Kinh tế Vĩ mô Tuần 12 – 16/03: Nới nhẹ chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng?
Với đợt tăng giá xăng dầu cao nhất hơn 10% vừa qua, rõ ràng NHNN chỉ có thể nới lỏng nhẹ chính sách tiền tệ thắt chặt đang áp dụng, nếu không lạm phát sẽ bùng phát trở lại.
I. KINH TẾ TÀI CHÍNH THẾ GIỚI
Mỹ: Bất chấp đà tăng trưởng yếu ớt ở các nước khu vực châu Âu, nền kinh tế Mỹ vẫn tiếp tục đưa ra những tín hiệu phục hồi khả quan hơn.
Cụ thể, chỉ số phi sản xuất ISM đã tăng lên 57.3 điểm phần trăm trong tháng 2/2012, cao hơn dự báo của các chuyên gia và con số 56.8 trong tháng 1. Số liệu này cho thấy nhiều doanh nghiệp Mỹ đang tích cực mở rộng hoạt động hơn là thu hẹp.
Nền kinh tế cũng đã tạo ra thêm 227,000 việc làm trong tháng 2, giúp giữ tỷ lệ thất nghiệp ở mức 8.3% và đà tăng trưởng của nền kinh tế được củng cố.
Lượng hàng tồn kho trong tháng 1 chỉ tăng 0.4%, thấp hơn con số dự báo 0.6% của các nhà kinh tế. Chỉ số này trong tháng 12 cũng được điều chỉnh tăng 1.1%, so với con số 1% trước đó.
Trong khi đó, thâm hụt thương mại Mỹ bất ngờ tăng mạnh trong tháng 1/2012 lên 52.6 tỷ USD, cao hơn con số dự báo và mức thâm hụt 50.4 tỷ USD vào tháng 12/2011. Đây là mức thâm hụt hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 10/2008, và lớn hơn nhiều so với kỳ vọng.
Số đơn đặt hàng nhà máy trong tháng 1/2012 sụt giảm 1%, thấp hơn mức tăng 1.4% trong tháng trước nhưng vẫn khả quan hơn so với dự báo của các nhà kinh tế.
Tín dụng tiêu dùng trong tháng này tiếp tục tăng lên 17.8 tỷ USD, so với 16.3 tỷ USD vào tháng 12/2011. Như vậy, tín dụng tiêu dùng trong 3 tháng gần đây đạt mức trung bình 18 tỷ USD, cao hơn nhiều so với mức trung bình 5.3 tỷ USD trong giai đoạn tháng 10/2010 – 10/2011.
Chi phí nhân công quý 4/2011 bất ngờ tăng vọt lên 2.8%, cao hơn nhiều so với dự báo và quý trước. Năng suất lao động ở giai đoạn này cũng ghi nhận mức tăng 0.9%, so với con số 0.7% của quý trước.
Trong tuần tới, nền kinh tế Mỹ sẽ đón nhận một số dữ liệu kinh tế quan trọng như chỉ số tâm lý tiêu dùng tháng 3; doanh số bán lẻ, sản xuất công nghiệp, chỉ số giá nhập khẩu, sản xuất và tiêu dùng trong tháng 2/2012; cán cân vãng lai quý 4/2011.
Châu Âu: Không còn nghi ngại gì về khả năng Hy Lạp sẽ nhận được gói giải cứu trị giá 130 tỷ EUR từ bộ ba tài trợ Liên minh châu Âu (EU), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), khi các thỏa thuận hoán đổi 206 tỷ EUR trái phiếu với các chủ nợ tư nhân đã thành công.
Đây là vụ tái cấu trúc nợ lớn nhất trong lịch sử với việc các chủ nợ chấp nhận mức thua lỗ lên đến 75% giá trị, giúp Hy Lạp cắt giảm được hơn 100 tỷ EUR nợ công.
Trong khi đó, thanh khoản trên hệ thống ngân hàng khu vực đồng tiền chung EUR vẫn chưa hết căng thẳng khi lượng tiền gửi qua đêm của các ngân hàng tại ECB liên tục đạt những kỷ lục mới, sau khi ECB bơm hơn 500 tỷ EUR vào thị trường này trong ngày 29/2. Ngày 2/3, lượng tiền gửi qua đêm tại ECB đạt kỷ lục 820.8 tỷ EUR, cao hơn kỷ lục 776.9 tỷ EUR vào ngày trước đó.
Mặc dù chỉ nhận được mức lãi suất 0.25%, thấp hơn nhiều so với lãi suất trên thị trường liên ngân hàng, nhưng các ngân hàng trong khu vực này vẫn không mặn mà lắm với việc cho “người khác” vay.
Khá bi quan về nền kinh tế, ECB đã cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP của khu vực Eurozone xuống -0.1% vào năm 2012 và 1.1% vào năm 2013, so với các con số đã dự báo 0.3% và 1.3%. Tuy nhiên, lạm phát lại bị điều chỉnh tăng lên 2.4% và 1.6% trong hai năm 2012 và 2013, cao hơn so với dự báo 2% và 1.5% trước đó.
Trung Quốc: Ngoài khu vực châu Âu, Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới – cũng đã bất ngờ hạ mục tiêu tăng trưởng kinh tế xuống mức thấp nhất trong 8 năm qua là 7.5%; và xem nhu cầu tiêu dùng là ưu tiên hàng đầu vì nước này đang tìm cách giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào chi tiêu và nguồn vốn nước ngoài.
Kinh tế Trung Quốc thường tăng trưởng mạnh hơn so với mục tiêu chính thức, cụ thể vào năm ngoái tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này tăng 9.2%, bỏ xa mức mục tiêu 8%.
II. KINH TẾ TÀI CHÍNH TRONG NƯỚC
Lạm phát và khả năng hạ lãi suất
Sau phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2/2012, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết đã đến lúc giảm tất cả các lãi suất cơ bản và trần lãi suất huy động 1%.
Qua các phân tích thực hiện gần đây, chúng tôi nhận thấy việc kéo giảm lãi suất thực chất dần trở nên khả thi hơn. Chúng tôi tin rằng các yếu tố cả trong và ngoài nước đang ủng hộ cho quan điểm đây là thời cơ để kéo giảm lãi suất và hỗ trợ kinh tế tăng trưởng.
Ước tính của chúng tôi cho thấy độ trễ của mặt bằng lãi suất thông thường sẽ từ 3-4 tháng. Như vậy, nhiều khả năng doanh nghiệp sẽ có cơ hội tiếp cận vốn vay lãi suất khoảng 15-16% vào cuối quý 2/201.
Với đợt tăng giá xăng dầu cao nhất hơn 10% vừa qua, rõ ràng NHNN chỉ có thể nới lỏng nhẹ chính sách tiền tệ thắt chặt đang áp dụng, nếu không lạm phát sẽ bùng phát trở lại.
Một thách thức với việc kiểm soát lạm phát là áp lực điều chỉnh tăng giá điện. Thông tin từ EVN cho thấy năm 2012 có thể không thiếu điện nhờ thêm nguồn cung thủy điện mới, bên cạnh một số hộ tiêu thụ điện lớn như xi măng, thép… sẽ giảm tiêu thụ điện vì sản xuất thu hẹp. Cũng theo thông tin này, trong năm 2012 có thể sẽ có hai lần điều chỉnh tăng giá điện với trên 5%/lần.
Theo các quy định hiện hành, lần tăng giá điện sắp tới chỉ có thể diễn ra sau ngày 20/3/2012. Rất có thể các đợt tăng giá điện sẽ được giãn ra để giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực lên giá cả.
Xu hướng giảm rõ nét của Lãi suất Trái phiếu Chính phủ sơ cấp
Không còn nhiều nghi ngờ về xu hướng giảm tốc rõ nét của lãi suất sơ cấp Trái phiếu Chính phủ từ đầu năm 2012 đến nay.
Dữ liệu bên dưới cho thấy lãi suất trúng thầu Trái phiếu Kho Bạc Nhà nước (KBNN) ở kỳ hạn 2 năm giảm mạnh từ 11.59% (ngày 16/02) xuống còn 11% (ngày 08/03).
Tương tự, ở các kỳ hạn 3 năm và 5 năm cũng ghi nhận mức giảm mạnh từ 12.1% – 12.15% (ngày 12/01) xuống còn 10.94% – 11.1% (ngày 08/03), giảm hơn 1% chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng.
Chúng tôi kỳ vọng lãi suất sơ cấp của Trái phiếu Chính phủ sẽ tiếp tục được điều chỉnh giảm khi các tín hiệu tích cực của nền kinh tế ngày càng rõ nét hơn trong thời gian tới, đặt biệt khi lạm phát được kiểm soát và vấn đề thanh khoản trong hệ thống ngân hàng được giải quyết.
III. TIN TỨC VĨ MÔ TRONG NƯỚC NỔI BẬT
• Fitch Ratings nhận định kế hoạch tái cơ cấu ngân hàng mà Chính phủ đang theo đuổi là tích cực cho hệ thống tài chính. Tuy vậy, những đề xuất còn chưa thực sự rõ ràng, cũng như mức độ thiếu chắc chắn trong cam kết và khả năng theo đuổi đến cùng các đề xuất, sẽ đặt ra những rủi ro không nhỏ trong ngắn hạn và trung hạn.
Hiện Fitch đánh giá định hạng tín nhiệm dài hạn của Việt Nam ở mức B+, phản ánh những rủi ro từ mức lạm phát cao so với tăng trưởng GDP cũng như nghĩa vụ nợ ở mức cao của các doanh nghiệp quốc doanh và ngân hàng của Việt Nam.
• Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu tạm dừng việc bổ sung quy hoạch, thành lập mới các khu kinh tế, khu công nghiệp trên cả nước cho đến khi có chỉ đạo mới.
• Theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ, khi thời hạn giao đất hết hiệu lực vào năm 2013 mà người sử dụng đất tiếp tục có nhu cầu thì sẽ được giao tiếp, không thu hồi để chia lại đất.
• Thanh tra Chính phủ vừa có quyết định thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).
• Thống đốc NHNN cho biết không cần thiết thành lập Ngân hàng Xây dựng Việt Nam. NHNN cho biết đang phối hợp với nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có ADB, để xây dựng một mô hình có nét tương đồng như thế nhưng sản phẩm ở mức hạn chế hơn và dưới sự kiểm soát chặt chẽ hơn. Trước đây, Bộ Xây dựng kiến nghị thành lập Ngân hàng Xây dựng để tạo vốn cho thị trường bất động sản.
• Ngày 08/3, NHNN đã ban hành Thông tư số 03 quy định cho vay bằng ngoại tệ của TCTD đối với khách hàng vay là người cư trú. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02/05/2012 và thay thế Thông tư số 07 ngày 24/3/2011.
Theo đó, TCTD xem xét cho người cư trú vay vốn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn bằng ngoại tệ để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất - kinh doanh để trả nợ vay. Ngoài ra, TCTD cũng xem xét cho vay đối với người cư trú trong trường hợp khác được NHNN cho phép bằng văn bản.
Đây được xem là một biện pháp nhằm hạn chế tăng trưởng tín dụng ngoại tệ, hạn chế tình trạng đô la hóa và ổn định tỷ giá.
• Bộ Tài chính vừa công bố kế hoạch sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân sau gần 5 năm áp dụng. Bốn nội dung cần sửa đổi bao gồm mức giảm trừ gia cảnh, biểu thuế lũy tiến từng phần, phạm vi - đối tượng chịu thuế và các quy định về quyết toán thuế, quản lý thuế.
Bộ Tài chính đề xuất nâng mức giảm trừ từ 4 triệu đồng lên 6 triệu đồng một tháng cho bản thân người nộp thuế. Biểu thuế lũy tiến từng phần sẽ được rút xuống còn 6 bậc (loại bỏ bậc cao nhất – 35%); khi đó, thuế suất cao nhất áp dụng là mức 30% cho thu nhập từ 52 triệu trở lên.
Thời điểm áp dụng Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi được đề xuất bắt đầu từ 1/1/2014.
Thân Hoàng Dung, Phòng Nghiên cứu VIETSTOCK
Finfonet
|