Chủ Nhật, 27/05/2012 15:19

Kinh tế Vĩ mô Tuần 28/05 – 01/06: Tiếp tục hạ lãi suất lúc nào và bao nhiêu?

Việc giảm thêm 1-2% ở các lãi suất điều hành là hoàn toàn có thể diễn ra để thúc đẩy quá trình nới lỏng tín dụng. Tháng 6 cũng là thời điểm mà giá vốn tín dụng của các ngân hàng đã được kéo giảm mạnh theo sau các đợt giảm lãi suất đầu năm.  

I. KINH TẾ TÀI CHÍNH TRONG NƯỚC

Kinh tế vĩ mô tháng 5/2012: Tiếp tục chưa thấy tín hiệu khởi sắc!

Những số liệu vĩ mô đầu tiên 5 tháng đầu năm 2012 được công bố tiếp tục cho thấy nền kinh tế chưa có nhiều dấu hiệu khởi sắc trở lại.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm 2012 chỉ tăng 4.2% so với cùng kỳ năm 2011. Như vậy, với tỷ trọng lớn nhất trong Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), con số 4.2% này tiếp tục báo hiệu mức tăng trưởng khiêm tốn của GDP trong quý 2/2012.

Trong khi đó, số liệu công bố cho thấy lượng tồn kho tính đến tháng 5 vẫn ở mức cao, và tăng 29.4% so với cùng kỳ 2011; mặc dù có giảm tốc chút đỉnh so với con số 32.1% trong tháng 4 và 34.9% trong tháng 3/2012.

Kim ngạch xuất khẩu tính đến ngày 15/05/2012 có dấu hiệu khả quan hơn khi tăng 23.8% so với cùng kỳ năm 2011, cao hơn so với con số 20.5% tính đến 15/4/2012, theo thống kê của Tổng cục Hải quan. Kim ngạch nhập khẩu tính đến ngày 15/05/2012 tăng 6% so với cùng kỳ năm 2011, cao hơn so với con số 3.7% tính đến 15/04/2012.

Như vậy, tính đến ngày 15/05/2012, nhập siêu cả nước là 715 triệu USD, bằng 1.9% kim ngạch xuất khẩu.

Đóng góp chính vào kim ngạch xuất khẩu vẫn đến từ các doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khi giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng 42.9% so với cùng kỳ 2011, so với mức tăng khiêm tốn 6.86% của khối doanh nghiệp xuất khẩu trong nước. Đối với hàng hóa nhập khẩu, doanh nghiệp FDI có mức tăng đến 25% so với cùng kỳ năm 2011, so với mức giảm 8.9% của khối doanh nghiệp nhập khẩu trong nước.

Kim ngạch nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước sụt giảm đã giải thích cho mức tăng trưởng xuất khẩu khiêm tốn của nhóm này vì nhiều ngành sản xuất, xuất khẩu trong nước chủ yếu dựa vào nguyên vật liệu nhập khẩu.    

Thu hút vốn FDI trong 5 tháng đầu năm chỉ ở mức 5.33 tỷ USD, bằng 68.2% so với cùng kỳ; trong khi vốn FDI giải ngân đạt 4.5 tỷ USD, xấp xỉ cùng kỳ năm 2011.

Tổng thu ngân sách nhà nước theo đó cũng bị ảnh hưởng khi chỉ đạt 291,000 tỷ đồng trong 5 tháng đầu năm, bằng 39.3% dự toán năm và tăng 3% so với cùng kỳ.

CPI sẽ tiếp tục giảm tốc trong vài tháng tới

Với việc tháng 5 tăng 0.18% so với tháng 4/2012, và tăng 8.34% so với cùng kỳ năm 2011, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã trở lại mức một con số sau 18 tháng.

Giá cả ở hai nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống và Nhà ở và vật liệu xây dựng tiếp tục giảm so với tháng 4, với mức giảm lần lượt là 0.14% và 0.97%.

Trong khi đó, các nhóm hàng còn lại chỉ tăng nhẹ, ngoại trừ mức tăng 1.32% và 3.09% ở hai nhóm hàng Giao thông và Hàng hóa và dịch vụ khác.

Như vậy, việc điều chỉnh tăng/giảm giá xăng dầu vào các ngày 20/4 và ngày 9/5, cũng như việc tăng lương cơ bản vào đầu tháng 5/2012 chỉ kéo tăng giá cả của hàng hóa ở mức không đáng kể. Điều này phần nào cho thấy sức cầu của nền kinh tế vẫn rất yếu, khi những vấn đề căn cơ chưa có dấu hiệu khả quan hơn.

Tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm vẫn tiếp tục âm so với cuối năm 2011. Chúng tôi dự báo CPI sẽ tiếp tục giảm tốc và có thể đạt đáy vào quý 3, sau đó bật tăng trở lại theo xu hướng tăng trưởng của nền kinh tế.

Tiếp tục hạ lãi suất: Khi nào và bao nhiêu?

Một ngày sau khi lạm phát tháng 5 quay trở lại mức một con số, NHNN đã lập tức kéo giảm trần lãi suất kỳ hạn trên 1 tháng từ 12% xuống 11%/năm, đồng thời giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với 4 lĩnh vực ưu tiên từ 15% xuống 14%/năm.

Ngoài ra, cơ quan này cũng giảm 1% ở các mức lãi suất điều hành: lãi suất tái cấp vốn (xuống mức 12%), lãi suất cho vay qua đêm thanh toán điện tử liên ngân hàng (13%) và lãi suất tái chiết khấu (10%).

Trước đó đã có những đồn đại cho rằng trần lãi suất và các lãi suất điều hành có thể được NHNN giảm đến 2%. Tuy vậy, 1% đang tỏ ra hợp lý hơn vì cơ quan này vẫn còn giữ quan điểm thận trọng để kiểm soát kỳ vọng lạm phát và việc nới rộng mạnh mẽ chính sách tiền tệ là chưa thể diễn ra.

Trong các nhận định trong thời gian gần đây, chúng tôi nhiều lần đề cập rằng nền kinh tế đã sẵn sàng bước vào một chu kỳ nới rộng chính sách (dù chưa thể mạnh mẽ, như nói ở trên). Điều này sẽ được thực hiện mạnh dạn hơn sau khi có dữ liệu CPI tháng 5 và đặc biệt là tháng 6 sắp tới.

Hiện CPI đã trở lại mức một con số, và chúng tôi tin rằng lạm phát sẽ tiếp tục giảm tốc trong vài tháng tới và đạt đáy trong quý 3. Việc giảm thêm 1-2% ở các lãi suất điều hành là hoàn toàn có thể diễn ra để thúc đẩy quá trình nới lỏng tín dụng. Như chúng tôi đề cập trước đây, tháng 6 cũng là thời điểm mà giá vốn tín dụng của các ngân hàng đã được kéo giảm mạnh theo sau các đợt giảm lãi suất đầu năm. Lúc này, chúng tôi tin rằng doanh nghiệp có thể tiếp cận các khoản vay có lãi suất thực 13-14%/năm.

II. TIN TỨC KINH TẾ VĨ MÔ TRONG NƯỚC NỔI BẬT 

• Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 16/2012/TT-NHNN hướng dẫn một số điều của Nghị đinh số 24/2012/NĐ-CP. Theo đó, hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng sẽ có 6 tháng để chuyển tiếp; và thời hạn chuyển tiếp đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ là 12 tháng kể từ ngày Thông tư có hiệu lực thi hành vào ngày 10/07/2012.

• Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 83/2012/TT-BTC hướng dẫn thực hiện việc miễn, giảm, gia hạn một số khoản thu NSNN theo tinh thần của Nghị quyết 13/NQ-CP. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 23/5/2012.

• Chiều 23/05, giá xăng dầu trong nước đồng loạt được giảm. Cụ thể, giá xăng bán lẻ giảm 600 đồng/lít, dầu diezel giảm 400 đồng/lít, dầu Madut giảm 300 đồng/lít.

Song song đó, ngày 24/05, Thông tư 84/2012/TT-BTC hướng dẫn điều chỉnh thuế nhập khẩu xăng dầu. Theo đó, mức thuế suất thuế nhập khẩu của mặt hàng xăng tăng từ 2% lên 4%; nhiên liệu diesel cũng tăng thêm 1%, từ 2% lên 3%; dầu nhiên liệu khác lên 5%. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ 24/05.

• Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa thông báo mở gói tín dụng trị giá 2,000 tỷ đồng để cho vay kinh doanh và mua bất động sản với lãi suất chỉ 13 – 14%/năm.

Gói tín dụng này dành cho các cá nhân/hộ kinh doanh có nhu cầu vay vốn từ ngày 21/5 – 21/9/2012, được triển khai theo chủ trương của Chính phủ và NHNN. 

Thân Hoàng Dung, Phòng Nghiên cứu VIETSTOCK

finfonet

Các tin tức khác

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 21 - 25/05: Sẽ quyết liệt nới lỏng tín dụng? (19/05/2012)

>   ELC: Tỷ suất lợi nhuận quý 1 đạt mức “khủng” 46%, tiền mặt còn 400 tỷ đồng (18/05/2012)

>   Đề xuất miễn thuế của Chính phủ bị “bác”: Có thực sự đáng ngại? (17/05/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 14 - 18/05: Giảm giá xăng, tăng giá điện và kích thích tài khóa? (13/05/2012)

>   Góc nhìn về gói kích thích tài khóa năm 2012 (15/05/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 07 – 11/05: Trần lãi suất cho vay 15% và lãi suất thực chất (06/05/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 02-04/05: “Thuốc” chưa ngấm, vĩ mô chưa khởi sắc (01/05/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 16 – 20/04: Dự trữ ngoại hối vượt bậc, đã sẵn sàng để nới rộng tín dụng (14/04/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô: Nhận định về hàng loạt động thái chính sách của NHNN (10/04/2012)

>   Tổng hợp Kinh tế Vĩ mô Tuần 03 - 06/04: Sửa đổi Thông tư 13, định hướng hạ trần lãi suất (09/04/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật