Cổ phiếu vua “thất thế”
Sau quãng thời gian “bứt tốc” kéo dài, nhóm cổ phiếu ngân hàng hãm đà tăng và đánh mất vai trò dẫn dắt thị trường trong tháng 3.
Kết thúc tháng 3/2024, VN-Index tăng 3% so với cuối tháng 2, lên mức 1,284.09 điểm (cuối phiên 29/03/2024). Trong đó, cổ phiếu ngành ngân hàng có mức tăng thấp hơn đáng kể so với VN-Index. Cụ thể, dữ liệu VietstockFinance cho thấy, chỉ số ngành ngân hàng tháng 3 chỉ tăng nhẹ 0.4% so với tháng trước, lên mức 721.23 điểm.
Vốn hóa tăng nhẹ
Trong tháng 3, giá trị vốn hóa của nhóm ngân hàng tăng 13,579 tỷ đồng, lên mức hơn 2.12 triệu tỷ đồng (tính đến 29/3/2024), chỉ tăng nhẹ 1% so với mức hơn 2.1 triệu tỷ đồng của phiên cuối tháng 2.
Nguồn: VietstockFinance
|
Vốn hóa toàn ngành gần như đi ngang khi 3 ông lớn ngân hàng “gốc” Nhà nước ghi nhận diễn biến kém sắc, trong đó Vietcombank (VCB) và BIDV (BID) cùng giảm 2% vốn hóa, còn lại VietinBank (CTG) đứng yên.
Phần lớn nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân đều có vốn hóa giảm nhẹ trong biên độ 1-8%.
Tuy nhiên, vẫn có những cổ phiếu gia tăng vốn hóa tốt nhờ thị giá tăng như Techcombank (tăng 13%) và VIB (tăng 12%). 2 mã có thị giá tăng trước thông tin về kế hoạch phát hành cổ phiếu thưởng năm 2024, trong đó TCB muốn phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 100% còn VIB dự kiến phát hành cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 17%.
Đáng chú ý, cổ phiếu PGB có mức tăng vốn hóa mạnh nhất trong tháng qua, chủ yếu nhờ khối lượng cổ phiếu đang lưu hành tăng thêm 120 triệu cp thông qua phát hành cổ phiếu thưởng, tỷ lệ tăng 40%. Đây cũng là lần đầu PGBank tăng vốn sau gần 13 năm giữ nguyên và cũng là lần đầu tiên ngân hàng này chia cổ tức/cổ phiếu thưởng cho cổ đông sau gần 12 năm.
Trong khi đó, vốn hóa của MSB giảm mạnh nhất nhóm ngân hàng khi thị giá giảm 8% trước việc Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam bà Bùi Thị Hoài Anh, Giám đốc ngân hàng MSB chi nhánh Thanh Xuân vì lừa đảo, chiếm đoạt 338 tỷ đồng của khách hàng.
Nguồn: VietstockFinance
|
Thanh khoản sụt giảm
Tháng 3 có hơn 235 triệu cp ngân hàng được chuyển giao mỗi ngày, giảm 3% so với tháng 2, tương đương giảm gần 7 triệu cp/ngày. Tuy nhiên, giá trị giao dịch tăng 2%, lên hơn 5,444 tỷ đồng/ngày.
Nguồn: VietstockFinance
|
Trong đó, các ngân hàng có thanh khoản tăng mạnh là LPB (tăng 68%), ACB (tăng 56%) và SGB (tăng 23%).
Ở chiều ngược lại, KLB là cổ phiếu có thanh khoản giảm mạnh nhất trong tháng qua, xuống còn 78,561 cp được chuyển giao mỗi ngày, giảm 80% so với tháng trước.
Tháng này, thanh khoản cổ phiếu SHB tiếp tục dẫn đầu với gần 22 triệu cp được giao dịch khớp lệnh mỗi ngày và 6.9 triệu cp/ngày được “sang tay”, tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt hơn 28 triệu cp, giảm 21% so với tháng trước.
BAB là nhà băng có thanh khoản thấp nhất chỉ với 7,351 cp được giao dịch mỗi ngày, tăng 10% so với tháng trước, giá trị chỉ gần 92 triệu đồng/ngày.
Nguồn: VietstockFinance
|
Khối ngoại bán ròng 579 tỷ đồng
Trước đà hãm phanh của dòng “bank”, khối ngoại tiếp tục tranh thủ chốt lời trong tháng 3 với khối lượng bán ròng hơn 28 triệu cp, giá trị đạt 579 tỷ đồng.
Nguồn: VietstockFinance
|
Mặc dù dính đến “lùm xùm” tính lãi thẻ tín dụng cao ngất ngưỡng, cổ phiếu của Eximbank (EIB) vẫn được khối ngoại mua mạnh nhất với hơn 14 triệu cp (260 tỷ đồng) trong tháng qua. Trái lại, khối ngoại chốt lời cổ phiếu VPB với khối lượng bán ròng mạnh nhất với hơn 23 triệu cp, giá trị tương đương 431 tỷ đồng.
Khang Di
FILI
|