Thứ Sáu, 14/09/2012 19:00

QE3: Hiểu thế nào cho đúng?

Yếu tố quyết định đối với mức độ và thời gian thực hiện QE3 sẽ là những tiến triển trên thị trường lao động Mỹ thể hiện qua tỷ lệ thất nghiệp. Nhưng Fed đang hàm ý sẵn sàng áp dụng QE3 trong một giai đoạn khá dài.

* Fed tung gói QE3 mở quy mô không giới hạn

Nội dung chi tiết của QE3?

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa đưa ra hai quyết định quan trọng liên quan đến chính sách tiền tệ, gồm:

(1) Giữ nguyên mức lãi suất cơ bản (federal funds rate) mục tiêu từ 0 - 0.25% đến giữa năm 2015, thay vì cuối năm 2014 như cam kết trước đó; và

(2) Đáng chú ý hơn cả là áp dụng chương trình nới lỏng định lượng lần 3 (QE3) thông qua việc mua các chứng khoán thế chấp (Mortgage-backed securities – M.B.S) với quy mô 40 tỷ USD/tháng. Thời gian hiệu lực bắt đầu từ ngày thứ Sáu (14/09) và không đề cập đến thời hạn kết thúc.

Trước đó, vào tháng 6 Fed đã công bố tiếp tục kéo dài chương trình “Operation Twist” cho đến cuối năm 2012 và duy trì chính sách tái đầu tư các khoản thanh toán nợ và chứng khoán thế chấp vào chứng khoán thế chấp.

Các hành động này sẽ làm tăng thêm phần nắm giữ chứng khoán dài hạn của Fed lên khoảng 85 tỷ USD/tháng trong giai đoạn đến cuối năm 2012.

Fed tin rằng các chính sách này sẽ giúp giảm lãi suất dài hạn, hỗ trợ thị trường tài sản thế chấp và làm dịu thị trường tài chính.

Lý do của Fed khi thực hiện các biện pháp mạnh mẽ này là gì?

(1) Theo Fed, tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ vẫn ở mức thấp, tốc độ tạo việc làm cải thiện chậm và tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao.

(2) Tiêu dùng hộ gia đình tiếp tục tăng nhưng đầu tư vào tài sản cố định của khối doanh nghiệp có dấu hiệu chậm lại.

(3) Thị trường bất động sản vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi giai đoạn trì trệ, dù có cải thiện.

(4) Bất chấp giá cả một số hàng hóa gần đây gia tăng đáng kể, lạm phát đã có dấu hiệu dịu lại và Fed kỳ vọng lạm phát trong các năm tới vẫn ở dưới mức mục tiêu 2%.

(5) Nhiệm vụ của cơ quan này là đảm bảo thị trường việc làm và ổn định giá cả; và nếu không áp dụng thêm các công cụ chính sách thì tăng trưởng kinh tế và thị trường lao động sẽ không cải thiện.

(6) Biến động trên thị trường tài chính toàn cầu làm gia tăng rủi ro triển vọng kinh tế suy giảm.

Gợi ý nào từ chương trình kích thích kinh tế của Fed?

(1) Đây được xem là tuyên bố mạnh mẽ khi Fed không nêu cụ thể ước tính tổng giá trị và thời gian kết thúc của chương trình kích thích kinh tế lần này. Trước hai “sứ mệnh” là giảm thiểu tỷ lệ thất nghiệp và duy trì lạm phát phù hợp, Fed cho rằng lạm phát trong thời gian tới vẫn nằm trong vùng mục tiêu 2% và yếu tố quyết định còn lại là thị trường lao động.

Thậm chí, Fed còn tuyên bố nếu triển vọng thị trường lao động không được cải thiện đáng kể, thì cơ quan này sẽ tiếp tục việc mua chứng khoán thế chấp, áp dụng thêm các chương trình mua lại tài sản, và sử dụng các công cụ chính sách thích hợp khác đến khi nào tình hình được cải thiện.

(2) Như vậy, yếu tố quyết định đối với mức độ và thời gian thực hiện QE3 sẽ là những tiến triển trên thị trường lao động Mỹ trong thời gian tới, thể hiện qua tỷ lệ thất nghiệp.

Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ trong tháng 8/2012 là 8.1%, chỉ giảm chút ít so với mức 8.5% trong tháng 1/2012 và vẫn đứng ở mức cao. Nền kinh tế nước này chỉ mới tạo thêm chưa đến một nửa trong tổng số 8 triệu việc làm mất đi kể từ cuộc suy thoái.

Điểm đáng chú ý là các thành viên của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) dự báo tỷ lệ thất nghiệp trong quý 4/2012 sẽ vào khoảng 8 – 8.2%; và chỉ giảm xuống 6 – 6.8% vào quý 4/2015 – con số này vẫn bị cho là ở mức cao so với tỷ lệ thất nghiệp bình thường trong dài hạn.

Điều này hàm ý rằng Fed đang sẵn sàng cho việc áp dụng QE3 trong một giai đoạn khá dài. Tuy vậy, một sự cải thiện trên thị trường lao động sẽ khiến Fed cân nhắc lại chính sách QE3. Đây có lẽ là lý do Fed chỉ công bố quy mô mua tài sản thực hiện hàng tháng chứ không phải là một con số tổng thể trong một giai đoạn.

(3) Lạm phát tháng 7 (số liệu mới nhất) là 1.7% và Fed dự báo lạm phát năm 2012 vẫn trong khoảng 1.7 – 1.8%, sau đó sẽ tăng lên mức 1.8 – 2.0% vào năm 2015. Lạm phát mục tiêu của Fed dao động quanh ngưỡng 2%.

Tương tự, nếu lạm phát kỳ vọng tăng cao và gây áp lực lên diễn biến lạm phát thực tế trong tương quan với lạm phát mục tiêu, thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc áp dụng chính sách như dự kiến của Fed. 

(4) Vẫn có một bộ phận giới chuyên gia ở Mỹ cho rằng QE3 sẽ không giúp cải thiện nhiều tình hình nền kinh tế. Chẳng hạn, tuyên bố mua thêm chứng khoán thế chấp sẽ giúp củng cố niềm tin ở thị trường nhà đất, nhưng sẽ mất thời gian để mang lại hiệu quả thực sự.

(5) Trong quá khứ, các kênh đầu tư như chứng khoán, vàng, hàng hóa đều đi vào xu hướng tăng vọt sau khi Fed công bố áp dụng các chương trình tương tự. Xem thêm thông tin tại đây.

Thân Hoàng Dung, Phòng Nghiên cứu Vietstock

Các tin tức khác

>   Kích thích kinh tế: Chứng khoán, vàng phản ứng thế nào? (13/09/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 10 - 14/9: Sẽ thực sự “mạnh tay” với bán khống? (09/09/2012)

>   HAG: Áp lực dòng tiền tiếp tục đè nặng đến bao giờ? (11/09/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 4 - 7/9: Thấy gì từ số liệu kinh tế vĩ mô 8 tháng đầu năm 2012? (03/09/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 27 - 31/08: Bơm mạnh tiền qua OMO, hệ thống ngân hàng ổn định trở lại (26/08/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 20 - 24/08: Kéo giảm lãi suất, rồi sao nữa? (19/08/2012)

>   QCG: Đối đầu với thách thức chưa có tiền lệ, dù ghi nhận lợi nhuận (14/08/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 13 - 17/08: Giảm thuế nhập khẩu hay tăng giá bán lẻ xăng dầu? (12/08/2012)

>   VCB: Tín dụng tăng trưởng, nhưng hiệu quả đang thụt lùi mạnh (07/08/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 06 - 10/08: Huy động vốn lại có dấu hiệu khó khăn, vì đâu? (05/08/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật