Tổng hợp Kinh tế Vĩ mô Tuần 16 – 20/01
(Vietstock) – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ban hành Chỉ thị 03/CT-TTg yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước tập trung chỉ đạo đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.
I. KINH TẾ TÀI CHÍNH THẾ GIỚI
Nền kinh tế Mỹ tiếp tục đón nhận tín hiệu khả quan trong tháng 1/2012 khi niềm tin tiêu dùng Mỹ trong một khảo sát của Thomson Reuters và đại học Michigan đã đạt mức tăng cao nhất kể từ tháng 5/2011, tăng lên 74 điểm từ mức 69.9 điểm, và là tháng thứ 5 tăng liên tiếp.
Trong khi đó, Bộ Thương mại Mỹ vừa công bố mức thâm hụt thương mại tháng 11/2011 là 47.8 tỷ USD, tăng 10.4% so với tháng trước và là mức cao nhất trong vòng 5 tháng, cao hơn con số dự báo 45 tỷ USD của các chuyên gia kinh tế.
Ngoài ra, số liệu thâm hụt thương mại tháng 10/2011 cũng được điều chỉnh giảm xuống còn 43.3 tỷ USD. Như vậy, tính chung 11 tháng đầu năm 2011, thâm hụt thương mại ở Mỹ ở mức 512.8 tỷ USD, tăng 11.6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, nhập khẩu tăng 15.1%, và xuất khẩu tăng 14.3%.
Tâm điểm khu vực châu Âu trong tuần này là các cuộc thương lượng với các ngân hàng về thỏa thuận hoán đổi nợ của Hy Lạp.
Cụ thể, ngày 18/1, Hy Lạp đã chính thức nối lại đàm phán giảm nợ với các chủ nợ tư nhân, với mục tiêu xóa khoảng 50% nợ (trị giá 100 tỷ EUR, tương đương 128 tỷ USD) theo thỏa thuận đã đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) vào cuối năm 2011. Lộ trình đàm phán này được kỳ vọng sẽ đạt được thỏa thuận vào cuối tuần này.
Nếu thành công, thỏa thuận này sẽ là tín hiệu tích cực giúp “xoa dịu” cơn bão nợ công vốn đang có nguy cơ làm tan vỡ khu vực đồng tiền chung EUR.
Trong khi đó, thị trường lại tỏ ra “khá bình thản” trước quyết định hạ bậc tín nhiệm hàng loạt của S&P, cũng như những cảnh báo của cơ quan xếp hạn tín nhiệm Fitch.
Trái ngược lại, các nhà hoạch định chính sách châu Âu tỏ rõ thái độ gay gắt khi phản pháo lại quyết định của S&P; trong đó, Bộ trưởng Tài chính Đức chỉ trích rằng S&P đã không hiểu rõ những gì đang diễn ra ở châu Âu và cáo buộc động cơ chính trị nhằm nâng cao uy tín của các hãng xếp hạng tín nhiệm hàng đầu.
Tuy vậy, ở khía cạnh tích cực, động thái này của S&P có thể được xem là chất xúc tác buộc các nhà chức trách phải khẩn trương hành động nhằm ngăn chặn cơn bão nợ công đang lan rộng.
Mới đây, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã hối thúc Eurozone nhanh chóng thực hiện Hiệp ước tài chính siết chặt đã được các nhà lãnh đạo nhất trí tại Hội nghị thượng đỉnh vào cuối năm 2011.
Theo dự kiến, ngày 23/01, các Bộ trưởng Tài chính Eurozone sẽ nhóm họp trước khi diễn ra hội nghị Thượng đỉnh châu Âu vào ngày 30/01 tới.
Tiếp theo đó, ngày 24/01, Bộ trưởng Tài chính từ 27 quốc gia EU sẽ nhóm họp để thảo luận về các chính sách kinh tế. Hiện mức độ căng thẳng ngày càng cao giữa Eurozone và các quốc gia ngoài Eurozone có thể làm thay đổi cơ cấu EU.
II. TIN TỨC VĨ MÔ TRONG NƯỚC NỔI BẬT
• Trong bản báo cáo về Kinh tế Vĩ mô châu Á quý 1/2012, Ngân hàng HSBC dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2012 đạt mức 5.7%, thấp hơn mức mục tiêu 6 – 6.5% của Chính phủ.
Ngoài ra, ngân hàng này cũng dự báo Ngân hàng Nhà nước sẽ giảm lãi suất quy định từ 14% xuống 13% trong quý 1/2012, sau đó tiếp tục giảm còn 9% vào cuối năm 2012.
• Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ban hành Chỉ thị 03/CT-TTg yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước tập trung chỉ đạo đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.
Theo đó, nhiệm vụ đặt ra trong năm 2011-2015 là phải đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN nhằm tạo ra khu vực DNNN có cơ cấu hợp lý, hiệu quả và sức cạnh tranh cao hơn, thực hiện tốt vai trò và nhiệm vụ được giao.
Riêng trong tháng 1/2012 hoàn thành phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa DNNN của các Bộ, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.
• Theo Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn giữ mức tổn thất điện năng năm 2012 là 9.5% (không giảm so với năm 2011) trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển giai đoạn 2011 – 2015. Năm 2013, mức tổn thất dự kiến sẽ tăng lên trên 9.7%.
Trong khi đó, ở đề án giảm tổn thất điện năng giai đoạn 2009 – 2012, Bộ Công thương đã phê duyệt mức tổn thất năm 2011 là 9.5% và năm 2012 là 9.1%.
• Bộ Công thương vừa ban hành quyết định số 02/QĐ-BCT về việc thành lập hai đoàn kiểm tra liên ngành, nhằm kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng dầu tại một số địa bàn trọng điểm.
Theo đó, trong thời gian từ 16/1 đến 31/3, các đoàn sẽ tập trung kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong kinh doanh xăng dầu tại một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
• Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối giữ ổn định như quy định hiện hành về mức giá bán các chủng loại xăng, dầu; mức trích Quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng xăng, dầu; thuế suất thuế nhập khẩu các mặt hàng xăng, dầu.
Theo đó, các doanh nghiệp này được phép sử dụng Quỹ bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng, dầu. Thời gian có hiệu lực của Thông báo này từ 10 giờ sáng ngày 19/01/2012.
• Theo Bộ Giao thông vận tải, sản lượng vận tải hàng hóa của đội tàu biển Việt Nam trong năm 2011 ước đạt 96 triệu tấn, tăng khoảng 8% so với năm 2010.
Theo kế hoạch, năm 2012 tổng sản lượng vận tải của đội tàu biển Việt Nam sẽ tiếp tục tăng khoảng 6% đến 8% so với năm 2011, tương đương 103 triệu tấn.
• Ngày 17/01/2012, ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) và ngân hàng Chính sách Xã hội (VBSP) đã ký thỏa thuận hợp tác. Theo đó, hai bên thống nhất hợp tác trong các lĩnh vực thanh toán, vốn, tín dụng, công nghệ thông tin, truyền thông, đào tạo và các lĩnh vực khác.
Riêng về vốn, Agribank ưu tiên đầu tư vốn tạm thời nhàn rỗi vào các giấy tờ có giá do VBSP phát hành; đồng thời nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi của VBSP được ưu tiên gửi hầu hết tại Agribank và hưởng lãi suất theo thỏa thuận từng thời kỳ.
• Ngày 16/01, tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) đã gia tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) từ 5 triệu USD lên 20 triệu USD, nhằm tạo điều kiện để ngân hàng có thể hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, mở rộng hoạt động xuất nhập khẩu và tạo thêm việc làm trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế.
• Theo Bloomberg, Tập đoàn Công nghiệp và Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) không thể thanh toán khoản nợ 60 triệu USD lần 3 trong tổng khoản nợ 600 triệu USD. Như vậy cho tới nay, Vinashin đã không thể thanh toán tổng cộng 180 triệu USD.
Thân Hoàng Dung, Phòng Nghiên cứu VIETSTOCK
|