Kinh tế Vĩ mô Tuần 21 - 25/05: Sẽ quyết liệt nới lỏng tín dụng?
Chúng tôi tin rằng NHNN sẽ tăng cường nới lỏng tín dụng trong những tháng còn lại của năm, có thể sau khi có số liệu lạm phát tháng 5 và 6.
I. KINH TẾ TÀI CHÍNH TRONG NƯỚC
Sẽ đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong các tháng còn lại
Mặc dù chưa có số liệu chính thức về con số tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 4/2012, nhưng nhiều nguồn tin báo chí cho thấy tăng trưởng tín dụng nền kinh tế vẫn giảm khoảng 0.66% so với cuối năm 2011.
So với mức giảm 1.96% tính đến 26/03, thì con số âm 0.66% cho thấy tăng trưởng tín dụng trong tháng 4 cũng đã được cải thiện đáng kể, và cụ thể là tăng hơn 1.3% so với tháng 3.
Theo ước tính của chúng tôi, với mức tăng trưởng bình quân vào khoảng 1.5% trong mỗi tháng còn lại thì tăng trưởng tín dụng năm 2012 chỉ đạt xấp xỉ 12%. Trong khi đó, nếu nâng mức tăng trưởng bình quân lên hơn 1.8% thì tín dụng nền kinh tế mới có khả năng tăng trưởng 15%.
Chúng tôi tin rằng NHNN sẽ tăng cường nới lỏng tín dụng trong những tháng còn lại của năm, có thể sau khi có số liệu lạm phát tháng 5 và 6. Điều này được thực hiện trong bối cảnh NHNN đang quyết liệt kéo giảm lãi suất và tăng mức độ tiếp cận vốn đối với nhiều đối tượng, đặc biệt là các doanh nghiệp và hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng. Chính sách này sẽ càng được ưu tiên cao hơn, khi những bất ổn trên thị trường quốc tế có dấu hiệu trở lại.
Tinh thần này đã được thể hiện khá rõ khi ngày 16/5/2012 vừa qua, NHNN đã có công văn số 2871/NHNN-TD đôn đốc 14 ngân hàng lớn tháo gỡ khó khăn trong hoạt động, tích cực xử lý nợ để giải ngân tín dụng trong thời gian tới.
Lãi suất liên ngân hàng có bất ngờ tăng vọt?
Thông tin báo chí cho biết lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 6 tháng ngày 17/05 lại vọt lên 20.06%. Tuy vậy, với doanh số giao dịch ở kỳ hạn này chỉ vỏn vẹn 2 tỷ đồng, có thể nói sự đột biến này không hề đại diện cho việc lãi suất liên ngân hàng gia tăng.
Tương tự, mức tăng đột biến ở những thời điểm khác cũng chỉ đi kèm với doanh số giao dịch rất thấp, gần như không đáng kể. Xem thêm chi tiết ở bảng bên dưới.
Nhìn chung, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng có xu hướng hạ nhiệt khá rõ nét, và phần lớn giao dịch tập trung ở các kỳ hạn ngắn ngày như qua đêm, 1 tuần… Trên thực tế, hiện các ngân hàng đang thừa thanh khoản do khó giải ngân trên thị trường dân cư, doanh nghiệp nên tăng cường cho vay trên thị trường liên ngân hàng với kỳ hạn ngắn để “gỡ gạc”, dù lãi suất cực kỳ thấp.
Đề xuất miễn thuế của Chính phủ bị “bác”: Có thực sự đáng ngại?
Có thông tin cho thấy nội dung đề xuất miễn thuế của Chính phủ theo Nghị quyết 13 bước đầu đã không được Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đồng ý; trái ngược với đồng ý đối với đề xuất giảm thuế.
Tuy vậy, tác động của nội dung miễn thuế này là không đáng kể nên việc “bác bỏ” cũng sẽ không có nhiều ảnh hưởng. Thông tin cho thấy tổng số thuế các loại được giảm cho các nhóm đối tượng trên trong gói kích thích tài khóa năm 2011 chỉ vỏn vẹn khoảng 12 tỷ đồng.
Chúng tôi đã có nhận định chi tiết về chủ đề này tại đây.
II. TIN TỨC KINH TẾ VĨ MÔ TRONG NƯỚC NỔI BẬT
• Fitch Ratings nhận định việc kết hợp đồng bộ giữa chính sách tài khóa và tiền tệ của Chính phủ Việt Nam lúc này là một bước đi hợp lý.
Cơ quan này cũng cho biết việc hạ lãi suất quyết liệt của NHNN thời gian qua là sự ứng phó thích hợp về mặt chính sách trước sự giảm tốc của nền kinh tế và sự hạ nhiệt của lạm phát.
• Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng GDP trong quý 2/2012 dự báo chỉ đạt khoảng 4.5%, sau khi quý 1/2012 chỉ đạt 4%. Như vậy, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6 - 6.5% rất khó có thể đạt được.
• Thống đốc NHNN nhận định lạm phát cuối năm sẽ ở mức 8.5% nếu các diễn biến tiếp tục diễn ra như đã dự báo. Khi đó, lãi suất huy động trong hệ thống ngân hàng sẽ ở mức khoảng 9-10%.
• Theo Bộ Tài chính, những hàng hóa sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu, máy móc thiết bị, nguyên vật liệu mới được gia hạn thuế giá trị gia tăng (VAT), còn hàng tiêu dùng nhập khẩu sẽ không được hưởng chính sách này.
• Ngày 17/05, Moody’s hạ xếp hạng sức mạnh tài chính độc lập (SBFSR) của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) từ “D-” xuống “E+”; và hạ xếp hạng phát hành và tiền gửi dài hạn bằng nội tệ từ “Ba3” xuống “B1”. Triển vọng dành cho cả hai mức xếp hạng trên là “ổn định”.
Hãng xếp hạng tín nhiệm này cũng dọa hạ điểm đối với SHB, sau khi ngân hàng này công bố kế hoạch sáp nhập với HBB.
Thân Hoàng Dung, Phòng Nghiên cứu VIETSTOCK
finfonet
|