Chứng khoán Việt Nam năm 2012: Bài học từ những đợt sóng bất ngờ
Mọi thứ không hẳn tốt đẹp, nhưng TTCK Việt Nam năm 2012 vẫn có những đợt sóng đầy bất ngờ. Có lẽ chỉ cần không thể xấu hơn và giới đầu tư nhìn thấy triển vọng tích cực là quá đủ để chứng khoán bật dậy mạnh mẽ.
Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2012
Mid Cap lên ngôi. Kết thúc năm 2012, VN-Index đã tăng 17.7% so với cuối năm 2011 đứng tại 413.73 điểm; HNX-Index kém tích cực hơn khi giảm nhẹ 2.8% đứng ở mức 57.09 điểm.
Mức suy giảm của HNX-Index trong năm qua chủ yếu đến từ tác động giảm điểm mạnh của cổ phiếu ACB do ảnh hưởng của thông tin ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt và các sự kiện liên quan.
VS 100 và VN 30 đều có mức tăng trưởng vượt trội so với thị trường trong năm qua với mức tăng lần lượt là 21.9% và 24.9%.
VS-Mid Cap là nhóm có mức sinh lời tốt nhất trong năm 2012 khi tăng 33.92%, tiếp theo là VS-Small Cap tăng 19.93%, VS-Large Cap có mức tăng khá tương đồng với thị trường ở mức 17.28%, và VS-Micro Cap tăng yếu nhất với mức tăng 16.26%.
Khối ngoại mua ròng 220 triệu USD. Khối ngoại đã có năm mua ròng trên cả hai sàn với tổng giá trị mua ròng là 4,563 tỷ đồng (220 triệu USD). Trong đó, giá trị mua ròng của khối ngoại trên HOSE là 3,361 tỷ đồng và trên HNX là 1,202 tỷ đồng.
Trên HOSE, họ mua ròng mạnh nhất MSN với 1,455 tỷ đồng, tiếp theo là MBB với 1,041 tỷ đồng, GAS với 842 tỷ đồng, VCB với 796 tỷ đồng và DPM với 402 tỷ đồng. Trong khi bán ròng mạnh nhất STB với 3,436 tỷ đồng, EIB với 259 tỷ đồng và BVH với 182 tỷ đồng.
Trên HNX, khối ngoại mạnh nhất NTP với 266 tỷ đồng, tiếp theo là PVS với 219 tỷ đồng, DBC với 204 tỷ đồng, VCG với 107 tỷ đồng và PGS với 98 tỷ đồng. Trong khi bán ròng mạnh nhất SHB với 131 tỷ đồng, SCR với 46 tỷ đồng và BVS với 25 tỷ đồng.
3 giai đoạn với những con sóng bất ngờ
Giai đoạn 1 (01/01 - 09/05/2012): Đi lên từ vùng đáy khi triển vọng vĩ mô thôi xấu hơn
Trong giai đoạn này, VN-Index đã bật tăng mạnh 38.7% từ 351.55 điểm vào ngày 30/12/2011 lên mức 487.6 điểm vào ngày 9/05/2012. HNX-Index có mức tăng hấp dẫn hơn khi tăng đến 42.6% từ 58.74 điểm lên 83.76 điểm.
Thị trường kết thúc năm 2011 với nhiều lo lắng khi (i) Thông tin xấu vẫn tràn ngập, (ii) Giá chứng khoán liện tục sụt giảm mạnh, (iii) Tâm lý giới đầu tư chán nản và đầy hoài nghi. Đây cũng là lý do khiến đà giảm tiếp tục kéo dài trong những tuần đầu tháng 1/2012.
Điểm tích cực trong giai đoạn này là giới đầu tư đã bắt đầu nhắc tới cụm từ “thị trường đã vào vùng đáy” với những dấu hiệu đang diễn ra ở trên. Chính điều này đã kích thích hoạt động bắt đáy gia tăng trở lại và giao dịch thị trường dần khởi sắc một cách bất ngờ.
Đà tăng của thị trường được củng cố thêm nhờ những diễn biến vĩ mô “bớt xấu đi”, chẳng hạn như:
(i) Lạm phát được kiềm chế, tạo điều kiện cho các ngân hàng kéo giảm lãi suất (NHNH ban hành Thông tư 14 áp trần lãi vay 15%/năm với 4 lĩnh vực ưu tiên), tỷ giá cũng được cam kết giữ ổn định.
(ii) Chính phủ đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc nền kinh tế.
(iii) Gỡ khó cho ngành bất động sản bằng cách loại mảng tín dụng bất động sản quan trọng ra khỏi “không khuyến khích”, cho phép tái cơ cấu các khoản nợ vay.
Điểm đáng chú ý trong giai đoạn này là sự hào hứng của dòng tiền khối ngoại mạnh dạn tham gia thu gom cổ phiếu, xuất phát từ thông tin tỷ giá được Chính phủ cam kết giữ ổn định trong năm 2012.
Dòng tiền đầu tư nhắm vào các cổ phiếu được đồn đại sẽ đưa vào chỉ số VN 30. Đây đều là những cổ phiếu lớn có mức độ ảnh hưởng đáng kể đến VN-Index và thị trường đã hưởng lợi khá nhiều từ xu hướng đầu tư này. Tuy nhiên, hoạt động đầu tư “ăn theo” này đã nhanh chóng bị lãng quên khi thông tin chính thức về các cổ phiếu trong nhóm được chính thức công bố.
Những câu chuyện xoay quanh thương vụ M&A ngành ngân hàng cũng đã kích thích hoạt động đầu tư “ăn theo” nhắm vào những cổ phiếu trong nhóm ngành tài chính.
Giai đoạn 2 (10/05 - 28/11): Vĩ mô không tiến triển, và cú sốc từ hàng loạt thông tin “hình sự”
Đây là giai đoạn thị trường lao dốc khá mạnh. Theo đó, VN-Index đã sụt giảm 22.3% về 375.79 điểm và HNX-Index đã giảm 38.1% về 51 điểm so với mức đỉnh được thiết lập vào ngày 09/05.
Thị trường thiếu vắng thông tin hỗ trợ khi các kế hoạch nhằm cải thiện nền kinh tế đã được tung ra trong giai đoạn trước đó nhưng chưa đem lại hiệu quả rõ rệt. Tâm lý của giới đầu tư, vì vậy, thận trọng trở lại khiến áp lực chốt lời tăng cao khi các chỉ số VN-Index và HNX-Index tiến sát các đỉnh cũ.
Kinh tế vĩ mô trong giai đoạn này không thực sự có nhiều chuyển biến đáng kể mà thậm chí còn bộc lộ nhiều điểm đáng lo ngại hơn, cụ thể:
(i) Lãi suất mặc dù giảm nhưng tăng trưởng tín dụng lại diễn ra khá chậm. Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng vẫn ngày một gia tăng.
(ii) Thị trường bất động sản tiếp tục đông cứng mặc dù các doanh nghiệp thi nhau giảm giá sốc.
(iii) CPI theo chiều hướng tích cực khi giảm tốc nhưng không đem lại sự hứng thú cho giới đầu tư khi sức cầu nền kinh tế vẫn còn ì ạch.
(iv) Cơn địa chấn mang tên Bầu Kiên và các vụ việc liên quan đến ACB, cùng với vụ việc STB và gia đình họ Đặng (xem thêm thông tin bên dưới).
Trong giai đoạn này, thị trường cũng đón nhận một đợt sóng tăng nhẹ từ ngày 10/7 -20/08/2012. Đợt hồi phục nhẹ này bắt nguồn chủ yếu từ kỳ vọng dòng vốn giá rẻ có thể chảy mạnh giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, sau khi nhiều ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất cho vay về dưới 15%. Bên cạnh đó là việc NHNN cho phép nới room tăng trưởng tín dụng ở một số ngân hàng, và việc tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp hơn cũng trở nên dễ dàng hơn trước. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, những kỳ vọng này đã không thành hiện thực.
Trong giai đoạn này, thị trường rúng động khi đón nhận các thông tin hình sự liên quan đến việc Bầu Kiên bị bắt và những đồn thổi xung qua gia đình ông Đặng Văn Thành. Đây chính là nguyên nhân chính khiến các thị trường giảm sâu trong năm qua, đặc biệt là HNX-Index đã tạo đáy mới 50.66 điểm vào phiên giao dịch ngày 06/11/2012. Sau cơn địa chấn mang tên Bầu Kiên và Đặng Văn Thành, diễn biến thị trường không mấy sôi đông do tâm lý thận trong tăng cao và một phần nào niềm tin trong giới đầu tư bị sứt mẻ đáng kể.
Giai đoạn 3 (29/11 – 31/12): Hào hứng với kế hoạch ”giải cứu” bất động sản và nợ xấu ngân hàng
Việc thị trường trụ vững tại ngưỡng hỗ trợ 380 điểm trên HOSE và 50 điểm trên HNX sau hai cơn địa chấn đã khiến giới đầu tư tỏ ra mạnh dạn hơn trong hoạt động bắt đáy mỗi khi thị trường chạm ngưỡng này. Đây cũng là yếu tố khởi đầu cho việc tăng trưởng trở lại của thị trường trong tháng cuối cùng của năm 2012.
Mặc dù vậy, thị trường chỉ thực sự bùng nổ nhờ sự hỗ trợ tích cực từ các thông tin vĩ mô. Theo đó, NHNN tiếp tục giảm trần lãi suất tiền gửi và nổi bật nhất là kế hoạch “phá băng” bất động sản, “giải cứu” nợ xấu ngân hàng được truyền tải rầm rộ. Hàng loạt các biện pháp nhằm giải cứu thị trường bất động sản, đặc biệt tại TPHCM và Hà Nội, như giảm thuế, giảm lãi suất, giãn nợ, cung tiền…được đề xuất. Có thông tin cho thấy đề án giải cứu nợ xấu cũng đang được hoàn thiện nội dung cuối cùng và đang trình lên Bộ Chính trị.
Nhờ đó, thị trường kết thúc năm 2012 với tháng 12 tăng điểm khả quan và tâm lý hưng phấn gia tăng mạnh mẽ, giúp tạo động lực hứng khởi khi bước vào năm mới 2013.
Chúc quý nhà đầu tư sức khỏe và thành đạt trong năm 2013!
Phòng Nghiên cứu Vietstock
ffn
|