Thứ Năm, 03/01/2013 10:39

Kinh tế vĩ mô Việt Nam: Nhìn lại năm 2012 và hướng tới năm 2013

Nền kinh tế đã trải qua một năm khá bình yên thông qua một số chỉ tiêu về lạm phát, tỷ giá…Tuy nhiên, hệ lụy đi kèm của một giai đoạn thắt chặt, kiềm chế kéo dài là mức độ trì trệ của nền kinh tế ngày càng thể hiện rõ nét hơn.

Tăng trưởng GDP: Năm 2012 đạt 5.03%, xu hướng tăng chậm dần. Năm 2013 dự báo trong khoảng 5.5 – 5.7%.  

Tổng cục Thống kê vừa công bố GDP cả năm 2012 ước chỉ tăng 5.03% so với năm 2011; trong đó quý 1 tăng 4.64%, quý 2 tăng 4.8%, quý 3 tăng 5.05% và quý 4 tăng 5.44%.

Số liệu này đã được điều chỉnh khi công bố trước đó cho thấy GDP quý 1 chỉ tăng 4%, quý 2 tăng 4.66% và quý 3 tăng 5.35%.

Như vậy, mức tăng trưởng của quý 4 (5.44%) không đạt như kỳ vọng khiến GDP cả năm (5.03%) thấp hơn nhiều so con số dự kiến gần đây là 5.2%. Biểu đồ bên dưới cho thấy tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang có xu hướng tăng chậm dần.

Phân rã theo khu vực kinh tế cho thấy mức độ tăng trưởng yếu diễn ra ở tất cả các nhóm ngành.

Mảng Dịch vụ giữ được mức tăng khá nhất dù vẫn thấp hơn so với năm 2011; ngược lại, tăng trưởng ở khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản sụt giảm mạnh khi chỉ tăng 2.72%, so với con số 4.01% trong năm trước.

Đáng chú ý là sự sụt giảm của ngành Công nghiệp và xây dựng đã ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng toàn nền kinh tế vì chiếm tỷ trọng lớn nhất với hơn 40%.

Tính đến 01/12/2012, chỉ số tồn kho của ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo còn tăng 20.1% so với cùng thời điểm năm trước; và chỉ số tồn kho này có xu hướng liên tục sụt giảm trong những tháng gần đây. Tuy vậy, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp không có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh, thì con số tồn kho này cũng cho thấy sự trì trệ đang hiện diện.

Dự báo: Với hàng loạt các đề án tái cơ cấu và các gói “giải cứu” được dự kiến sớm tung ra trong thời gian tới, nền kinh tế sẽ có nhiều cơ hội để dần phục hồi trong năm 2013. Tuy nhiên, với mục tiêu trọng tâm vẫn là kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng GDP trong năm 2013 khó kỳ vọng khởi sắc vượt bậc. Tăng trưởng GDP năm 2013 được dự báo trong khoảng 5.5 – 5.7%.  

Vốn đầu tư xã hội: Sụt giảm mạnh cùng với chính sách vĩ mô thắt chặt. Năm 2013 dự báo tăng nhẹ trở lại.

Với một nền kinh tế dựa nhiều vào vốn để tăng trưởng như Việt Nam thì bất cứ cú sốc nào dẫn đến thắt chặt nguồn vốn đều có thể ảnh hưởng đến đà tăng trưởng.

Từ khi Nghị quyết 11 ra đời vào tháng 2/2011 với thông điệp kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, dòng vốn đầu tư của khu vực Nhà nước và ngoài Nhà nước đã bị thu hẹp đáng kể. Trong khi đó, khu vực nước ngoài do ảnh hưởng của kinh tế toàn cầu cũng hạn chế đầu tư.

Biểu đồ bên dưới cho thấy tỷ lệ vốn đầu tư so với GDP trong hai năm 2011 và 2012 đã sụt giảm mạnh, chỉ còn lần lượt là 34.6% và 33.5%. Đây được xem là một trong những nguyên nhân chính khiến tăng trưởng GDP có xu hướng giảm dần.

Riêng trong năm 2009, với các biện pháp kích cầu mạnh mẽ thông qua bơm vốn, nền kinh tế nhanh chóng hồi sức và tăng trưởng trở lại; nhưng đã để lại những hệ lụy tiêu cực cho sự ổn định nền kinh tế vĩ mô trong những năm về sau.

Dự báo: Thông qua việc tung ra các gói “giải cứu” trong năm tới, vốn đầu tư xã hội dự báo sẽ tăng trưởng trở lại.

Diễn biến tăng trưởng GDP và vốn đầu tư xã hội cho thấy mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào việc mở rộng nguồn vốn đã không còn phát huy được nhiều tác động như trước, nhưng dễ để lại hệ lụy xấu. Do đó, yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng bằng cách nâng cao năng lực, chất lượng ngày càng trở nên cấp thiết.

Xuất - nhập khẩu và cán cân thương mại: Thặng dư lần đầu sau gần 20 năm.

Thống kê cho thấy tính chung cả năm 2012, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 114.6 tỷ USD, tăng 18.3% so với năm 2011, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 114.3 tỷ USD, tăng 7.1%. Theo đó, cán cân thương mại cả năm 2012 thặng dư khoảng 0.3 tỷ USD.

Đây là lần đầu tiên cán cân thương mại thặng dư kể từ năm 1993 đến nay.

Biểu đồ bên dưới cho thấy, thâm hụt thương mại sau khi đạt đỉnh với 18.03 tỷ USD trong năm 2008, đã có dấu hiệu thu hẹp dần; và đến năm 2012, cán cân thương mại đã có thặng dư.

Kim ngạch xuất khẩu trong năm 2012 vẫn giữ được đà tăng ấn tượng 18.3%, bất chấp những khó khăn chung của kinh tế thế giới. So với Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước trong khu vực ASEAN như Philippines, Malaysia, Thái Lan, thì động lực tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong năm nay vẫn mạnh mẽ và có phần vượt bậc. Tuy nhiên, góp phần không nhỏ vào đà tăng này chủ yếu nhờ vào các doanh nghiệp FDI với mức tăng 31.2%. Điều này được giải thích là do họ vẫn duy trì được lợi thế cạnh tranh và thị trường, trong khi hàng loạt doanh nghiệp trong nước vẫn đang suy yếu.

Trong cấu phần kim ngạch xuất khẩu đáng chú ý là 2 nhóm hàng Điện thoại các loại và linh kiện – Điện  tử, máy tính và linh kiện có mức tăng trưởng lần lượt là 97.7% và 69.1% so với năm 2011. Ngoài ra, nhóm hàng nông nghiệp như Thủy sản, Gạo cũng góp mặt trong 10 nhóm hàng xuất khẩu mạnh nhất trong năm 2012 (bảng bên dưới).

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu trong năm 2012 đạt 114.35 tỷ USD và tăng 7.1% so với năm 2011. Khối doanh nghiệp FDI có mức tăng trưởng nhập khẩu ấn tượng với 23.5%, có thể để hỗ trợ cho nhu cầu xuất khẩu.

Với nền công nghiệp chủ yếu phụ thuộc nhiều vào nguyên, vật liệu nhập khẩu, thì mức độ tăng trưởng yếu ớt của kim ngạch nhập khẩu đã làm lộ thêm về tình trạng trì trệ của nền kinh tế. Dưới đây là kim ngạch nhập khẩu 10 nhóm hàng lớn nhất trong năm 2012.

Dự báo: Động lực tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2013 có thể tiếp tục duy trì, trong khi nhu cầu nhập khẩu cũng tăng dần lên cùng với sự phục hồi dần của nền kinh tế. Theo đó, cán cân thương mại có thể trở lại mức thâm hụt nhẹ. 

Với định hướng tập trung phát triển nông nghiệp, nhiều khả năng kim ngạch xuất khẩu hàng nông nghiệp sẽ tiếp tục khởi sắc và đóng góp nhiều hơn vào tổng kim ngạch xuất khẩu.

Cán cân thanh toán thặng dư 10 tỷ USD. Dự trữ ngoại hối 23 tỷ USD. Năm 2013 dự báo tỷ giá tiếp tục ổn định.

Thông tin mới nhất từ NHNN cho biết cán cân thanh toán tổng thể năm 2012 dự báo thặng dư khoảng 10 tỷ USD. Con số này tương đương với mức thặng dư trong năm 2007 – năm dòng vốn đầu tư ào ạt chảy vào.

Biểu đồ bên dưới cho thấy cán cân thanh toán của nền kinh tế đang dần có chuyển biến tích cực trong thời gian gần đây. Mức thặng dư này sẽ bổ sung đáng kể vào nguồn dự trữ ngoại hối quốc gia.

Cũng theo nguồn tin của NHNN, dự trữ ngoại hối trong nước hiện tăng hơn gấp 2 lần so với hồi đầu năm, vào khoảng 22 – 23 tỷ USD.

Đạt được kết quả trên, có 2 nhóm nguyên nhân chủ yếu sau:

(1) Sự mất cân đối của cán cân thương mại đang có xu hướng giảm dần, và hiện tượng xuất siêu trong năm 2012 có đóng góp quan trọng đến thặng dư cán cân thanh toán tổng thể.

(2) Lượng ngoại tệ chảy vào và thu hút từ doanh nghiệp và người dân cũng rất khả quan.

Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã giải ngân trong năm 2012 đạt 10.46 tỷ USD, bằng 95.1% so với năm 2011. Tuy nhiên, vốn đăng ký FDI trong năm nay, tính chung cả cấp mới và tăng vốn, chỉ đạt 13.013 tỷ USD, bằng 84.7% so với 2011.

Nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) giải ngân ước đạt 3.9 tỷ USD trong năm nay, cao hơn so với con số 3.65 tỷ USD trong năm 2011. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các nhà tài trợ cam kết số vốn ODA cho năm 2013 là 6.485 tỷ USD, giảm so với các năm trước.

Lượng kiều hối chuyển về Việt Nam qua hệ thống ngân hàng có thể đạt từ 10 – 11 tỷ USD, tăng 1 – 2 tỷ USD so với năm 2011, dù bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng toàn cầu. Lượng ngoại tệ thu được từ khách quốc tế có thể đạt 6.6 tỷ USD, cao hơn kỷ lục 5.62 tỷ USD trong năm 2011. Các dòng tiền này hiện vẫn đang có xu hướng tăng lên theo thời gian.

Ngoài ra, NHNN cũng thu mua được một lượng ngoại tệ trong dân nhờ vào chính sách giữ ổn định tỷ giá USD/VND và nỗ lực kiềm chế lạm phát.

Dự báo: Mức thặng dư kỷ lục của cán cân thanh toán tổng thể trong năm 2012 là bệ đỡ vững chắc cho sự ổn định tỷ giá USD/VNĐ và thị trường ngoại hối.

Dự báo cán cân thương mại có thể thâm hụt nhẹ trở lại và sẽ không tác động nhiều lên cán cân thanh toán tổng thể; trong khi lượng ngoại tệ chảy vào trong nước sẽ không có quá nhiều biến động. Đây sẽ là cơ sở để tỷ giá USD/VNĐ dự báo tiếp tục ổn định trong thời gian tới.

Lạm phát: Kiềm chế thành công, nhưng tạo hệ lụy do chính sách thắt chặt

Tổng cục Thống kê công bố chỉ số giá tiêu dùng tháng 12 tăng 0.27% so với tháng trước, và tăng 6.81% so với cuối năm 2011. Đây có thể xem là một trong những nỗ lực vĩ mô thành công trong năm 2012.

Nhìn lại diễn biến lạm phát trong năm 2012 ở biểu đồ bên dưới có thể thấy một số điểm khác biệt so với những năm trước. Cụ thể là: (i) chỉ số giá tăng chậm dần trong các tháng cuối năm, đặc biệt sau đợt tăng đột biến trong tháng 9, (ii) nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống không còn là tác nhân chính gây áp lực lên chỉ số giá, mà thay vào đó là các nhóm ngành được kiểm soát như Y tế, Điện, Xăng dầu…

Dự báo: Với định hướng tiếp tục kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, diễn biến chỉ số giá trong năm 2013 có thể được kiểm soát tốt hơn nếu không có nhiều đột biến về giá cả hàng hóa trên thế giới. Điều này sẽ đem lại nhiều dư địa hơn cho việc nới lỏng chính sách vĩ mô.

Tóm lại: Nhìn chung, nền kinh tế đã trải qua một năm khá bình yên thông qua một số chỉ tiêu về lạm phát, tỷ giá…Tuy nhiên, hệ lụy đi kèm của một giai đoạn thắt chặt, kiềm chế kéo dài là mức độ trì trệ của nền kinh tế ngày càng thể hiện rõ nét hơn.

Trong năm 2013, với hàng loạt các chính sách hỗ trợ và “giải cứu” được khởi động, nền kinh tế dự báo sẽ dần phục hồi, nhưng đồng thời có thể đe dọa trở lại đến sự ổn định vốn vẫn còn mong manh của nền kinh tế nếu không có những thay đổi mang tính cơ cấu.

Thân Hoàng Dung, Phòng Nghiên cứu Vietstock

ffn

Các tin tức khác

>   “Giải cứu” bất động sản: Chứng khoán hưởng lợi nhanh hơn Bất động sản (24/12/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 24 - 28/12: Giảm trần huy động, khi nào lãi suất đầu ra sẽ giảm? (23/12/2012)

>   Chính sách tiền tệ năm 2012: Được và chưa được (20/12/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 17 - 21/12: Kéo giảm lãi suất - Bao nhiêu và khi nào? (16/12/2012)

>   QE4 có tác động tích cực lên chứng khoán? (14/12/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 10 - 14/12: Rút ngắn thời gian thanh toán không thuộc diện “tái cấu trúc”? (09/12/2012)

>   Kênh đầu tư tháng 12: Chứng khoán bứt phá với quyết sách hạ lãi suất, “giải cứu” bất động sản, nợ xấu? (07/12/2012)

>   Kênh đầu tư tháng 12: Vàng vẫn chưa thoát khỏi xu hướng tích lũy? (06/12/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 03 - 07/12: Áp trần lãi suất - NHTM sẽ rất dè dặt giải ngân tín dụng? (02/12/2012)

>   Macro View: Sự kiện kinh tế vĩ mô ảnh hưởng đến TTCK Tuần 26 – 30/11 (30/11/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật