Lạm phát mục tiêu 7% trong năm 2013 bị đe dọa?
Với CPI tháng 1 vừa được công bố tăng 1.25%, dấu hiệu đe dọa lạm phát mục tiêu 7% trong năm 2013 đã xuất hiện. Điều này có nghĩa là động thái giảm lãi suất trong thời gian tới chỉ có thể diễn ra từ từ.
CPI tháng 1/2013 tăng 1.25%: Thuốc và dịch vụ y tế gây sốc!
Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2013 tăng 1.25% so với tháng trước, và tăng 7.07% so với cùng kỳ năm 2012.
Xét trong cơ cấu rổ hàng hóa tính CPI, có ba nhóm hàng tăng mạnh nhất là Hàng ăn và dịch vụ ăn uống, Thuốc và dịch vụ y tế, May mặc, mũ nón, giầy dép. Chiếm tỷ trọng khá cao, cùng với mức tăng mạnh nên các nhóm hàng trên đã “đóng góp” đáng kể kéo CPI tăng 1.05%, so với mức tăng 1.25% của chỉ số này (Bảng bên dưới).
Đà tăng của nhóm hàng Hàng ăn và dịch vụ ăn uống, May mặc, mũ nón, giầy dép không khiến nhiều người bất ngờ, do yếu tố thời vụ mùa Tết âm lịch và yếu tố thời tiết cuối năm, đặc biệt ở miền Bắc.
Tuy nhiên, chỉ số giá Thuốc và dịch vụ y tế lại gây sốc với mức tăng 7.4%, khi nhóm hàng này gần như đứng yên với mức tăng 0.14% trong tháng trước (12/2012). Có thể giải thích hiện tượng này là do một số tỉnh đã thành tăng giá Dịch vụ y tế trong tháng 1, khi “chưa kịp”/được yêu cầu không tăng trong năm 2012.
Hiện đã có 60/63 tỉnh và thành phố được phê duyệt giá viện phí mới, còn 3 tỉnh và thành phố là Hà Nội, TPHCM, Tây Ninh chưa được Hội đồng Nhân dân thông qua. Ngoài những nơi đã thực hiện điều chỉnh giá trong năm 2012, những tỉnh và thành phố còn lại (khoảng 18 tỉnh thành) sẽ tăng giá dịch vụ y tế trong tháng 1 - 3/2013.
Thống kê cho thấy trong tháng 1, chỉ số giá Thuốc và dịch vụ y tế tăng mạnh ở các vùng kinh tế Tây bắc (14.6%), Bắc Trung bộ (24.5%), Duyên hải Miền Trung (8.83%), Tây Nguyên (18.02%) và Đông Nam bộ (9.52%). Riêng chỉ số giá Thuốc và dịch vụ y tế ở Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng tăng kỷ lục lần lượt là 86.29% và 63.92%.
Như vậy, giá cả nhóm hàng Thuốc và dịch vụ y tế sẽ còn “gây nhiễu” lớn đến chỉ số giá tiêu dùng chung trong hai tháng tới.
2 năm tăng, 1 năm giảm: Lịch sử có lặp lại?
Biểu đồ bên dưới cho thấy trước năm 2007, lạm phát có xu hướng tăng tích lũy dần nhưng chỉ dừng ở mức 7 – 8% trong hai năm 2005 – 2006.
Từ năm 2007 trở lại đây (thời điểm gia nhập WTO), chỉ số giá tiêu dùng biến động rất mạnh – phản ứng theo sự thay đổi của chính sách; và cũng trong giai đoạn này, hiện tượng “2 năm tăng, 1 năm giảm” đã được thể hiện khá rõ nét.
Tháng đầu năm 2013, chỉ số giá tiêu dùng lại bật tăng mạnh theo xu hướng tăng tốc của diễn biến lạm phát, kể từ khi tạo đáy (5.04%) trong tháng 8/2012.
Điều này dễ khiến nhiều người liên tưởng đến hiện tượng “2 năm tăng, 1 năm giảm”; tức rủi ro lạm phát sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới, sau khi hạ nhiệt trong năm 2012.
Lạm phát mục tiêu 7% trong năm 2013 bị đe dọa?
Thông thường, diễn biến lạm phát trong hai tháng đầu năm (thời điểm Tết dương lịch – âm lịch) sẽ phần nào nói lên được con số cả năm.
Thông kê bên dưới cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng trong hai tháng đầu năm thường chiếm khoảng 20 – 30% so với cả năm; riêng năm 2012, tỷ trọng này tăng vọt lên gần 35%.
Lịch sử giá cũng cho thấy, chỉ số giá tháng 2 thường cao hơn so với tháng 1 (bảng bên dưới); theo đó, với ước tính này, thì chỉ số giá hai tháng đầu năm 2013 sẽ xấp xỉ mức 3%. Như vậy, với CPI tháng 1 vừa được công bố tăng 1.25%, dấu hiệu đe dọa lạm phát mục tiêu 7% trong năm 2013 đã xuất hiện.
Ngoài yếu tố nhóm hàng Thuốc và dịch vụ y tế, chính sách vĩ mô nới lỏng đã triển khai và tiếp tục trong năm 2013 sẽ là những lý do để lo ngại lạm phát có thể bùng phát trở lại trong thời gian tới.
Các yếu tô ủng hộ cho quan điểm diễn biến lạm phát sẽ được kiểm soát chặt chẽ và kiềm chế, bao gồm:
(1) NHNN được giao một phần trách nhiệm điều hành giữ lạm phát mục tiêu 7% trong năm 2013. Do đó, các chính sách nới lỏng tiền tệ của NHNN dự báo sẽ diễn ra thận trọng hơn. Điều này có nghĩa là động thái giảm lãi suất trong thời gian tới chỉ có thể diễn ra từ từ.
(2) Nền kinh tế đang ở thời điểm bước ngoặt của lộ trình tái cơ cấu, trong đó mục tiêu ổn định nền kinh tế vĩ mô được đặt lên hàng đầu.
Ngay sau khi thông tin CPI tháng 1/2013 được công bố, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã gửi Công điện yêu cầu tăng cường các mặt công tác trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ năm 2013; trong đó có phương án đề xuất để giãn thời gian điều chỉnh giá trong dịp tết đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền quyết định của địa phương như giá dịch vụ khám chữa bệnh; giá dịch vụ giáo dục (học phí); giá nước sạch sinh hoạt; giá cước xe buýt được Nhà nước trợ giá…
Tóm lại, lạm phát mục tiêu năm 2013 (7%) đã bị đe dọa ngay trong thời điểm đấu năm; nhưng vẫn có thể hoàn thành được nếu định hướng ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát tiếp tục được bám sát thực hiện trong thời gian tới.
Thân Hoàng Dung, Phòng Nghiên cứu Vietstock
ffn
|