Chứng khoán Tháng 8/2013: “Hồi hộp” đối mặt với khoảng trống thông tin tích cực!
Theo Phòng Nghiên cứu Vietstock, sự bi quan mặc dù đã giảm bớt nhưng nhìn chung giới đầu tư vẫn còn rất thận trọng với xu hướng và đang hạn chế giao dịch khiến thanh khoản sụt giảm mạnh. Nhiều khả năng thị trường sẽ chưa đón nhận các thông tin hỗ trợ tích cực trong tháng 8.
Tháng 7: Chốt chặn 480-490 điểm của VN-Index hoạt động tích cực!
(1) Cổ phiếu Mid Cap nâng đỡ VN-Index. Tính tổng cộng trong tháng 7, VN-Index tăng 2.23% và kết thúc tháng ở mức 491.85 điểm, trong khi HNX-Index lại giảm 2.02% và đứng tại 61.49 điểm.
Các nhóm cổ phiếu phân theo Market Cap có diễn biến trái chiều. VS-Mid Cap và VS-Large Cap tăng lần lượt 0.58% và 0.09%, trong khi VS-Small Cap và VS-Micro Cap giảm mạnh 0.91% và 1.49%. Như vậy, nhóm cổ phiếu Mid Cap là động lực duy trì đà tăng của thị trường trong tháng 7.
(2) Thanh khoản giảm mạnh trên cả hai sàn. Khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình tháng 7 trên HOSE chỉ đạt gần 37.6 triệu đơn vị/phiên, giảm mạnh 39.6% so với tháng 6. Trên HNX, khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình giảm còn 18.8 triệu đơn vị/phiên, giảm 53.6% so với tháng trước.
Càng về cuối tháng 7, giao dịch thị trường càng trở lên trầm lắng khi sự thận trọng tăng cao ở cả bên mua và bên bán. Đáng lưu ý là thanh khoản lại sụt giảm mạnh trong bối cảnh HOSE và HNX đều kéo dài thêm thời gian giao dịch đến 15 giờ.
(3) Giao dịch chứng khoán trong tháng 7 chịu ảnh hưởng của các yếu tố:
Kết quả kinh doanh quý 2/2013 hỗ trợ thị trường. Dòng tiền tập trung mạnh hơn ở các mã bluechip nhằm đón đầu kết quả kinh doanh quý 2/2013 đã giúp chỉ số VN-Index tăng điểm trở lại trong tháng 7. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu đầu cơ bị dòng tiền bỏ rơi và thanh khoản sụt giảm khá mạnh.
Những tuần cuối tháng 7, việc thông tin kết quả kinh doanh quý 2 ở một số cổ phiếu trong nhóm bluechip công bố đã khiến hoạt động bán khi thông tin chính thức xuất hiện được kích hoạt, đẩy áp lực chốt lời gia tăng mạnh hơn và kéo thị trường trở lại tiêu cực.
CPI tháng 7 tăng mạnh trở lại. Giá xăng được tiếp tục điều chỉnh tăng thêm vào cuối tháng 6. Tuy nhiên, giao dịch thị trường diễn ra không quá tiêu cực khi đón nhận thông tin này.
Việc tăng giá xăng dầu đã góp phần không nhỏ trong việc đẩy CPI tháng 7 tăng mạnh trở lại. Mặc dù đã được đoán biết từ trước nhưng thông tin CPI tháng 7 cũng khiến cho giới đầu tư e ngại và giảm mạnh giao dịch trong những tuần cuối tháng.
Các ngân hàng lớn tiếp tục hạ lãi suất huy động. Việc hạ lãi suất của Vietcombank và Agribank đã lan ra một số ngân hàng lớn cùng với động thái hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước khi hạ lãi suất thị trường mở (OMO) giúp giới đầu tư hy vọng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục hạ nhiệt trong thời gian tới. Điều này đã giúp thị trường khởi sắc trong một vài phiên giao dịch.
Ngưỡng hỗ trợ 480-490 điểm của VN-Index hoạt động tích cực. Mặc dù được hỗ trợ từ thông tin kết quả kinh doanh quý 2 và xu hướng hạ lãi suất nhưng giới đầu tư vẫn tỏ ra thận trọng. Hoạt động bán ra chốt lời đã khiến thị trường giảm điểm nhanh và mạnh trở lại. Trong những thời điểm đó, ngưỡng hỗ trợ 480-490 điểm của VN-Index vẫn luôn hoạt động tích cực, là chốt chặn vững chắc giúp hỗ trợ tâm lý giới đầu tư.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng. Khối ngoại tiếp tục duy trì hoạt động bán ròng trong tháng 7, và đích nhắm vẫn là các mã bluechip như VIC, MSN, DPM... đã có tác động tiêu cực lên chỉ số thị trường.
Tổng cộng trong tháng 7, khối ngoại đã bán ròng tổng cộng gần 281 tỷ đồng; trong đó bán ròng gần 318 tỷ đồng trên HOSE và mua ròng nhẹ 37 tỷ đồng trên HNX.
Tuy nhiên, lực bán của khối ngoại có xu hướng giảm (so với tháng trước) cùng với việc dòng tiền bắt đáy của nhà đầu tư trong nước gia tăng mỗi khi thị trường giảm sâu đã giúp giảm bớt tác động tiêu cực từ khối ngoại.
Tháng 8: Khoảng trống thông tin tích cực!
Chúng tôi cho rằng các yếu tố sau đây sẽ chi phối xu hướng của TTCK trong tháng 8/2013.
(1) VAMC hoạt động thế nào trong tháng 8? VAMC đã chính thức đi vào hoạt động trong tháng 7. Phù hợp với nhận định của chúng tôi, thông tin này đã không tạo ảnh hưởng tích cực lên giao dịch thị trường. Giới đầu tư hiện tại sẽ quan tâm hơn đến hiệu quả hoạt động VAMC và trước mắt sẽ là hoạt động mua lại nợ xấu từ các ngân hàng.
Nếu việc mua lại nợ xấu diễn ra nhanh chóng và tích cực sẽ giúp giảm bớt ảnh hưởng của nợ xấu lên kết quả kinh doanh của ngành ngân hàng và gia tăng thanh khoản cho những ngân hàng bán nợ xấu. Điều này có thể giúp hỗ trợ thúc đẩy hoạt động tín dụng cũng như giảm bớt lãi suất cho vay ở những ngân hàng này.
(2) Số liệu sau soát xét 6 tháng có gây sốc? Phần lớn các doanh nghiệp đã công bố kết quả kinh doanh quý 2/2013, đặc biệt là nhóm bluechip. Do đó, dòng tiền đầu cơ ăn theo thông tin này sẽ hạ nhiệt và giảm bớt ảnh hưởng lên thị trường.
Giới đầu tư trong tháng 8 nhiều khả năng sẽ chuyển sự chú ý đến báo cáo kết quả kinh doanh 6T/2013 soát xét được công bố. Thông tin này khó có thể tạo đột biến lên giao dịch thị trường. Tuy nhiên, vẫn sẽ xuất hiện sai lệch giữa báo cáo của công ty và kiểm toán trong bối cảnh môi trường kinh doanh còn nhiều khó khăn, và điều này có thể sẽ tạo những cú sốc nhất định.
(3) CPI tháng 8 sẽ tiếp tục “bay cao”? Sau giá xăng, giá điện đã được chính thức điều chỉnh tăng thêm 5% trong tháng 8. Bên cạnh đó, việc thành phố Hà Nội dự kiến điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh trong tháng 8 cùng với yếu tố mùa vụ như mưa bão, tựu trường… khiến nhiều người lo ngại CPI tháng 8 sẽ tiếp tục tăng mạnh hơn so với mức tăng của tháng 7.
Giới chuyên gia đang dự báo CPI tháng 8 có thể tăng mạnh từ 1%-1.5% so với tháng 7. Nếu dự báo này thành sự thật thì sẽ đe doạ đến mục tiêu lạm phát năm 2013 ở mức 7% của Chính phủ, và có thể gây tác động tiêu cực lên chính sách tiền tệ nới lỏng hiện tại.
(4) Ngưỡng hỗ trợ 480-490 điểm của VN-Index sẽ tiếp tục tích cực? Trong những tuần đầu tiên của tháng 8, thị trường sẽ đối diện với khoảng trống thông tin tích cực. Do đó, không quá khó hiểu nếu giới đầu tư tỏ ra thận trọng và giao dịch diễn ra giằng co. Ngưỡng 480-490 điểm của VN-Index tiếp tục được kỳ vọng giúp thị trường chống lại tác động tiêu cực từ khoảng trống thông tin mang lại.
(5) Kỳ vọng nới room khối ngoại? Đề án nới room cho khối ngoại thường xuyên được giới đầu tư nhắc đến trong thời gian gần đây. Thông tin cho thấy, việc nới room đã đạt được sự đồng thuận của một số bộ, ngành và đang chờ Bộ Tài chính trình Chính phủ. Tuy nhiên, nhiều khả năng đề án này sẽ chưa được thông qua trong tháng 8.
Việc nới room khối ngoại được kỳ vọng sẽ có tác động tích cực và đang là niềm hy vọng của giới đầu tư. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng những thảo luận trong thời điểm hiện tại sẽ khó có thể tác động lên giao dịch do thông tin này đã được thảo luận rất nhiều trước đó. Thông tin này sẽ chỉ tác động đến thị trường khi chính thức được thông qua.
Phân tích kỹ thuật: VN-Index – Vùng 480 – 490 điểm là tâm điểm chiến lược. Thị trường trong tháng 7 vừa qua biến động căng thẳng với hầu hết các phiên giao dịch đều giằng co mạnh.
Sự bi quan mặc dù đã giảm bớt nhưng nhìn chung giới đầu tư vẫn còn rất thận trọng với xu hướng và đang hạn chế giao dịch khiến thanh khoản sụt giảm mạnh. Khối lượng khớp lệnh tiếp tục duy trì dưới mức trung bình 20 phiên gần nhất (tương đương mức 39 triệu đơn vị/phiên) khiến giới phân tích kỹ thuật lo ngại về tính bền vững của đợt phục hồi lần này.
Vùng 480 – 490 điểm sẽ tiếp tục là tâm điểm chiến lược của VN-Index. Nếu VN-Index vẫn duy trì bên trên vùng này trong thời gian tới thì xu hướng tăng trưởng ngắn hạn cũng như dài hạn sẽ được giữ vững.
Nếu VN-Index phá vỡ trở lại SMA 100 và SMA 50 thì đà tăng sẽ trở nên mạnh hơn vì đây là những ngưỡng kháng cự chính hiện nay. Giới phân tích dự kiến VN-Index khó giảm mạnh nhưng sẽ tiếp tục rung lắc. Việc mua vào có thể khởi động lại nếu như thanh khoản vượt lên trên mức 39 triệu đơn vị/phiên và vùng 480 – 490 điểm vẫn trụ vững.
HNX-Index – Ngưỡng Fibonacci Retracement 38.2% đang hỗ trợ rất tốt. Hầu hết các chỉ báo thuộc nhóm momentum của HNX-Index đều đã rơi về gần vùng oversold nên khả năng hồi phục trở lại của chỉ số này đang được cải thiện.
Những mẫu hình nến có bóng mờ (shadow) dài xuất hiện cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang giằng co rất mạnh. Hai yếu tố kháng cự là nhóm MA ngắn hạn và ngưỡng Fibonacci Retracement 23.6% có sức kháng cự rất lớn khiến cho nhiều nhà đầu tư lo ngại nếu như giá tiếp tục tăng trưởng.
Theo báo hiệu của nhóm Market Strength thì bên bán vẫn đang chiếm ưu thế trên HNX. Tuy nhiên, ngưỡng Fibonacci Retracement 38.2% đang hỗ trợ rất tốt nên nguy cơ giảm sâu bất ngờ (thrust down) không quá lớn.
Nhà đầu tư cần thận trọng và tránh mua vào mạnh nếu HNX-Index tiếp tục giảm và phá vỡ ngưỡng Fibonacci Retracement 38.2% (tương vùng 60.7 - 61 điểm) trong các phiên tới vì rủi ro sẽ tăng lên nhanh chóng.
Minh Hằng ghi
infonet
|