Thứ Sáu, 09/11/2012 11:32

Kênh đầu tư tháng 11: Chứng khoán và những xáo trộn trước thềm tái cấu trúc

Việc các chỉ số cũng như giá cổ phiếu liên tục sụt giảm mạnh có thể giúp kích thích dòng tiền tham lam trở lại và “xoa dịu” thị trường, dù chỉ trong ngắn hạn.

* Kịch bản của TTCK Việt Nam cuối năm 2012 dưới góc nhìn phân tích kỹ thuật

* Kênh đầu tư tháng 11: Vàng khó giảm mạnh nhưng cũng khó tăng?

Tháng 10 và ảnh hưởng từ kết quả kinh doanh quý 3

(1) Chỉ số chính tiếp tục rơi khỏi vùng hỗ trợ. Các chỉ số Market Cap đều thụt lùi. Tính tổng cộng trong tháng 10, VN-Index giảm 1.06% về mức 388.42 điểm, trong khi HNX-Index rớt mạnh 4.42% lùi về 53.02 điểm - đây cũng mức thấp là kỷ lục của HNX-Index được xác lập trong tháng 10.

Thị trường tiếp tục rớt mạnh ngay trong những phiên đầu tháng 11. HNX-Index tiếp tục tạo lập kỷ lục mới trong lịch sử, trong khi VN-Index cũng mất mốc 380 điểm với tâm lý giao dịch khá bi quan của nhà đầu tư.

Trong tháng 10, VS-Micro Cap mất điểm mạnh nhất 1.82%, tiếp theo là VS-Large Cap giảm 1.76%, VS-Small Cap mất 0.79% và VS Mid Cap giảm ít nhất với chỉ 0.06%.

(2) Thanh khoản sụt giảm mạnh về cuối tháng. Theo đó, khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình phiên trên HOSE chỉ đạt 29.7 triệu đơn vị, giảm 6.7% so với tháng 9. Trên HNX, khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình phiên đạt 25.6 triệu đơn vị, tăng 7.2% so với tháng trước. Càng về cuối tháng 10, thanh khoản thị trường càng đi xuống cho thấy tâm lý thận trọng và e dè đang chiếm ưu thế.

(3) Giao dịch chứng khoán trong tháng 10 bị ảnh hưởng mạnh bởi:

(i) Nỗi lo tăng giá điện. Thi trường mở đầu tháng 10 không như mong đợi khi áp lực bán gia tăng mạnh trước nỗi lo tăng giá điện. Việc Bộ Công thương nhanh chóng khẳng định sẽ chưa tăng giá điện trong tháng 10 sau đó đã giúp giải toả bớt phần nào lo lắng của giới đầu tư. Mặc dù vậy, áp lực tăng giá điện từ đây đến cuối năm vẫn “treo” lơ lửng khiến tâm trạng của giới đầu tư trở nên rất dè chừng.

(ii) Hội nghị lần thứ 6 của BCH Trung ương Đảng Khóa XI kết thúc vào sáng ngày 16/10 với những thông tin bước đầu giúp tâm lý thận trọng giảm bớt và thị trường đã có phiên bứt phá ngoạn mục. Tuy nhiên, các thông tin này không đủ mạnh để tiếp tục nâng đỡ thị trường trong những phiên giao dịch nửa cuối tháng 10.

(iii) Kết quả kinh doanh quý 3. Thị trường những tuần đầu tháng 10 đã hưởng lợi khá lớn từ thông tin này. Xu hướng đầu tư ”ăn theo” thông tin KQKD quý 3 sắp được công bố đã thu hút được dòng tiền.

Nhóm cổ phiếu Khai khoáng, Chứng khoán, cổ phiếu nhỏ của dòng họ Dầu khí, một số cổ phiếu đầu cơ… thu hút mạnh dòng tiền đổ vào. Bên cạnh đó là các cổ phiếu vốn hóa lớn, tuy không thực sự mạnh mẽ nhưng cũng giúp thị trường hứng khởi.

Tuy nhiên, khi những thông tin thực bắt đầu lộ diện thì áp lực chốt lời cũng gia tăng mạnh mẽ. Bên cạnh đó, những mảng màu tối trong bức tranh KQKD quý 3 được công bố, đặc biệt là ở nhóm cổ phiếu Chứng khoán, Ngân hàng đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến thị trường. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến thị trường thụt lùi khá mạnh trong những tuần cuối tháng 10.

(iv) Thông tin CPI tháng 10 không còn là mối quan tâm. CPI tháng 10 được công bố chỉ tăng 0.85% so với tháng 9, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước và tăng 6.02% so với cuối năm 2011. Tuy vậy, thị trường đã không có nhiều chuyển biến sau khi thông tin này được công bố. Có thể thấy thông tin này không còn trong danh sách ưu tiên hàng đầu của giới đầu tư.

Tháng 11: Tháng của tái cấu trúc?

Chờ đợi kết quả từ Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội. Đây là kỳ họp cuối cùng trong năm nay của Quốc hội. Kỳ họp đặc biệt thu hút được sự quan tâm của giới đầu tư khi nội dung trọng tâm là xem xét, thảo luận, tìm nguyên nhân và đề ra những giải pháp liên quan đến vấn đề tăng trưởng kinh tế, hoạt động ngân hàng...

Các kết luận về việc thanh tra ngân hàng từ bộ phận giám sát của NHNN nhiều khả năng sẽ được công bố trong thời gian tới đây. Thông tin này sẽ giúp giới đầu tư có cái nhìn toàn diện hơn về hệ thống ngân hàng hiện tại; nhưng nhiều khả năng đây sẽ là những thông tin không mấy tích cực cho TTCK.

Tái cấu trúc các CTCK. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã thành lập Hội đồng chuyên môn để rà soát, đánh giá sức khỏe tài chính của các CTCK. Theo sau đó sẽ là một đợt xử lý mới “mạnh tay” hơn đối với các CTCK không đảm bảo an toàn tài chính được triển khai. Đây có thể coi là hành động nhằm lấy lại lòng tin của giới đầu tư sau nhiều bê bối phát sinh trong thời gian trước đây.

Nhiều khả năng các CTCK sẽ buộc phải tự tái cơ cấu trước khi UBCKNN vào cuộc. Không loại trừ khả năng những công ty không đảm bảo hệ số vốn khả dụng hoặc đang ngấp nghé ngưỡng sẽ tiến hành tái cơ cấu bằng cách thanh lý bớt các tài sản rủi ro như đầu tư tài chính, thu hồi hoạt động cho vay margin... Nếu diễn ra, điều này cũng có thể tác động đáng kể đến thị trường.

Ở chiều ngược lại, một số CTCK lành mạnh và có lợi thế sẽ được hưởng lợi từ đợt tái cấu trúc sâu rộng này.

Xử lý nợ xấu và các ngân hàng yếu kém. NHNN dự kiến trình Chính phủ đề án Công ty mua bán nợ xấu vào giữa tháng 11/2012, và xử lý tiếp 5 ngân hàng yếu kém từ đây đến cuối năm. Các động thái này được kỳ vọng sẽ sớm giúp hồi phục lại sức khỏe và sự ổn định của hệ thống ngân hàng, mạch máu quan trọng của nền kinh tế. Nếu đề án “giải cứu” nợ xấu được thông qua thì đây sẽ là thông tin khá tích cực tác động lên thị trường.

Khoảng trống thông tin tích cực. Những tuần giao dịch đầu tháng 11, thị trường sẽ bị ảnh hưởng mạnh bởi khoảng trống thông tin tích cực. Đáng lưu ý là tâm lý bi quan của giới đầu tư đang chiếm ưu thế trên thị trường và có thể tác động tiêu cực đến giao dịch, thể hiện qua sự sụt giảm liên tục của chỉ số, nỗ lực tăng điểm luôn gặp phải thất bại, thanh khoản èo uột…

Việc các chỉ số cũng như giá cổ phiếu liên tục sụt giảm mạnh được kỳ vọng có thể giúp kích thích dòng tiền tham lam trở lại và “xoa dịu” thị trường, dù chỉ trong ngắn hạn.

Phân tích kỹ thuật: Các vùng hỗ trợ mạnh đều đã bị thủng. Đó là vùng 380 – 390 điểm đối với VN-Index. Đây là vùng hỗ trợ rất mạnh nên việc phá vỡ nó khiến cho sự lo ngại lớn trong giới đầu tư về khả năng sụp đổ của thị trường. HNX-Index cũng không thể vượt lên trên vùng 55 – 57 điểm và khiến cho triển vọng trong tháng 11 trở nên khá bi quan.

Lực cầu bắt đáy không còn duy trì ổn định và mạnh mẽ như trước đây, khi mà những mẫu hình nến đảo chiều dạng Doji, Inverted Hammer... xuất hiện liên tiếp. Điều này cũng thể hiện qua thanh khoản vẫn liên tục duy trì bên dưới mức trung bình 20 phiên gần nhất.

Xu hướng đang yếu. ADX vẫn ở mức thấp (dưới 20) cho thấy xu hướng vẫn rất yếu. MACD đã cho tín hiệu bán trở lại và đã rớt xuống dưới đường zero-base. Đây là những tín hiệu cho thấy một chu kỳ giảm điểm mới trên thị trường chứng khoán Việt Nam có thể đã bắt đầu.

RMO Trade Mode và Directional Movement System cũng cho những tín hiệu bán trung hạn nên khả năng phục hồi trong tháng 11 là rất kém.

Phòng Nghiên cứu Vietstock

FFN

Các tin tức khác

>   TrustBank: Toàn cảnh hoạt động kinh doanh trước tái cơ cấu (07/11/2012)

>   Kênh đầu tư tháng 11: Vàng khó giảm mạnh nhưng cũng khó tăng? (phần 1) (06/11/2012)

>   VCB: Nợ xấu quý 3/2012 có thực sự đang giảm? (31/10/2012)

>   KLS: Tiền mặt “khủng”, nhưng phải đối diện 3 rủi ro trong quý 4/2012 (29/10/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 29/10 - 02/11: Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng - Giai đoạn 2 đã bắt đầu? (28/10/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 22 - 26/10: Sẽ lộ diện nhiều “khuất tất” qua kết quả thanh tra ngân hàng? (21/10/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 15 - 19/10: Lại vượt trần lãi suất huy động USD vì vàng? (14/10/2012)

>   Kinh tế vĩ mô quý 4/2012 có gì lạc quan? (07/10/2012)

>   Tháng 10: Chiến lược đầu tư nào cho Chứng khoán và Vàng? (03/10/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 01 - 05/10: Toàn cảnh nền kinh tế 9 tháng đầu năm 2012 (30/09/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật