Kênh đầu tư tháng 11: Vàng khó giảm mạnh nhưng cũng khó tăng? (phần 1)
Đâu là các yếu tố ảnh hưởng đến xu hướng giá vàng trong tháng 11/2012? Phân tích kỹ thuật giá vàng đang nói lên điều gì?
Giá vàng trong tháng 10 và các yếu tố ảnh hưởng
Xu hướng tăng của giá vàng đã tạm thời bị chặn đứng tại ngưỡng kháng cự 1,800 USD/ounce ngay sau những công bố tích cực về số liệu việc làm Mỹ trong tháng 9 vào ngày 05/10, và sau đó đảo chiều giảm nhẹ trong phần thời gian còn lại của tháng 10.
Tính chung cả tháng 10, giá vàng đã giảm 2.59% với ba giai đoạn khá rõ nét: đi lên nhẹ đầu tháng đến gần ngưỡng kháng cự 1,800 USD/ounce; sụt giảm giữa tháng trong khoảng 1,700 – 1,800 USD/ounce; và đi ngang cuối tháng trên ngưỡng hỗ trợ 1,700 USD/ounce (biểu đồ bên dưới).
Biến động của giá vàng trong tháng 10 cho thấy sự ảnh hưởng của các ngưỡng kháng cự (1,800 USD/ounce) và hỗ trợ (1,700 USD/ounce).
Dưới đây là một số yếu tố chính góp phần vào sự sụt giảm giá vàng trong tháng 10:
(1) Số liệu việc làm và tỷ lệ thất nghiệp tháng 9 của Mỹ được công bố vào ngày 05/10 báo hiệu tích cực về đà phục hồi kinh tế ở quốc gia này. Cụ thể, số việc làm phi nông nghiệp theo khảo sát doanh nghiệp đạt mức tăng 114,000 đơn vị; và tỷ lệ thất nghiệp theo kết quả khảo sát hộ gia đình giảm mạnh 0.3% xuống còn 7.8%.
(2) Chính sách tiền tệ của Fed không có thay đổi lớn nào sau cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) diễn ra trong hai ngày 23 – 24/10.
(3) Bất ổn kinh tế, chính trị khắp châu Âu; trong đó, thông tin quan trọng là sự trì hoãn chương trình mua trái phiếu của ECB do Tây Ban Nha miễn cưỡng đề xuất gói cứu trợ toàn diện.
(4) Đồng Rupee của Ấn Độ mất giá được đánh giá là có thể kiềm chế nhu cầu vàng hàng hóa tại quốc gia này – một trong số nước nhập khẩu vàng hàng đầu.
Tuy vậy, thị trường cũng xuất hiện một số kỳ vọng tích cực giúp kiềm hãm sự sụt giảm giá vàng. Cụ thể:
(1) FOMC cam kết giữ lãi suất thấp đến giữa năm 2015 trong cuộc họp diễn ra trong hai ngày 23 – 24/10. Hơn nữa, việc tung gói kích thích kinh tế QE3 trước đó vẫn đóng vai trò là trợ lực quan trọng cho giá vàng.
(2) Thị trường vẫn tiếp tục kỳ vọng vào chương trình mua trái phiếu của ECB sẽ sớm triển khai để hỗ trợ nền kinh tế Tây Ban Nha.
(3) Kỳ vọng vào các gói kích thích kinh tế bổ sung của Nhật Bản và Trung Quốc cũng có tác động tích cực đến diễn biến giá vàng.
Cụ thể, ngày 26/10 vừa qua, Nhật Bản đã công bố gói kích thích 750 tỷ JPY (9.4 tỷ USD) nhằm khôi phục tăng trưởng trong bối cảnh giá tiêu dùng tiếp tục trượt dài. Trong khi đó, đà tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc tiếp tục sụt giảm khi tăng trưởng GDP ba quý đầu năm 2012 đang chậm dần, lần lượt là 8.1%, 7.6% và 7.4%. Có khả năng Chính phủ nước này sẽ tung ra gói kích thích nhằm hồi phục nền kinh tế, khi lạm phát tháng 9/2012 đã chậm lại còn 1.9%.
Triển vọng giá vàng trong tháng 11/2012
Triển vọng giá vàng trong tháng 11/2012 sẽ bị tác động bởi một số sự kiện quan trọng diễn ra trong khoảng thời gian này. Cụ thể:
(1) Cục Thống kê Lao động Mỹ vừa công bố số liệu việc làm trong tháng 10 vào ngày 02/11. Kết quả cho thấy tín hiệu phục hồi của thị trường việc làm ở quốc gia này khả quan hơn dự báo của giới chuyên gia. Cụ thể:
• Số việc làm phi nông nghiệp tăng thêm 171,000 đơn vị trong tháng 10, cao hơn nhiều so với dự báo tăng thêm 125,000 đơn vị.
• Số việc làm trong tháng 9 được được điều chỉnh tăng thêm từ 114,000 đơn vị lên 148,000 đơn vị; và số liệu trong tháng 8 một lần nữa được điều chỉnh tăng từ 142,000 đơn vị lên 192,000 đơn vị. Như vậy, số liệu việc làm trong hai tháng qua được điều chỉnh tăng thêm khoảng 84,000 đơn vị.
• Tỷ lệ thất nghiệp theo kết quả khảo sát hộ gia đình trong tháng 10 nhích nhẹ lên 7.9%, từ với con số 7.8% trong tháng 9. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động tiếp tục nhích từ 63.6% lên 63.8% - tỷ lệ cao nhất từ tháng 5 trở lại đây.
Số liệu việc làm tích cực từ cuộc khảo sát doanh nghiệp đã củng cố thêm niềm tin về tín hiện khởi sắc cũng như tính chất bền vững trên thị trường lao động Mỹ. Giá vàng đã rớt mạnh mất mốc 1,700 USD/ounce sau phiên giao dịch cuối tuần (02/11) trước kỳ vọng đồng USD sẽ mạnh lên và các gói kích thích kinh tế sẽ bị thu hẹp.
(2) Sau kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày 06/11, Chính phủ Mỹ sẽ bắt đầu thảo luận các vấn đề liên quan đến thâm hụt ngân sách. Các quyết định sau đó sẽ ảnh hưởng đáng kể đến diễn biến giá vàng thế giới.
(3) Biên bản họp của Ủy ban Thị trường mở (FOMC) công bố ngày 14/11 tới sẽ cung cấp thêm thông tin về các gói kích thích hiện tại cũng như trong tương lai. Với số liệu kinh tế vĩ mô hiện khả quan hơn, nhiều khả năng FOMC sẽ chưa công bố thêm gói kích thích kinh tế nào khác.
Có lẽ nhà đầu tư sẽ kỳ vọng lớn hơn vào cuộc họp FOMC sẽ diễn ra trong hai ngày 11 – 12/12, khi thời hạn của chương trình “Operation Twist” sẽ kết thúc vào cuối năm 2012. Một gói bổ sung thay thế hoặc tăng cường là điều có thể được cân nhắc?
(4) Gói kích thích kinh tế QE3 sau hơn một tháng được công bố sẽ dần đi vào thực tiễn. Nguồn cung tiền được mở rộng sẽ làm tăng rủi ro giảm giá đồng USD, và ngược lại tác động tích cực lên xu hướng giá vàng.
Hơn nữa, việc cam kết giữ lãi suất thấp đến giữa năm 2015 của FOMC sẽ tiếp tục đóng vai trò là trụ đỡ cho giá vàng.
(5) Thị trường vẫn tiếp tục kỳ vọng vào chương trình mua trái phiếu của ECB sẽ sớm triển khai để hỗ trợ nền kinh tế Tây Ban Nha.
Quyết định lãi suất điều hành của ECB trong tháng 11 cũng được xem là nhân tố quan trọng. Nếu ECB hạ thấp lãi suất từ mức 0.75% hiện nay sẽ tác động tiêu cực đến diễn biến giá vàng.
(6) Đồng Rupee tiếp tục yếu đi so với đồng USD có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu thu mua kim loại quý, đặc biệt là vàng.
Tóm lại, tổng hợp các nhân tố tác động trái chiều, giá vàng thế giới nhiều khả năng sẽ dao động đi ngang. Tuy vậy, một sự điều chỉnh tăng nhẹ trong thời gian tới cũng có thể xảy ra nhờ vào kỳ vọng các chính sách điều hành của các nền kinh tế lớn.
(7) Ngoài tác động bởi giá vàng thế giới, giá vàng trong nước còn chịu ảnh hưởng bởi việc huy động hay thu mua vàng hàng hóa trên thị trường, đặc biệt là từ các ngân hàng bị âm trạng thái vàng.
Theo công văn 7019/NHNN-QLNH của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), một số ngân hàng còn số dư huy động và cho vay vốn bằng vàng vẫn được phát hành chứng chỉ huy động vàng từ nay đến hết ngày 24/11/2012, nhưng thời gian đáo hạn không vượt quá ngày 30/6/2013.
Hiện vẫn chưa rõ tiêu chí để lựa chọn ngân hàng, nhưng có thể các ngân hàng âm trạng thái vàng lớn sẽ được cho phép tiếp tục huy động vàng. Thống kê của NHNN cho thấy các ngân hàng đang thiếu 20 tấn vàng để đóng trạng thái, trong đó có 3 ngân hàng khó khăn nhất thiếu hụt 8 tấn vàng.
Tuy có động thái gia hạn cho một số ngân hàng, nhưng áp lực mua vàng/huy động vàng trong tháng 11 để đóng hẳn trạng thái vào giữa năm sau vẫn còn. Sự căng thẳng sẽ giảm bớt đi sau ngày 25/11 và chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới có khả năng rút ngắn sau đó.
Phân tích kỹ thuật giá vàng: Giằng co rất mạnh. Những phiên tăng điểm trong thời gian gần đây là khá yếu do đang chịu sức ép lớn từ EMA 25 và Fibonacci Retracement 23.6%. Sự hội tụ của các yếu tố kỹ thuật sẽ tạo nên một vùng kháng cự rất mạnh: vùng 1,730 – 1,740 USD/oz.
Điều này cũng thể hiện qua việc các mẫu hình nến có bóng mờ (shadow) bên trên dài xuất hiện khá nhiều trong các phiên gần đây.
Khả năng tăng trưởng vẫn còn. MACD sắp cho tín hiệu mua trở lại và đang duy trì khá gần đường zero-base. Mặt khác, ngưỡng Fibonacci Retracement 38.2% cũng đang hỗ trợ rất tốt cho giá. Như vậy, nhiều khả năng giá vàng sẽ tiếp tục giao dịch tích cực trong tháng 11.
* Phần 2: Chứng khoán và những xáo trộn trước thềm tái cấu trúc (Đón đọc)
Phòng Nghiên cứu Vietstock
ffn
|