Kinh tế Vĩ mô Tuần 11 - 15/03: Trái chiều kỳ vọng con số nợ xấu!
Thị trường đón nhận thông tin nợ xấu giảm mạnh xuống còn 6% trong tâm thế khá thận trọng và có phần ngờ vực. Điều này cho thấy, thị trường vẫn đang kỳ vọng con số nợ xấu thực ở mức rất cao khi mà sức khỏe nền kinh tế nói chung và lộ trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng vẫn chưa có nhiều tín hiệu tích cực.
I. KINH TẾ TÀI CHÍNH TRONG NƯỚC
Nợ xấu được công bố giảm còn 6%: Trái chiều kỳ vọng!
Thông tin từ phiên họp thường kỳ tháng 2/2013 của Chính phủ cho thấy tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống các tổ chức tín dụng hiện ở mức 6% tổng dư nợ, giảm đáng kể so với mức 8.8% được công bố hồi giữa năm ngoái. Mức giảm tuyệt đối ước tính vào khoảng 75,000 tỷ đồng, được cho là do các ngân hàng đã tăng mạnh mức trích lập dự phòng rủi ro theo quy định.
Con số “khổng lồ” này khiến nhiều người nghi ngại về tính xác thực của nó. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn có thể xảy ra nếu chỉ xét trên khía cạnh nghiệp vụ kế toán đơn thuần. Hiện vẫn chưa rõ, khoản trích lập dự phòng đã được dùng để xóa bỏ nợ xấu hay chỉ dừng ở bước ghi giảm tài sản có?
Việc công bố sơ bộ con số nợ xấu đã giảm xuống còn 6% (từ 8.8%) cho thấy áp lực rất lớn của cơ quan chức năng, cụ thể là Ngân hàng Nhà nước, trong việc định hình kết quả sau quá trình nỗ lực giải quyết nợ xấu suốt hơn 1 năm qua.
Hay nói cách khác, đây cũng gần như là một thông điệp cho thấy việc xử lý nợ xấu nằm trong “khả năng” của cơ quan chức năng, và cũng là kỳ vọng về tiến triển tốt của lộ trình xử lý nợ xấu trong thời gian tới.
Ở chiều ngược lại, thị trường đón nhận thông tin nợ xấu giảm mạnh xuống còn 6% trong tâm thế khá thận trọng và có phần ngờ vực. Điều này cho thấy, thị trường vẫn đang kỳ vọng con số nợ xấu thực ở mức rất cao khi mà sức khỏe nền kinh tế nói chung và lộ trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng vẫn chưa có nhiều tín hiệu tích cực.
Những kỳ vọng trái chiều không phải là hiện tượng hiếm trên thị trường tài chính; tuy nhiên, mức chênh lệch quá cao về kỳ vọng giữa cơ quan chức năng và thị trường là điều đáng phải lưu tâm.
Đâu là con số thực về tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng? Phải chăng chính sự “lấp lửng” trong cách thức đánh giá, nhìn nhận “nút thắt” nợ xấu là nguyên nhân chính nới rộng khoảng cách kỳ vọng này ra?
II. TIN TỨC KINH TẾ VĨ MÔ TRONG NƯỚC NỔI BẬT
• Ngày 04/03, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định 16/2013/QĐ-TTg về việc mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Theo đó, căn cứ mục tiêu của chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ, NHNN mua, bán vàng miếng để can thiệp, bình ổn thị trường vàng trong nước và được mua vàng miếng để bổ sung vào dự trữ ngoại hối Nhà nước.
Quyết định cũng quy định Thống đốc NHNN quyết định phương án can thiệp thị trường vàng theo quy định.
• Ngày 08/03, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ký ban hành việc sửa đổi, bổ sung một số điều trong Quy chế phân loại, kiểm định, đóng gói, giao nhận kim loại quý trong ngành Ngân hàng.
Theo đó, NHNN quy định khi mua bán với NHNN, các doanh nghiệp phải đóng gói vàng theo lô. Mỗi lô gồm 100 lượng hoặc bội số của 100, tối đa là 500 lượng vàng miếng.
• Trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ của NHNN và dự báo các chỉ số vĩ mô chủ chốt, Thống đốc NHNN đã đưa ra thông điệp về điều hành tỷ giá trong năm 2013 là ổn định, nhưng không cố định, nếu có dao động cũng chỉ khoảng 2 - 3%.
Thân Hoàng Dung, Phòng Nghiên cứu Vietstock
|