Dự thảo sửa đổi Thông tư 13: Nên kỳ vọng gì cho chứng khoán và bất động sản?
Nếu Thông tư 13 được sửa đổi theo định hướng của dự thảo thì có vẻ như bất động sản sẽ được hưởng lợi nhiều hơn so với chứng khoán.
* Thông tư 13 chặn đứng dòng tiền vào TTCK?
* Tín hiệu “nới” tín dụng, chứng khoán và bất động sản có được hưởng lợi?
* Sẽ hạ hệ số rủi ro cho vay BĐS và CK từ 250 xuống 150%?
Theo dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 13 (và Thông tư 19, 22…) mà chúng tôi có được, NHNN vẫn có ý định duy trì quy định tỷ lệ an toàn vốn (CAR) tối thiểu ở mức 9%. Tuy vậy, hai cấu phần của tỷ lệ này là “Vốn tự có” và “Tổng tài sản Có rủi ro” đều có một số thay đổi.
Các sửa đổi, bổ sung này đang được kỳ vọng như là một biện pháp kỹ thuật để nới lỏng dòng tín dụng từ ngân hàng, đặc biệt cho lĩnh vực bất động sản và chứng khoán.
Dưới đây là nhận định của chúng tôi về các thay đổi nêu ra trong dự thảo. Cần lưu ý rằng các dự thảo này vẫn thường hay thay đổi cho đến khi chính thức ban hành Thông tư.
(1) “Vốn tự có” được bổ sung thêm khoản mục dự phòng chung để tính vốn cấp 2, và các điều kiện về lãi suất của trái phiếu, công cụ nợ để tính vốn cấp 2 cũng được điều chỉnh.
Chúng tôi cho rằng việc đưa khoản mục dự phòng chung vào tính vốn cấp 2 là một thay đổi quan trọng. Hiện các TCTD phải trích lập và duy trì dự phòng chung bằng 0.75% tổng giá trị của các khoản nợ từ nhóm 1 đến nhóm 4, bên cạnh dự phòng cụ thể cho từng nhóm. Không cần phải nói, các khoản nợ từ nhóm 1-4 chiếm tỷ trọng lớn trong dư nợ và số trích lập dự phòng chung là không hề nhỏ.
Việc “đóng hụi chết” dự phòng chung này đã khiến cho giá vốn huy động tăng cao hơn mức thực tế từ khách hàng, và khiến TCTD khó lòng hạ lãi suất cho vay. Nếu được đưa trở lại tính CAR thì TCTD sẽ có cơ hội cải thiện lượng vốn khả dụng và hạ lãi suất cho vay hơn trước đây rất nhiều.
(2) Hệ số rủi ro đối với khoản cho vay, đầu tư kinh doanh bất động sản, chứng khoán (không thấy nhắc đến khoản vay đối với CTCK) giảm từ 250% xuống 150%.
Rõ ràng đây là một động thái nới lỏng, dù hệ số rủi ro này vẫn còn cao hơn so với mức 100% trước khi Thông tư 13 ra đời. Với chủ trương nới lỏng như đề cập, TCTD sẽ có dư địa để tăng trưởng tín dụng trong hai lĩnh vực “không khuyến khích” này, nếu muốn; hoặc ít ra là không còn phải thu hồi bằng mọi giá để đáp ứng yêu cầu CAR tối thiểu của NHNN.
Tuy vậy, chúng tôi cũng muốn lưu ý đến thay đổi quan trọng thứ 3 trong dự thảo.
(3) Một thay đổi dự kiến rất quan trọng khác là “Tổng dư nợ cấp tín dụng đối với tất cả khách hàng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu không được vượt quá tỷ lệ do NHNN quy định trong từng thời kỳ”.
Hiện tại, theo Chỉ thị 01 của NHNN, tỷ trọng dư nợ cho vay đối với các lĩnh vực “không khuyến khích” (nhìn chung là tín dụng bất động sản, chứng khoán và tiêu dùng có một số loại trừ) so với tổng dư nợ cho vay của TCTD trong suốt cả năm 2012 tối đa là 16%. Ngoài ra, cơ quan này cũng liên tục đưa ra định hướng tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm nay vào khoảng 15% - 17% (TCTD phân vào nhóm cao nhất cũng chỉ được tăng trưởng tín dụng tối đa 17%).
Như vậy, trong khi điểm (1) và (2) được xem là động thái nới lỏng về mặt kỹ thuật thì NHNN vẫn đang cho thấy sẵn sàng áp dụng biện pháp hành chính (nay được luật hóa) để kiểm soát tín dụng một cách linh hoạt hơn.
Đáng lưu ý là bất động sản không được đề cập trong điểm thay đổi này. Nếu điều này trở thành hiện thực thì có vẻ như bất động sản sẽ được hưởng lợi nhiều hơn so với chứng khoán.
(4) Tỷ lệ cho vay/huy động (LDR): Mặc dù được đề cập không nhất quán trong dự thảo, nhưng dường như NHNN cũng đang muốn nâng tỷ lệ LDR của ngân hàng từ 80% theo Thông tư 13 lên 95% và của công ty tài chính từ 85% lên 100%.
Chúng tôi đánh giá sự thay đổi này (nếu có) sẽ không có nhiều tác động. Trong khi mẫu số (huy động) không có điều chỉnh đáng kể nào, thì tín dụng cho vay lại được tính bao gồm cả vốn ủy thác TCTD khác cho vay và trái phiếu doanh nghiệp. Các phần này thường được các TCTD “lách” trong thời gian trước đây; và như vậy, việc tăng tỷ lệ LDR chỉ có thể giúp TCTD “dễ thở” hơn trong việc tuân thủ.
Có thể thấy rằng chúng ta không thể kỳ vọng dòng tiền đột biến vào chứng khoán và bất động sản sau khi Thông tư 13 được sửa đổi theo dự thảo này; đặc biệt khi nợ xấu đang là rào cản cực kỳ lớn để các TCTD bơm thêm vốn tín dụng.
Thay vào đó, đây có thể là bước đệm để khơi thông dòng vốn, và hai thị trường quan trọng là chứng khoán và bất động sản có thể khởi sắc trước (có vẻ như bất động sản sẽ được hưởng lợi nhiều hơn); trong quá trình kinh tế vĩ mô ổn định và lạm phát, lãi suất hạ nhiệt dần.
Phòng Nghiên cứu VIETSTOCK
finfonet
|