Kinh tế Vĩ mô Tuần 13 - 17/08: Giảm thuế nhập khẩu hay tăng giá bán lẻ xăng dầu?
Theo ước tính của Vietstock, nếu thuế nhập khẩu giảm còn 6% thì giá cơ sở sẽ vào khoảng 21,840 đồng/lít, tương đương với mức giá bán hiện hành 21,900 đồng/lít. Nhiều khả năng Bộ Tài chính sẽ xem xét đến phương án điều chỉnh thuế nhập khẩu, để chia sẻ một phần khó khăn với người dân.
I. KINH TẾ TÀI CHÍNH TRONG NƯỚC
Giảm thuế nhập khẩu hay tăng giá bán lẻ xăng dầu?
Đà leo thang của giá xăng dầu thế giới trong thời gian gần đây khiến cho mức giá cơ sở hiện cao hơn mức giá bán hiện hành. Theo đó, nhiều tổ chức đã dự báo về khả năng điều chỉnh tăng giá bán lẻ xăng dầu trong thời gian gần; và các đầu mối xăng dầu cũng đang lên kế hoạch đề xuất xin tăng giá xăng dầu.
Trước việc “loạn” ước tính chi phí lỗ/lãi xăng dầu như hiện nay, Cục Quản lý giá đã có văn bản chính thức yêu cầu tính giá cơ sở theo đúng quy định tại Thông tư số 234/2009/TT-BTC, tức lấy chu kỳ bình quân 30 ngày của giá xăng dầu thế giới.
Theo cách tính trên, giá xăng RON92 tại thị trường Singapore bình quân trong giai đoạn từ 11/07 đến 08/08 sẽ vào khoảng 115 USD/thùng.
Như vậy, với mức thuế nhập khẩu hiện hành là 10%, Vietstock ước tính giá cơ sở tại thời điểm 08/08/2012 vào khoảng 22,600 đồng/lít, cao hơn so với giá bán hiện hành là 676.86 đồng/lít, tương đương với mức 3.1%.
Theo Nghị định 84/2009/NĐ-CP, thời gian giữa hai lần điều chỉnh tăng giá liên tiếp tối thiểu là 10 ngày. Theo đó, việc điều chỉnh tăng giá bán lẻ (nếu có) sẽ được xem xét từ ngày 11/08 trở đi, do đợt điều chỉnh tăng gần đây nhất vào ngày 01/08.
Với mức thuế nhập khẩu hiện hành là 10%, thì dư địa cho việc điều chỉnh lại giá cơ sở về ngang bằng hoặc thấp hơn giá bán hiện hành vẫn còn khá nhiều.
Theo ước tính của Vietstock, nếu thuế nhập khẩu giảm còn 6% thì giá cơ sở sẽ vào khoảng 21,840 đồng/lít, tương đương với mức giá bán hiện hành 21,900 đồng/lít.
Như vậy, nhiều khả năng Bộ Tài chính sẽ xem xét đến phương án điều chỉnh mức thuế nhập khẩu, để chia sẻ một phần khó khăn với người dân.
Ngoài ra, việc sử dụng khung thuế nhập khẩu cũng là giải pháp thích hợp giúp ứng phó với diễn biến khôn lường của giá xăng dầu thế giới.
Nới chỉ tiêu, tăng trưởng tín dụng 6 – 8% vẫn khó đạt?
Thông tin mới nhất cho thấy Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bắt đầu giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng mới cho các ngân hàng thương mại, trên cơ sở đánh giá hoạt động 6 tháng đầu năm 2012.
Cụ thể, Ngân hàng Tiên Phong (TienPhongBank) vừa công bố mức tăng trưởng tín dụng tối đa cả năm là 27%, cao hơn rất nhiều so với mức tăng tối đa trước đó tại mỗi NHTM là 17%. Tương tự, mức đề xuất tăng trưởng tín dụng cả năm 25% của Ngân hàng Quân đội (MBB) nhiều khả năng cũng sẽ được thông qua.
Có thể nói đây là động thái “mở đường” nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng ở các NHTM. Tuy nhiên, hiện hầu hết các ngân hàng đang gặp nhiều khó khăn trong việc đẩy mạnh dư nợ cho vay; do đó, kỳ vọng nhiều vào khả năng tăng trưởng “đột biến” là điều khó xảy ra.
Bảng thống kê bên dưới cho thấy, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2012 ở các ngân hàng niêm yết nhìn chung là khá “ảm đạm”, ngoại trừ MBB và SHB. Hai ngân hàng TMCP lớn như Ngoại thương (Vietcombank – VCB) và Xuất Nhập khẩu (Eximbank – EIB) chỉ tăng trưởng lần lượt 2.3% và 1%; riêng ngân hàng TMCP Công thương (Vietinbank – CTG) lại sụt giảm mạnh 3.6%.
Theo số liệu công bố của Ngân hàng Nhà nước, tính chung 7 tháng đầu năm 2012, tín dụng toàn hệ thống tính cả trái phiếu doanh nghiệp chỉ tăng 1.06%, so với con số dự kiến 6 – 8% cả năm.
Như vậy, với khả năng hấp thụ vốn kém như hiện nay của nền kinh tế, việc mở rộng tăng trưởng tín dụng 1% cho mỗi tháng còn lại cũng là điều không dễ.
II. TIN TỨC KINH TẾ VĨ MÔ THẾ GIỚI, TRONG NƯỚC NỔI BẬT
• Hãng đánh giá tín nhiệm Moody’s vừa công bố duy trì triển vọng tín nhiệm nợ quốc gia của Việt Nam ở mức “tiêu cực”, dù nhận định Việt Nam đã đạt tiến bộ trong việc lập lại ổn định kinh tế vĩ mô.
Tổ chức này giữ nguyên định hạng tín nhiệm “B1” đối với trái phiếu bằng đồng nội tệ và ngoại tệ của Việt Nam.
• Thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy tỷ trọng dư nợ cho vay bằng VNĐ đối với các khoản vay có mức lãi suất trên 15%/năm đã giảm nhanh qua các thời điểm trong 20 ngày qua, kể từ ngày 15/07.
Cụ thể, tỷ trọng dư nợ cho vay với lãi suất trên 15%/năm trong tổng dư nợ tín dụng đến 17/07 đã giảm một nửa, và đến 02/08 đã giảm gần 2/3 so với trước ngày 15/07. Theo tính toán sơ bộ, lãi suất bình quân chung trong hệ thống tín dụng từ ngày 2/8 còn khoảng 13,9%/năm.
• Ngày 07/8/2012, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 1559/QĐ-NHNN chấp thuận việc sáp nhập Ngân hàng thương mại cổ phần Nhà Hà Nội (HBB) vào Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn – Hà Nội (SHB). Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28/8/2012.
Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ khi Quyết định này có hiệu lực thi hành, SHB và HBB hoàn tất các thủ tục về đăng ký doanh nghiệp, bố cáo sáp nhập… theo quy định của pháp luật.
Thân Hoàng Dung, Phòng Nghiên cứu Vietstock
ffn
|