Kinh tế Vĩ mô Tuần 07 – 11/05: Trần lãi suất cho vay 15% và lãi suất thực chất
Có lẽ chỉ khi nào lạm phát giảm xuống dưới một con số một cách bền vững thì chúng ta mới thấy đà giảm thực chất của lãi suất.
I. KINH TẾ TÀI CHÍNH TRONG NƯỚC
Trần lãi suất cho vay 15% có hiệu quả?
NHNN vừa ban hành Thông tư 14/2012/TT-NHNN quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với 4 lĩnh vực: (1) Phục vụ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (2) Thực hiện phương án, dự án sản xuất – kinh doanh hàng xuất khẩu (3) Phục vụ sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa (4) Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.
Theo đó, trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với 4 lĩnh vực này bằng trần huy động cộng thêm 3%. Hiện tại, trần lãi suất huy động bằng VND kỳ hạn từ 1 tháng trở lên là 12%/năm; do đó, trần lãi suất cho vay ngắn hạn được khống chế ở mức 15%/năm.
Thông tư 14 cũng nêu rõ TCTD niêm yết công khai mức lãi suất cho vay, các tiêu chí xác định khách hàng vay vốn theo quy định Thông tư này.
Với biện pháp mang tính hành chính này, có thể thấy NHNN đang chịu áp lực kéo giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế.
Có hai hai câu hỏi lớn liên quan đến động thái này.
Thứ nhất, liệu các ngân hàng có tiếp tục lách trần lãi suất cho vay này hay không? Câu trả lời là rất có thể hiện tượng này vẫn tiếp tục, vì thực tế mặt bằng lãi suất đầu vào chưa giảm nhiều (có lẽ phải đến tháng 6). Tuy vậy, dù sao thì khối doanh nghiệp đã có thêm cơ sở nền tảng để thương lượng mức lãi suất thấp hơn với ngân hàng.
Thứ hai, liệu ngân hàng có giải ngân vốn hay không? Đây là một khía cạnh hoàn toàn khác, tùy thuộc vào chiến lược kinh doanh của từng ngân hàng; nhưng có thể thấy ngân hàng vẫn đang nắm lợi thế.
Một nghịch lý vẫn đang diễn ra trong hệ thống ngân hàng là mặc dù thanh khoản dồi dào nhưng hầu hết các TCTD khỏe mạnh lại tìm đến các kênh đầu tư an toàn với mức lợi suất thấp hơn nhiều so với trần lãi suất huy động hiện nay.
Thông tin cho thấy lãi suất trong đợt phát hành 3,000 tỷ đồng tín phiếu NHNN vừa qua đã giảm mạnh. Ở các kỳ hạn 28, 91 và 182 ngày, lãi suất chỉ còn tương ứng là 6%, 9.2%, 10.3%/năm. Tương tự, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng và lãi suất trái phiếu ở các kỳ hạn hầu hết đều thấp hơn 11%/năm.
Rõ ràng, việc sẵn sàng chấp nhận mức lợi suất thấp nhưng an toàn vẫn được nhiều TCTD lựa chọn hơn, do vẫn còn ngại rủi ro nợ xấu trong bối cảnh nền kinh tế chưa có dấu hiệu khởi sắc.
Có lẽ chỉ khi nào lạm phát giảm xuống dưới một con số một cách bền vững thì chúng ta mới thấy đà giảm thực chất của lãi suất.
Đâu là lý do gia hạn thời gian huy động vàng?
Chuẩn bị trước thời điểm phải ngưng huy động vàng vào ngày 1/5/2012, nhiều TCTD đã chuyển hướng sang hình thức giữ hộ vàng có trả phí với mức lãi suất lên đến hơn 4%/năm.
Rõ ràng, đây là hình thức lách luật để tiếp tục huy động vàng và chính NHNN cũng đã thừa nhận sự “biến tướng” này. NHNN đã vừa phải ban hành Chỉ thị 05/CT-NHNN để chấn chỉnh hiện tượng này.
Tuy nhiên, song song với Chỉ thị 05, đã có thông tin cho thấy thời gian huy động vàng sẽ được phép kéo dài thêm 7 tháng, đến 15/11/2012. Vậy đâu là lý do để NHNN gia hạn thêm thời gian huy động vàng?
Tâm lý kỳ vọng mức sinh lời từ việc nắm giữ vàng vật chất của đại đa số người dân vẫn còn khá phổ biến. Trong khi đó, nhiều TCTD có nhu cầu huy động vàng cho hoạt động đầu tư hay đảm bảo thanh khoản. Do đó, việc ngừng huy động vàng cùng với khoảng thời gian Nghị định quản lý thị trường vàng có hiệu lực vào ngày 25/05/2012 sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường hàng hóa này; từ đó, dễ gây nhiều xáo động tiêu cực và nguy cơ thị trường chợ đen giao dịch vàng sẽ bùng phát.
Chúng tôi cũng nghe nói về Đề án huy động vàng trong dân đang được các cơ quan chức năng chuẩn bị và dự kiến sẽ trình Chính phủ vào giữa quý 2/2012. Do đó, việc kéo dài thời gian huy động sẽ là động thái cần thiết để duy trì sự ổn định trên thị trường vàng trước khi Đề án này được chính thức đề xuất và thông qua.
II. TIN TỨC KINH TẾ VĨ MÔ TRONG NƯỚC VÀ THẾ GIỚI
• Ngân hàng HSBC dự đoán NHNN sẽ tiếp tục hạ lãi suất chính sách vào đầu quý 3. Ngoài ra, HSBC cũng đã điều chỉnh dự đoán tăng trưởng GDP năm 2012 từ 5.7% xuống 5.1%.
• Bộ Công Thương cho biết hiện chưa có chủ trương tăng giá điện và áp cơ chế giá điện riêng cho sản xuất sắt thép, xi măng trong thời điểm này.
• NHNN ban hành Quyết định số 857/QĐ-NHNN về việc cho vay ngắn hạn bằng ngoại tệ của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú, với điều kiện có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay. Quy định này được thực hiện đến hết ngày 31/12/2012.
Tuy nhiên, khách hàng vay phải bán số ngoại tệ vay đó cho TCTD cho vay theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay (spot), trừ trường hợp những giao dịch thanh toán phải bằng ngoại tệ theo quy định pháp luật.
• Theo nội dung công văn mới ban hành của NHNN, các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xem xét cho vay ngắn hạn bằng ngoại tệ để nhập khẩu xăng dầu theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư số 03/2012/TT-NHNN.
• Theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực Eurozone đã leo lên mức cao kỷ lục 10.9% trong tháng 3/2012, cao hơn mức 10.8% trong tháng 2/2012.
• Ngày 02/05, Standard & Poor's (S&P) nâng xếp hạng tín nhiệm nội và ngoại tệ dài hạn của Hy Lạp từ mức “vỡ nợ một phần” lên “CCC” với triển vọng “ổn định” sau khi nước này hoàn thành quá trình hoán đổi nợ.
S&P cũng nâng xếp hạng tín nhiệm nội và ngoại tệ ngắn hạn của Hy Lạp từ “vỡ nợ một phần” lên “C” với triển vọng “ổn định”.
• Ngân hàng Trung ương Australia (RBA) đã quyết định cắt giảm mạnh lãi suất, từ mức 4,25% xuống còn 3,75% nhằm kích thích kinh tế Australia tăng trưởng trở lại.
Thân Hoàng Dung, Phòng Nghiên cứu VIETSTOCK
finfonet
|