Kinh tế Vĩ mô Tuần 14 - 18/01: Doanh nghiệp bất động sản phải tự “mở lối” cho mình!
Chính phủ sẽ tạo “điều kiện cần” để tương quan cung – cầu gặp nhau trên thị trường bất động sản; nhưng tự mỗi doanh nghiệp trên thị trường này sẽ phải tạo ra “điều kiện đủ” cho riêng mình nếu muốn tồn tại và phát triển.
I. KINH TẾ TÀI CHÍNH TRONG NƯỚC
Doanh nghiệp bất động sản phải tự “mở lối” cho mình!
Cuối cùng, gói giải pháp tổng thể cho thị trường bất động sản năm 2013 đã được hiện thực hóa trong Nghị quyết 02/NQ-CP Chính Phủ ban hành ngày 07/01/2013 vừa qua.
Các chính sách hỗ trợ đã định hướng đến đầy đủ các thành phần đối tượng tham gia của thị trường như: (1) phân bổ vốn đầu tư và đẩy nhanh tiến độ các dự án quốc gia tạo sức lan tỏa lớn, (2) hỗ trợ vốn – lãi suất, gia hạn thuế, tiền sử dụng đất cho các doanh nghiệp liên quan đến bất động sản, (3) cho phép chuyển các dự án nhà ở thương mại sang làm nhà ở xã hội, (4) ưu đãi vốn – lãi suất cho một số nhóm đối tượng ưu tiên mua, thuê nhà…
Rõ ràng, gói giải pháp này sẽ tạo ra một nền tảng khá tốt để thị trường bất động sản có cơ hội hồi phục và phát triển.
Tuy nhiên khác với trước, trong nội dung gói giải cứu lần này Chính phủ vẫn “nhường lại” một phần nỗ lực cho các doanh nghiệp bất động sản; cụ thể là hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp BĐS điều chỉnh hoạt động kinh doanh, tái cơ cấu doanh nghiệp như: giảm giá bán, điều chỉnh cơ cấu hàng hóa cho phù hợp với khả năng chi trả của thị trường, áp dựng các phương thức bán hàng linh hoạt...
Hay nói cách khác, Chính phủ sẽ tạo “điều kiện cần” để tương quan cung – cầu gặp nhau trên thị trường bất động sản; nhưng tự mỗi doanh nghiệp trên thị trường này sẽ phải tạo ra “điều kiện đủ” cho riêng mình nếu muốn tồn tại và phát triển.
Chúng tôi sẽ còn trở lại chủ đề này trong thời gian tới.
Vàng “hạ giá” vì sốt ảo trước đó?
Ngày 10/1/2013, toàn bộ hệ thống kinh doanh vàng miếng theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP chính thức hoạt động. Thông tin cho thấy, tính đến thời điểm hiện nay, mạng lưới kinh doanh vàng miếng gồm gần 2,500 điểm giao dịch của 22 tổ chức tín dụng và 16 doanh nghiệp được NHNN cấp phép chính thức đi vào hoạt động.
Tuy vậy, diễn biến giá mua – bán vàng miếng vẫn tiếp tục diễn ra khá phức tạp.
Nếu trước ngày 10/1, thị trường kinh doanh vàng miếng diễn ra rối loạn cục bộ trước hiện tượng người dân bị “ép giá” ở các thương hiệu vàng miếng ngoài SJC; thì từ sau thời điểm này, giá vàng miếng thương hiệu SJC có dấu hiệu giảm và càng lao dốc mạnh sau đó.
Hiện chênh lệch giữa giá vàng miếng thương hiệu SJC và vàng thế giới được thu hẹp đáng kể chỉ còn quanh khoảng 3 triệu đồng/lượng.
Chỉ trong một thời gian rất ngắn sau thời điểm ngày 10/01, bài toán chênh lệch giá vàng được “giải quyết” hiệu quả. Liệu có chăng hiện tượng “làm giá” trên thương hiệu vàng miếng SJC? Ai đã và đang là người có lợi vì tạo hiện tượng sốt ảo này?
II. TIN TỨC KINH TẾ VĨ MÔ TRONG NƯỚC, THẾ GIỚI NỔI BẬT
• Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013.
Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 là: Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012. Trong khi đó, giữ bội chi ngân sách không quá 4.8% GDP.
• Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thị trường, giải quyết nợ xấu. Cụ thể như phân bổ ngay vốn đầu tư và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trong năm 2013, gia hạn 6 tháng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản.
• Ngày 08/01/2013, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục công bố 5 tổ chức tín dụng và 2 doanh nghiệp được phép kinh doanh vàng miếng. Như vậy, tính đến thời điểm này đã có 22 tổ chức tín dụng và 16 doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh vàng miếng.
• Ngày 07/01/2013, Thống đốc Ngân hàng nhà nước đã ký ban hành Thông tư số 01/2013/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 21/2012/TT-NHNN ngày 18/6/2012 quy định về hoạt động cho vay, đi vay; mua, bán có kỳ hạn giấy tờ có giá giữa các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Trong đó, Thông tư bổ sung các khái niệm trên thị trường liên ngân hàng gồm: Khái niệm về “Giao dịch cho vay, đi vay”, “Gia hạn khoản vay”, “Điều chỉnh kỳ hạn trả nợ”, “Chuyển nợ quá hạn”.
• Theo nguồn tin NHNN, kết quả hoạt động hệ thống ngân hàng năm 2012 như sau:
(1) Tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 8.91%; trong đó, tín dụng VNĐ tăng 11.51%, tín dụng ngoại tệ giảm 1.56% so với cuối năm 2011. Tổng phương tiện thanh toán tăng 22.4% so với cuối năm 2011.
Dư nợ cho vay các lĩnh vực không khuyến khích giảm và chiếm tỷ trọng khoảng 4.4% so với tổng dư nợ cho vay.
Tỷ trọng dư nợ cho vay với lãi suất trên 15%/năm đã giảm mạnh từ mức 65.8% trước ngày 15/7/2012 xuống còn 19.2% vào cuối năm 2012.
(2) NHNN đã trình xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ phương án cơ cấu lại của 8/9 ngân hàng yếu kém trước khi NHNN phê duyệt.
Dự phòng rủi ro đã trích lập chưa sử dụng đến cuối tháng 11/2012 đạt 78.6 ngàn tỷ đồng (tương đương 58.31% nợ xấu), tăng 33% so với cuối năm 2011. Nợ xấu được các TCTD xử lý ước đạt 45 ngàn tỷ đồng.
Trong năm 2013, tăng trưởng tín dụng sẽ được kiểm soát ở khoảng 12% nhưng linh hoạt điều chỉnh theo diễn biến và tình hình thực tế. NHNN sẽ không kiểm soát tỷ trọng cho vay đối với lĩnh vực không khuyến khích (bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng).
• Nguồn tin NHNN cho biết lượng kiều hối năm 2012 đổ về TPHCM đạt 4.1 tỷ USD. Thông thường tỷ trọng lượng kiều hối của TPHCM chiếm khoảng 42 – 43% so với cả nước và nếu tỷ trọng này năm 2012 không có nhiều thay đổi, lượng kiều hối cả năm có thể chỉ đạt 9.5 – 9.6 tỷ USD.
• Sáng ngày 10/01, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã công bố kết luận thanh tra tại ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), một số hoạt động đào tạo, liên kết đào tạo của đại học Quốc gia Hà Nội, việc đầu tư, xây dựng quốc lộ 51...
TTCP phát hiện nhiều sai phạm tại VDB; và theo kết luận nợ xấu ở ngân hàng này tính đến ngày 31/12/2010 là 22,664 tỷ đồng, chiếm 12.57% tổng dư nợ.
• Trong quý 1/2013, TTCP sẽ tiến hành thanh tra chấp hành pháp luật tại Ủy ban Chứng khoán và trách nhiệm của NHNN đối với việc quản lý thị trường vàng.
Trong năm 2013, TTCP sẽ tiến hành làm việc tại Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc quản lý, khai thác khoáng sản; Bộ Công Thương về trách nhiệm quản lý hàng tạm nhập – tái xuất – chuyển cửa khẩu. Ở khối doanh nghiệp, cơ quan này sẽ thanh tra chấp hành chính sách pháp luật tại Tập đoàn Xăng dầu (Petrolimex) và việc quản lý sử dụng vốn, tài sản tại Tổng công ty Đầu tư & Phát triển đô thị (Tập đoàn HUD trước đây)…
• Chính phủ Nhật Bản vừa thông qua gói kích thích mới có quy mô 10.3 ngàn tỷ JPY (tương đương 116 tỷ USD) nhằm khôi phục đà tăng trưởng của nền kinh tế vốn đang trong suy thoái. Chính phủ Nhật ước tính gói kích thích sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thêm 2% và tạo thêm 600,000 việc làm.
• Ngày 10/01, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định giữ nguyên lãi suất cho vay ở mức thấp kỷ lục 0.75% và lãi suất huy động ở mức 0% như dự báo.
Trước đó trong ngày, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cũng giữ nguyên lãi suất ở mức 0.5% và quy mô của chương trình mua tài sản ở mức 375 tỷ bảng Anh (tương đương 600.9 tỷ USD).
Thân Hoàng Dung, Phòng Nghiên cứu Vietstock
ffn
|