Chủ Nhật, 13/05/2012 14:45

Kinh tế Vĩ mô Tuần 14 - 18/05: Giảm giá xăng, tăng giá điện và kích thích tài khóa?

Nhiều khả năng giá bán lẻ xăng dầu trong nước sẽ tiếp tục có cơ hội được điều chỉnh giảm. Trong khi đó, việc tăng giá điện trở nên hiện hữu sau khi CPI đã có dấu hiệu giảm bền vững.

I. KINH TẾ TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Mỹ: Còn quá sớm để lạc quan về sự phục hồi của nền kinh tế thế giới khi những bất ổn kinh tế chính trị dai dẳng ở khu vực châu Âu và sự tăng trưởng yếu ớt của nền kinh tế Mỹ đang trở thành mối quan ngại lớn.   

Số việc làm mới thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp trong tháng 4 chỉ dừng ở con số 115,000 đơn vị, mức tăng thấp nhất trong 6 tháng, cho thấy đà tăng trưởng đã có dấu hiệu chậm lại.

Đã có những đồn đoán về khả năng thực hiện gói kích thích định lượng QE3 trong thời gian tới nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các chuyên gia của PIMCO và Goldman Sachs dự báo Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiến hành đợt mua trái phiếu thứ 3, hay còn gọi là QE3.

Tuy nhiên, bài toán lạm phát cũng là vấn đề rất quan trọng, cần cân nhắc trước khi Fed có ý định tung ra gói kích thích nào khác. Dường như với lạm phát mục tiêu 2%, Fed không còn nhiều “room” để nới lỏng chính sách tiền tệ, và việc tung ra gói QE3 nếu có sẽ chỉ ở mức độ “khiêm tốn”.     

Châu Âu: Cục diện kinh tế - chính trị châu Âu đột ngột thay đổi sau chiến thắng bước ngoặt của ông François Hollande trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp và những bất ổn trong việc thành lập Chính phủ Hy Lạp.

Nếu như trước kia biện pháp “thắt lưng buộc bụng” được xem là kim chỉ nam hành động của hầu hết các nhà lập pháp châu Âu nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công khu vực, thì nay điều này có nguy cơ bị chệch hướng khi Pháp và Hy Lạp đã phát ra những tín hiệu cho thấy sẽ ít nhiều theo đuổi chính sách kích thích tăng trưởng kinh tế. 

Như vậy, sau khi tạm thoát khỏi nguy cơ phá sản, Hy Lạp lại chính thức trở thành điểm “nóng” của khu vực đồng tiền chung EUR. Nếu Hy Lạp không đạt được tiến triển như theo cam kết với bộ ba tài chính IMF, ECB và EU, khả năng buộc phải rời bỏ khu vực Eurozone đang đến rất gần. Tuy vậy, không lặp lại lịch sử, những tác động của việc Hy Lạp rời khỏi Eurozone đã nằm trong tầm kiểm soát.

Mới đây, các Chính phủ Eurozone đã đồng ý chi 5.2 tỷ EUR từ quỹ giải cứu khu vực cho Hy Lạp bất chấp sự phản đối của một số quốc gia thành viên sau kết quả bầu cử tại nước này.

Theo dự báo của Ủy ban châu Âu (EC), nền kinh tế của 17 quốc gia sử dụng đồng tiền chung EUR sẽ giảm 0.3% trong năm 2012 và tăng trưởng trở lại với tốc độ 1% trong năm 2013.

Tổ chức này cũng dự báo tỷ lệ thất nghiệp của Tây Ban Nha sẽ tiếp tục cao nhất EU khi đứng ở mức 24.4% trong năm nay và 25.1% trong năm 2013. Theo EC, tỷ lệ thất nghiệp năm 2012 và 2013 của Eurozone sẽ đứng ở mức 11%, trong khi của EU là 10.3%.     

II. KINH TẾ TÀI CHÍNH TRONG NƯỚC

Xăng sẽ tiếp tục được điều chỉnh giảm trong thời gian tới?

Sau khi tăng lên 900 đồng/lít vào ngày 20/4, giá bán lẻ xăng A92 vừa được điều chỉnh giảm 500 đồng xuống còn 23,300 đồng/lít, đồng thời thuế nhập khẩu cũng được tăng lên 2% đối với xăng.

Theo Cục trưởng Quản lý giá, chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán trước 22h ngày 9/5 là 828 đồng nên giá xăng lẽ ra có thể giảm nhiều hơn; nhưng để tạo nguồn bình ổn giá, Bộ Tài chính đã quyết định khôi phục thuế.

Đây là giải pháp dung hòa phù hợp trong bối cảnh hiện nay, vừa có thể giúp giảm gánh nặng chi phí kinh tế và giảm áp lực lên ngân sách.

Giá dầu thô trong thời gian gần liên tục dao động quanh ngưỡng 95 USD/thùng và nhiều khả năng tiếp tục điều chỉnh giảm do lo ngại rủi ro suy thoái của nền kinh tế toàn cầu. Giá thành phẩm xăng RON 92 tại thị trường Singapore từ đầu tháng 5 đến nay cũng liên tục giảm. Như vậy, nếu diễn biến giá xăng dầu thành phẩm duy trì thuận lợi, nhiều khả năng giá bán lẻ xăng dầu trong nước sẽ tiếp tục có cơ hội được điều chỉnh giảm.

Đề xuất tăng giá điện?

Thông tin trên báo chí cho thấy EVN đã trình lên Bộ Công thương ba phương án tăng giá điện: tăng dưới 5%, tăng 10% và tăng trong khoảng 5%-10%. Những thảo luận về việc tăng giá điện cũng đã xuất hiện trên thị trường tuần qua, thậm chí có mốc thời gian cụ thể là từ tháng 7.

Hiện giá bán điện đã dưới giá thành và EVN đang nợ đọng khá lớn với nhiều tập đoàn khiến áp lực phải tăng giá bán lẻ điện để bù đắp luôn hiện diện. Trước đó, có thông tin có thông tin giá điện năm 2012 sẽ tăng 2 lần với một lần không thấp hơn 5%. Theo quy định hiện hành, hai lần tăng giá điện phải cách nhau tối thiểu 3 tháng.

Lần tăng giá điện gần nhất là vào ngày 20/12/2011 với mức tăng trung bình khoảng 5%, sau khi số liệu lạm phát của năm 2011 đã được “chốt”.

Có lẽ lần tăng giá điện này cũng sẽ được thực hiện theo cách tương tự, tức sau khi CPI đã có dấu hiệu giảm bền vững để không tạo áp lực quá lớn.

Góc nhìn về gói kích thích tài khóa năm 2012

Ngày 10/5, Chính phủ vừa chính thức ban hành Nghị quyết 13 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường cho doanh nghiệp. Nội dung chủ yếu của Nghị quyết này được dựa trên những đề xuất được Bộ Tài chính công bố trước đó.

Tổng giá trị của gói hỗ trợ được cơ quan quản lý ước tính vào khoảng 29,000 tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý nhất là gói giải pháp tài khóa, liên quan điến chi tiêu công và thuế, phí.

Nhìn chung, chúng tôi nhận thấy “room” còn lại để nới lỏng chính sách tiền tệ là quá ít và đã không được lựa chọn. Trong khi đó, thực hiện nới lỏng mạnh chính sách tài khóa sẽ chịu áp lực thâm hụt ngân sách và phải đánh đổi với rủi ro lạm phát quay trở lại.

Trong thời gian tới, biện pháp được cơ quan quản lý áp dụng quyết liệt nhất sẽ là kéo giảm lãi suất và tăng mức độ tiếp cận vốn giá rẻ của doanh nghiệp, không loại trừ bằng cả những biện pháp hành chính.

Nhận định chi tiết của chúng tôi về gói kích thích tài khóa năm 2012 sẽ sớm được đăng tải.

III. TIN TỨC KINH TẾ VĨ MÔ TRONG NƯỚC NỔI BẬT 

• Ngày 11/05, Fitch thông báo giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm nội và ngoại tệ của Việt Nam ở mức “B+” với triển vọng “ổn định”. Trần xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam cũng được duy trì ở mức “B+” và xếp hạng tín nhiệm ngoại tệ ngắn hạn ở mức “B”.

Điều này cho thấy thành công của Chính phủ trong nỗ lực giải quyết tình trạng mất cân bằng vĩ mô trong năm 2010 và 2011.

Fitch dự báo lạm phát Việt Nam năm 2012 vào khoảng 10%.

• NHNN cho biết về cơ bản đã kiểm soát được tình hình của các NHTMCP yếu kém thông qua các biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật. Trong tương lai gần, thị trường sẽ tiếp tục chứng kiến các giao dịch sáp nhập, hợp nhất, mua lại các TCTD trên cơ sở tự nguyện với sự giám sát chặt chẽ của NHNN.

• Theo dự báo của Ủy ban Kinh tế - Xã hội khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Liên hiệp quốc (ESCAP), tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2012 sẽ đạt khoảng 5.8%, và lạm phát sẽ giảm xuống mức 1 con số trong nửa cuối 2012. 

Thân Hoàng Dung, Phòng Nghiên cứu VIETSTOCK

finfonet

Các tin tức khác

>   Góc nhìn về gói kích thích tài khóa năm 2012 (15/05/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 07 – 11/05: Trần lãi suất cho vay 15% và lãi suất thực chất (06/05/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 02-04/05: “Thuốc” chưa ngấm, vĩ mô chưa khởi sắc (01/05/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 16 – 20/04: Dự trữ ngoại hối vượt bậc, đã sẵn sàng để nới rộng tín dụng (14/04/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô: Nhận định về hàng loạt động thái chính sách của NHNN (10/04/2012)

>   Tổng hợp Kinh tế Vĩ mô Tuần 03 - 06/04: Sửa đổi Thông tư 13, định hướng hạ trần lãi suất (09/04/2012)

>   Dự thảo sửa đổi Thông tư 13: Nên kỳ vọng gì cho chứng khoán và bất động sản? (09/04/2012)

>   SVC: MegaMall lấp đầy 85%, dòng tiền trong năm 2012 được cải thiện (05/04/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 02 – 06/04: Tái cấu trúc CTCK tác động như thế nào? (01/04/2012)

>   CSG giải thể: Nên bán hay mua cổ phiếu? (29/03/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật