Chủ Nhật, 27/01/2013 16:03

Kinh tế Vĩ mô Tuần 28/01 - 01/02: “Băn khoăn” về Dự thảo Quyết định mua, bán vàng miếng

Thoạt nhìn có thể thấy NHNN đang cố gắng kiểm soát thị trường vàng, tương tự như với thị trường ngoại hối; tuy vậy, khác với thị trường ngoại tệ, thị trường vàng hàng hóa có những đặc tính riêng khiến cho Dự thảo này có phần kém khả thi.

I. KINH TẾ TÀI CHÍNH TRONG NƯỚC

“Băn khoăn” về Dự thảo Quyết định mua, bán vàng miếng

Ngày 24/01, Dự thảo Quyết định về việc mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước của NHNN đã được công bố; và dưới đây là số điểm nổi bật của Dự thảo này:

Khoản 3, Điều 1: Giá mua, giá bán vàng miếng trên thị trường trong nước của Ngân hàng Nhà nước do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định.

Khoản 2, Điều 2: Ngân hàng Nhà nước thực hiện mở tài khoản, mua vàng ở nước ngoài để nhập khẩu vàng nguyên liệu bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước khi thực hiện bán vàng miếng.

Điều 5: Ngân hàng Nhà nước lựa chọn và quyết định cụ thể việc mua, bán vàng miếng trong từng lần giao dịch theo một trong các cách thức sau đây: trực tiếp hoặc thông qua đấu thầu.

Thoạt nhìn có thể thấy NHNN đang cố gắng kiểm soát thị trường vàng, tương tự như với thị trường ngoại hối, thông qua việc định giá mua/bán vàng miếng trong các giao dịch can thiệp thị trường của NHNN. Phải chăng, nỗ lực kiểm soát thành công thị trường ngoại tệ trong thời gian gần đây đang tạo động lực để NHNN tiến tới bình ổn giá vàng.

Tuy vậy, khác với thị trường ngoại tệ, thị trường vàng hàng hóa có những đặc tính riêng khiến cho Dự thảo này kém khả thi ở một số luận điểm sau:

(1) Dự trữ ngoại hối của Việt Nam trong năm 2012 ước chừng hơn 20 tỷ USD, vừa đủ để bình ổn thị trường ngoại hối. Dự thảo có đề cập đến việc NHNN thực hiện mở tài khoản, mua vàng ở nước ngoài để bổ sung dự trữ ngoại hối khi thực hiện bán ra. Khi đó, liệu lượng dự trữ ngoại hối có đủ mạnh để can thiệp cùng lúc hai thị trường rất lớn này?

(2) Liệu có khả thi và cần thiết để “theo sát” với những con sóng trên thị trường vàng hàng hóa?

Nếu như biến động tỷ giá phụ thuộc khá nhiều vào sức khỏe của nền kinh tế; thì biến động giá vàng bị tác động bởi rất nhiều chủ thể giam gia, và có cả yếu tố đầu cơ trong đó.

Thông thường, để đáp ứng nhu cầu đầu tư/đầu cơ (không phải mục đích nắm giữ) trên kênh hàng hóa này, các quỹ ETF hay sàn giao dịch vàng… sẽ ra đời và giúp bám sát với giá vàng thế giới.

Hiện, nhu cầu đầu tư phải đi kèm với việc nắm giữ hàng hóa vàng vật chất khiến cho mức chênh lệch giá vàng trong nước – thế giới biến động khôn lường.

Hơn nữa, nỗ lực bình ổn giá vàng trong nước sẽ góp phần tạo “hao phí” cho xã hội, chỉ vì các mục đích đầu tư/đầu cơ ngắn hạn.

(3) Thị trường chợ đen vàng miếng sẽ có cơ hội trỗi dậy? Khoảng cách chênh lệch lớn giữa giá vàng do NHNN ấn định và giá vàng thế giới dễ khiến “lòng tham” trỗi dậy, và là cơ hội để thị trường chợ đen ra đời.

Hiện thị trường vàng miếng được quản lý theo thương hiệu vàng SJC, và được thu/mua khá khắt khe. Tuy vậy, vẫn khó để loại trừ hiện tượng giả, nhái vàng thương hiệu quốc gia này.

Tóm lại, vẫn còn những “băn khoăn” trong Dự thảo khiến kỳ vọng quản lý, bình ổn thị trường vàng khó thành hiện thực. Trên hết, nghiệp vụ “kinh doanh” vàng miếng vốn không thuộc về chức năng hoạt động của NHNN.

II. TIN TỨC KINH TẾ VĨ MÔ TRONG NƯỚC NỔI BẬT 

• Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2013 tăng 1.25% so với tháng trước, và tăng 7.07% so với cùng kỳ năm 2012. Với mức tăng này, dấu hiệu đe dọa lạm phát mục tiêu 7% trong năm 2013 đã xuất hiện. Điều này có nghĩa là động thái giảm lãi suất trong thời gian tới chỉ có thể diễn ra từ từ.

Vietstock đã có nhận định về vấn đề này

• Theo báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2013 của Ngân hàng Thế giới (WB), kinh tế Việt Nam dự báo tăng trưởng khoảng 5.5% năm 2013. Mức tăng trưởng này sẽ tăng lên 5.7% năm 2014 và khoảng 6% năm 2015.

Theo đánh giá của WB, việc triển khai chậm quá trình tái cơ cấu, kể cả giải quyết nợ xấu trong ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước, đang là những vật cản tới tiềm năng tăng trưởng dài hạn của Việt Nam.

• WB cho biết sẵn sàng cho Việt Nam vay tiền để tái cấp vốn cho hệ thống ngân hàng. Ngoài các khoản vay hiện tại, bất kỳ khoản hỗ trợ mới nào cũng sẽ không thấp hơn các khoản vay điển hình của tổ chức này, thường có quy mô hàng trăm triệu USD và có thể đến từ lĩnh vực tư nhân.

Hiện WB và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đang thực hiện Chương trình Đánh giá Lĩnh vực Tài chính (FASP) với dự kiến kết thúc trong nửa đầu năm nay và sẽ cung cấp bức tranh rõ nét hơn về mức độ nợ xấu.

Trước đó, Fitch Ratings ước tính chi phí cho hoạt động tái cấp vốn có thể dao động từ 7-20% GDP.

• Năm nay, Việt Nam không còn trong Top 50 môi trường kinh doanh của Bloomberg. Khu vực Đông Nam Á có ba đại diện là Singapore (đứng thứ 8), Malaysia (28) và Thái Lan (43).

Việt Nam năm ngoái được xếp hạng 46 với điểm số cao nhất ở tiêu chí mức độ hội nhập kinh tế (64.5%) và thấp nhất ở các chi phí ít hữu hình (19.3%).

• Bản tin về nợ công đầu tiên sắp được Bộ Tài chính công bố cho thấy, tổng nợ của Việt Nam tính đến hết năm 2011 là 1.392 triệu tỷ đồng, tương đương 54.9% GDP.

Xét về cơ cấu, nợ của Chính phủ là 1,096 triệu tỷ đồng, bằng 43.2% GDP; trong đó vay nước ngoài là 667,000 tỷ đồng, bao gồm ODA, vay ưu đãi và vay thương mại. Nợ do Chính phủ bảo lãnh hiện khoảng 285,000 nghìn tỷ đồng, bằng 11.3% GDP. Trong khi đó, chính quyền các địa phương hiện có nợ khoảng 10,700 tỷ đồng, bằng 0.4% GDP.

Theo “đồng hồ” nợ của The Economist, tính đến ngày 24/1/2013, nợ công của Việt Nam khoảng 70.7 tỷ USD (tức gần 1.5 triệu tỷ đồng), tương đương 49.5% GDP và mức nợ gần 790 USD cho mỗi người dân.

• Ngày 23/1, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 216/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi.

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ chủ trương, chính sách, định hướng thu hút, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ.

• Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa ký 2 Quyết định quy định về chế độ tài chính (Quyết định 07/2013/QĐ-TTg) và chế độ kế toán (Quyết định 08/2013/QĐ-TTg) áp dụng đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Trong Quyết định 07/2013/QĐ-TTg, mức vốn pháp định của NHNN là 10,000 tỷ đồng; và năm tài chính của NHNN bắt đầu từ ngày 1/1 và kết thúc vào cuối ngày 31/12 năm dương lịch.

• Những điểm cơ bản của Dự thảo Nghị định về tổ chức và hoạt động của VAMC:

TCTD có tỉ lệ nợ xấu so với tổng dư nợ từ 3% trở lên hoặc một tỉ lệ nợ xấu khác do NHNN qui định, nếu không chủ động bán nợ cho Công ty quản lý tài sản (VAMC), thì NHNN sẽ tiến hành thanh tra, hoặc yêu cầu tổ chức tín dụng đó thuê công ty kiểm toán độc lập đánh giá lại chất lượng tài sản, vốn chủ sở hữu, vốn điều lệ.

Hội đồng quản lý của VAMC dự kiến bao gồm 11 thành viên, trong đó có 6 thành viên chuyên trách, và 5 thành viên không chuyên trách là đại diện của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên môi trường và NHNN.

Ban kiểm soát của VAMC có 5 thành viên. Ban điều hành có tổng giám đốc và không quá 5 phó tổng giám đốc. VAMC được thành lập chi nhánh tại một số tỉnh thành trực thuộc trung ương.

• Ngày 21/1, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 02/2013/TT-NHNN quy định về việc phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng rủi ro trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Thông tư có hiệu lực từ ngày 1/6/2013.

• Ngân hàng Nhà nước TPHCM cho biết tổng lợi nhuận của các tổ chức tín dụng trên địa bàn trong năm 2012 đạt 667 tỷ đồng, chỉ bằng 4.4% năm trước.

NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12 - 13%, sẽ vẫn có phân cấp tín dụng và hạn mức tín dụng đối với các ngân hàng.

Thân Hoàng Dung, Phòng Nghiên cứu Vietstock

ffn

Các tin tức khác

>   Lạm phát mục tiêu 7% trong năm 2013 bị đe dọa? (25/01/2013)

>   Lạm phát mục tiêu 7% trong năm 2013 bị đe dọa? (24/01/2013)

>   “Giải cứu” bất động sản: Độ trễ chính sách nhìn từ thị trường Mỹ (23/01/2013)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 21 - 25/01: Lại trông ngóng CPI (20/01/2013)

>   Những vấn đề vĩ mô cần lưu ý trong năm 2013 (Phần 1) (17/01/2013)

>   Những vấn đề vĩ mô cần lưu ý trong năm 2013 (Phần 2) (22/01/2013)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 14 - 18/01: Doanh nghiệp bất động sản phải tự “mở lối” cho mình! (13/01/2013)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 07 - 11/01: Nới room tại ngân hàng yếu có là động lực thu hút vốn ngoại? (06/01/2013)

>   Chứng khoán Việt Nam năm 2012: Bài học từ những đợt sóng bất ngờ (04/01/2013)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 02 - 04/01/2013: Giải mã cơ chế vận hành thị trường vàng (01/01/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật