Chủ Nhật, 16/09/2012 19:00

Kinh tế Vĩ mô Tuần 17 - 21/9: Siết chặt thị trường liên ngân hàng

Một khi gặp khó khăn trên thị trường liên ngân hàng, các TCTD sẽ đẩy mạnh hoạt động trên thị trường dân cư. Không loại trừ khả năng điều này sẽ gây sức ép và tái khởi động làn sóng vượt trần lãi suất huy động.

I. KINH TẾ TÀI CHÍNH TRONG NƯỚC

Siết chặt thị trường liên ngân hàng

Biến động lãi suất trên thị trường liên ngân hàng thường được tham chiếu để đoán định tình hình thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Thực vậy, lãi suất liên ngân hàng trong giai đoạn khó khăn thanh khoản đã liên tục vọt lên mức cao ngất ngưỡng (hơn 20%/năm) trong những tháng cuối năm 2011 và đầu năm 2012.

Thông tư số 21/2012/TT-NHNN ban hành những quy định đối với hoạt động liên ngân hàng đã ra đời và có hiệu lực từ ngày 01/09/2012.

Giao dịch trên thị trường liên ngân hàng sau đó được ghi nhận kém sôi động hơn, trước một số nội dung khá chặt chẽ như hình thức tiền gửi được chuyển thành tiền vay, TCTD bị hạn chế đi vay nếu có khoản nợ quá hạn từ 10 ngày trở lên (Khoản 2, Điều 4) hay yêu cầu trích lập dự phòng rủi ro đối với các giao dịch (Điều 7)….

Thống kê của NHNN cho thấy doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng trong tuần đầu tiên sau này 01/09 giảm rất mạnh; cụ thế, doanh số giao dịch bằng VNĐ giảm 58% so với tuần trước đó, và doanh số giao dịch bằng USD giảm gần 55%.

Ngược lại, sức ép thanh khoản đã phần nào tác động lên thị trường dân cư khi lãi suất huy động ở một số NHTM đã vượt “ngưỡng” 12%/năm. Cụ thể, ngân hàng ACB vừa điều chỉnh lãi suất kỳ hạn 13 tháng lên đến 13%/năm, và lãi suất kỳ hạn này ở ngân hàng Eximbank là 12.8%. 

Một khi gặp khó khăn trên thị trường liên ngân hàng, các TCTD sẽ đẩy mạnh hoạt động trên thị trường dân cư. Không loại trừ khả năng điều này sẽ gây sức ép và tái khởi động làn sóng vượt trần lãi suất huy động.

Áp lực nào cho tỷ giá USD/VNĐ những tháng cuối năm 2012?

Bộ phận nghiên cứu của BIDV ước tính dự trữ ngoại tệ quốc gia đã vọt lên khoảng 22 đến 23 tỷ USD, tương đương 11.5 tuần nhập khẩu. Ngoài ra, cán cân thanh toán tổng thể có dấu hiệu tích cực khi giá trị nhập siêu là không đáng kể trong suốt 8 tháng đầu năm. 

Với nguồn dự trữ khá dồi dào và cán cân tích cực, tỷ giá đã được giữ ổn định trong suốt thời gian dài từ đầu năm 2012 đến nay. Tuy vậy, vẫn còn nhiều áp lực cho việc điều hành giữ ổn định tỷ giá USD/VNĐ trong những tháng cuối năm 2012; cụ thể:

(1) Giá vàng đã liên tục tăng mạnh trong hơn hai tháng qua và tiếp tục giữ mức cao sau khi Fed công bố gói kích thích QE3. Điều này đã đẩy giá vàng trong nước tăng cao và mức chênh lệch với vàng thế giới càng nới rộng.

Tình trạng căng thẳng giá vàng trong nước tiếp tục kéo dài sẽ gây sức ép không nhỏ lên tỷ giá USD/VNĐ trong thời gian tới.

(2) Chi phí vốn vẫn còn cao so với khả năng chịu đựng của nền kinh tế khiến áp lực hạ lãi suất huy động, kéo theo giảm lãi suất cho vay ngày càng lớn. Theo đó, khoảng cách chênh lệch giữa lợi suất gửi tiết kiệm bằng VNĐ và USD càng bị rút ngắn, trong khi lạm phát là có xu hướng tăng trở lại. Áp lực điều chỉnh tăng tỷ giá USD/VNĐ sẽ khó tránh khỏi khi diễn biến lạm phát có xu hớng xấu đi.

(3) Thời điểm mùa vụ cuối năm khi nhu cầu USD tăng cao để nhập khẩu hàng hóa cũng là một trong những nhân tố tác động trực tiếp lên biến động tỷ giá trong thời gian này. 

Nhìn chung, với điều kiện khá tích cực như hiện nay thì áp lực lên tỷ giá USD/VNĐ sẽ không quá cao, và nhiều khả năng chỉ dao động nhẹ trong mục tiêu 2 – 3% của Chính phủ.

II. TIN TỨC KINH TẾ VĨ MÔ THẾ GIỚI, TRONG NƯỚC NỔI BẬT 

• Chính phủ Việt Nam khẳng định không có nhu cầu vay nguồn vốn của IMF cũng như của ASEAN+3 để xử lý các vấn đề kinh tế trong nước.

• Bộ Tài chính vừa công bố kết quả thực hiện gia hạn, miễn, giảm thuế thực hiện theo Nghị quyết số 13/NQ-CP của Chính phủ.

Theo đó, đã có trên 190,280 doanh nghiệp được gia hạn thuế giá trị gia tăng các tháng 4, 5 và 6/2012 với tổng số tiền 11,000 tỷ đồng. Khoảng 70,300 doanh nghiệp được gia hạn thuế thu nhập doanh nghiệp với số tiền 2,868 tỷ đồng, trong đó số nợ thuế từ năm 2010 trở về trước chiếm gần 50%.

• Cục Điều tiết Điện lực cho biết EVN sẽ tính toán tổng chi phí giá thành phát điện thương phẩm, so sánh với kế hoạch đầu năm, để điều chỉnh giá bán lẻ tương ứng vào đầu tháng 10.

Quy định hiện hành cho phép giá điện được tăng tối thiểu 3 tháng một lần; và giá điện đã được điều chỉnh gần đây nhất vào 1/7.

• Ngày 13/9/2012, NHNN đã ban hành Thông tư số 26/2012/TT-NHNN hướng dẫn thủ tục chấp thuận của NHNN đối với việc niêm yết cổ phiếu trên TTCK trong nước và nước ngoài của tổ chức tín dụng cổ phần.

• Ngân hàng Thế giới (WB) vừa phê duyệt kinh phí 800 triệu USD cho Dự án phân phối điện hiệu quả Việt Nam. Theo đó, 5 đơn vị của EVN được cấp vốn từ dự án là Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Tổng công ty Điện lực miền Nam, Tổng công ty Điện lực miền Trung, Tổng công ty Điện lực Tp.Hồ Chí Minh và Tổng công ty Điện lực Hà Nội.

• NHNN không chấp thuận phương án tăng vốn điều lệ năm 2012 của Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt (LienVietPostBank - LPB).

• Ngày 13/09, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa đưa ra hai quyết định quan trọng liên quan đến chính sách tiền tệ, gồm:

(1) Giữ nguyên mức lãi suất cơ bản (federal funds rate) mục tiêu từ 0 - 0.25% đến giữa năm 2015, thay vì cuối năm 2014 như cam kết trước đó; và

(2) Áp dụng chương trình nới lỏng định lượng lần 3 (QE3) thông qua việc mua các chứng khoán thế chấp (Mortgage-backed securities – M.B.S) với quy mô 40 tỷ USD/tháng. Thời gian hiệu lực bắt đầu từ ngày thứ Sáu (14/09) và không đề cập đến thời hạn kết thúc.

Vietstock đã có bình luận về chủ đề này.

• Ngày 12/09, Tòa án Hiến pháp Đức (GCC) đã thông qua Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM), với điều kiện bất kỳ khoản đóng góp nào của Đức cho ESM vượt quá 190 tỷ EUR (244.77 tỷ USD) cần phải được Hạ viện nước này thông qua trước; và dự kiến Đức sẽ đóng góp 27% nguồn vốn cho ESM.

Với quy mô 500 tỷ EUR, ESM là nền tảng cho “bức tường lửa” tài chính khu vực trị giá 700 tỷ EUR (896 tỷ USD) nhằm ngăn chặn khủng hoảng nợ lan rộng trong Eurozone.

• Ngày 13/09, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) bất ngờ công bố gói kích thích mới bằng cách bơm vào hệ thống ngân hàng 1.5 ngàn tỷ won (tương đương 1.3 tỷ USD) nhằm cung cấp các khoản vay với lãi suất thấp cho các doanh nghiệp nhỏ.

Tuy vậy, NHTW Hàn Quốc vẫn giữ nguyên lãi suất ở mức 3%. Giới phân tích cho rằng BoK sẽ đo lường tác động của các biện pháp kích thích trước khi hạ chi phí vay mượn.

Trước đó, ngày 10/09, Chính phủ nước này đã thông qua gói kích thích với quy mô lớn hơn trị giá 5.2 tỷ USD, bao gồm các khoản giảm thuế, nhằm thúc đẩy nhu cầu trong nước.

Thân Hoàng Dung, Phòng Nghiên cứu Vietstock

Các tin tức khác

>   QE3: Hiểu thế nào cho đúng? (14/09/2012)

>   Kích thích kinh tế: Chứng khoán, vàng phản ứng thế nào? (13/09/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 10 - 14/9: Sẽ thực sự “mạnh tay” với bán khống? (09/09/2012)

>   HAG: Áp lực dòng tiền tiếp tục đè nặng đến bao giờ? (11/09/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 4 - 7/9: Thấy gì từ số liệu kinh tế vĩ mô 8 tháng đầu năm 2012? (03/09/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 27 - 31/08: Bơm mạnh tiền qua OMO, hệ thống ngân hàng ổn định trở lại (26/08/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 20 - 24/08: Kéo giảm lãi suất, rồi sao nữa? (19/08/2012)

>   QCG: Đối đầu với thách thức chưa có tiền lệ, dù ghi nhận lợi nhuận (14/08/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 13 - 17/08: Giảm thuế nhập khẩu hay tăng giá bán lẻ xăng dầu? (12/08/2012)

>   VCB: Tín dụng tăng trưởng, nhưng hiệu quả đang thụt lùi mạnh (07/08/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật