Kênh đầu tư tháng 02/2013: Khối ngoại tiếp tục “đổ bộ” vào chứng khoán Việt Nam?
Chúng tôi vẫn đang nghe thấy những thảo luận khá tích cực về khả năng dòng tiền từ các quỹ ETF sẽ tiếp tục đổ vào thị trường. Một diễn biến khác sẽ góp phần vào việc thu hút dòng vốn ngoại là hoạt động tái cơ cấu các khoản nợ quá hạn tại Vinashin.
Tháng 01/2013: Chứng khoán thăng hoa cùng khối ngoại
(1) Thị trường bứt phá, VN-Index tiến vào vùng kháng cự 480-490 điểm. Tính tổng cộng trong tháng 01, VN-Index tăng 15.97% lên mức 479.79 điểm, HNX-Index tăng 9.69% đứng tại 62.62 điểm.
VS-Large Cap tăng mạnh nhất trong tháng 01 với mức tăng 17.87%; tiếp theo là VS-Mid Cap tăng 17.21%, VS-Small Cap tăng 7.79%, và VS-Micro Cap tăng 4.87%.
(2) Thanh khoản tăng mạnh. Khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình phiên trên HOSE đạt 81.2 triệu đơn vị, tăng mạnh 98.5% so với tháng 12/2012. Trên HNX, khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình phiên đạt đạt 88.3 triệu đơn vị, tăng mạnh 92% so với tháng 12/2012.
Càng về cuối tháng 01, tâm lý giới đầu tư càng trở nên thận trọng hơn khi các chỉ số tiến vào vùng kháng cự quan trọng 480-490 điểm.
(3) Giao dịch chứng khoán trong tháng 01 chịu ảnh hưởng mạnh của các yếu tố:
Khối ngoại “lái” thị trường. Khối ngoại đã đẩy mạnh giao dịch mua ròng trong tháng 1 với tổng giá trị mua ròng lên tới 2,832 tỷ đồng, tương ứng với hơn 136 triệu USD. Trong đó, giá trị mua ròng của khối ngoại trên HOSE là 2,534 tỷ đồng và HNX là 298 tỷ đồng.
Với lực mua liên tục và dồn dập, giao dịch của khối ngoại đã có ảnh hưởng mạnh mẽ lên thị trường.
Bluechip là nhóm cổ phiếu được khối ngoại gom vào mạnh nhất trong tháng 1, và các chỉ số thị trường đã hưởng lợi lớn từ đà tăng của các cổ phiếu bluechip. Dòng tiền đầu cơ ăn theo xu hướng đầu tư của khối ngoại được kích hoạt càng khiến cho ảnh hưởng từ giao dịch khối ngoại gia tăng.
Kỳ vọng từ đề án thành lập công ty quản lý khai thác tài sản (VAMC). Thông tin trước đây cho thấy nhiều khả năng công ty này sẽ được thành lập vào cuối tháng 1 hoặc chậm lắm là trong quý 1 này. Việc VAMC được chính thức thành lập sẽ là cú hích lớn về mặt tinh thần đối với giới đầu tư trong bối cảnh hiện nay, khi nợ xấu các ngân hàng vẫn ngày một gia tăng và thị trường bất động sản cần được rã băng. Tuy vậy, tính đến cuối tháng 01, đề án này vẫn chưa hoàn thành và đã phần nào khiến giới đầu tư hụt hẫng.
Thông tin CPI tháng 01 tuy kém tích cực nhưng mức độ ảnh hưởng không cao. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2013 tăng 1.25% so với tháng trước, và tăng 7.07% so với cùng kỳ năm 2012. Với mức tăng này, dấu hiệu đe dọa lạm phát mục tiêu 7% trong năm 2013 đã xuất hiện.
Tuy vậy, mức độ ảnh hưởng của thông tin này là không đáng kể do nhanh chóng được xoa dịu nhờ dòng tiền khối ngoại chảy mạnh.
Kết quả hoạt động trong quý 4 và cả năm 2012 lộ diện. Với những diễn biến nền kinh tế trong quý 4/2012 vừa qua và cả năm 2012, giới đầu tư đã sớm đoán biết trược được kết quả không mấy khả quan. Do đó, mặc dù kết quả kinh doanh của toàn thị trường không sáng sủa nhưng đã không có những ảnh hưởng quá tiêu cực lên thị trường.
Dòng tiền đầu cơ săn đón cổ phiếu bluechip, trước kỳ vọng kết quả kinh doanh quý 4 và năm 2012. Với những nhận định tích cực hơn về kết quả kinh doanh quý 4 của nhóm cổ phiếu bluechip, dòng tiền đầu cơ đã chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu này và đã có những ảnh hưởng tích cực lên chỉ số thị trường, đặc biệt là VN-Index.
Nới rộng biên độ giao dịch. Theo đó, biên độ giao dịch mới trên HOSE là 7% và 10% trên HNX. Điều này khiến cho áp lực điều chỉnh diễn ra nhanh và mạnh hơn chỉ sau 1- 2 phiên giao dịch. Bên cạnh đó, hoạt động giao dịch trong phiên cũng diễn ra khá mạnh mẽ, thể hiên diễn biến giao dịch giằng co trong phiên diễn ra nhiều hơn sau khi thay đổi biên độ.
Như nhận định trước đây của chúng tôi, việc nới rộng biên độ không có tác động đáng kể lên thị trường, mà thị trường chủ yếu vẫn vận động theo xu hướng của nó.
Tháng 02/2013: Tiếp tục ngóng chờ dòng tiền khối ngoại
(1) Tâm lý nhà đầu tư hưng phấn. Thị trường vẫn đang trong khu vực nhạy cảm 480-490 điểm của VN-Index trong những phiên giao dịch đầu tháng 2. Việc vượt/không vượt qua được ngưỡng kháng cự này sẽ ảnh hưởng mạnh đến tâm lý giới đầu tư và xu hướng thị trường.
Điểm tích cực là tâm lý giới đầu tư đang rất hưng phấn, chấp nhận rủi ro cao, bất chấp áp lực bán chốt lời trong thời điểm trước Tết âm lịch là rất lớn.
(2) Khối ngoại tiếp tục “đổ bộ” vào chứng khoán Việt Nam? Đây sẽ là yếu tố có tính quyết định đến xu hướng thị trường trong thời gian sắp tới. Chúng tôi vẫn đang nghe thấy những thảo luận khá tích cực về khả năng dòng tiền từ các quỹ ETF sẽ tiếp tục đổ vào thị trường.
Một diễn biến khác theo chúng tôi sẽ góp phần vào việc thu hút dòng vốn ngoại là hoạt động tái cơ cấu các khoản nợ quá hạn tại Vinashin.
Thông tin cho thấy khoản nợ quá hạn 600 triệu USD và các khoản tiền lãi phải trả của Vinashin rất có thể sẽ được tái cơ cấu bằng một trái phiếu được Bộ Tài chính bảo lãnh. Việc bảo lãnh cho khoản nợ này sẽ là một thông điệp quan trọng, giúp nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng trong việc đổ vốn vào thị trường Việt Nam.
Khoản nợ trước đây chỉ được Chính phủ phát hành một thư ủng hộ (Letter of Support); và có thông tin một chủ nợ đã kiện Vinashin để đòi phần lợi ích của mình.
(3) CPI tháng 02. Với mức tăng mạnh trong tháng 01, diễn biến CPI của tháng 02 sẽ trở thành mối quan tâm của giới đầu tư.
Nhiều khả năng CPI trong tháng 02 sẽ tiếp tục tăng cao do tác động từ yếu tố mùa vụ (Tết âm lịch). Do đó nhiệm vụ hoàn thành mục tiêu kiềm chế chỉ số lạm phát 2013 ở mức 7% trở nên khó khăn hơn.
Tuy mức độ quan tâm đến thông tin CPI của giới đầu tư đã giảm bớt, nhưng bất kỳ rủi ro CPI tăng mạnh trở lại nào cũng sẽ là trở ngại đáng kể đối với ý định duy trì chính sách tiền tệ nới rộng của Chính phủ trong thời gian tới đây.
(4) Bỏ vàng, đầu tư vào chứng khoán? Hiện chưa có quyết định chính thức về việc NHNN bán vàng ra để kéo vàng SJC trong nước về sát với giá vàng trong nước, nên biến động của hàng hóa này sẽ vẫn là một “ẩn số” trong tháng 2/2013.
Nếu quyết định này được thông qua thì nhiều khả năng dòng tiền sẽ chuyển hướng từ vàng sang TTCK, trong bối cảnh “đối thủ” cạnh tranh khác là gửi tiết kiệm hay đầu tư vào bất động sản đang hoàn toàn lép vế.
(5) Dòng tiền hỗ trợ TTCK được nới rộng. Tỷ lệ margin mới 50-50 đã được các CTCK áp dụng kể từ phiên giao dịch ngày 01/02. Như vậy, dòng tiền hỗ trợ cho thị trường tiếp tục được mở rộng. Đây sẽ là điểm cộng cho thị trường trong xu hướng tích cực hiện nay.
(6) Ngóng chờ đề án thành lập công ty quản lý khai thác tài sản (VAMC). Khảo sát của chúng tôi cho thấy, việc thành lập VAMC đang là mối quan tâm hàng đầu của giới đầu tư sau kỳ nghỉ Tết âm lịch. Do đó, những thông tin về đề án này sẽ tiếp tục là tâm điểm chú ý của thị trường trong tháng 2.
(7) Kỳ nghỉ Tết dài, nhưng tâm lý vẫn khá hưng phấn. TTCK sẽ có kỳ nghỉ Tết âm lịch khá dài (1 tuần lễ). Sự thận trọng đã tăng khá mạnh khi thị trường tiến sát kỳ nghỉ. Điều này được thể hiện khá rõ qua sự sụt giảm thanh khoản trong những phiên giao dịch đầu tháng 2.
Những lo lắng về chi phí lãi vay margin sẽ qua đi khi những giao dịch margin kể từ ngày 06/02 sẽ không phải chịu chi phí lãi vay cho tới khi thị trường hoạt động trở lại. Do đó, nhiều khả năng giao dịch sẽ sôi động hơn trong những phiên giao dịch tiếp theo, và nhiều khả năng sẽ kéo dài sau Tết.
Phân tích kỹ thuật: VN-Index – Dấu ấn vùng 480 – 490 điểm. Lo ngại của giới phân tích kỹ thuật xoay quanh vùng kháng cự mạnh nhất trong trung hạn (vùng 480 – 490 điểm) liên tục ở mức cao khi VN-Index liên tục rung lắc mỗi khi test lại ngưỡng này. Với động lực tăng trưởng như hiện tại thì khả năng vượt qua vùng 480 – 490 điểm theo đánh giá của chúng tôi vẫn còn khá lớn.
Khối lượng khớp lệnh liên tục giảm sút trong nhiều tuần gần đây và hiện đang duy trì bên dưới mức trung bình 20 phiên gần nhất (tương đương 71 triệu đơn vị/phiên). Đây là dấu hiệu cảnh báo rõ ràng về khả năng suy yếu trong lực cầu của thị trường tại thời điểm hiện nay.
Chỉ báo MACD chưa cho tín hiệu bán nhưng đang duy trì ở vùng khá cao (trên 15). Bên cạnh đó, sự thu hẹp khoảng cách của hai đường +DI và –DI cũng như sự sụt giảm của ADX cũng góp phần cho thấy sự thận trọng đang tăng dần.
Dự kiến tình trạng giằng co và biến động phức tạp của VN-Index sẽ còn kéo dài trong thời gian tới.
HNX-Index –Nhóm MA ngắn hạn chống đỡ hiệu quả. Mặc dù liên tục có những đợt điều chỉnh ngắn hạn nhưng nhìn chung HNX-Index vẫn giữ được đà tăng nhờ sự hỗ trợ tốt của nhóm MA ngắn hạn (EMA 10, EMA 20...).
Ngưỡng kháng cự mạnh Fibonacci Projection 61.8% (tương đương vùng 62.5 – 64.5 điểm) đã được test trong vòng nhiều tuần qua và có thể sẽ bị phá vỡ hoàn toàn trong thời gian tới.
Dưới góc độ phân tích hình nến (candlesticks), những cây nến xanh và dài xuất hiện trở lại cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang khá lạc quan.
Bên cạnh đó, bên dưới HNX-Index hiện có ngưỡng Fibonacci Projection 100.0% (tương đương vùng 56.8 – 57.5 điểm) chống đỡ nên nếu giá giảm trở lại thì cũng không quá lo ngại về khả năng giảm mạnh trong đợt điều chỉnh lần này (nếu có).
Chúc Quý nhà đầu tư năm mới Quý Tỵ sức khỏe và thành công!
Phòng Nghiên cứu Vietstock
|