Thứ Hai, 09/04/2012 08:59

Tổng hợp Kinh tế Vĩ mô Tuần 03 - 06/04: Sửa đổi Thông tư 13, định hướng hạ trần lãi suất

Theo dự báo của Vụ Chính sách Thị trường trong nước, CPI tháng 4 sẽ không có yếu tố tăng đột biến, và chỉ có thể tăng nhẹ.

I. KINH TẾ TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Mỹ: Theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO), thâm hụt ngân sách trong 6 tháng đầu năm tài khoá 2012 (bắt đầu từ tháng 10/2011) đã lên tới 780 tỷ USD, nhưng vẫn thấp hơn 53 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2011. CBO dự báo thâm hụt ngân sách liên bang Mỹ sẽ tiếp tục vượt ngưỡng 1,000 tỷ USD ở năm thứ tư liên tiếp.

Liên quan đến số liệu kinh tế vĩ mô trong tuần qua, chỉ số sản xuất ISM trong tháng 3 đạt 53.4 điểm, gần với mức dự báo của các nhà kinh tế.

Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng này tiếp tục sụt giảm chỉ còn 8.2%, so với con số dự báo 8.3% của các chuyên gia. Theo báo cáo thị trường lao động của ADP, khu vực tư nhân đã tạo thêm được 209,000 việc làm mới trong tháng, cao hơn so với dự báo 200,000 việc làm. Điều này củng cố thêm niềm tin về sự phục hồi của thị trường lao động Mỹ.

Tín dụng tiêu dùng trong tháng 2 chỉ tăng 8.7 tỷ USD, tức tăng khoảng 4.2% so với tháng trước, thấp hơn nhiều so dự báo của giới chuyên gia.

Trong tuần tới, nền kinh tế Mỹ sẽ đón nhận một số dữ liệu kinh tế quan trọng như chỉ số giá nhập khẩu, sản xuất và tiêu dùng trong tháng 3, cán cân thương mại trong tháng 2.

Châu Âu: “Điểm nóng” Tây Ban Nha tiếp tục gây hoang mang cho giới đầu tư khi nhu cầu trái phiếu Chính phủ ở quốc gia này đang khá ảm đạm và chi phí vay mượn cũng tăng vọt lên với mức lợi suất 5.7% ở kỳ hạn 10 năm, mức cao nhất kể từ tháng 1.

Trong khi đó, Chính phủ Tây Ban Nha đã công bố kế hoạch cắt giảm ngân sách 27 tỷ EUR, nhằm giảm thâm hụt ngân sách xuống còn 5.3% GDP từ mức 8.51% GDP vào cuối năm 2012. Đây được xem là một nỗ lực đáp ứng yêu cầu của Liên minh châu Âu (EU).

Đã có những lo ngại cho rằng Tây Ban Nha có thể sẽ là quốc gia thứ tư của Eurozone phải nhận tiền cứu trợ, khi tăng trưởng kinh tế nước này tiếp tục sụt giảm và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức báo động.

Các số liệu về tỷ lệ thất nghiệp và sản xuất ở khu vực đồng tiền chung EUR cũng cho thấy triển vọng không mấy lạc quan. Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 2/2012 ở Eurozone lên tới 10.8%, mức cao nhất kể từ khi đồng EUR được đưa vào sử dụng năm 1999.

Trong khi, sản xuất tại khu vực này được dự báo tiếp tục sụt giảm trong tháng 3/2012, và là tháng thứ 8 liên tiếp ngành sản xuất bị sụt giảm.

Thông tin lạc quan là Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đồng ý cho Bồ Đào Nha nhận khoản vay 5.17 tỷ EUR, khi chính phủ nước này có được những đánh giá tích cực trong cải cách kinh tế và thực thi các biện pháp “thắt lưng buộc bụng”.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tiếp tục duy trì lãi suất cơ bản ở mức thấp 1%/năm trong tháng thứ tư liên tiếp để đối phó với tình trạng kinh tế yếu kém của khu vực.

II. TIN TỨC VĨ MÔ TRONG NƯỚC NỔI BẬT

• NHNN vừa có dự thảo bổ sung một số điều của Thông tư 13. Một số sửa đổi quan trọng dự kiến thực hiện là: (1) “Vốn tự có” được bổ sung thêm khoản mục dự phòng chung để tính vốn cấp 2; (2) Hệ số rủi ro đối với khoản cho vay, đầu tư kinh doanh bất động sản, chứng khoán giảm từ 250% xuống 150%; (3) Tỷ lệ LDR của ngân hàng từ 80% lên 95% và của công ty tài chính từ 85% lên 100%...

Vietstock đã có nhận định về chủ đề này tại đây

• Bà Đỗ Thị Nhung, Vụ phó Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết trong một hội thảo kinh tế vĩ mô, trong quý 2 này NHNN sẽ điều chỉnh trần lãi suất huy động về 12%/năm.

Quyết định này được dựa trên tình hình kinh tế vĩ mô đã ổn định, lạm phát tăng chậm, được kiểm soát ở mức thấp trong 8 tháng qua, thanh khoản ngân hàng được cải thiện, vốn tín dụng dồi dào...

• Theo dự báo của Vụ Chính sách Thị trường trong nước, CPI tháng 4 sẽ không có yếu tố tăng đột biến, và chỉ có thể tăng nhẹ.

• Theo kết quả cuộc khảo sát hàng quý do Grant Thornton thực hiện, niềm tin doanh nghiệp trên phạm vi toàn cầu khởi sắc trong quý 1/2012, nhưng lại giảm mạnh ở Việt Nam bất chấp những chuyển biến vĩ mô tích cực.

Cụ thể, chỉ số niềm tin của các doanh nghiệp tại Việt Nam trong quý 1/2012 chỉ còn 6%, từ mức 34% trong quý 4/2011, tương đương mức giảm 28 điểm phần trăm.

• Theo The Wall Street Journal, Quỹ đầu tư Elliott Advisers LP đã từ bỏ vụ kiện Tập đoàn Vinashin. Trước đó, vào tháng 2/2011, Elliott đâm đơn kiện Vinashin tại Tòa tối cao Anh để đòi một phần khoản nợ trị giá 600 triệu USD chưa trả được khi đáo hạn.

• Bộ Tài chính vừa thành lập tổ công tác để rà soát các khó khăn của doanh nghiệp để từ đó đưa ra các giải pháp tháo gỡ và dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối tháng 4 này để trình lên Chính phủ, Quốc hội.

• Theo Công văn 3898 của Bộ Tài chính, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nhỏ và vừa, dù thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ đúng quy định và đăng ký nộp thuế theo kê khai vẫn không được gia hạn đối với số thuế phải nộp từ hoạt động kinh doanh bất động sản.

• Kết quả thanh tra quý 1/2012 của Thanh tra Chính phủ chỉ ra những sai phạm về kinh tế có giá trị lớn tại các tập đoàn kinh tế.

Trong số 11 kết luận thanh tra đã ban hành, có một số tập đoàn, tổng công ty lớn như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Sông Đà, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Hóa chất, Bộ Xây dựng…

Hoàng Vũ (Vietstock)

finfonet

Các tin tức khác

>   Dự thảo sửa đổi Thông tư 13: Nên kỳ vọng gì cho chứng khoán và bất động sản? (09/04/2012)

>   SVC: MegaMall lấp đầy 85%, dòng tiền trong năm 2012 được cải thiện (05/04/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 02 – 06/04: Tái cấu trúc CTCK tác động như thế nào? (01/04/2012)

>   CSG giải thể: Nên bán hay mua cổ phiếu? (29/03/2012)

>   Tại sao CPI tháng 3 lại “đột ngột” tăng thấp? (21/03/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 19 – 23/03: Thị trường tiền tệ có thực sự “bất thường”? (19/03/2012)

>   PVX: Cổ phiếu hút dòng tiền đầu cơ, nhưng có gì "hay"? (16/03/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 12 – 16/03: Nới nhẹ chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng? (11/03/2012)

>   Hạ lãi suất: Tại sao lại diễn ra vào lúc này? (08/03/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 05 - 09/03: Số liệu vĩ mô tiếp tục phát đi tín hiệu tích cực (04/03/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật