Chủ Nhật, 28/10/2012 15:34

Kinh tế Vĩ mô Tuần 29/10 - 02/11: Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng - Giai đoạn 2 đã bắt đầu?

Đã xuất hiện thêm một loạt các động thái hứa hẹn nhanh chóng triển khai trong những tháng tới, nhằm hồi phục lại sức khỏe và tình trạng ổn định của hệ thống ngân hàng.

I. KINH TẾ TÀI CHÍNH TRONG NƯỚC

Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng: Giai đoạn 2 đã bắt đầu?

Sau thông tin vượt trần lãi suất huy động, lãi suất cho vay gần đây lại nhảy nhót tăng theo. Điều này gợi nhớ đến các sự kiện “đình đám” trong các hoạt động huy động – cho vay vốn trên thị trường ngân hàng một năm trở về trước, với nguyên nhân được cho là xuất phát từ các ngân hàng nhỏ, yếu  kém.

Sau đó, một loạt các biện pháp được đưa ra và nổi bật nhất là việc hợp nhất Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank) và Đệ Nhất (Ficombank). Tiếp theo là sự ra đời của Chỉ thị 01/CT-NHNN đầu năm 2012, nhằm khoanh vùng và xử lý những TCTD có “vấn đề”. Từ đó đến nay cũng đã có một số ngân hàng nhỏ chủ động tái cơ cấu như TienphongBank, Habubank… bên cạnh một số ngân hàng cũng đang lên kế hoạch tự tái cấu trúc hoạt động.

Hiện đã xuất hiện thêm một loạt các động thái hứa hẹn nhanh chóng triển khai trong những tháng tới như NHNN trình Chính phủ đề án Công ty mua bán nợ xấu vào giữa tháng 11/2012, hay xử lý tiếp 5 ngân hàng yếu kém… Các động thái này kỳ vọng sẽ sớm hồi phục lại sức khỏe và tình trạng ổn định của hệ thống ngân hàng, vốn có thể kiểm nghiệm trên biến động lãi suất huy động – cho vay.

Theo số liệu của NHNN, nợ xấu toàn hệ thống tính đến cuối tháng 3/2012 là 8.6%; và tính đến cuối tháng 6/2012 là 8.82%, tức tăng nhẹ 0.22%. NHNN cũng cho biết đã xử lý được khoảng 36 ngàn tỷ đồng nợ xấu, nhờ cơ cấu lại các khoản nợ, hoãn nợ, xóa nợ...

Thị trường vàng sau Công văn 7019

Thông tin từ NHNN cho biết, chỉ tính từ tháng 04/2012 đến nay các ngân hàng đã mua được 60 tấn vàng, còn NHNN đã mua thêm 10 tỷ USD. Hiện tính toán sơ bộ trên hệ thống cho thấy các ngân hàng đang thiếu 20 tấn vàng để “đóng” trạng thái; trong đó có 3 ngân hàng khó khăn nhất thiếu hụt 8 tấn.

Dữ liệu này được nhìn nhận là những tín hiệu khả quan để hạn chế tối thiểu những tương tác tiêu cực giữa hệ thống ngân hàng và thị trường vàng (hay giữa vấn đề thanh khoản/tỷ giá và giá vàng hàng hóa).

Nhờ vào những kết quả này, NHNN đã có những bước tiến trong chính sách điều hành thị trường vàng trong thời gian tới, như sau:

(1) Theo Công văn số 7019/NHNN-QLNH, các TCTD còn số dư huy động và cho vay vốn bằng vàng được tiếp tục phát hành chứng chỉ huy động ngắn hạn bằng vàng từ nay đến hết ngày 24/11/2012. Thời gian đáo hạn của các chứng chỉ huy động ngắn hạn bằng vàng được phát hành mới không vượt quá ngày 30/6/2013.

Văn bản này ra đời với mục đích nhằm tránh những rủi ro biến động thanh khoản cũng như giá vàng trên thị trường vào mùa cao điểm cuối năm. Tuy nhiên, ý chí quyết tâm của NHNN cũng thể hiện ra khi chỉ hạn chế một số TCTD với thời hạn cụ thể và thời hạn cuối cùng có thể huy động vàng vẫn giữ nguyên. 

(2) Khi quyết định chấm dứt huy động vàng có hiệu lực, quan hệ giữa người dân và TCTD chỉ là quan hệ mua bán như hàng hóa thông thường khác. Hơn nữa, người mua vàng còn có thể sẽ phải chịu thuế vì theo quan điểm quản lý, vàng là mặt hàng không khuyến khích.

(3) NHNN cũng chỉ tham gia thị trường dưới vai trò của một người kinh doanh vàng, nếu thấy hợp lý thì mua vào tăng dự trữ ngoại hối.

Ngoài ra, còn có thông tin NHNN sẽ trình Chính phủ thành lập Quỹ bình ổn tỷ giá và quản lý thị trường vàng.

Với những chính sách dự kiến trên, có thể thấy NHNN có những phân định khá rạch ròi về hoạt động giao dịch vàng hàng hóa đối với từng đối tượng; cụ thể:

(1) Người dân được quyền mua bán vàng hàng hóa, nhưng phải chịu thuế. Hoạt động gửi vàng tại TCTD có thể phải trả phí.

(2) NHTM chỉ có quan hệ mua bán vàng vật chất, không được phép huy động và cho vay bằng vàng (có trả phí). Do đó, việc huy động vàng để bù đắp thiếu hụt thanh khoản sẽ không được phép.

(3) Vàng hàng hóa vẫn được xem là cấu phần của dự trữ ngoại hối quốc gia. Theo đó, NHNN có thể xem xét thu mua vàng với mức giá hợp lý để tăng dự trữ.

Định hướng này sẽ giúp hạn chế những rủi ro biến động giá vàng do các TCTD gây nên như giai đoạn vừa qua. Tuy nhiên, cần phải thừa nhận thực tế rằng thị trường vàng hàng hóa vẫn cần nhiều hơn các giải pháp quản lý căn cơ để tránh các hiện tượng thiếu hụt thanh khoản trên hệ thống ngân hàng do dòng tiền kinh doanh, tiết kiệm VNĐ hay USD đổ mạnh vào vàng mỗi khi thị trường hàng hóa này “nổi sóng”.

II. TIN TỨC KINH TẾ VĨ MÔ TRONG NƯỚC, THẾ GIỚI NỔI BẬT 

• Ngày 25/10, Standard & Poor's (S&P) thông báo giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm nội và ngoại tệ dài hạn của Việt Nam ở mức “BB-”, xếp hạng nội và ngoại tệ ngắn hạn ở mức “B”. Triển vọng đối với tất cả các mức xếp hạng được duy trì ở mức “ổn định”.

Nhận định của S&P trong lần đánh giá này không thay đổi nhiều so với hồi tháng 6/2012.

• Báo cáo Môi trường Kinh doanh 2013 của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, Việt Nam tụt hạng một bậc, xuống đứng vị trí 99 trên tổng số 183 nước được xếp hạng. Đây là thứ hạng thấp nhất của Việt Nam kể từ năm 2006.

Trong đó, Việt Nam chỉ cải thiện được ba hạng mục là Thành lập doanh nghiệp, Tiếp cận điện năng và Nộp thuế. Riêng một số lĩnh vực vẫn bị xếp ở mức rất thấp như Bảo vệ nhà đầu tư (169/183), hay Xử lý doanh nghiệp mất khả năng thanh toán (149/183).

• Trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã tổng kết tình hình kinh tế 9 tháng; và đưa ra mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 5.2% và kiềm chế lạm phát ở mức 8% trong năm 2012.

Một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu trong năm 2013 như sau: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 5.5%; Kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; Tỷ lệ nhập siêu khoảng 8%; Bội chi ngân sách nhà nước không quá 4.8% GDP; Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 8%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng khoảng 30% GDP.

• Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho hay, tính đến ngày 20/10/2012, tổng vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm lần lượt là 6.68 tỷ USD và 3.8 tỷ USD. 

Tính chung cả cấp mới và tăng vốn, trong 10 tháng đầu năm 2012, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 10.49 tỷ USD, bằng 75.3% so với cùng kỳ 2011.

• Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu tháng 10 ước đạt 9.9 tỷ USD, tăng 4.4% so với tháng 9 và tăng 17.4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, kim ngạch nhập khẩu trong tháng ước đạt 10.4 tỷ USD, tăng 11.7% so với tháng 9 và tăng 12.6% so với cùng kỳ năm 2011.

Theo đó, nhập siêu tháng 10 ước đạt 0.5 tỷ USD và tính chung 10 tháng vào khoảng 0.36 tỷ USD.

• Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 10/2012 tăng 5.8% so với tháng trước và tăng 5.7% so với cùng kỳ năm 2011. Chỉ số tồn kho đang có xu hướng giảm.

• Tổng cục Thống kê cũng vừa công bố CPI tháng 10 cả nước tăng 0.85% so với tháng 9, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước và tăng 6.02% so với cuối năm 2011.

Tổng hợp chung các tác động trái chiều, đà tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong những tháng cuối năm 2012 là không đáng lo ngại.

• Chính sách tiền tệ của Fed không có bất kỳ thay đổi nào lớn sau khi cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) vừa qua kết thúc. Theo đó, Fed tiếp tục cam kết kích thích kinh tế thông qua hai chương trình mua trái phiếu (QE 2.5 và QE 3).

• 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí hoàn tất "khung pháp lý" cho Liên minh Ngân hàng mang tên Cơ chế giám sát chung (SSM) vào cuối năm nay. Theo đó, trao quyền giám sát các ngân hàng trong khu vực Eurozone cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) kể từ năm 2013.

• Nền kinh tế Anh đã chính thức vượt qua cuộc suy thoái kép kéo dài với mức tăng trưởng GDP quý 3/2012 lên tới 1%. Trước đó, tăng trưởng GDP trong ba quý liền kề trước đều âm như quý 4/2011 (-0.4%), quý 1/2012 (-0.3%), quý 2/2012 (-0.4%). 

• Nhật Bản vừa công bố gói kích thích 750 tỷ JPY (9.4 tỷ USD) nhằm khôi phục tăng trưởng trong bối cảnh giá tiêu dùng tiếp tục trượt dài.

Thân Hoàng Dung, Phòng Nghiên cứu Vietstock

ffn

Các tin tức khác

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 22 - 26/10: Sẽ lộ diện nhiều “khuất tất” qua kết quả thanh tra ngân hàng? (21/10/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 15 - 19/10: Lại vượt trần lãi suất huy động USD vì vàng? (14/10/2012)

>   Kinh tế vĩ mô quý 4/2012 có gì lạc quan? (07/10/2012)

>   Tháng 10: Chiến lược đầu tư nào cho Chứng khoán và Vàng? (03/10/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 01 - 05/10: Toàn cảnh nền kinh tế 9 tháng đầu năm 2012 (30/09/2012)

>   CPI tháng 9 đột biến và áp lực nào cho điều hành chính sách? (24/09/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 24 - 28/9: Lạm phát tháng 9 đi lên từ đáy? (23/09/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 17 - 21/9: Siết chặt thị trường liên ngân hàng (16/09/2012)

>   QE3: Hiểu thế nào cho đúng? (14/09/2012)

>   Kích thích kinh tế: Chứng khoán, vàng phản ứng thế nào? (13/09/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật