Thứ Năm, 19/01/2012 09:42

Cổ phiếu ”nóng”: REE đã sideway đủ lâu?

(Vietstock) – Sau các diễn biến gần đây, REE đang thu hút sự chú ý trở lại của giới đầu cơ. Cổ phiếu này đã tích lũy đủ lâu để tạo nên đột biến?

Thanh khoản tích cực, được giới đầu cơ chú ý trở lại

Cổ phiếu của CTCP Cơ điện lạnh (HOSE: REE) mặc dù đã giảm bớt sức hấp dẫn so với giai đoạn trước đây, nhưng vẫn luôn duy trì được thanh khoản cao trên thị trường. Khối lượng giao dịch trung bình 52 tuần ở REE hiện đạt hơn 818 ngàn đơn vị.

Gần đây, REE được giới đầu tư quan tâm trở lại sau khi thoái hàng loạt khoản đầu tư tài chính, đặc biệt là khoản đầu tư vào STB.

Việc thoái vốn này xuất phát từ chiến lược của REE là rút lui khỏi các khoản mục đầu tư tài chính và tập trung vào các hoạt động chính, tập trung đầu tư ở các lĩnh vực thiết yếu như điện, nước…

Hoạt động chính năm 2011 tiếp tục tăng trưởng ổn định – Tái cơ cấu đầu tư tài chính

Lợi nhuận quý 3/2011 tăng trưởng mạnh nhờ doanh thu tài chính. Doanh thu thuần quý 3 của REE đạt 440 tỷ đồng, giảm nhẹ 4% so với cùng kỳ 2010. Tuy nhiên, lợi nhuận gộp tăng 7% lên 135.5 tỷ đồng.

Doanh thu tài chính cao gấp hơn 2 lần cùng kỳ khi đạt 83 tỷ đồng, trong đó gần 68 tỷ đồng là cổ tức, lợi nhuận được chia. Bên cạnh đó, chi phí tài chính cũng giảm đáng kể nhờ vào khoản hoàn nhập dự phòng giảm giá đầu tư 25 tỷ đồng. Nhờ vậy, lợi nhuận từ hoạt động này đạt trên 80 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 220 triệu đồng.

Lợi nhuận sau thuế quý 3 tăng 128% so với cùng kỳ, đạt 147 tỷ đồng.

Hoạt động 9 tháng đầu năm 2011 ổn định. Lũy kế 9 tháng, doanh thu hợp nhất đạt gần 1,295 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ và hoàn thành 66% kế hoạch cả năm (1,950 tỷ đồng).

Doanh thu từ mảng dịch vụ cung cấp và lắp đặt đạt 633 tỷ đồng, đóng góp lớn nhất vào tổng doanh thu. Tiếp theo là mảng sản xuất và thương mại đạt gần 392 tỷ đồng, mảng bất động sản đóng góp 270 tỷ đồng.

Thu nhập tài chính 9 tháng đầu năm chủ yếu đến từ lãi tiền gửi 88.5 tỷ đồng và 99.8 tỷ đồng từ cổ tức, lợi nhuận được chia.

Lợi nhuận của REE bị ảnh hưởng mạnh do chi phí lãi vay tăng cao. Tổng lãi vay trong 3 quý đầu năm 2011 là 60.2 tỷ đồng, tăng gần 11 lần so với cùng kỳ năm 2010.

Lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm đạt 317.8 tỷ đồng, tăng 41% so cùng kỳ và bằng 71% kế hoạch cả năm (450 tỷ đồng).

Cơ cấu tài chính có sự thay đổi lớn. Việc chuyển đổi trái phiếu giúp tổng nợ ngắn hạn và dài hạn của REE chỉ còn 226 tỷ đồng, giảm mạnh so với 1,053 tỷ đồng thời điểm cuối năm 2010. Tuy vậy, điều này đồng nghĩa với việc vốn đầu tư chủ sở hữu tăng từ 1,863 tỷ đồng lên 2,446 tỷ đồng.

Tiền mặt giảm mạnh. Tính đến cuối quý 3, khoản mục Tiền và tương đương tiền chỉ còn gần 351 tỷ đồng, trong khi thời điểm đầu năm là 1,172 tỷ đồng. Việc sụt giảm mạnh nguồn tiền mặt chủ yếu do REE đẩy mạnh hoạt động đầu tư trong thời gian qua.

Có thể thấy lãi tiền gửi của REE trong quý 3 đã sụt giảm mạnh so với 2 quý đầu năm.

Cơ cấu lại các khoản đầu tư tài chính. REE đang thoái vốn hàng loạt ở các khoản mục đầu tư tài chính.

Trong quý 3/2011, REE đã hoàn thành bán toàn bộ trên 3,435,000 cổ phần, tương đương 68.7% vốn điều lệ của CTCP Quản lý quỹ RNG; và tháng 1/2012, REE cũng đã bán hết 42 triệu cổ phiếu của STB.

REE sẽ tập trung vào những mảng có thế mạnh như cung cấp dịch vụ M&E cho các công trình lớn, phát triển sản phẩm Reetech, phát triển thêm mảng tiện ích công cộng như điện, nước...

Thực tế cho thấy khoản mục đầu tư tài chính dài hạn gia tăng mạnh từ 1,651 tỷ đồng đầu năm lên 2,272 tỷ đồng vào cuối quý 3/2011. Trong đó, khoản mục đầu tư liên doanh, liên kết tăng mạnh từ 454 tỷ đồng lên 1,000 tỷ đồng; chủ yếu gia tăng đầu tư vào CTCP BOO Nước Thủ Đức và đầu tư mới vào CTCP Thủy điện Thác Mơ.

Đánh giá triển vọng hoạt động của REE

REE vẫn tiếp tục tiến bước trong giai đoạn khủng hoảng 2008 - 2011 khi doanh thu, lợi nhuận và tài sản đều tăng trưởng.

Mặc dù vậy, trong năm 2012, REE sẽ phải đối mặt với khó khăn ở các mảng hoạt động chính.

Hoạt động M&E sẽ gặp khó khăn. Triển vọng phát triển của ngành M&E là khá sáng sủa, khi tốc độ đô thị hóa tăng cao, ngành công nghiệp và xây dựng đang phát triển nhanh. Tiềm lực tài chính và kinh nghiệm giúp REE có thể cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài. REE là nhà thầu cơ điện có uy tín hàng đầu tại thị trường Việt Nam với thị phần nắm giữ khoảng 30%. 

Mặc dù vậy, năm 2012 hứa hẹn sẽ nhiều khó khăn do tình hình thị trường bất động sản đang hết sức trầm lắng.

Kinh doanh các sản phẩm Reetech đang gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt. Việc kinh doanh các sản phẩm Reetech có vẻ đang chững lại khi doanh thu 9 tháng đầu năm ở mảng này chỉ đạt gần 392 tỷ đồng, giảm mạnh 15.5% so với cùng kỳ.

Thị phần của REE cũng bị sụt giảm trong thời gian qua do sự cạnh tranh gay gắt từ nhãn hiệu quốc tế như LG, Panasonic, Daikin...

Ngoài việc bán lẻ, REE cũng tập trung khai thác mảng cung cấp cho các công trình giúp đa dạng hóa kênh tiêu thụ. Hiện REE đang tập trung vào phân khúc thị trường trung cấp.

Việc REE thay đổi chiến lược tập trung đầu tư vào ngành nghề chính được kỳ vọng sẽ giúp mảng kinh doanh này tăng trưởng tích cực trở lại trong tương lai.

Hoạt động cho thuê văn phòng ổn định. Hiện tại, REE đang quản lý 6 tòa nhà văn phòng cho thuê tại TPHCM với tổng diện tích kinh doanh cho thuê hiện ước đạt 85 ngàn m2.

Mặc dù thị trường văn phòng cho thuê đang gặp khó, nhưng do đã kinh doanh từ trước thời điểm khó khăn cộng với mức giá thuê hợp lý khoảng 16 USD/m2 nên tỷ lệ lấp đầy của REE hiện vẫn đạt trên 90%.

Cuối năm 2011, REE vừa đưa tòa nhà Ree Tower tại Đường Đoàn Văn Bơ Quận 4 đi vào khai thác, giúp có thêm 20 ngàn m2 văn phòng kinh doanh. Giá cho thuê dự kiến tại tòa nhà này là 25 USD/m2, và rõ ràng là một thách thức kinh doanh của REE trong bối cảnh hiện tại của thị trường bất động sản văn phòng cho thuê.

Đầu tư tài chính đang dần trở thành mảng kinh doanh chính. Tổng nguồn đầu tư tài chính theo giá vốn tại cuối quý 3/2011 của REE lên tới 2,692 tỷ đồng, chiếm hơn 50% tổng tài sản. Có thể thấy đầu tư tài chính đã trở thành trọng tâm trong hoạt động của REE, bên cạnh các mảng kinh doanh hiện tại. Trong 9 tháng đầu năm 2011, mảng tài chính cũng đã đóng góp rất nhiều vào lợi nhuận của REE.

REE đang dịch chuyển các khoản đầu tư tài chính sang các ngành thiết yếu như điện, nước... Đây là những ngành khá an toàn, giúp rủi ro đầu tư giảm bớt, đồng thời tạo nguồn thu ổn định trong nhưng năm tới đây.

Ngoài ra, việc chuyển nhượng 42 triệu cổ phiếu STB chắc chắn sẽ giúp doanh thu tài chính của REE tăng đáng kể trong quý 1/2012.

Chiến lược giao dịch ngắn hạn đối với cổ phiếu REE

Khối lượng giao dịch ổn định. Quan sát đường SMA 20 của khối lượng giao dịch REE trong vòng 3 tháng gần đây, có thể nhận thấy một đặc tính rất điển hình là liên tục dịch chuyển ngang. Điều đó thể hiện sự ổn định của lực cầu ở cổ phiếu này. Đây là một trong những điều hiếm thấy ở các cổ phiếu khác trong giai đoạn hiện nay.

Điểm đáng chú ý nhất của REE là giá đang được nâng đỡ bởi đường trendline chống đỡ dài hạn (tương đương vùng 10,400 – 11,200) với rất nhiều lần test thành công trong quá khứ. Lần gần đây nhất là vào đầu tháng 10/2011, sau khi test ngưỡng này giá đã bật lên khá mạnh và liên tục giao dịch tích cực sau đó. Đây nhiều khả năng sẽ là tâm điểm kỹ thuật của cổ phiếu này trong 3 – 6 tháng tới.

Chiến lược đầu tư: Việc canh mua khi giá dịch chuyển về gần vùng 10,400 – 11,200 có thể coi là chiến lược khá hợp lý trong giai đoạn hiện nay.

Tranh mua ở mức giá cao trong các phiên tăng điểm mạnh có thể không phải là điều nên làm vì REE không phải là cổ phiếu có tính đầu cơ lớn nên khả năng có lợi nhuận trong trường hợp này không cao.

Khối lượng cũng cần được quan sát kỹ. Nếu như đà tăng trưởng chậm lại hoặc sụt giảm thì việc thận trọng và thoát ra là cần thiết để tránh những biến động bất ngờ.

Phòng Nghiên cứu VIETSTOCK

Các tin tức khác

>   Tâm điểm Vĩ mô 2012 - Phần 1: Dự báo nới lỏng chính sách tiền tệ cuối quý 2 (16/01/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 16 – 20/01: Đón đầu tín hiệu hạ lãi suất? (14/01/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 09 – 13/01: Ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và tái cơ cấu nền kinh tế (07/01/2012)

>   Kinh tế vĩ mô 2011: Lạm phát, tỷ giá, Nghị quyết số 11 và tái cấu trúc nền kinh tế (04/01/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô tuần 03-06/01: Lạc quan hay bi quan trong thời điểm giao mùa? (02/01/2012)

>   Chứng khoán năm 2011: Tăng là xả! (31/12/2011)

>   Bình luận Kinh tế Vĩ mô: Tuần 26 – 30/12 (25/12/2011)

>   Hợp nhất & Sáp nhập ngân hàng: Những kinh nghiệm phải học hỏi từ Mỹ (25/12/2011)

>   Bình luận Kinh tế Vĩ mô: Tuần 19 – 23/12 (18/12/2011)

>   Bình luận Kinh tế Vĩ mô: Tuần 12 – 16/12 (10/12/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật