Chủ Nhật, 22/07/2012 08:15

Kinh tế Vĩ mô Tuần 23-27/7: Cạnh tranh huy động vốn, đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng cuối năm 2012?

Nhiều ngân hàng có thể đang chuẩn bị cho khả năng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong room cho phép vào nửa cuối năm 2012.

I. KINH TẾ TÀI CHÍNH TRONG NƯỚC

NHNN “đánh tiếng” cho phép tăng trưởng tín dụng vượt chỉ tiêu 2012

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa “đánh tiếng” cho phép các ngân hàng được vượt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của năm 2012 nếu có yêu cầu và được cơ quan này chấp thuận.

Lý do chính là cơ quan này e ngại đà tăng trưởng tín dụng đang rất thấp có thể ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, vốn đang gặp khó khăn, và ảnh hưởng đến đà tăng trưởng của nền kinh tế. Trước đó, NHNN cũng đã áp dụng hàng loạt biện pháp hành chính để kéo hạ lãi suất thay vì nới lỏng tiền tệ quá mạnh do e ngại lạm phát sẽ quay trở lại vào năm sau.

Hiện chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2012 được áp dụng riêng đối với 4 nhóm TCTD như sau: Nhóm 1 tăng trưởng tối đa 17%, Nhóm 2 tăng trưởng tối đa 15%, Nhóm 3 tăng trưởng tối đa 8% và Nhóm 4 không được tăng trưởng.

Các TCTD được xếp vào Nhóm 1 và Nhóm 2 thường là những tổ chức chiếm thị phần lớn và được xem là khỏe mạnh hơn. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm, các TCTD này cũng gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, do khả năng hấp thụ vốn yếu ớt của nền kinh tế và lãi suất trên thực tế vẫn còn cao. Vì vậy, việc nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của các nhóm này sẽ không có nhiều ý nghĩa.

Trong khi đó, các TCTD thuộc Nhóm 3 và Nhóm 4 sẽ có nhiều lý do để “xin” thêm chỉ tiêu tín dụng. Chúng tôi nhận thấy một số ngân hàng thuộc dạng yếu này đã có tốc độ tăng trưởng khá mạnh trong nửa đầu năm 2012, nhiều ngân hàng đã vượt 10%.

Như vậy, nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng một mặt sẽ giúp các ngân hàng này cải thiện hình ảnh và mặt khác còn có cơ hội đẩy mạnh cho vay. Điều đáng lo ngại là chất lượng tài sản ở các ngân hàng nhóm 3 và 4 vốn không cao thì việc tăng cường giải ngân thêm có làm tăng gánh nặng nợ xấu?

NHTM nhỏ lại “lách” trần lãi suất huy động

Sau một thời gian trần lãi suất huy động 9%/năm được tuân thủ, có thông tin cho thấy nhiều ngân hàng nhỏ đã có động thái “lách” quy định này.

Ngoài việc phải cạnh tranh với các ngân hàng lớn, có thương hiệu, rất có thể hầu hết các ngân hàng đang gặp khó khăn trong huy động vốn vì tiền gửi đã bắt đầu cân nhắc tỷ suất sinh lời giữa các kênh đầu tư.

Ngoài ra, có thể giới ngân hàng cũng đang chuẩn bị cho khả năng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong “room” cho phép vào nửa cuối năm 2012.

Nhập siêu 6 tháng đầu năm 2012 thực tế là bao nhiêu?

Theo Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu tháng 7 (từ 01 – 15/07), kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 4.22 tỷ USD và nhập khẩu đạt hơn 4.17 tỷ USD. Theo đó, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong nửa đầu tháng 7 thặng dư 50 triệu USD.

Cơ quan này ước tính đến hết ngày 15/07, nhập siêu của cả nước là 423 triệu USD, bằng 0.7% kim ngạch xuất khẩu, và thấp hơn rất nhiều so với con số 6.8 tỷ USD nhập siêu cùng kỳ năm trước.

Do đó, nhập siêu trong 6 tháng đầu năm ước khoảng 473 triệu USD, gần hơn với con số ước tính 685 triệu USD của Tổng cục Thống kê. Trước đó, ước tính của Tổng cục Hải quan ngày 12/07 cho biết cán cân thương mại của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm thâm hụt 158 triệu USD, bằng 0.3% tổng kim ngạch xuất khẩu.

II. TIN TỨC KINH TẾ VĨ MÔ TRONG NƯỚC NỔI BẬT 

• Cơ quan thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2012 tại Hà Nội đã giảm 0.29% so với tháng trước và chỉ còn tăng 4.64% so với cùng kỳ năm 2011. Tính từ cuối năm 2011, CPI tháng này chỉ tăng 2.27%.

Tại TPHCM, CPI tháng 7/2012 tiếp tục giảm 0.57% so với tháng trước. Như vậy, CPI tháng này chỉ còn tăng 4.3% so với cùng kỳ năm trước, và cũng chỉ tăng 1.47% so với cuối năm 2011.

3 nhóm có tỷ trọng lớn trong rổ hàng hóa tính CPI là Hàng ăn và dịch vụ ăn uống, Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng, Giao thông giảm và kéo chỉ số giá tiếp tục đi xuống.

• Ngày 19/07, Standard & Poor's (S&P) thông báo giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm của CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HAG) ở mức “B-” và triển vọng “tiêu cực”.

S&P dự báo tình hình hoạt động và thanh khoản của HAG sẽ tiếp tục yếu kém trong vòng 6 -12 tháng tới. Đối với mảng kinh doanh bất động sản nhà ở, các điều kiện hoạt động vẫn còn nhiều khó khăn dù Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã hạ lãi suất.

Thân Hoàng Dung, Phòng Nghiên cứu Vietstock

ffn

Các tin tức khác

>   DLG: Khai khoáng có giúp duy trì lợi nhuận 2012? (19/07/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 16 - 20/7: Mừng hay lo với nhập siêu 6 tháng thấp kỷ lục? (15/07/2012)

>   Giải cứu nợ xấu: Những bài học từ TARP của Mỹ (16/07/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 9 - 13/7: Yêu cầu hạ lãi suất cho vay về 15% và “ẩn dụ” chính sách (08/07/2012)

>   Khủng hoảng châu Âu: Vì đâu “ngổn ngang trăm mối tơ vò”? (06/07/2012)

>   GDP quý 2 và phản ứng chính sách, triển vọng tăng trưởng cuối năm 2012 (02/07/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 25 - 29/06: CPI tháng 6 đã là đáy? (24/06/2012)

>   Nới lỏng định lượng lần 3 (QE3): Có hay không? (18/06/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 18 - 22/06: Tín hiệu tích cực đầu tiên trên thị trường tín dụng? (17/06/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 11 - 15/06: Áp lực tỷ giá USD/VNĐ đang lớn dần lên? (10/06/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật