chỉ mang tính chất ngắn hạn. Hoàn toàn dễ hiểu khi bên bán không ngần ngại xả hàng trong những phiên tăng điểm của thị trường.
Thanh khoản thị trường trong giai đoạn này sụt giảm mạnh so với trước đó. Việc bắt đáy “hụt” liên tục cũng như niềm tin giảm sút khiến cho tâm lý của giới đầu tư trở nên thận trọng hơn rất nhiều.
Tác động của các cổ phiếu lớn vẫn tiếp tục có sự ảnh hưởng nhất đinh đến thị trường. Tuy vậy, điều này cũng không thể giúp các chỉ số tránh khỏi sự sụt giảm mạnh khi chính những cổ phiếu trong nhóm này cũng bị xả hàng mạnh mẽ.
Giao dịch thỏa thuận tăng đột biến khi về cuối năm. Diễn biến giao dịch này được cho là xuất phát từ hoạt động M&A.
Hoạt động thoát hàng mạnh mẽ của khối ngoại cũng góp phần làm thị trường trở nên “thê thảm” hơn. Việc thoát hàng liên tục được cho là xuất phát từ 2 nguyên nhân chính: một là nhằm tái cấu trúc lại danh mục đầu tư; hai là khối ngoại cũng đang dần thoát hàng nhằm chuẩn bị cho quá trình thoái vốn của hàng loạt quỹ trong năm 2012.
Kết thúc năm 2011, VN-Index đã mất 27.5% so với thời điểm 31/12/2010 đứng tại 351.55 điểm và HNX-Index mất 48.6%, đứng tại 57.61 điểm.
Mức giảm của VN-Index chỉ vào khoảng ½ so với mức giảm của HNX-Index nhờ vào nỗ lực nâng đỡ của nhóm Large Cap. Trong năm 2011, VS-Large Cap chỉ giảm nhẹ 6.23%. Trong khi đó, VS-Micro Cap giảm đến 61.1%, tiếp theo là VS-Small Cap giảm 54% và VS-Mid Cap giảm 50.3%.
Vấn đề tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, TTCK và nền kinh tế nói chung mới chỉ ở những bước đầu tiên. Khó khăn vẫn còn ở phía trước và sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng đến chứng khoán trong năm 2012.
Phòng Nghiên cứu VIETSTOCK
|