Kinh tế Vĩ mô Tuần 16 – 20/04: Dự trữ ngoại hối vượt bậc, đã sẵn sàng để nới rộng tín dụng
Thanh khoản các NHTM đã có bước cải thiện vượt bậc, sự ổn định trên thị trường tiền tệ đã trở lại và sẵn sàng cho một giai đoạn nới rộng tín dụng.
I. KINH TẾ TÀI CHÍNH THẾ GIỚI
Mỹ: Ổn định hệ thống tài chính tiếp tục là mục tiêu trọng tâm của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ vẫn chưa hoàn toàn hồi phục. Theo đó, ông Ben Bernanke đã đưa ra khuyến nghị các ngân hàng cần tăng cường nguồn vốn để ngăn chặn bất kỳ sự gián đoạn nào của thị trường.
Chỉ số tâm lý tiêu dùng Michigan trong tháng 4 tuy sụt giảm so tháng trước và kỳ vọng của giới chuyên gia, nhưng vẫn giữ được ở mức cao với 75.7 điểm.
Trong tháng 3/2012, mức thâm hụt ngân sách liên bang vẫn duy trì ở mức cao với 198.2 tỷ USD. Như vậy, tổng thâm hụt ngân sách trong 6 tháng đầu năm tài khóa 2012 (bắt đầu từ tháng 10/2011) là 779 tỷ USD, giảm 6.1% so với khoản thâm hụt 829.4 tỷ USD cùng kỳ năm 2011.
Trong khi đó, chỉ số giá nhập khẩu trong tháng 3 cũng bật tăng mạnh lên 1.3%, cao hơn so với dự báo của các nhà kinh tế. Tuy nhiên, chỉ số giá sản xuất trong tháng lại đứng yên, không điều chỉnh tăng/giảm; và chỉ số giá tiêu dùng cũng chỉ tăng 0.3%.
Điểm tích cực là thâm hụt thương mại trong tháng 2 bất ngờ giảm mạnh, đứng ở mức 46 tỷ USD, thấp hơn nhiều so con số 52.5 tỷ USD trong tháng trước và cũng thấp hơn dự báo của các chuyên gia.
Trong tuần tới, nền kinh tế Mỹ sẽ đón nhận một số dữ liệu kinh tế quan trọng như doanh số bán lẻ, số nhà xây mới, doanh số bán nhà đã qua sử dụng, sản xuất công nghiệp trong tháng 3, dự trữ thương mại trong tháng 2.
Châu Âu: Những lo ngại về khả năng kiểm soát tình hình tài chính của Tây Ban Nha và Ý là lý do chính khiến cho chi phí vay mượn của hai Chính phủ này đã tăng vọt.
Cụ thể, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Ý tăng lên 5.69%, trong khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Tây Bân Nha tăng lên sát 6%, mức cao nhất trong hơn 3 tháng.
Một lần nữa, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tìm cách trấn an thị trường khi cho biết họ sẽ không từ bỏ các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp nhằm giải quyết dứt điểm cuộc khủng hoảng nợ công ở khu vực Eurozone.
Tuy nhiên, ECB cũng nêu rõ quan điểm rằng cơ quan này chỉ có thể hỗ trợ, và chính phủ các nước phải có trách nhiệm giải quyết tận gốc cuộc khủng hoảng và ổn định tình hình tài chính của đất nước.
Không quá bi quan, một báo cáo chung của 3 cơ quan thống kê Pháp, Đức và Ý nhận định nền kinh tế khu vực đồng tiền chung EUR sẽ thoát khỏi suy thoái vào cuối mùa Xuân và bắt đầu phục hồi nhẹ vào mùa Hè năm nay.
Theo báo cáo này, tăng trưởng GDP khu vực Eurozone sụt giảm 0.2% trong quý 1/2012, thấp hơn mức sụt giảm 0.3% trong quý 4/2011. Trong 3 tháng tiếp theo, Eurozone được dự báo phục hồi nhẹ với mức tăng trưởng 0% và đà phục hồi này được duy trì trong ba tháng kế tiếp với tỷ lệ tăng trưởng dự kiến đạt 0.1% trong mùa Hè với sự hỗ trợ của gia tăng xuất khẩu.
Liên quan đến Hy Lạp, Thủ tướng Lucas Papademos đã từ chức vào ngày 11/04, để chuẩn bị cho cuộc bầu cử sớm vào ngày 6/5 tới. Quốc hội mới dự kiến sẽ được triệu tập vào ngày 17/05.
II. KINH TẾ TÀI CHÍNH TRONG NƯỚC
Nới lỏng tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng, giải cứu bất động sản
NHNN vừa có hàng loạt động thái chính sách quan trọng là: (1) Đồng loạt giảm 1% ở các lãi suất điều hành; (2) Loại mảng tín dụng bất động sản nhà ở và bán, cho thuê ra khỏi “không khuyến khích”; (3) Nhắc lại chủ trương cho phép tái cơ cấu các khoản nợ vay…
Như Vietstock đã nhận định, NHNN đang định hướng nới lỏng tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng và thúc đẩy khối doanh nghiệp hồi phục sau khủng hoảng. Đặc biệt, với việc loại trừ mảng tín dụng bất động sản quan trọng ra khỏi “không khuyến khích”, dòng tín dụng vào lĩnh vực quan trọng này gần như được cởi trói hoàn toàn và doanh nghiệp bất động sản đã chính thức được giải cứu.
Đây là một thay đổi chính sách quan trọng và nhiều lĩnh vực, đặc biệt là bất động sản và ngân hàng sẽ được hưởng lợi.
Xem chi tiết nhận định của chúng tôi về chủ đề này tại đây.
Dự trữ ngoại hối và thanh khoản ngân hàng cải thiện đáng kể
Theo ước tính của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), dự trữ ngoại hối của NHNN đã đạt khoảng 17 tỷ USD đến cuối quý 1/2012, xấp xỉ bằng mức trước khủng hoảng kinh tế năm 2008.
Như vậy, nguồn dự trữ ngoại tệ này tương đương với 8 tuần nhập khẩu, một bước nhảy rất tích cực so với con số 3.5 tuần nhập khẩu ở đầu năm 2011. Theo thông lệ chung, dự trữ ngoại tệ của một quốc gia phải đạt 12 – 13 tuần nhập khẩu mới được xem là an toàn.
Theo thông tin từ NHNN, trong thời gian vừa qua cơ quan này đã mua ròng tổng cộng khoảng 6 tỷ USD. Và như vậy, tổng lượng tiền NHNN đã bơm ra qua kênh ngoại tệ vào khoảng 130,000 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, từ giữa tháng 3/2012, NHNN đã phát hành tín phiếu với các kỳ hạn 1, 3 và 6 tháng và hút về khoảng 45,000 tỷ đồng. Hơn nữa, ở kênh trái phiếu Chính phủ, khối lượng phát hàng cũng khá lớn, vào khoảng 30,000 tỷ đồng từ đầu năm đến nay.
Với các số liệu ước tính như trên, lượng tiền đồng bơm ròng của NHNN ra thị trường vào khoảng 55,000 tỷ đồng.
Chúng ta hoàn toàn có thể hiểu được rằng tình hình thanh khoản của các NHTM đã được cải thiện mạnh mẽ trong thời gia qua. Theo thống kê của NHNN, lượng tiền gửi của các NHTM tại NHNN trung bình ở khoảng 60,000 tỷ đồng, cao hơn phần dự trữ bắt buộc trung bình khoảng 15,000 – 20,000 tỷ đồng và ổn định từ đầu năm đến nay.
Cũng cần phải để ý thêm, tăng trưởng huy động vốn 3 tháng đầu năm chỉ tăng 1.56% so với cuối năm, trong khi tăng trưởng tín dụng lại giảm tới 2.13%.
Tất cả điều này đang hàm ý rằng thanh khoản các NHTM đã có bước cải thiện vượt bậc, sự ổn định trên thị trường tiền tệ đã trở lại, và sẵn sàng cho một giai đoạn nới rộng tín dụng mà không ảnh hưởng quá nhiều đến tỷ giá.
III. TIN TỨC VĨ MÔ TRONG NƯỚC NỔI BẬT
• Theo dự kiến, trong chương trình phiên họp thứ 7, sáng 19/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp tới.
• Theo Nghị định 31/2012/NĐ-CP, mức lương tối thiểu chung thực hiện từ 1/5/2012 là 1,050,000 đồng/tháng, tăng 220,000 đồng/tháng so với mức lương 830,000 đồng/tháng hiện đang áp dụng.
• Theo Bộ Tài chính, doanh nghiệp mua bảo hiểm tín dụng xuất khẩu sẽ được Bộ hỗ trợ 20% tổng mức phí bảo hiểm cho mỗi đơn hàng xuất đi.
Theo đó, sẽ có 23 mặt hàng được hỗ trợ 20% phí bảo hiểm, gồm có nhóm mặt hàng nông lâm thủy sản như thủy sản, gạo, điều, cà phê … và nhóm dệt may, giày dép, điện tử, mây tre, gỗ…
• Theo báo cáo của Ernst & Young và trung tâm Oxford Economics, về trung hạn, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ phục hồi và vượt mục tiêu 6.5% khi khủng hoảng nợ công châu Âu lắng xuống. Tuy nhiên, rủi ro tăng trưởng trong ngắn hạn vẫn còn đáng lo ngại.
Phòng Nghiên cứu VIETSTOCK
finfonet
|