Nới lỏng định lượng lần 3 (QE3): Có hay không? Sau cuộc họp của FOMC vào ngày 19 - 20/6, liệu Fed sẽ tung ra QE3, tiếp tục chương trình Operation Twist hay là một chính sách “sáng tạo” hoàn toàn mới? * Khi nào NHTW áp dụng chương trình nới lỏng định lượng (QE)? Kinh tế Mỹ và các chương trình nới lỏng định lượng (QE) Thông thường, các Ngân hàng Trung ương (NHTW) thực hiện chính sách tiền tệ bằng cách tăng hoặc giảm lãi suất mục tiêu. Tuy nhiên, khi lãi suất đã tiến gần đến 0% và không thể giảm thêm được nữa, thì NHTW cần phải sử dụng đến các chính sách tiền tệ khác, và một ví dụ điển hình là chương trình nới lỏng định lượng (Quantitative Easing, QE). Nới lỏng định lượng là chính sách tiền tệ được các NHTW dùng đến để kích thích nền kinh tế quốc gia khi các chính sách tiền tệ thông thường trở nên không hiệu quả. Trong quá trình này, NHTW sẽ mua những tài sản tài chính như tín phiếu Kho bạc, chứng khoán bảo đảm bằng tài sản thế chấp (MBS)… để bơm một lượng tiền xác định vào nền kinh tế. Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đến nay, Mỹ (Cục Dự trữ Liên bang, Fed) đã liên tục tung ra các chương trình nới lỏng định lượng để phục hồi và thúc đẩy nền kinh tế. Ngoài các chương trình nới lỏng định lượng thông thường, trong năm 2011 Fed còn sử dụng một giải pháp “lai” là Operation Twist (còn được gọi là QE2.5). Tương tự như các chương trình nới lỏng định lượng, mục tiêu của Operation Twist là nhằm giảm lãi suất dài hạn. Tuy vậy, nguồn vốn được Fed sử dụng trong chương trình Operation Twist để mua trái phiếu kho bạc dài hạn đến từ việc bán những trái phiếu kỳ hạn ngắn ngày hơn; hay nói cách khác là gần như không bơm thêm tiền vào nền kinh tế. Trước hết, chúng ta sẽ đánh giá khả năng Fed tiếp tục thực hiện gói nới lỏng định lượng QE3 bằng cách đánh giá hiệu quả của các chương trình nới lỏng trước đây qua một số chỉ tiêu kinh tế quan trọng. (1) Sản xuất công nghiệp: Khi gói QE1 được chính thức áp dụng thì nền kinh tế Mỹ đang bị ảnh hưởng rất xấu từ cuộc suy thoái, và sản xuất công nghiệp đã tăng trưởng âm liên tục 7 tháng liền trước đó. Mãi đến tháng 01/2010, nền kinh tế mới có dấu hiệu hồi phục trở lại khi sản xuất công nghiệp bắt đầu tăng trưởng dương. Tuy nhiên, đà phục hồi này duy trì không bao lâu thì có dấu hiệu sụt giảm trở lại. Do đó, gói QE2 đã chính thức được tung ra thị trường vào tháng 11/2010. Biểu đồ bên dưới cho thấy hiệu quả của gói QE2 không như mong đợi khi đã không thể ổn định và duy trì được tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp này. Trong khi đó, gói QE2.5 đã và đang được sử dụng đã cho thấy tín hiệu tích cực hơn khi mức độ tăng trưởng nhích nhẹ lên và ổn định. (2) Tăng trưởng GDP: Gói QE1 đã góp phần không nhỏ trong việc phục hồi nền kinh tế Mỹ từ mức tăng trưởng GDP -5% trong quý 2/2009 đã lên mức 3.3% trong quý 2/2010. Trong khi đó, mặc dù gói QE2 được tung ra nhưng tăng trưởng GDP trong giai đoạn sau đó vẫn liên tục đi xuống. Gói QE2.5 được nhìn nhận tích cực hơn khi duy trì ổn định tăng trưởng GDP. Cụ thể tăng trưởng GDP quý 4/2011 là 1.6% và GDP quý 1/2012 là 2%. (3) Tỷ lệ lạm phát: Gói QE1 với trị giá 2,100 tỷ USD hỗ trợ nền kinh tế thoát khỏi tình trạng giảm phát với mức hồi phục khá ấn tượng của tỷ lệ lạm phát từ đáy -2.1% lên mức trên 2%, và duy trì ở mức dưới 2% vào cuối giai đoạn của chương trình này. Trong khi đó, tỷ lệ lạm phát trong giai đoạn chương trình nới lỏng định QE2 tăng mạnh theo đúng định hướng giảm nguy cơ rơi vào giảm phát, vốn bị xem là rủi ro lớn nhất đối nền kinh tế Mỹ lúc đó. Biểu đồ bên dưới cho thấy, trong thời gian chương trình Operation Twist được triển khai, tỷ lệ lạm phát giảm nhanh từ mức 3.9% vào tháng 09/2011 xuống còn 2.3% trong tháng 4/2012. Theo thống kê mới nhất, CPI tháng 5 chưa điều chỉnh theo mùa đã giảm tốc rõ nét và chỉ còn tăng 1.7% so với cùng kỳ năm 2011, chủ yếu do mức giảm mạnh của chỉ số năng lượng. (4) Tỷ lệ thất nghiệp: Tín hiệu tích cực từ các chương trình nới lỏng định lượng này là tỷ lệ thất nghiệp sau khi đạt đỉnh 10% vào tháng 10/2009 đã dần ổn định và giảm nhẹ theo thời gian. Hiện tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đang duy trì trong khoảng 8.1 – 8.2% trong ba tháng gần đây. Tuy nhiên, có lý do để người ta lo ngại doanh nghiệp sẽ rất cẩn trọng trong việc tuyển thêm nhân công trong thời gian tới, trước những bất ổn tại châu Âu hay tăng trưởng chậm lại ở các thị trường mới nổi… Có hay không QE3? Chương trình Operation Twist (QE2.5) dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 06/2012 này. Cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) vào ngày 19 – 20/6 tới được kỳ vọng sẽ giải quyết những vấn đề lớn liên quan đến chính sách tiền tệ, cũng như hé lộ những thông tin quan trọng về chương trình kích thích kinh tế. Cuộc họp này sẽ diễn ra sau khi Fed biết được kết quả bầu cử ngày 17/06 ở Hy Lạp và có thêm vài ngày để quan sát phản ứng của thị trường. Liệu Fed có tiếp tục thực hiện nới lỏng định lượng hay là tung ra những chính sách “sáng tạo” mới? Lý do nào để Fed từ chối QE3? Lo ngại rủi ro giảm phát (như mục tiêu của gói QE2) gần như không đáng kể khi lạm phát đã và đang duy trì ở mức trên 2%, gần với mức lạm phát mục tiêu. Ngược lại, việc tung ra QE3 sẽ gia tăng áp lực lên lạm phát, và nhiều khả năng sẽ hạn chế tốc độ phát triển nền kinh tế Mỹ. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng đã được kéo giảm thấp hơn 2%/năm sau chương trình QE2 và Operation Twist. Do đó, khả năng để tiếp tục kéo giảm lãi suất dài hạn thấp hơn nữa nhằm kích thích nền kinh tế là không dễ dàng. Việc tung thêm tiền trong chương trình QE3 cũng sẽ vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ các đối tác thương mại do đồng USD suy yếu hơn. Khi đó, không loại trừ các hành động trả đũa thương mại của các đối tác thương mại như nới lỏng tiền tệ, áp đặt thuế quan… Hơn nữa, bảng cân đối kế toán của Fed đang ngày càng phình to, và hiện đã lên tới con số 2,900 tỷ đồng. Hầu hết các chuyên gia kinh tế đều cho rằng thêm một gói nới lỏng định lượng QE3 vào thời điểm này là không cần thiết vì nếu xảy ra sẽ không thay đổi đáng kể triển vọng nền kinh tế Mỹ, mà đổi lại phải đối mặt với nhiều rủi ro tiềm tàng khác. Về mặt chính trị, đây là năm bầu cử ở Mỹ nên một gói kích thích kinh tế quá mức cũng dễ bị các đảng phái chỉ trích và phản đối. Mở rộng Operation Twist hay có thêm chương trình khác? Giới chuyên gia cho rằng mối quan tâm hàng đầu của Fed hiện nay vẫn tập trung vào quản lý rủi ro. Theo đó, Fed sẽ chọn những giải pháp để chống lại rủi ro suy giảm kinh tế, vốn đã được nhấn mạnh từ cuộc họp ngày 24-25/4. Mới đây, Chủ tịch Fed Ben Bernanke cũng đã nhấn mạnh đến rủi ro đáng kể cho nền kinh tế Mỹ đến từ cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu cũng như khả năng thắt chặt ngân sách. Ông cũng cảnh báo những rủi ro suy giảm từ tình trạng khá ảm đạm của thị trường nhà ở và tốc độ tăng trưởng việc làm chưa mấy khả quan, trừ khi các hoạt động kinh tế tăng tốc. Ngoài ra, theo giới phân tích, cũng sẽ ít có khả năng Fed thay đổi các chính sách quan trọng sau cuộc họp FOMC để thích ứng với kết quả bầu cử ngày 17/6 ở Hy Lạp, ngoại trừ trường hợp có rủi ro nghiêm trọng làm rối loạn thị trường tài chính. Chương trình Operation Twist mở rộng sẽ là một giải pháp trung hòa cho bảng cân đối kế toán, cũng như hạn chế được những chỉ trích do rủi ro lạm phát. Chương trình này có thể tiến hành bằng cách bán trái phiếu Chính phủ ngắn hạn có thể lên đến kỳ hạn 4 năm; và mua vào trái phiếu Kho bạc và chứng khoán bảo đảm bằng tài sản thế chấp (MBS). Giải pháp này vừa có thể hỗ trợ thị trường nhà ở trong khi vẫn đảm bảo mục tiêu giảm rủi ro của Fed. Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý đến rủi ro trong dài hạn khi số lượng “khủng” trái phiếu đến đợt đáo hạn. Ngoài ra, không loại trừ khả năng một số chương trình khác sẽ được lựa chọn thay thế; bao gồm việc cắt giảm lãi suất dự trữ từ 0.25% về 0%, cắt lãi suất chiết khấu từ 0.75% xuống 0.5%, hay mua thêm chứng khoán. Chương trình hoán đổi tiền tệ (currency swap) lãi suất thấp với các NHTW châu Âu, NHTW Anh… cũng là giải pháp được cân nhắc, nhằm hỗ trợ thanh thanh khoản cho hệ thống ngân hàng. Tóm lại, một chương trình hỗ trợ tăng trưởng mà không tạo áp lực tăng thêm tiền đồng USD vào nền kinh tế toàn cầu sẽ phù hợp hơn trong bối cảnh hiện nay. Thân Hoàng Dung, Bộ phận Phân tích Vĩ mô (Phòng Nghiên cứu VIETSTOCK) ffn
|