Macro View: Sự kiện kinh tế vĩ mô ảnh hưởng đến TTCK Tuần 26 – 30/11
Phân tích các sự kiện kinh tế vĩ mô vừa diễn ra, các số liệu công bố và ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán.
Ngày 27/11/2012, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành văn bản số 7789/NHNN-TTGSNH về việc trích lập dự phòng và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro.
Nội dung đáng chú ý có:
(1) Đánh giá lại khả năng phát mại, giá trị thị trường của tài sản bảo đảm để xác định hợp lý giá trị và tỷ lệ khấu trừ của tài sản bảo đảm, trích lập tối đa dự phòng rủi ro, tạo nguồn để xử lý nợ xấu bằng dự phòng rủi ro ngay trong năm 2012.
(2) Xem xét điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận năm 2012 để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xử lý nợ xấu trong năm 2012.
Ngoài ra, NHNN cũng nhắc đến việc các ngân hàng cần phân loại nợ đầy đủ theo quy định hiện hành (Quyết định 493) và cơ cấu lại nợ vay cho khách hàng.
Theo Quyết định 493, các khoản nợ được phân loại từ Nhóm 1 đến 5 và có mức trích lập dự phòng cụ thể tương ứng từ 0% đến 100% của Giá trị khoản nợ trừ đi (-) Giá trị tài sản đảm bảo.
Ngoài ra, các ngân hàng được yêu cầu trích dự phòng chung ở mức 0.75% tổng giá trị các khoản nợ từ Nhóm 1 đến 4.
Phần lớn các nội dung trong Công văn 7789 không phải là mới, nhưng rõ ràng NHNN đã thể hiện quyết tâm cao độ và phần nào là động thái mở đường, khuyến khích các NHTM trích lập đầy đủ dự phòng để phản ánh đúng thực trạng của chất lượng tín dụng (nợ xấu) và phát mại tài sản đảm bảo để thu hồi nợ.
Nếu thực hiện theo công văn này thì kết quả kinh doanh của nhiều ngân hàng trong vài quý tới có lẽ sẽ suy giảm mạnh, và tác động tiêu cực lên TTCK.
Chúng tôi cho rằng đây là bước đi tiếp theo trong chương trình xử lý nợ xấu đang thực hiện, trước khi đề án mua bán nợ xấu được ban hành.
TS. Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia được báo chí dẫn lời cho rằng “Xu hướng giảm lãi suất là chắc chắn. NHNN sẽ căn cứ điều kiện cụ thể để quyết định thời điểm giảm”.
Hiện lãi suất tái chiết khấu là 8%/năm, lãi suất tái cấp vốn là 10%/năm và trần lãi suất huy động ngắn hạn (dưới 12 tháng) là 9%/năm. Trong khi đó, lạm phát đang có xu hướng đi ngang và CPI tháng 11/2012 chỉ tăng 7.08% so với cùng kỳ năm trước.
Trái ngược với giai đoạn cuối năm của các năm trước, các NHTM đang có biểu hiện dư thừa thanh khoản, lãi suất trái phiếu Chính phủ chỉ đứng ở mức rất thấp. Tuy vậy, điều này không xảy ra ở tất cả các ngân hàng, vì trên thực tế thanh khoản ở các ngân hàng nhỏ (ngoài 4 ngân hàng thuộc diện đang phải tái cấu trúc) không phải là dồi dào. Việc giảm trần lãi suất huy động sẽ khiến nhóm này tiếp tục khó khăn, trong khi có thể giúp cải thiện lợi nhuận ở nhóm còn lại.
Giảm lãi suất đầu vào, nhưng đáng lưu ý là lãi suất đầu ra hiện vẫn đứng ở mức cao; và chưa thể thúc đẩy tín dụng tăng trưởng do khả năng hấp thụ của nền kinh tế còn thấp.
Nói tóm lại, giảm lãi suất là tín hiệu tích cực nhưng có vẻ như sẽ không mang đến nhiều tác động tích cực trong bối cảnh hiện tại.
Phòng Nghiên cứu Vietstock
ffn
|