Macro View: Sự kiện kinh tế vĩ mô ảnh hưởng đến TTCK Tuần 17 – 21/12
“Giải cứu” bất động sản: Chứng khoán hưởng lợi nhanh hơn Bất động sản
Phân tích các sự kiện kinh tế vĩ mô vừa diễn ra, các số liệu công bố và ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán.
Chính phủ chỉ đạo “giải cứu” thị trường bất động sản
Sau thông tin hé lộ về gói giải pháp tài khóa “phá băng” thị trường bất động sản, Chính phủ đã đưa ra nhiều chi tiết mang tính định hướng về gói giải cứu tổng thể đối với thị trường hàng hóa này; cụ thể như sau:
(1) Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giãn thời điểm nộp tiền sử dụng đất cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở và doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.
(2) Hỗ trợ vốn và lãi suất vay mua nhà cho người dân có nhu cầu thực sự về nhà ở.
(3) NHTM tập trung mạnh vào xử lý nợ xấu liên quan đến bất động sản theo hướng cơ cấu lại nợ, thiết lập quỹ dự phòng rủi ro…
(4) Sẽ ban hành Nghị quyết về một số giải pháp tháo gỡ và ổn định thị trường bất động sản sau phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 12 tới.
Còn nhiều vấn đề phải bàn về các giải pháp gỡ khó nêu trên, nhưng trên hết sự quan tâm và ưu tiên đúng mức của Chính phủ đối với thị trường bất động sản sẽ là liều thuốc “an thần” mạnh.
Do độ trễ chính sách, thời gian để thị trường thực sự ấm dần và khởi sắc có thể sẽ kéo dài nhiều tháng, và hơn thế nữa. Đây cũng là cơ sở để nhận định giá cả bất động sản có thể sẽ tiếp tục sụt giảm trong thời gian tới, và chỉ có thể hình thành đáy khi đáp ứng được nhu cầu của người mua.
Ngược lại, mức độ ảnh hưởng của các chính sách này lên TTCK sẽ nhanh và nhạy hơn. Thực tế cho thấy, thông tin về gói giải cứu bất động sản đã giúp nâng đỡ thị trường gần 2 tuần nay.
Hiện thị trường vẫn đang chờ đợi những giải pháp chi tiết “giải cứu” bất động sản từ Chính phủ. Nếu các giải pháp đưa ra đủ mạnh và dễ có tác động lan tỏa nhanh, thì thị trường nhiều khả năng giữ vững đà tăng; ngược lại, nhà đầu tư sẽ điều chỉnh lại kỳ vọng.
Chúng tôi sẽ tiếp tục có nhận định về chủ đề này khi thu thập được các thông tin chi tiết hơn.
Bộ Công an đề nghị truy tố bà Huỳnh Thị Huyền Như về tội lừa đảo chiếm đoạt gần 4,000 tỷ đồng
Thông tin cho thấy các ngân hàng có liên quan đến vụ án là ACB đã bị thiệt hại gần 719 tỷ đồng, ngân hàng Tiên Phong 550 tỷ đồng, Nam Việt (NVB) 200 tỷ đồng. Tổng thiệt hại của 3 ngân hàng này vào khoảng 1,500 tỷ đồng; và như vậy còn gần 2,500 tỷ đồng thiệt hại chưa có thông tin cụ thể.
Thông tin về vụ án kinh tế Huỳnh Thị Huyền Như là không mới, nhưng kết quả thanh tra tiếp tục hé lộ nhiều thông tin khá “nhạy cảm”. Không hẳn mới, nhưng đây rõ ràng là bằng chứng cộng thêm về mối quan hệ nhiều lợi ích giữa ngân hàng và các “sân sau”, hay giữa ngân hàng và các mối quan hệ thân tín…
Những thông tin liên hệ với vụ án này chắc chắn sẽ có tác động đến kết quả kinh doanh của các ngân hàng có ảnh hưởng, thể hiện qua số liệu hoặc uy tín giảm sút. Theo đó, biến động thị giá ở những mã cổ phiếu này là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, mức độ lan tỏa của tác động này đến thị trường chung sẽ không đáng kể vì hẳn đây không phải là thông tin mới và tâm lý nhà đầu tư đã phần nào lường trước được ảnh hưởng của nó.
Thân Hoàng Dung, Phòng Nghiên cứu Vietstock
FFN
|