Kinh tế Vĩ mô Tuần 02-04/05: “Thuốc” chưa ngấm, vĩ mô chưa khởi sắc
Các chính sách hỗ trợ tăng trưởng sẽ có độ trễ nhất định, và số liệu vĩ mô tháng 4 tiếp tục cho thấy nền kinh tế chưa khởi sắc trở lại.
I. KINH TẾ TÀI CHÍNH TRONG NƯỚC
CPI tháng 4 tăng thấp kỷ lục: Cầu đang sụt giảm mạnh!
Theo công bố của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 cả nước chỉ tăng 0.05% so với tháng 3/2012, và tăng 10.54% so với cùng kỳ năm 2011.
CPI tháng 4/2012 tăng ở mức thấp kỷ lục 0.05% so với cùng kỳ các năm trước, bất chấp dự báo sẽ bị ảnh hưởng đáng kể khi đợt tăng giá xăng hơn 10% (2,100 đồng/lít) vào ngày 7/3 được phản ánh hết vào giá cả trong tháng này.
Một nguyên nhân quan trọng giải thích điều này là tổng cầu sụt giảm đã khiến mức độ lan tỏa từ chi phí xăng dầu không còn mạnh.
Bên cạnh các số liệu vĩ mô quý 1/2012 như chỉ số SXCN, hàng tồn kho, tăng trưởng GDP và số lượng doanh nghiệp đóng cửa, số liệu CPI tháng 4 dường như giúp xác nhận thêm tình trạng đình trệ của nền kinh tế.
Vietstock đã có nhận định về chủ đề này tại đây.
“Thuốc” chưa ngấm, kinh tế vĩ mô tháng 4 chưa khởi sắc!
Bên cạnh những kết quả khả quan đạt được trong kiềm chế lạm phát, nền kinh tế đang phải đối diện với thực tế đáng lưu tâm là sức cầu đã suy giảm mạnh.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm 2012 tăng ở mức khiêm tốn 4.3% so với cùng kỳ, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng tương ứng 7.9% và 10% trong các năm 2010 và 2011.
Mặc dù ngành công nghiệp chế biến chỉ tăng 3.8%, nhưng chỉ số tồn kho tính đến ngày 01/04 đã tăng 32.1% so với cùng thời điểm năm trước và giảm nhẹ ở mức 0.5% so với tháng trước.
Trong khi đó, bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng có tín hiệu khả quan hơn khi tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng đầu năm tăng 21.6% so với cùng kỳ năm 2011; và nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 6.1%, nhưng vẫn thấp hơn con số 7.7% trong năm 2011.
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu trong tháng 4/2012 ước tính đạt 8.6 tỷ USD, giảm 9.3% so với tháng trước; kim ngạch nhập khẩu tháng này ước đạt 9 tỷ USD, giảm 0.6%. Như vậy, nhập siêu tháng 4/2012 ước tính 400 triệu USD, và nhập siêu bốn tháng đầu năm là 176 triệu USD, thấp hơn rất nhiều so với các con số lần lượt là 1.4 tỷ USD và 4.9 tỷ USD.
Một khi rơi vào tình trạng đình đốn sản xuất thì con số nhập siêu ở mức thấp là điều không quá bất ngờ, do nhiều ngành sản xuất trong nước dựa vào nguyên vật liệu nhập khẩu.
Như chúng tôi nhận định trong thời gian gần đây, các chính sách điều hành đã sẵn sàng để bước vào giai đoạn nới rộng và hỗ trợ tăng trưởng. Vừa qua, NHNN đã phát đi tín hiệu khơi thông dòng vốn tín dụng vào bất động sản, cho phép ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với doanh nghiệp, điều chỉnh giảm lãi suất cho vay… Về chính sách tài khóa, Bộ Tài chính mới đây đã nhắc tới đề xuất giảm 50% thuế giá trị gia tăng (VAT).
Tất cả những chính sách này sẽ có độ trễ nhất định, và số liệu vĩ mô tháng 4 tiếp tục cho thấy nền kinh tế chưa khởi sắc trở lại.
II. TIN TỨC KINH TẾ VĨ MÔ TRONG NƯỚC VÀ THẾ GIỚI
• NHNN vừa ban hành văn bản số 2506/NHNN-CSTT gửi các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện các giải pháp về hoạt động tín dụng. Cụ thể, (1) TCTD thực hiện việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng vay không có khả năng trả nợ đúng hạn; (2) TCTD xem xét điều chỉnh giảm lãi suất cho vay của các hợp đồng tín dụng xuống theo mức lãi suất cho vay hiện hành; (3) Các TCTD xem xét miễn, giảm lãi phải trả đối với khách hàng bị tổn thất về tài sản dẫn đến khó khăn về tài chính…
• Ngày 23/04, NHNN ban hành Quyết định số 780/QĐ-NHNN về việc phân loại nợ đối với nợ được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ. Theo đó, TCTD khi đánh giá hoạt động SXKD của khách hàng có khả năng trả nợ tốt sau khi điều chỉnh kỳ hạn trả nợ hay gia hạn nợ thì khách hàng được giữ nguyên nhóm nợ.
• Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu đề xuất với Chính phủ giảm 50% thuế giá trị gia tăng (VAT) trong buổi họp thường kỳ Chính phủ ngày 3/5 tới.
• Bộ Công thương vừa có văn bản gửi Thủ tướng đề xuất chỉnh sửa một số nội dung trong Dự thảo Luật Giá có liên quan đến giá điện. Cơ quan này kiến nghị, Nhà nước chỉ nên kiểm soát đối với khung giá phát, bán buôn, truyền tải, phân phối, phí dịch vụ điều độ hệ thống điện, phí dịch vụ điều hành giao dịch thị trường điện lực và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện. Quy định Thủ tướng phê duyệt giá bán lẻ điện bình quân không còn phù hợp và không khả thi khi cấu trúc thị trường thay đổi.
• Đánh giá về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2012, IMF dự báo lạm phát sẽ giảm xuống mức một con số mặc dù tốc độ tăng trưởng GDP chậm lại (dưới 6%).
• Theo đánh giá của A.M.Best, Việt Nam là nước Đông Nam Á duy nhất rơi vào nhóm A.M. Best’s CRT -5 (Country Risk Tier 5) - ở vị trí cao nhất - nhóm dành cho các quốc gia bị đánh giá là tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất.
• Standard & Poor's (S&P) vừa hạ xếp hạng tín nhiệm của Tây Ban Nha từ A xuống BBB+ với triển vọng “tiêu cực” do lo ngại nước này sẽ phải hỗ trợ thêm về mặt tài chính cho lĩnh vực ngân hàng trong bối cảnh kinh tế suy giảm.
Sau khi bị hạ bậc, xếp hạng tín nhiệm của Tây Ban Nha bằng với xếp hạng của Ireland và Ý.
Thân Hoàng Dung, Phòng Nghiên cứu VIETSTOCK
FINFONET
|