Kênh đầu tư Tháng 3/2013: Giá vàng sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp
Tháng 3, giá vàng thế giới sẽ còn diễn biến phức tạp, không loại trừ khả năng sẽ tiếp tục giảm. Giá vàng miếng thị trường trong nước cũng sẽ còn là một “ẩn số” khó lường trong thời gian tới.
Tháng 2/2013: Giá vàng lao dốc mạnh!
Diễn biến giá vàng trong tháng 2/2013 gây nhiều bất ngờ với cú lao dốc mạnh, đặc biệt ở giai đoạn nửa cuối tháng, rớt khỏi mốc 1,600 USD/ounce. Theo đó, có thể chia biến động giá vàng trong tháng thành hai giai đoạn chính sau:
(i) 01/02 – 10/02: Giá vàng chủ yếu biến động đi ngang trong vùng 1,660 – 1,680 USD/ounce, và tăng nhẹ gần như không đáng kể 0.2%.
(ii) 11/02 – 28/02: Giá vàng lao dốc mạnh mẽ khi liên tiếp đón nhận những thông tin không “ủng hộ”; và tính đến thời điểm cuối tháng 2, giá vàng đã giảm đến 5.13%.
Tính chung cả tháng 2, giá vàng đã giảm mạnh hơn 4.94% và được xem là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 11/2012.
Dưới đây là một số yếu tố gây áp lực giảm giá vàng trong tháng 2:
Đà giảm của giá vàng trong tháng 2 được ghi dấu bởi một số phiên sụt giảm mạnh như:
- Phiên 11/02: Giá vàng để mất mốc 1,650 USD/ounce trước nỗ lực ngăn chặn “chiến tranh tiền tệ” của các quốc gia G7.
- Phiên 15/02: Giá vàng giảm mạnh chạm mốc 1,600 USD/ounce khi đón nhận thông tin các quỹ đầu cơ cắt giảm lượng vàng nắm giữ, cũng như thông tin về dự thảo cam kết không chạy đua phá giá đồng tiền và số liệu tích cực của nền kinh tế Mỹ.
- Phiên 20/02: Giá vàng giảm sâu và đóng cửa ở mức 1,570 USD/ounce trước thông tin Fed xem xét lại chương trình QE3 và áp lực bán kỹ thuật.
Bên cạnh đó, những vấn đề vĩ mô như triển vọng nền kinh tế Mỹ, sự mất giá của một số loại tiền tệ… là nguyên nhân khiến giá vàng sụt giảm mạnh trong tháng này; cụ thể:
(1) Một số báo cáo cho thấy triển vọng của nền kinh tế Mỹ trong thời gian gần đây đang dần trở nên tích cực, như chỉ số niềm tin tiêu dùng tháng 2 tăng lên 76.3 điểm (cao nhất từ tháng 11/2012), chỉ số sản xuất tháng 2 tăng lên 54.2% so với con số 53.1% trong tháng 1; doanh số bán nhà mới trong tháng 1 tăng vọt lên 15.6%; tăng trưởng GDP quý 4/2012 được điều chỉnh tăng 0.1% so với mức sụt giảm 0.1% trước đó…
(2) Biên bản gần đây của Ủy Ban Thị trường Mở (FOMC) phần nào có thể suy đoán được kế hoạch tương lai của Fed liên quan đến chương trình QE3; cụ thể là FOMC có thể thay đổi tốc độ mua trái phiếu dài hạn hiện nay là 85 tỷ USD mỗi tháng. Hiện Fed vẫn giữ chính sách tiền tệ không đổi.
(3) Việc giảm giá trở lại của đồng Rupee có thể kéo giảm nhu cầu vàng tại Ấn Độ - một trong những nhà nhập khẩu vàng hàng đầu.
(4) Một số loại ngoại tệ lớn như EUR, CAD, AUD – vốn có tương quan cùng chiều với giá vàng – cũng giảm giá trong tháng 2 vừa qua.
Dưới đây là một số yếu tố kéo giá vàng tăng lên trong tháng 2:
(1) Fed vẫn giữ chính sách tiền tệ không đổi, bao gồm việc duy trì chương trình QE3 và chưa đưa ra ngày kết thúc chương trình. Theo đó, lãi suất thấp tiếp tục được duy trì đến giữa năm 2015.
(2) Trong vài tháng gần đây, cơ sở tiền tệ Mỹ đã tăng lên đáng kể và có thể ảnh hưởng kéo tăng giá vàng.
(3) Một số báo cáo khác lại cho góc nhìn tiêu cực hơn về nền kinh tế Mỹ như: số nhà xây mới giảm 8.5% trong tháng 1, chỉ số Philly Fed tiếp tục giảm 12.5 điểm trong tháng 2 so với mức giảm 5.8 điểm trong tháng 1.
Triển vọng giá vàng trong tháng 3/2013
Dưới đây là một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến giá vàng trong tháng 3/2013:
(1) Nếu nền kinh tế Mỹ tiếp tục cho thấy dấu hiệu phục hồi trên thị trường lao động, nhà ở và khu vực sản xuất, thì nó có thể làm giảm nhu cầu nắm giữ các loại tài sản đầu tư trú ẩn như vàng, bạc.
(2) Cuộc họp FOMC tiếp theo sẽ được tổ chức vào hai ngày 19 – 20/03, và sự kiện này được dự báo sẽ ảnh hưởng không nhỏ lên thị trường kim loại quý. Nếu các thành viên FOMC sớm đưa ra thông báo không như kỳ vọng về khoảng thời gian giới hạn cho chương trình QE3, thì điều này có thể gây “tụt áp” cho giá vàng.
(3) Chương trình QE3 tiếp tục mua chứng khoán dài hạn với tốc độ 85 tỷ USD mỗi tháng và cam kết giữ mức lãi suất thấp đến giữa năm 2015 hiện đang mở rộng cơ sở tiền tệ Mỹ. Chuyển động này đã không giúp giá vàng hồi phục như từng xảy ra trong quá khứ cho thấy khả năng hồi phục của giá vàng đang bị thu hẹp dần.
(4) Ngày 02/03, khoản cắt giảm ngân sách liên bang 85 tỷ USD chính thức có hiệu lực. Mặc dù chưa thể đo lường về mức tác động của nó, nhưng rủi ro trước mắt là nguy cơ một số hệ thống công sở liên bang phải đóng cửa. Hệ lụy này sẽ tác động trực tiếp lên thị trường lao động và nhịp độ tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ.
Ngày 04/03, đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã đề xuất một dự luật ngân sách mới cho phép Chính phủ Liên bang hoạt động đến ngày cuối cùng 30/09 của năm tài khóa 2013, sau khi cơ chế cấp ngân sách hiện thời hết hiệu lực từ ngày 27/03 tới.
Vấn đề trần nợ công sẽ nổi sóng trở lại trong tháng 5, và có thể làm tăng rủi ro biến động của giá vàng nếu Tổng thống Obama và Quốc hội không thể đạt được thỏa thuận. Tuy nhiên, điều này sẽ có nhiều ảnh hưởng hơn lên giá vàng từ cuối tháng 4.
(5) Sự suy yếu của đồng Rupee của Ấn Độ so với đồng USD có thể ảnh hưởng bất lợi đến nhu cầu nắm giữ kim loại quý. Ngoài ra, rủi ro mất giá của một số đồng tiền lớn như EUR, AUD có thể sẽ tác động không tích cực lên triển vọng giá vàng.
(6) Sự sụt giảm về lượng vàng nắm giữ của các quỹ ETF đang phát đi tín hiệu không mấy khả quan về xu hướng giá vàng trong thời gian tới.
(7) Trong nước, với mong muốn dẹp bỏ tín hiệu nhiễu, NHNN đã đánh tiếng về việc sớm tham gia quản lý trên thị trường vàng. Cụ thể, ngày 26/02, NHNN và công ty SJC đã ký hợp đồng nguyên tắc gia công vàng miếng lấy từ nguồn vàng nguyên liệu của NHNN. Bên cạnh đó, từ ngày 01/03, NHNN sẽ bắt đầu thực hiện đấu thầu vàng miếng SJC công khai.
Đón nhận những thông tin này, giá vàng miếng SJC nhanh chóng hạ nhiệt và có thời điểm chênh lệch giá vàng trong nước – nước ngoài chỉ còn khoảng 2.5 triệu đồng/lượng. Tuy vậy, lực cầu mạnh nhanh chóng đẩy giá vàng tăng trở lại, và nới rộng mức chênh lệch. Theo nguồn thông tin báo chí, lực thu mua vàng miếng từ dân không có nhiều dấu hiệu bất thường, mà chủ yếu đến từ các ngân hàng.
Không tuân thủ theo quy luật cung – cầu thông thường, diễn biến giá vàng miếng thị trường trong nước sẽ còn là một “ẩn số” khó lường trong thời gian tới.
Phân tích kỹ thuật giá vàng: MACD rơi xuống dưới đường zero-base. Theo sau các breakpoint quan trọng của nhóm MA dài hạn (SMA 100, SMA 200...) là việc MACD rơi xuống dưới đường zero-base. Điều này cho thấy xu hướng tăng trưởng của giá vàng đã bị đảo ngược.
Nếu trong thời gian tới MACD không cho mua trở lại thì nhiều khả năng xu hướng giảm trung hạn sẽ tiếp tục và mạnh mẽ hơn nữa.
Trendline dài hạn đã bị phá vỡ hoàn toàn. Đây được coi là ngưỡng hỗ trợ vững chắc nhất, đáng tin cậy nhất và khó phá vỡ nhất trong dài hạn. Vì vậy, kịch bản phá vỡ xảy ra khiến cho khả năng phục hồi của giá vàng bị hạn chế rất nhiều.
Theo lý thuyết phân tích kỹ thuật, khi những ngưỡng hỗ trợ mạnh bị phá vỡ sẽ trở thành các yếu tố kháng cự tiềm năng trong tương lai. Vì vậy, trendline dài hạn sẽ đóng vai trò kháng cự mạnh trong thời gian tới nếu giá vàng có phục hồi trở lại.
Phòng Nghiên cứu Vietstock
ffn
|