Thứ Bảy, 07/01/2012 09:57

Kinh tế Vĩ mô Tuần 09 – 13/01: Ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và tái cơ cấu nền kinh tế

(Vietstock) – Mục tiêu trọng tâm xuyên suốt của Nghị quyết số 1 vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát; tuy nhiên, điểm sáng nổi bật là tư duy đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế.

I. KINH TẾ TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Mỹ: So với bức tranh kinh tế tối màu khu vực châu Âu, kinh tế Mỹ trong năm 2011 đã đạt được những kết quả khởi sắc hơn. Tuy vậy, nền kinh tế lớn nhất thế giới này vẫn phải tiếp tục đương đầu với những thách thức và khó khăn mới, đặc biệt là nguy cơ rơi vào suy thoái.

Theo dự báo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), hoạt động kinh tế ở quốc gia này sẽ dần tăng trưởng trở lại trong các năm 2012 và 2013; trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao như hiện nay.

Fed cũng cho biết sẽ cập nhật 4 lần/năm về những kế hoạch chính sách tiền tệ, cùng với những dự báo về tăng trưởng kinh tế, thất nghiệp và lạm phát của nền kinh tế. Đây là một trong những nỗ lực của Fed trong việc cung cấp thông tin minh bạch và rõ ràng hơn với công chúng.

Như vậy, vào ngày 24 - 25/1 tới, tại cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC), Fed sẽ công bố dự báo lãi suất lần đầu tiên cùng với các chính sách kinh tế khác. 

Các số liệu được Chính phủ Mỹ công bố đã cho thấy sự cải thiện của nền kinh tế. Hiệp hội các nhà bất động sản quốc gia (NAR) cho biết doanh số nhà chờ bán tăng 7.3% trong tháng 11 lên mức cao nhất trong 19 tháng.

Lĩnh vực sản xuất trong tháng 12 vừa qua cũng tăng trưởng mạnh nhất kể tháng 6; trong khi chi tiêu xây dựng tháng 11 vọt lên mức cao nhất trong 18 tháng.

Chỉ số quản lý thu mua (PMI) tháng 12 của bang Chicago giảm nhẹ 0.1 điểm xuống 62.5 điểm, tốt hơn so với dự báo và đánh dấu tháng mở rộng thứ 27 liên tiếp.

Số việc làm mà lĩnh vực tư nhân tạo ra trong tháng 12 cao hơn gấp hai lần so với dự báo. Số người lần đầu nộp đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp giảm 15,000 trong tuần gần nhất và đà tăng trưởng của lĩnh vực dịch vụ cũng tăng tốc trong tháng qua.

Châu Âu: Năm 2012 được nhận định là một năm khá nhiều việc cho các nhà hoạch định chính sách châu Âu, nhằm giải quyết những hậu quả của cuộc khủng hoảng nợ công cũng như xoa dịu và khôi phục lại niềm tin của giới đầu tư toàn cầu.

Theo một nguồn tin không chính thức, vào ngày 09/01, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy sẽ có cuộc gặp tại Berlin để thảo luận về cách tiếp cận của hai nước đối với các chính sách kinh tế tại khu vực Eurozone, cũng như chuẩn bị cho một cuộc họp thượng đỉnh của Liên minh châu Âu (EU) được dự kiến tổ chức vào ngày 30/01.

Tiếp theo đó, vào ngày 11/01, Thủ tướng Ý Mario Monti sẽ có buổi gặp gỡ chính thức với Thủ tướng Đức Angela Merkel để bàn về tình hình khu vực đồng tiền chung EUR cũng như các vấn đề song phương.

Song song với việc tìm kiếm sự trợ giúp từ bên ngoài, chính phủ Ý cũng không ngừng gia tăng các biện pháp nhằm thúc đẩy kinh tế. Thủ tướng Ý đang chuẩn bị đề xuất thêm một số cải cách mới (chương trình tự do hóa, cải cách phúc lợi xã hội, thị trường lao động …) sau khi Quốc hội nước này đã thông qua kế hoạch “thắt lưng buộc bụng” trị giá 33 tỷ EUR vào tháng trước.

Có thể thấy chính phủ Ý đang hết sức nỗ lực vực dậy nền kinh tế lớn thứ 3 khu vực Eurozone.

Một số thông tin quan trọng khác trong tuần sẽ đến từ cuộc họp Hội đồng điều hành Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) diễn ra vào ngày 12/01 tại Frankfurt để đưa ra quyết định chính sách tiền tệ.

Trong khi đó, Hy Lạp vẫn đang khá vất vả để giải quyết các vấn đề nội tại; và Thủ thướng Lucas Papademos đã cảnh báo về nguy cơ vỡ nợ không kiểm soát vào tháng 3 tời nếu các tới nếu các nghiệp đoàn và chủ lao động không thể nhanh chóng thống nhất về những biện pháp cắt giảm chi phí lao động để nâng cao khả năng cạnh tranh.

Bất chấp những khó khăn chồng chất ở khu vực đồng tiền chung EUR, kinh tế Đức vẫn phát ra những tín hiệu khả quan khi số người thất nghiệp trong năm 2011 đã giảm 263,000 xuống còn gần 3 triệu người; tương đương với mức giảm 0.6%, xuống mức trung bình cả năm 7.1%.

Theo cơ quan Thống kê quốc gia Destatis, số người có việc làm ở Đức đạt mức kỷ lục mới 41.04 triệu trong năm 2011, vượt ngưỡng trên 50% dân số.

II. KINH TẾ TÀI CHÍNH TRONG NƯỚC

Nghị quyết 01: Ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và tái cơ cấu nền kinh tế

Ngay những ngày đầu năm 2012, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP với mục tiêu trọng tâm là ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.

So với bối cảnh ra đời và nội dung của Nghị quyết số 11, có thể nói Nghị quyết số 01 đã thể hiện rất rõ vị thế chủ động và quyết tâm tái cơ cấu nền kinh tế của Chính phủ .

Mục tiêu trọng tâm xuyên suốt vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát; tuy nhiên, điểm sáng nổi bật là tư duy đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế.

Cụ thể, 2 nhóm giải pháp đầu tiên trong gói giải pháp định hướng sự phát triển của nền kinh tế trong năm 2012:

Thứ nhất, tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Cụ thể là tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, linh hoạt; tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, hiệu quả; tăng cường kiểm soát thị trường, giá cả, tổ chức tốt thị trường trong nước; khuyến khích xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, hạn chế nhập siêu.

Thứ hai, tập trung tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, khả năng cạnh tranh. Cụ thể là, tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công; tái cơ cấu hệ thống tài chính, ngân hàng, trọng tâm là các ngân hàng thương mại; tái cơ cấu doanh nghiệp, trọng tâm là doanh nghiệp nhà nước.

Giảm lãi suất sẽ đến sau khi “bình ổn” thị trường ngân hàng

Sau lạm phát, giảm mặt bằng lãi suất có lẽ là vấn đề được quan tâm hàng đầu của nền kinh tế vốn đang phải “gánh nặng” chi phí vốn cao.

Chúng tôi đã có những phân tích về cơ hội và rủi ro trong việc giảm trần lãi suất huy động. Rõ ràng, có nhiều nguyên nhân dẫn tới những khó khăn trong việc kéo giảm mặt bằng lãi suất, và không thể không nhắc đến ảnh hưởng lớn của nhóm các NHTM kém thanh khoản.

Không phải ngẫu nhiên, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình liên tục khẳng định sẽ kiên quyết trong việc xử lý các TCTD rủi ro, có nguy cơ mất an toàn. Với thông điệp này, việc tái cơ cấu các TCTD dự báo sẽ sớm diễn ra mạnh mẽ hơn trong tương lai gần.

Có lẽ đã đến lúc các NHTM phải “tự cứu lấy mình” trước khi bị gạt ra khỏi cuộc chơi bởi làn sóng tái cơ cấu, đổi mới này.

Và như vậy, việc “bình ổn” thị trường ngân hàng sẽ phải đi trước giảm lãi suất trên thị trường.

III. TIN TỨC VĨ MÔ TRONG NƯỚC NỔI BẬT

• Ngân hàng JPMorgan Chase nhận định mức độ ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam có thể sẽ được cải thiện trong năm 2012 nhờ chính sách thắt chặt đã bắt đầu phát huy tác dụng.

Tuy vậy, JPMorgan Chase cho biết chất lượng tài sản ngân hàng vẫn đang là một trong những vấn đề cần quan tâm của Việt Nam, song nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng ở thời điểm này là thấp.

• Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, trong năm 2012, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường để dần tiến tới xóa bao cấp đối với một số hàng hóa, dịch vụ đầu vào quan trọng của nền kinh tế.

Tuy nhiên, việc điều chỉnh tăng giá sẽ ở mức độ có kiềm chế, phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát, không đẩy chỉ số giá tiêu dùng tăng quá cao.

• Trong năm 2012, Thanh tra Chính phủ sẽ tập trung thanh tra các vấn đề về tài nguyên khoáng sản, tài chính, ngân sách, ngân hàng, chương trình mục tiêu quốc gia ...

Trong quý IV/2011, ngành đã phát hiện vi phạm về kinh tế với số tiền hơn 1,270 tỷ đồng, trên 2,500 ha đất; và kiến nghị thu hồi ngân sách khoảng 1,200 tỷ đồng.

• Thanh tra Chính phủ đã phát hiện sai phạm của một số doanh nghiệp bất động sản tại TPHCM. Theo đó, nhiều dự án đã bán nền từ những năm 2002, 2004 nhưng không xây dựng, để đất trống đến 60 – 80%. Cơ quan này đang kiến nghị truy thu đối với những khoản tiền sai phạm.

Một số doanh nghiệp có số sai phạm giá trị lớn như CTCP Đầu tư xây dựng nhà (HOSE:  ITC) lên đến 245 tỷ đồng, công ty TNHH Tân Trường với 104 tỷ đồng, Công ty Phát triển Công nghiệp Tân Thuận với 25 tỷ đồng 

• Bộ Kế hoạch – Đầu tư vừa có văn bản gửi NHNN đề nghị tăng cường cơ chế theo dõi, giám sát các giao dịch ngoại hối liên quan đến việc doanh nghiệp vay ngoại tệ đầu tư ra nước ngoài.

Đây là một trong những đề xuất nhằm siết chặt những hoạt động đầu tư hiệu quả thấp nhưng có khả năng gây mất cân đối nguồn ngoại tệ trong nước.

Theo thống kê, tổng vốn Việt Nam đầu tư ra nước ngoài đăng ký (bao gồm cả cấp mới và tăng vốn) trong năm 2011 đạt 2.12 tỷ USD; trong đó, vốn thực hiện ước đạt khoảng 950 triệu USD. Các dự án quy mô lớn tập trung trong các lĩnh vực công nghiệp năng lượng, viễn thông.

• Tổng Công ty Điện lực TPHCM (EVN HCMC) đã lên phương án thoái hoàn vốn đầu tư vào dự án trung tâm thương mại phức hợp Saigon Green Energy Tower, với lộ trình dự kiến từ năm 2011 đến 2015.

Dự án trên được động thổ vào ngày 26/11/2011 với tổng mức đầu tư lên đến 6,000 tỷ đồng; trong đó tổng mức vốn EVN HCMC tham gia là 1,800 tỷ đồng. 

Thân Hoàng Dung, Phòng Nghiên cứu VIETSTOCK

Các tin tức khác

>   Kinh tế vĩ mô 2011: Lạm phát, tỷ giá, Nghị quyết số 11 và tái cấu trúc nền kinh tế (04/01/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô tuần 03-06/01: Lạc quan hay bi quan trong thời điểm giao mùa? (02/01/2012)

>   Chứng khoán năm 2011: Tăng là xả! (31/12/2011)

>   Bình luận Kinh tế Vĩ mô: Tuần 26 – 30/12 (25/12/2011)

>   Hợp nhất & Sáp nhập ngân hàng: Những kinh nghiệm phải học hỏi từ Mỹ (25/12/2011)

>   Bình luận Kinh tế Vĩ mô: Tuần 19 – 23/12 (18/12/2011)

>   Bình luận Kinh tế Vĩ mô: Tuần 12 – 16/12 (10/12/2011)

>   Bình luận Kinh tế Vĩ mô: Tuần 05 – 09/12 (04/12/2011)

>   Bình luận Kinh tế Vĩ mô: Tuần 28/11 - 02/12 (26/11/2011)

>   CPI tháng 11 tăng 0.39%: Cao hay thấp? (24/11/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật