Thứ Ba, 10/04/2012 21:23

Kinh tế Vĩ mô: Nhận định về hàng loạt động thái chính sách của NHNN

NHNN vừa có hàng loạt động thái để khơi thông dòng tín dụng vào bất động sản, kéo giảm kỳ vọng lãi suất và lạm phát, và qua đó kích thích tạo cầu trở lại cho nền kinh tế.

Chiều muộn ngày 10/4/2012, NHNN đã ban hành hàng loạt văn bản điều hành chính sách tiền tệ. Nội dung chính của các chính sách này gồm có:

(1) Đồng loạt giảm 1% ở các lãi suất điều hành. Cụ thể, giảm lãi suất trần huy động tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng trở lên xuống còn 12%/năm, tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 4%; lãi suất tái cấp vốn xuống còn 13%, lãi suất tái chiết khấu là 11%, lãi suất cho vay qua đêm là 14%.

Như vậy, mức giảm 1% trong quý 2/2012 đối với trần lãi suất huy động và các lãi suất chính sách như tuyên bố của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã trở thành hiện thực.

Các yếu tố vĩ mô không có nhiều biến động như xu hướng lạm phát giảm dần, dự trữ ngoại hối tăng, tỷ giá ổn định…trong thời gian gần đây rõ ràng là những điều kiện quan trọng hỗ trợ cho động thái hạ lãi suất lần này của NHNN.

Như chúng tôi đề cập hôm qua, NHNN đang rất sốt ruột hạ lãi suất đầu vào của các TCTD và qua đó hạ mặt bằng lãi suất của nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng; đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế đã phát đi những tín hiệu đình đốn sản xuất rõ rệt với tăng trưởng GDP quý 1/2012 chỉ ở mức 4%.    

Trên thực tế, động thái này rất khó có ảnh hưởng tức thì đến chi phí vay mượn; tuy vậy sẽ giúp làm giảm kỳ vọng lãi suất huy động theo đúng định hướng của NHNN. Với diễn biến này, dường như NHNN cũng đang phát đi tín hiệu lạm phát đã ổn định và mong muốn làm giảm kỳ vọng lạm phát tương lai. Qua đó, có thể giúp kích thích tạo cầu trở lại cho nền kinh tế.

Tín hiệu quan trọng mà chúng ta cần phải theo dõi trong thời gian tới là tốc độ hạ giá vốn của các ngân hàng (chúng tôi dự đoán sẽ vào khoảng cuối quý 2) và mức độ tiếp cận vốn giá rẻ của doanh nghiệp. Nếu thuận lợi, chúng ta có thể kỳ vọng nền kinh tế sáng sủa trở lại.

Chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh đến điểm (2) dưới đây liên quan đến thị trường bất động sản, như là một chất xúc tác quan trọng cho đà phục hồi của nền kinh tế.

(2) Loại mảng tín dụng bất động sản quan trọng ra khỏi “không khuyến khích”. Trong Công văn số 2056/NHNN-CSTT ngày 10/4/2012 liên quan đến các giải pháp điều hành hoạt động tín dụng, NHNN tiếp tục lặp lại chủ trương kiểm soát tín dụng “không khuyến khích” với tỷ trọng tối đa 16%.

Tuy vậy, đã xuất hiện nhiều loại trừ rất quan trọng đối với tín dụng bất động sản, bao gồm: nhu cầu vốn để xây dựng, sửa chữa và mua nhà để ở, nhà để ở kết hợp với cho thuê mà các khoản vay này khách hàng trả nợ bằng các nguồn thu nhập không phải tiền lương, tiền công khách hàng vay; xây dựng, sửa chữa và mua nhà để bán, cho thuê; xây dựng các công trình, dự án phát triển nhà ở trong khu đô thị (bao gồm cả các công trình hoàn thành trong năm 2012 và sau 2012).

Ở Việt Nam, bất động sản dân dụng/nhà ở (để phân biệt với bất động sản du lịch, công nghiệp, thương mại như cách thông thường) chiếm tỷ trọng lớn nhất. Và với ngôn ngữ như ở trên, có thể nói tất cả các dự án xây nhà để bán và cho thuê đều sẽ được loại trừ ra khỏi tín dụng “không khuyến khích” và có cơ hội được khơi thông dòng tín dụng từ ngân hàng.

Cần để ý rằng, hiện tại theo Công văn 674/NHNN-CSTTT ngày 13/02/2012 của NHNN, chỉ có dự án nhà ở hoàn thành trong năm 2012 và một số dạng hạn chế khác như nhà ở thu nhập thấp, mới được hưởng “miễn trừ” này.

Cơ quan quản lý vẫn còn công cụ giới hạn tăng trưởng tín dụng tối đa 17% dựa trên phân loại ngân hàng. Tuy vậy, động thái này đã chính thức “cởi trói” dòng tín dụng vào thị trường bất động sản và các doanh nghiệp trong ngành đã được “giải cứu” (xem thêm điểm (3)).

Chúng tôi cũng đã nhấn mạnh quan điểm tương tự khi nhận định về các dự thảo sửa đổi Thông tư 13 áp dụng từ tháng 6/2012.

Kịch bản “bi quan” nhất là trên thực tế dư nợ tín dụng bất động sản của các ngân hàng vốn dĩ đã cao (và nay chỉ cần phân loại trở lại về đúng khoản mục) và room cho tăng trưởng không còn nhiều. Tuy vậy, với các hoạt động thanh tra và quá trình xử lý các ngân hàng yếu kém vừa qua của NHNN, chúng tôi tin rằng khả năng này khó xảy ra.

(3) Nhắc lại chủ trương cho phép tái cơ cấu các khoản nợ vay. Một thông tin quan trọng khác trong Công văn 2056 là NHNN nhắc lại việc thực hiện tái cơ cấu thời hạn trả nợ đối với các khoản vay không trả nợ đúng hạn do môi trường kinh doanh khó khăn.

Đây không phải là một “quy định” mới, bởi cơ quan này tham chiếu đến Quyết định số 783/2005/QĐ-NHNN ngày 31/05/2005. Theo Quyết định 783 thì “toàn bộ số dư nợ vay gốc của khách hàng có khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ được phân loại vào các nhóm nợ thích hợp theo quy định về phân loại nợ của NHNN”.

Suy nghĩ một cách tích cực và lạc quan, với việc nhắc lại chủ trương này, nhiều doanh nghiệp sẽ có cơ hội được tái cơ cấu các khoản nợ (giãn nợ/đảo nợ); trong khi sổ sách kế toán ngân hàng vẫn không bị ảnh hưởng bởi con số nợ xấu.

Đây sẽ là động lực giúp ngân hàng bớt “e ngại” khi mở rộng hoạt động cho vay và khả năng tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn, cộng với lãi suất điều chỉnh giảm là cơ sở để doanh nghiệp duy trì sản xuất và vượt qua cơn bĩ cực.

Phòng Nghiên cứu VIETSTOCK

finfonet

Các tin tức khác

>   Tổng hợp Kinh tế Vĩ mô Tuần 03 - 06/04: Sửa đổi Thông tư 13, định hướng hạ trần lãi suất (09/04/2012)

>   Dự thảo sửa đổi Thông tư 13: Nên kỳ vọng gì cho chứng khoán và bất động sản? (09/04/2012)

>   SVC: MegaMall lấp đầy 85%, dòng tiền trong năm 2012 được cải thiện (05/04/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 02 – 06/04: Tái cấu trúc CTCK tác động như thế nào? (01/04/2012)

>   CSG giải thể: Nên bán hay mua cổ phiếu? (29/03/2012)

>   Tại sao CPI tháng 3 lại “đột ngột” tăng thấp? (21/03/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 19 – 23/03: Thị trường tiền tệ có thực sự “bất thường”? (19/03/2012)

>   PVX: Cổ phiếu hút dòng tiền đầu cơ, nhưng có gì "hay"? (16/03/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 12 – 16/03: Nới nhẹ chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng? (11/03/2012)

>   Hạ lãi suất: Tại sao lại diễn ra vào lúc này? (08/03/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật