Thứ Hai, 19/03/2012 06:25

Kinh tế Vĩ mô Tuần 19 – 23/03: Thị trường tiền tệ có thực sự “bất thường”?

Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 6 tháng bất ngờ tăng vọt lên mức 21%. Tuy vậy, doanh số giao dịch chỉ có vỏn vẹn 3 tỷ đồng và không hề đại diện cho một xu hướng gia tăng lãi suất liên ngân hàng hay bất ổn thanh khoản ở các ngân hàng.

I. KINH TẾ TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Mỹ: Các chỉ báo kinh tế Mỹ được công bố trong tuần qua cho thấy những mảng màu sáng tối xen kẽ.

Chỉ số tâm lý tiêu dùng tháng 3 bất ngờ giảm mạnh xuống còn 74.3 điểm. Đây là lần sụt giảm đầu tiên kể từ tháng 8/2011, trước những lo ngại giá dầu tiếp tục tăng cao.

Sản xuất công nghiệp tháng 2 cũng không có sự tăng trưởng nào so với tháng trước, thấp hơn nhiều so với dự báo của các nhà kinh tế.

Doanh số bán lẻ tháng 2/2012 tăng mạnh lên 1.1%, và là mức cao nhất trong vòng 5 tháng trở lại đây, bất chấp giá xăng dầu tăng lên.

Giá xăng dầu tăng cao đang là một vấn đề nóng bỏng tại Mỹ. Hiện có thông tin cho thấy Mỹ và Anh đang tiến đến một thỏa thuận cùng mở kho dự trữ chiến lược để kéo giảm giá xăng dầu. Tổng thống Mỹ Barack Obama rõ ràng sẽ mong muốn thực hiện điều này, để lấy lại uy tín trước cuộc bầu cử vào cuối năm.

Chỉ số giá nhập khẩu, sản xuất và tiêu dùng trong tháng 2/2012 đều ghi nhận mức tăng vừa phải 0.4% ở mỗi chỉ số so với tháng trước, thấp hơn dự báo của các nhà kinh tế.

Lượng hàng tồn kho kinh doanh trong tháng 1 cũng tăng mạnh 0.7%, cao hơn nhiều so với số liệu dự báo của các chuyên gia và tháng trước. Việc tăng lượng hàng tồn kho thường được xem là dấu hiệu tốt cho nền kinh tế, vì nó cho biết các công ty dự trữ lượng hàng cần thiết để cho việc buôn bán trong tương lai.

Trong khi đó, thâm hụt cán cân vãng lai trong quý 4/2011 lại tiếp tục mở rộng ra vào khoảng 124.1 tỷ USD, tương đương 3.2% GDP. Đây là mức thâm hụt lớn nhất kể từ quý 4/2008.

Trong tuần tới, nền kinh tế Mỹ sẽ đón nhận một số dữ liệu kinh tế quan trọng liên quan đến thị trường bất động sản như doanh số bán nhà đã qua sử dụng, doanh số bán nhà mới, số nhà xây mới trong tháng 2.

Châu Âu: Chưa quá lạc quan về tình hình kinh tế khu vực châu Âu, nhưng những kết quả khả quan đạt được trong thời gian gần đây cho thấy các “nút thắt” chính đang dần được tháo gỡ. 

Hy Lạp cuối cùng cũng nhận được gói giải cứu trị giá 130 tỷ EUR, sau khi đồng ý tiến hành một loạt các biện pháp cải cách kinh tế khắc nghiệt và hoàn tất thỏa thuận hoán đổi nợ (chủ nợ tư nhân mất tới 75%). Tuy vậy, Hy Lạp vẫn sẽ đối mặt với nhiều khó khăn để giúp kéo nền kinh tế tăng trưởng trở lại.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế Hy Lạp sẽ tăng trưởng âm 4.8% trong năm 2012, 0% trong năm 2013 và tăng trưởng trở lại 2.4% vào năm 2014.

Trong khi đó, Tây Ban Nha đạt được sự đồng thuận liên quan đến việc nới lỏng mục tiêu thâm hụt ngân sách nhằm giải quyết linh hoạt hơn tình hình kinh tế trong nước. Cụ thể, Tây Ban Nha phải cắt giảm thâm hụt ngân sách từ 8.5% GDP trong năm 2011 xuống còn 5.3% GDP trong năm 2012, cao hơn mức thâm hụt 4.4% GDP mà Chính phủ này đã hứa hẹn với các đối tác khu vực Eurozone, nhưng thấp hơn con số mục tiêu 5.8% GDP được công bố trước đó.

II. KINH TẾ TÀI CHÍNH TRONG NƯỚC

“Nới lỏng” tiền tệ có ảnh hưởng đến lạm phát?

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa chính thức công bố giảm các mức lãi suất điều hành và trần lãi suất huy động từ ngày 13/03. Theo đó, lãi suất tái cấp vốn giảm từ 15% xuống 14%, lãi suất cho vay qua đêm từ 16% xuống 15%, lãi suất tái chiết khấu từ 13% xuống 12%. Đồng thời, NHNN giảm trần lãi suất huy động kỳ hạn từ 1 tháng trở lên từ 14% xuống 13%/năm.

Thông tin cũng cho thấy NHNN vừa hạ lãi suất đối với các khoản vay trên thị trường mở (OMO) tương ứng từ 14% xuống 13%. Lần hạ lãi suất OMO gần nhất diễn ra vào ngày 04/07/2011, giảm 1% từ 15% xuống 14%.

Có nhiều quan ngại cho rằng việc “nới lỏng” này sẽ tác động mạnh đến nỗ lực kiềm chế lạm phát cũng như làm gia tăng lạm phát kỳ vọng. Liệu điều này có diễn ra?

Yếu tố tiền tệ luôn tác động mạnh nhất đến lạm phát của Việt Nam, nên e ngại này rõ ràng là có lý. Tuy vậy, chúng tôi cho rằng chính sách tiền tệ thắt chặt áp dụng trong suốt hơn 1 năm qua đã bắt đầu phát huy tác dụng, và trong một vài tháng tới yếu tố tiền tệ sẽ không ảnh hưởng đáng kể lên lạm phát. Với độ trễ khoảng hơn 6 tháng thì đợt nới lỏng lần này chỉ có thể gây “khó khăn” cho công tác  kiểm soát lạm phát vào quý 3 trở đi.

Bên cạnh đó, không giống như những giai đoạn trước, chi phí vốn vay (sau khi giảm) hiện vẫn đang ở mức cao so với khả năng chịu đựng nên nhu cầu vay vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh, tiêu dùng đều bị hạn chế. Hơn nữa, khi nợ xấu là vấn đề quan tâm hàng đầu ở hầu hết các NHTM, thì việc tăng trưởng tín dụng cũng sẽ diễn ra thận trọng hơn.

EVN chưa đề xuất tăng giá điện, áp lực lên lạm phát được kéo giãn

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có thông cáo báo chí khẳng định chưa hề chính thức đề xuất tăng giá điện. Như vậy, sau khi liên tục “đòi” điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường, EVN lại bất ngờ công bố chưa có đề xuất gì về việc điều chỉnh giá điện.

Hiện giá bán điện vẫn đang dưới giá thành và EVN đang phải chịu áp lực tăng giá điện đề bù lỗ. Theo quy định, lần tăng giá điện tiếp theo chỉ có thể diễn ra sau ngày 20/3/2012. Tuy vậy, với quyết tâm kiềm chế lạm phát, việc tăng giá điện lần này có thể sẽ được kéo giãn ra một chút.

Rất có thể chỉ sau khi đợt tăng giá xăng dầu đã được phản ánh hết vào giá cả trong hai tháng 3 và 4, thì việc điều chỉnh tăng giá điện mới có khả năng thực thi và mức độ tăng lên còn tùy thuộc vào dư địa của lạm phát trong những tháng còn lại.

Qua diễn biến này, chúng tôi cũng nhận thấy chủ trương kiềm chế lạm phát (hay ít nhất là lạm phát kỳ vọng) đang được chú ý rất “quyết liệt”.

Thị trường tiền tệ có thực sự “bất thường”?

Trái với sự sôi động ở các phiên đấu thầu trước, kết quả đấu thầu Trái phiếu KBNN phiên ngày 15/03 khá “ảm đạm” khi chỉ có 390/6,090 tỷ trúng thầu - con số thấp nhất từ đầu năm 2012 đến nay. Tương tự, trong phiên ngày 16/03 cũng chỉ có có 150/1,320 tỷ đồng trái phiếu phát hành thành công, với lãi suất nhích nhẹ.

Sự sôi động của thị trường trái phiếu sơ cấp đầu năm 2012 đến từ kỳ vọng lãi suất điều chỉnh giảm, thanh khoản của một số ngân hàng lớn bắt đầu dồi dào trở lại sau Tết, “bí” đầu ra tín dụng và cả trên thị trường liên ngân hàng.

Có thông tin cho thấy NHNN đang sử dụng kênh tín phiếu (công cụ nợ kỳ hạn cực ngắn, dưới 1 năm) để điều hòa lượng tiền đồng đã cung ra để gia tăng dữ trự ngoại hối trong những tháng đầu năm 2012 (dự trữ ngoại hối tăng 20% trong giai đoạn này). Lượng tín phiếu được phát hành với lãi suất hấp dẫn và thời hạn ngắn đã dễ dàng thuyết phục các NHTM mà không cần yếu tố “bắt buộc”. Với việc sử dụng công cụ có thời hạn cực ngắn này, NHNN sẽ linh hoạt hơn trong chính sách điều hành tiền tệ.

Trong khi đó, trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất cho vay kỳ hạn 6 tháng đã bất ngờ tăng vọt lên mức 21% vào ngày 13/3/2012. Tuy vậy, nếu xem xét kỹ doanh số giao dịch ở mức lãi suất này do NHNN công bố thì chỉ có vỏn vẹn 3 tỷ đồng và không hề đại diện cho một xu hướng gia tăng lãi suất liên ngân hàng hay bất ổn thanh khoản ở các ngân hàng. Mức lãi suất phổ biến vẫn ở quanh ngưỡng gần 12 – 13.5% như thời gian gần đây.

Điều đáng lưu ý có lẽ nằm ở các khoản vay với lãi suất hơn 13%. Về lý thuyết, mức lãi suất này cao hơn lãi suất huy động ở thị trường dân cư. Như vậy, vẫn có nhiều ngân hàng chấp nhận trả lãi suất cao trên thị trường liên ngân hàng để bù đắp các khoản nợ đáo hạn. Chúng ta cũng có thế thấy điều này qua thực tế. Sau khi trần lãi suất huy động bị giảm xuống 13%, nhiều ngân hàng đã công bố mức lãi suất huy động theo ngày hay tăng cường khuyến mãi để huy động vốn (trên thực tế, các động tác này có thể khiến lãi suất huy động vượt mức trần).

Với việc phát hành tín phiếu, chúng tôi tin rằng NHNN sẽ tích cực sử dụng nhiều hơn công cụ “cửa sổ chiết khấu” để điều hòa nguồn vốn trên thị trường. Hiện nay lãi suất tái chiết khấu đang ở mức 12%. Bằng công cụ này, NHNN có thể “dồn” nguồn vốn cho những NHTM có khả năng tiếp cận (được xem là ngân hàng khá lành mạnh), và do đó cũng có nhiều cơ hội để tăng trưởng tín dụng hơn.

III. TIN TỨC VĨ MÔ TRONG NƯỚC NỔI BẬT

• Theo nhận định của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), NHNN cần được trao nhiệm vụ rõ ràng hơn và độc lập hơn để theo đuổi mục tiêu chính sách chủ đạo là ổn định giá cả.

IMF cũng khuyến nghị Việt Nam nên đặt ra mục tiêu chính là ổn định giá cả và kiềm chế lạm phát.

• Thanh tra Chính phủ vừa có kết luận về quản lý sử dụng vốn, tài sản tại Tập đoàn Sông Đà, trong đó xác định công ty mẹ – tập đoàn và các đơn vị thành viên đã đầu tư ra ngoài doanh nghiệp vượt vốn điều lệ với số tiền hàng ngàn tỷ đồng.

• Theo Thống đốc NHNN, do đón trước chính sách giao chỉ tiêu tăng trưởng trong năm 2012, một số ngân hàng đã đẩy tín dụng tăng ảo cuối năm 2011 để lấy khối lượng dư nợ lớn trong năm 2012.

• NHNN vừa ban hành Thông tư số 04/2012/TT-NHNN quy định về nghiệp vụ nhận ủy thác và ủy thác của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD). Thông tư 04 có hiệu lực từ 2/5/2012 thay thế Quyết định số 742/2002/QĐ-NHNN ngày 17/2/2002 của Ngân hàng Nhà nước.

Theo đó, TCTD không được nhận ủy thác của cá nhân và hàng tháng TCTD thực hiện thống kê và gửi báo cáo tình hình thực hiện nghiệp vụ nhận ủy thác, ủy thác cho NHNN.

• Bộ Tài chính vừa ban hành hướng dẫn về việc gia hạn nộp thuế thêm 3 tháng đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp quý 1/2011 (chậm nhất vào 30/7/2012), quý 2/2011 (chậm nhất đến ngày 30/10/2012) của doanh nghiệp nhỏ và vừa.

• Ngày 14/3, Quốc hội Chile đã thông qua Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Chile với Việt Nam.

Khi FTA có hiệu lực, Chile có thể xuất sang Việt Nam với ưu đãi thuế quan các sản phẩm như thịt lợn, trái cây và nước trái cây; ngược lại, Việt Nam có thể xuất sang Chile các sản phẩm như giày dép, gạo, hàng dệt may và cà phê với thuế suất thấp.

Thân Hoàng Dung, Phòng Nghiên cứu VIETSTOCK

finfonet

Các tin tức khác

>   PVX: Cổ phiếu hút dòng tiền đầu cơ, nhưng có gì "hay"? (16/03/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 12 – 16/03: Nới nhẹ chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng? (11/03/2012)

>   Hạ lãi suất: Tại sao lại diễn ra vào lúc này? (08/03/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 05 - 09/03: Số liệu vĩ mô tiếp tục phát đi tín hiệu tích cực (04/03/2012)

>   EIB: Lợi nhuận 2011 vượt bậc, nhưng có phải là tất cả? (02/03/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 27/02 – 02/03: Lạm phát giảm tốc, lãi suất hạ thực chất (26/02/2012)

>   BVS: Giảm đầu tư ngắn hạn, ít áp lực trích lập dự phòng (24/02/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 20 – 24/02: Xu hướng giảm lãi suất dần khả thi hơn (19/02/2012)

>   Chỉ thị 01: Hiểu thế nào cho đúng? (15/02/2012)

>   Cổ phiếu ”nóng”: PGS – Biên lợi nhuận cao của mảng CNG có thể thúc đẩy KQKD 2012 (14/02/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật