Tâm điểm Vĩ mô 2012 – Phần 2: “Cú sốc” tỷ giá khó xảy ra, nhưng áp lực vẫn còn lớn
(Vietstock) – Trong năm 2012, đánh giá giữa những yếu tố thuận lợi và bất lợi, chúng tôi cho rằng tỷ giá USD/VND sẽ không có những biến động quá mạnh.
* Phần 1: Dự báo nới lỏng chính sách tiền tệ cuối quý 2
Sau lần điều chỉnh tăng mạnh tỷ giá USD/VND liên ngân hàng thêm 9.3% (từ 18,932 lên 20,693 VND/USD) vào ngày 11/2/2011, biến động tỷ giá tính đến thời điểm này là không đáng kể.
Cụ thể, so với mức 20,693 VND/USD thì tỷ giá bình quân liên ngân hàng ở thời điểm hiện tại đã tăng 0.65% lên 20,828 VND/USD.
Ngoài ra, tỷ giá niêm yết hiện đang theo sát diễn biến của tỷ giá trên thị trường tự do, và không có xáo trộn lớn nào.
Có thể nói việc giữ ổn định tỷ giá từ sau ngày 11/2/2011 là điểm sáng tích cực trong công tác bình ổn thị trường ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Mới đây, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết mức biến động tỷ giá trong năm 2012 (nếu có) chỉ không quá 3%.
Trong bức tranh kinh tế vĩ mô năm 2012 vẫn còn nhiều bất ổn, việc bình ổn thị trường ngoại hối tiếp tục được xem là một thách thức của NHNN. Vậy đâu là những thuận lợi và bất lợi trong việc ổn định tỷ giá USD/VND trong năm 2012?
Những thuận lợi trong việc ổn định tỷ giá
Xu hướng giảm tốc của lạm phát. Dự báo của chúng tôi cho thấy lạm phát trong những tháng đầu năm 2012 sẽ tiếp tục xu hướng giảm tốc như những tháng cuối năm 2011; và sau đó mức độ giảm tốc sẽ chậm dần lại khi chính sách tiền tệ có tín hiệu nới lỏng hơn.
Như vậy, đà giảm tốc của lạm phát sẽ phần nào giảm bớt áp lực mất giá của đồng nội tệ VND. Hay nói cách khác, áp lực tỷ giá trong năm 2012 sẽ không còn quá lớn như năm 2011.
Hiệu ứng tích cực từ Nghị định 95. Trong nỗ lực bình ổn thị trường ngoại hối, Chính phủ đã ban hành Nghị định 95 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 202 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng.
NHNN sau đó đã tiến hành xử phạt khá nặng và tịch thu ngoại tệ trong nhiều giao dịch ở thị trường tự do ở TPHCM và Hà Nội. Tín hiệu tích cực từ động thái cứng rắn này là các hoạt động giao dịch ngoại tệ trên thị trường tự do kém sôi động hẳn đi, và tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do đã có dấu hiệu hạ nhiệt hơn.
Trong năm 2012, các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính của Nghị định 95 được dự báo sẽ tiếp tục phát huy tác dụng, góp phần hạn chế các hoạt động đầu cơ và chống tình trạng đô-la hóa trong nền kinh tế.
Thặng dư cán cân thanh toán tổng thể. Sau hai năm thâm hụt liên tiếp, cán cân thanh toán tổng thể trong năm 2011 đã có chuyển biến tích cực với mức thặng dư ước tính vào khoảng 2 tỷ USD. Mức thặng dư này sẽ bổ sung đáng kể vào nguồn dự trữ ngoại hối quốc gia.
Việc chênh lệch trong hai báo cáo (từ năm 2007 đến 2010) của NHNN và Bộ Kế hoạch và Đầu tư có thể được giải thích là do khoản mục sai số trong cán cân thanh toán tổng thể. Riêng số liệu năm 2011 được ước tính dựa trên cách tính của NHNN và số liệu của Tổng cục Thống kê.
Sang năm 2012, những khó khăn của nền kinh tế trong nước nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung vẫn còn hiện diện. Tuy vậy, những yếu tố dự báo tích cực như xuất khẩu vẫn trên đà tăng trưởng; dòng vốn đầu tư, vốn vay được duy trì ổn định… sẽ giúp cán cân thanh toán tổng thể trong năm 2012 tiếp tục thặng dư.
Với tín hiệu khả quan này, áp lực tỷ giá trong năm 2012 sẽ phần nào được giải tỏa đáng kể. Hay nói cách khác, thị trường ngoại hối nhiều khả năng không bị “sốc” mạnh như năm 2011.
Những bất lợi trong việc ổn định tỷ giá
Niềm tin vào đồng nội tệ vẫn ở mức thấp. Những bất ổn kéo dài của nền kinh tế khiến cho lòng tin của người dân vào đồng nội tệ bị suy giảm khá nhiều; cụ thể là tình trạng niêm yết giá hàng hóa bằng USD khá phổ biến, những khoản vay ngoại tệ tăng cao so với nội tệ, hành động đầu cơ, tích trữ USD…
Ngoài ra, những kỳ vọng về sự biến động mạnh của giá vàng cũng phần nào làm giảm bớt giá trị của đồng nội tệ.
Đây là một trong những rào cản lớn nhất trong công tác bình ổn thị trường ngoại hối của các cơ quan chức năng.
Tiền đồng vẫn đang bị định giá cao. Mặc dù lạm phát trong những tháng cuối năm 2011 đã có những diễn biến khá tích cực, nhưng lạm phát Việt Nam nhìn chung vẫn đang ở mức cao hơn nhiều so với lạm phát tại các quốc gia khác.
Đây là một trong những lý do chính khiến cho tiền đồng vẫn đang bị định giá cao hơn so với đồng USD, và một số đồng nội tệ khác.
Vietstock: Trong năm 2012, đánh giá giữa những yếu tố thuận lợi và bất lợi, chúng tôi cho rằng tỷ giá sẽ không có những biến động quá mạnh. Tuy vậy, tỷ giá USD/VND tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh trong thời gian tới.
Chúng tôi dự báo tỷ giá bình quân liên ngân hàng sẽ dao động quanh mức 22,000 VND/USD, tức tăng khoảng hơn 5%, nếu nền kinh tế duy trì được sự ổn định cần thiết. Trong kịch bản xấu hơn, VND có thể bị giảm giá nhiều hơn.
Thân Hoàng Dung, Phòng Nghiên cứu VIETSTOCK
|