Chủ Nhật, 04/03/2012 23:05

Kinh tế Vĩ mô Tuần 05 - 09/03: Số liệu vĩ mô tiếp tục phát đi tín hiệu tích cực

Nền kinh tế đã bắt đầu tăng tốc trở lại sau dịp nghỉ Tết Âm lịch, khi các số liệu kinh tế vĩ mô tháng 2 vừa công bố cho tín hiệu tích cực hơn.

I. KINH TẾ TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Mỹ: Sau khi tạm “hài lòng” với những tín hiệu phục hồi khả quan hơn của nền kinh tế, Chính quyền Mỹ lại phải đối mặt với những căng thẳng, bất ổn tăng cao ở khu vực Trung Đông, đặc biệt là tình hình Iran – Syria.

Lợi dụng những tin đồn về nguy cơ chiến tranh, giới đầu cơ đã liên tục đẩy cao giá dầu, giá gas thế giới lên mặt bằng mới. Điều này đang làm ảnh hưởng đáng kể đến khả năng phục hồi của nền kinh tế Mỹ nói riêng, và nền kinh tế thế giới nói chung. 

Dữ liệu trong tuần qua tiếp tục cung cấp những lý do để lạc quan về sự phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Chỉ số sản xuất công nghiệp Texas trong tháng 2/2012 đã tăng lên 17.8 điểm, so với con số 15.3 điểm trong tháng 1. Chỉ số niềm tin tiêu dùng trong tháng này cũng tăng vọt lên 70.8 điểm, cao hơn nhiều so với con số dự báo của các chuyên gia kinh tế. Chỉ số quản lý thu mua Chicago cũng ghi nhận mức tăng 64%, so với mức tăng 60.2% trong tháng 1.

Tổng doanh số bán xe trong tháng 2 tăng mạnh lên 15.1 triệu đơn vị, cao hơn nhiều so với dự báo 14.1 triệu đơn vị của các nhà kinh tế.

Tuy vậy, số đơn đặt hàng dài hạn trong tháng 1/2012 lại giảm 4% so với tháng trước, giảm mạnh hơn mức dự báo của giới phân tích.

Ngoài ra, số liệu tăng trưởng GDP trong quý 4/2011 cũng vừa được điều chỉnh tăng lên 3%, so với con số thông báo 2.8% trước đó.

Trong tuần tới, nền kinh tế Mỹ sẽ đón nhận một số dữ liệu kinh tế như chỉ số phi sản xuất ISM, tỷ lệ thất nghiệp tháng 2/2012, đơn đặt hàng nhà máy, tín dụng tiêu dùng, thâm hụt thương mại, lượng hàng tồn kho trong tháng 1/2012, và chi phí nhân công trong quý 4/2011.

Châu Âu: Còn quá sớm để đưa ra những dự báo chắc chắn về tương lai của nền kinh tế Hy Lạp, cũng như châu Âu. Tuy nhiên, với những “thành tựu” đạt được trong thời gian gần đây, khu vực châu Âu đang thể hiện quyết tâm rất cao trong việc ngăn chặn cuộc khủng hoảng nợ công và phục hồi kinh tế.

Mới đây, Hội nghị thượng đỉnh thường niên của Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua các biện pháp cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, tạo thêm việc làm và kết hợp thực hiện các biện pháp giảm nợ công.

Bên cạnh đó, 25/27 quốc gia thành viên EU đã ký “Hiệp ước về ổn định, phối hợp và quản lý trong Liên minh tiền tệ và kinh tế” nhằm siết chặt kỷ luật ngân sách, ngoại trừ Anh và Séc. Để Hiệp ước này chính thức có hiệu lực, các quốc gia tham gia cần phải phê chuẩn văn kiện này.

Ngoài ra, Hội nghị này cũng loại bỏ gần như toàn bộ những trở ngại cuối cùng liên quan đến gói cứu trợ thứ 2 dành cho Hy Lạp.

Hiện tại, Quỹ Ổn định tài chính châu Âu (EFSF) được phép thực hiện cơ chế tăng cường hoạt động thế chấp trong khu vực Eurozone, nhằm giúp Hy Lạp tiếp tục sử dụng trái phiếu chính phủ như tài sản thế chấp.

Trước đó, ngày 28/2, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định tạm ngừng sử dụng trái phiếu chính phủ của Hy Lạp như tài sản thế chấp sau khi S&P hạ xếp hạng tín dụng dài hạn và ngắn hạn của Hy Lạp xuống mức “vỡ nợ một phần”.

Ngày 02/03, Moody’s cũng hạ xếp hạng tín nhiệm của Hy Lạp từ “Ca” xuống mức “C”, tương đương với vỡ nợ, do mức thua lỗ mà các nhà đầu tư phải chấp nhận có thể vượt quá 70% theo kế hoạch tái cấu trúc nợ của quốc gia này. 

Theo dự kiến, vào ngày 9/3 tới, hội nghị trực tuyến của EU sẽ được tiến hành sau khi việc đàm phán giữa giới chức Hy Lạp và chủ nợ tư nhân về cơ bản được hoàn thành. Có thể nói đây là thời điểm cực kỳ nhạy cảm đối với Hy Lạp khi thời hạn (20/03) cho việc thanh toán khoản nợ 14.5 tỷ EUR đáo hạn đang cận kề.

Trong khi đó, ngày 29/2, ECB đã quyết định bơm 529.5 tỷ EUR vào hệ thống ngân hàng châu Âu thông qua chương trình tái cấp vốn dài hạn (LTRO) lần hai. Đây được xem là hành động hỗ trợ thiết thực trong bối cảnh tín dụng của Eurozone bị thắt chặt và lãi suất trái phiếu của một số nước vẫn ở mức cao. 

Trái với tâm lý dè dặt của nhà đầu tư châu Âu, các quỹ đầu tư Mỹ dường như lạc quan  hơn và bắt đầu đổ tiền vào trái phiếu của các ngân hàng Eurozone sau ba năm rút lui. Có thể xem đây là tín hiệu khả quan cho triển vọng tốt đẹp hơn của nền kinh tế khu vực đồng tiền chung EUR.

II. KINH TẾ TÀI CHÍNH TRONG NƯỚC

Số liệu kinh tế vĩ mô trong nước tháng 2/2012 khởi sắc

Nền kinh tế đã bắt đầu tăng tốc trở lại sau dịp nghỉ Tết Âm lịch, khi các số liệu kinh tế vĩ mô tháng 2 vừa công bố cho tín hiệu tích cực hơn. Cụ thể:

(1) Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 2/2012 tăng 10% so với tháng trước, và tăng 22.1% so với cùng kỳ năm 2011. Tính chung hai tháng đầu năm, chỉ số này đã tăng 3.9% so với cùng kỳ năm 2011

(2) Dòng vốn đăng ký FDI trong tháng 2/2012 cũng tăng rất mạnh với gần 1.2 tỷ USD, so với con số khiêm tốn 40 triệu USD trong tháng 1/2012. 

Tính chung cả hai tháng, dòng vốn đăng ký FDI đạt 1.24 tỷ USD, bằng 45.5% so với cùng kỳ; và dòng vốn thực hiện FDI đạt 1 tỷ USD, giảm 9.1% so với cùng kỳ năm 2011.

Điểm đáng chú ý là dòng vốn đăng ký FDI chảy vào ngành công nghiệp, chế biến, chế tạo đạt 994.3 triệu USD, chiếm đến 80.1% tổng dòng vốn này.

(3) Kim ngạch xuất khẩu tháng 2 ước đạt 8.2 tỷ USD, tăng 15.6% so với tháng 1; trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu tháng này cũng ở mức đạt 9 tỷ USD, tăng 30% so với tháng trước.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2012, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt lần lượt là 15.3 và 15.9 tỷ USD, tăng 24.8% và 11.8% so với cùng kỳ năm 2011. Như vậy, nhập siêu 2 tháng này ước tính 628 triệu USD, bằng 4.1% tổng kim ngạch xuất khẩu.

(4) Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 tiếp tục tăng thấp hơn so với mức trung bình cùng kỳ, và chỉ ở mức tăng 1.37% so với tháng 1. Như vậy, tính đến tháng 2, CPI chỉ tăng 2.38% so với cuối năm 2011, và tăng 16.44% so với cùng kỳ năm trước.

Diễn biến của CPI trong những tháng gần đây là rất tích cực và đang đi vào xu hướng giảm tốc rõ nét. Tuy vậy, chỉ số này vẫn còn khá cao so với mức chấp nhận được của nền kinh tế. Dự báo CPI trong các tháng sắp tới sẽ tiếp tục được kéo giảm đáng kể.

Vốn ngoại đã trở lại chứng khoán Việt Nam?

Tính theo tuần, khối ngoại mua ròng liên tục cổ phiếu Việt Nam kể từ đầu năm Nhâm Thìn đến nay, với giá trị trung bình hơn 350 tỷ đồng/tuần. Tổng cộng họ đã mua ròng gần 1,784 tỷ đồng (gần 85 triệu USD) trong giai đoạn này.

Ngược lại, trên thị trường trái phiếu, khối ngoại vẫn duy trì trạng thái bán ròng trong suốt thời gian qua.

Gần đây, hàng loạt định chế quốc tế đã liên tiếp có nhận định tích cực về triển vọng vĩ mô cũng như chứng khoán Việt Nam trong năm 2012. Cũng đã xuất hiện một số quỹ đầu tư mới với quy mô vừa, trong khi một qũy đầu tư lâu năm cho rằng sẽ huy động thành công vốn mới cho việc đầu tư ở Việt Nam.

Nhận định cho rằng dòng vốn ngoại đang trở lại chứng khoán Việt Nam là khá thuyết phục.

Tác động bên ngoài là thách thức lớn nhất cho việc kiềm chế lạm phát

Trước đà tăng phi mã của giá dầu, giá gas thế giới, Bộ Tài chính đã phải liên tục giảm thuế nhập khẩu xăng, gas về 0% nhằm ổn định mức giá lẻ trong nước.

Tuy vậy, trong bối cảnh những bất ổn địa chính trị ở Trung Đông đang ngày càng căng thẳng, kéo theo đó giá năng lượng cũng tăng phi mã, thì thách thức đặt ra cho các cơ quan bình ổn giá là không hề nhỏ.

Ngoài việc sử dụng quỹ bình ổn và giảm thuế nhập khẩu, kịch bản lạc quan là giá xăng dầu sẽ phải điều chỉnh tăng sau giai đoạn tháng 3 – 4, sau khi lạm phát hàng tháng đã đạt đỉnh. Và như vậy, tác động đến lạm phát các tháng sau đó và lạm phát kỳ vọng sẽ được giảm thiểu.

III. TIN TỨC VĨ MÔ TRONG NƯỚC NỔI BẬT

• Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015". Nội dung đáng chú ý gồm có: (1) Tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa các ngân hàng thương mại nhà nước, trong đó có Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam. (2) Sau khi áp dụng các biện pháp bảo đảm khả năng chi trả, TCTD yếu kém được sáp nhập, hợp nhất, mua lại trên cơ sở tự nguyện. Nếu không thể thực hiện một cách tự nguyện, NHNN sẽ áp dụng các biện pháp sáp nhập, hợp nhất, mua lại trên cơ sở bắt buộc đối với TCTD yếu kém.

• Hãng định mức tín nhiệm Fitch Ratings mới đây nhận định kinh tế Việt Nam mặc dù vẫn còn những bất cập, nhưng đang đi vào ổn định khi lạm phát hạ nhiệt và cán cân thương mại được cải thiện. Hiện Fitch đang dành cho Việt Nam định hạng tín nhiệm B+ với triển vọng ổn định.

• Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo tiếp tục thực thi phương án bãi bỏ yêu cầu bắt buộc công chứng đối với 5 loại hợp đồng: (1) cho thuê quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (2) chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp (3) cho mượn, cho ở nhờ nhà ở (4) cho thuê nhà ở (5) ủy quyền quản lý nhà ở theo Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 10/12/2010.

Cũng theo chỉ đạo này, phương án bãi bỏ yêu cầu bắt buộc công chứng đối với 9 loại Hợp đồng nhà đất khác sẽ chưa được thực thi.

• Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 24/2012/BTC-TT sửa đổi về thủ tục đề nghị xử lý nợ thuế đọng của doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu, và có hiệu lực thi hành từ ngày 15/04/2012.

Theo đó, các doanh nghiệp phải gửi hồ sơ đề nghị đến Cục Hải quan địa phương nơi làm thủ tục hải quan đối với lô hàng bị truy thu thuế để kiểm tra, xác nhận tính xác thực, nếu muốn được miễn hoặc xóa các khoản nợ đọng.

• Ngày 27/02, NHNN đã ban hành Thông tư 02/2012/TT-NHNN hướng dẫn giao dịch hối đoái giữa NHNN và các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; và có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký.

Theo đó, các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nếu đáp ứng đủ điều kiện về giấy phép, hệ thống máy móc giao dịch hối đoái theo yêu cầu… đều được đăng ký thiết lập quan hệ giao dịch hối đoái với NHNN.

Các TCTD là thành viên thị trương liên ngân hàng trước ngày Thông tư 02 có hiệu lực, không phải làm thủ tục đăng ký lại với NHNN, nhưng phải cập nhật hồ sơ theo các quy định.

• Sở Xây dựng Hà Nội vừa đề nghị UBND thành phố này cho nghiên cứu cơ chế mua lại nhà thương mại làm nhà tái định cư. Đề nghị này được thông qua sẽ giúp thành phố chủ động hơn trong việc đáp ứng quỹ nhà tái định cư; đồng thời hỗ trợ một phần cho các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh bất động sản trong giai đoạn khó khăn.

• UBND TPHCM vừa giao Sở Xây dựng cùng Ban Quản lý đầu tư xây dựng khu đô thị mới Nam thành phố hoàn thiện đề án xây dựng 11,000 căn hộ phục vụ tái định cư trên địa bàn khu Nam thành phố, tương tự như việc thực hiện xây dựng 12,500 căn hộ tái định cư ở Thủ Thiêm, Quận 2.

Thân Hoàng Dung, Phòng Nghiên cứu VIETSTOCK

finfonet

Các tin tức khác

>   EIB: Lợi nhuận 2011 vượt bậc, nhưng có phải là tất cả? (02/03/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 27/02 – 02/03: Lạm phát giảm tốc, lãi suất hạ thực chất (26/02/2012)

>   BVS: Giảm đầu tư ngắn hạn, ít áp lực trích lập dự phòng (24/02/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 20 – 24/02: Xu hướng giảm lãi suất dần khả thi hơn (19/02/2012)

>   Chỉ thị 01: Hiểu thế nào cho đúng? (15/02/2012)

>   Cổ phiếu ”nóng”: PGS – Biên lợi nhuận cao của mảng CNG có thể thúc đẩy KQKD 2012 (14/02/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 13 – 17/02: Thị trường Trái phiếu Chính phủ sơ cấp tiếp tục tích cực (12/02/2012)

>   Vàng biến động phức tạp, nhưng vẫn là tài sản sinh lợi năm 2012? (07/02/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 06 – 10/02: Tín dụng được “nắn” chảy vào khu vực nông nghiệp nông thôn (04/02/2012)

>   Tổng hợp Kinh tế Vĩ mô Tuần 16 – 20/01 (29/01/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật