Thứ Năm, 31/05/2012 17:10

Cập nhật tình hình khủng hoảng châu Âu

Trong trường hợp xấu nhất, nơi trú ẩn an toàn trong EU được lựa chọn có thể là Đức hay Hà Lan; ngoài ra, Mỹ và Nhật cũng sẽ là những lựa chọn hàng đầu, mặc dù các quốc gia này cũng đang chịu gánh nặng nợ công.  

Kinh tế châu Âu: Vì đâu bất ổn kéo dài?

Sau vài tháng tạm lắng xuống, tình hình căng thẳng ở khu vực đồng tiền chung châu Âu, vốn khởi nguồn từ những bất ổn kinh tế xã hội ở các nước ngoại vi, lại đang trỗi dậy mạnh mẽ. Dữ liệu công bố gần đây cho thấy nền kinh tế Eurozone đã đình trệ trong nửa đầu năm 2012.

Như vậy, một loạt các biện pháp cứu trợ kể từ cuối năm 2011 chỉ giúp ổn định tình hình khu vực trong vài tháng đầu năm 2012; nhưng chưa đủ để giải quyết triệt để cuộc khủng hoảng nợ công, đặc biệt là ở các nước ngoại vi khu vực Eurozone.  

Thứ nhất, gói giải cứu thứ hai và việc tái cấu trúc nợ ở Hy Lạp đã giảm bớt áp lực lên tình hình tài chính của quốc gia này từ ngắn hạn đến trung hạn; và giúp tránh gây ảnh hưởng dây chuyền tiêu cực đến các quốc gia còn lại trong khu vực.

Tuy nhiên, triển vọng ở Hy Lạp vẫn còn khá mờ mịt khi nước này buộc phải tiến hành hàng loạt các biện pháp cải cách khắc nghiệt theo chương trình cứu trợ, trong điều kiện nền kinh tế nước này đã sa lầy sâu vào suy thoái cũng như phải đối mặt với làn sóng biểu tình, phản đối và bất ổn xã hội. 

Thứ hai, hiệp ước về ổn định, phối hợp và quản lý trong Liên minh tiền tệ và kinh tế mặc dù được đa số thành viên châu Âu đồng ý, nhưng đang phải đối mặt với nhiều rủi ro như việc trưng cầu dân ý ở Ireland, hay yêu cầu đàm phán lại ở Pháp.

Mặc dù đây là bước tiến quan trọng trong việc kiểm soát ngân sách quốc gia, nhưng vẫn chưa thể hiện rõ lộ trình cho một Liên minh tiền tệ và những chương trình cải cách nợ công ở khu vực ngoại vi châu Âu.

Thứ ba, quy mô của quỹ giải cứu khu vực Eurozone mặc dù đã được nâng lên nhưng cũng chỉ đủ để tránh khả năng lây lan đến Tây Ban Nha và Ý. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã cung cấp không giới hạn thanh khoản dài hạn trong hai cuộc đấu giá (LTROs) diễn ra vào tháng 12/2011 và tháng 2/2012, cũng như mở rộng phạm vi tài sản có thể được sử dụng để làm tài sản thế chấp. Tuy vậy, các nhà hoạch định chính sách đã không đưa ra một lộ trình đủ dài đối với những giải pháp rõ ràng và đáng tin cậy nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu.

Về nguyên tắc, các nhà chức trách châu Âu và ECB có đủ công cụ để giải quyết những vấn đề này, nhưng phản ứng khá chậm chạp và chưa đầy đủ khiến ngày càng làm tăng thêm rủi ro tác động lan truyền ở các nước ngoại vi khu vực.

Những yếu tố bất ngờ từ Pháp và Hy Lạp

Cục diện kinh tế - chính trị châu Âu đột ngột thay đổi sau chiến thắng bước ngoặt của ông François Hollande trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp và những bất ổn trong việc thành lập Chính phủ Hy Lạp.

Nếu như trước kia biện pháp “thắt lưng buộc bụng” được xem là kim chỉ nam hành động của hầu hết các nhà lập pháp châu Âu nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công khu vực, thì nay điều này có thể thay đổi khi Pháp và Hy Lạp đã phát ra những tín hiệu cho thấy sẽ ít nhiều theo đuổi chính sách kích thích tăng trưởng kinh tế.

Như vậy, cuộc bầu cử ở Hy Lạp vào ngày 17/6 tới, sau thất bại ngày 6/5, sẽ thu hút sự quan tâm đặc biệt vì tầm quan trọng của nó đối với sự ổn định khu vực đồng tiền chung EUR.

Có thể tóm tắt các khả năng sẽ xảy ra với Hy Lạp như sau:

(1) Tiếp tục thực hiện các thỏa thuận với bộ ba tài trợ EU, IMF và ECB, nếu Hy Lạp thể hiện mong muốn là thành viên của khu vực Eurozone.

(2) Các thỏa thuận với bộ ba EU, IMF và ECB có thể được bãi bỏ, và Hy Lạp vẫn nằm trong khu vực Eurozone.

(3) Hy Lạp rút ra khỏi khu vực EU và Eurozone, và tuyên bố phá sản.

Hầu hết các chuyên gia kinh tế quốc tế đều dự báo Hy Lạp sẽ sớm rời khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu vào năm 2013. Tương tự, các chính phủ EU cũng đã thay đổi quan điểm và hiện đang tích cực chuẩn bị kế hoạch cho khả năng Hy Lạp sẽ rời khỏi EU.

Tuy vậy, các nhà lãnh đạo EU đang mắc kẹt vào kịch bản mong muốn Hy Lạp vẫn là thành viên khu vực và nhấn mạnh cam kết hỗ trợ quốc gia này, miễn là Hy Lạp tôn trọng những cam kết trong gói cứu trợ.

Hiện chưa biết rõ điều gì sẽ xảy ra nếu chính phủ Hy Lạp không tuân thủ các cam kết trước đó, nhưng vẫn mong muốn ở lại EU.    

Kịch bản xấu nhất thì dòng tiền sẽ chảy về đâu?

Việc Hy Lạp rời bỏ sẽ tác động đáng kể đến nền kinh tế Hy Lạp cũng như toàn bộ khu vực Eurozone thông qua các kênh lây lan khác nhau. Tuy nhiên, không có lý do gì để cho rằng việc Hy Lạp rời bỏ sẽ dẫn đến sự sụp đổ đồng tiền chung EUR nếu sự lây lan có thể được chặn lại, hoặc ít nhất là giảm bớt nhờ những chính sách mạnh mẽ.

 

Hiện nay, nợ công Hy Lạp đã bị xem là tài sản rủi ro thay vì tài sản an toàn như trước đó. Tương tự, nợ công Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, và Ý cũng bị xem là tài sản rủi ro, mặc dù kém rủi ro hơn so với Hy Lạp.

Việc Hy Lạp rời bỏ Eurozone sẽ có tác động lây lan xa và ảnh hưởng rất tiêu cực đến niềm tin trên thị trường tài chính. Dòng vốn nhiều khả năng sẽ rời bỏ những thị trường rủi ro này để tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn. Trong trường hợp xấu nhất, nơi trú ẩn an toàn trong EU được lựa chọn có thể là Đức hay Hà Lan; ngoài ra, Mỹ và Nhật cũng sẽ là những lựa chọn hàng đầu, mặc dù các quốc gia này cũng đang chịu gánh nặng nợ công. 

Đâu là giải pháp cho châu Âu?

Như vậy, hiện khu vực châu Âu đã không còn đối phó với vấn đề thanh khoản (liquidity), mà thay vào đó là vấn đề khả năng thanh toán (solvency), đặc biệt là ở những ngân hàng ngoại vi châu Âu và các khoản nợ công.

Theo giới chuyên gia, ảnh hưởng lây lan có thể tránh khỏi (hoặc hạn chế) nếu một loại hình bảo hiểm tiền gửi được áp dụng, song song với việc ECB tham gia hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng bị ảnh hưởng do dòng vốn tháo chạy. Ngoài ra, việc cam kết mua thêm trái phiếu chính phủ cũng là điều cần thiết nhằm kéo giảm chi phí vốn trên thị trường tài chính châu Âu.

Tuy vậy, vấn đề hiện nay là châu Âu không có một cơ chế bảo hiểm tiền gửi tương tự như Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) của Mỹ - vốn đã phát huy hiệu quả khá mạnh khi Lehman Brothers sụp đổ năm 2008. Và liệu rằng các nước EU có chấp nhận một đồng euro suy yếu – là hệ quả của các biện pháp này – hay không.

Việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn khu vực gần đây cũng đã được các nhà lãnh đạo EU thảo luận. Nhiều khả năng việc giải ngân cho vay từ Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) sẽ được thúc đẩy hơn nữa, cũng như các quỹ cơ cấu từ ngân sách EU sẽ được chuyển hướng đầu tư sang các dự án cơ sở hạ tầng trên toàn liên minh, và phạm vi lớn hơn đối với các dự án trái phiếu cũng sẽ được thực hiện.      

Thân Hoàng Dung, Phòng Nghiên cứu VIETSTOCK

finfonet

Các tin tức khác

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 28/05 – 01/06: Tiếp tục hạ lãi suất lúc nào và bao nhiêu? (27/05/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 21 - 25/05: Sẽ quyết liệt nới lỏng tín dụng? (19/05/2012)

>   ELC: Tỷ suất lợi nhuận quý 1 đạt mức “khủng” 46%, tiền mặt còn 400 tỷ đồng (18/05/2012)

>   Đề xuất miễn thuế của Chính phủ bị “bác”: Có thực sự đáng ngại? (17/05/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 14 - 18/05: Giảm giá xăng, tăng giá điện và kích thích tài khóa? (13/05/2012)

>   Góc nhìn về gói kích thích tài khóa năm 2012 (15/05/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 07 – 11/05: Trần lãi suất cho vay 15% và lãi suất thực chất (06/05/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 02-04/05: “Thuốc” chưa ngấm, vĩ mô chưa khởi sắc (01/05/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 16 – 20/04: Dự trữ ngoại hối vượt bậc, đã sẵn sàng để nới rộng tín dụng (14/04/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô: Nhận định về hàng loạt động thái chính sách của NHNN (10/04/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật