MBS: Giá dầu 2024 khó vượt mốc 90 USD, kỳ vọng vào Lô B - Ô Môn
Báo cáo nhận định ngành dầu khí mới công bố của MBS cho rằng giá dầu năm 2024 khó vượt mốc 90 USD/thùng, dự báo trung bình năm đạt khoảng 82-85 USD/thùng. Tuy vậy, triển vọng ngành có vẻ tươi sáng với các dự án thượng nguồn dầu khí.
Giá dầu khó vượt 90 USD/thùng
Theo MBS, sau khi lên đỉnh 96.6 USD/thùng vào cuối tháng 9/2023, giá dầu Brent đã giảm khá mạnh do những lo ngại về nhu cầu yếu lấn át tác động cắt giảm nguồn cung từ phía OPEC+. Bên cạnh đó, tồn kho dầu thô của Mỹ tăng mạnh trở lại kể từ cuối tháng 10 cũng gây áp lực giảm giá lên dầu thô.
Tại cuộc họp gần nhất vào ngày 30/11/2023, các nước OPEC+ đã đồng ý cắt giảm sản lượng tự nguyện khoảng 2 triệu thùng/ngày trong quý 1/2024, trong đó 1.3 triệu thùng thuộc phần cắt giảm tự nguyện kéo dài của Arab Saudi và Nga. Như vậy, tổng sản lượng dầu thô thế giới có thể tăng 1.9% trong năm 2024.
Mức cắt giảm này dường như vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của thị trường, do đó giá dầu thế giới vẫn chưa có dấu hiệu tích cực trở lại. Giá dầu Brent chỉ còn duy trì quanh mức 80 USD/thùng trong quý 4/2023.
Các quan ngại nhất, theo MBS, là Trung Quốc chưa hồi phục với tốc độ như kỳ vọng, dẫn đến nhu cầu sử dụng dầu thô của nước này giảm và gián tiếp ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế thế giới nói chung, cùng nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu.
Trước những số liệu kém tích hơn về nhu cầu sử dụng dầu thô cùng các biện pháp cắt giảm nguồn cung chưa thực sự mạnh tay, MBS cho rằng giá dầu năm 2024 khó vượt mốc 90 USD/thùng. Dự phóng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành dầu khí sẽ dựa trên kịch bản giá dầu trung bình năm 2024 là 85 USD/thùng và ước tính giá dầu trung bình 2023 là 82 USD/thùng.
Hy vọng từ Lô B - Ô Môn và các dự án thượng nguồn
Những năm gần đây, hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí của Việt Nam khá trầm lắng dù giá dầu duy trì cao hơn mức hòa vốn (55 USD/thùng). Sản lượng khai thác dầu thô trong nước liên tục thấp hơn các năm trước đó, trong khi việc thiếu khí trầm trọng hơn tại 2 năm gần đây, thậm chí không đạt kế hoạch khai thác khí mà PVN đề ra.
Hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí tại các mỏ mới là cần thiết bởi các mỏ dầu khí có đóng góp sản lượng lớn hiện đều đang ở giai đoạn khai thác cuối với độ ngập nước cao và sản lượng suy giảm tự nhiên khoảng 15-25%/năm.
Trong nửa cuối năm 2024, MBS kỳ vọng hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí sẽ phục hồi khi một số dự án thượng nguồn lớn được kỳ vọng triển khai. Đây là nguồn công việc lớn cho các doanh nghiệp dầu khí trong nước với tiềm năng từ hoạt động khoan, xây lắp M&C và các dịch vụ liên quan khác.
Trong số các dự án thượng nguồn sắp được triển khai, chuỗi dự án khí - điện Lô B - Ô Môn có tổng mức đầu tư lớn nhất và nhận được nhiều sự quan tâm nhất. MBS cho rằng quyết định đầu tư cuối cùng (FID) cho dự án này chưa thể được phê duyệt trong năm 2023 mà dời sang nửa đầu 2024, nhưng các động thái trao thầu hạn chế để thực hiện một phần công việc trước khi có FID đã cho thấy phần nào nỗ lực đàm phán của các bên liên quan.
Thông tin gần nhất đến từ quyết định đầu tư cuối cùng của mỏ Lạc Đà Vàng và gói EPCI#3 của Lô B - Ô Môn, hứa hẹn đem lại nguồn công việc dồi dào cho các doanh nghiệp khu vực thượng nguồn dầu khí, như PVS. Ngoài ra, PVD dù có định hướng cho thuê các giàn khoan tự nâng tại nước ngoài đến hết năm 2024, MBS cho rằng doanh nghiệp vẫn sẽ hưởng lợi từ các dự án trên nhờ đảm nhận khối lượng công việc liên quan đến dịch vụ khoan dầu khí giai đoạn sau 2024.
Về thị trường giàn khoan, năm 2023 chứng kiến mảng này liên tục ấm lên do nhu cầu thăm dò, khai thác dầu khí tại Trung Đông tăng mạnh. Tuy vậy, điều này tạo ra làn sóng chuyển dịch các giàn khoan tự nâng về khu vực Trung Đông, gián tiếp gây thiếu hụt giàn khoan tại các khu vực khác trên thế giới. Tại Đông Nam Á, nhu cầu giàn khoan nói chung và giàn tự nâng nói riêng tăng mạnh nhờ các chiến dịch khoan mới được triển khai tại Malaysia, Indonesia; và các hợp đồng khoan có xu hướng kéo dài, dao động quanh mức 750-1,000 ngày kể từ năm 2024.
Ở phía nguồn cung, số lượng giàn khoan mới giai đoạn 2024 không nhiều, dẫn đến giá thuê giàn khoan tăng cao trên thế giới và khu vực Đông Nam Á. Hiệu suất hoạt động của các giàn khoan tự nâng tại Đông Nam Á đang đạt mức cao, luôn trên 90% trong 6 tháng gần đây và cao nhất kể từ năm 2021; giá thuê duy trì ổn định ở mức cao khoảng 110 nghìn USD/ngày.
MBS cho rằng mức giá thuê này sẽ tiếp tục duy trì, thậm chí tăng cao vào năm 2024 khi giàn khoan ngày càng khan hiếm.
Tại thị trường trong nước, hiện có khoảng 13 cuộc đấu thầu giàn khoan nhưng hầu hết các chiến dịch khoan được đấu thầu này đều khá ngắn. Sang năm 2024, thị trường khoan được kỳ vọng sôi nổi hơn với các chiến dịch khoan bớt rời rạc, khi một số dự án thượng nguồn lớn được triển khai như Lạc Đà Vàng (đã nhận FID trong tháng 11/2023), Sư Tử Trắng 2B và Lô B - Ô Môn.
Xu hướng điện khí LNG đóng góp trung hạn
Theo Quy hoạch Điện 8 (QHĐ8), đến năm 2030, tổng công suất điện khí LNG sẽ là 22,400 MW, tương đương 14.9% tổng công suất nguồn điện của cả nước.
Hiện, giá khí trong nước tăng cao do chưa kịp khai thác mỏ khí. MBS cho rằng giá LNG sẽ có thể cạnh tranh được với giá khí trong nước ít nhất đến hết năm 2026 và duy trì dự báo giá LNG nhập khẩu năm 2024 ở mức 14 USD/mmbtu.
Bên cạnh đó, trong trung hạn, các doanh nghiệp vận tải dầu khí có thể hưởng lợi từ cước vận tải tăng cao. MBS cho biết nhu cầu vận tải tấn-dặm đối với dầu thô và dầu sản phẩm trên thế giới được dự báo liên tục tăng, trong khi nguồn cung tàu mới và tốc độ vận chuyển hạn chế dẫn đến cước vận tải dầu thô và dầu sản phẩm tăng cao trong thời gian vừa qua.
Theo MBS, giá cước này sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao ít nhất đến hết năm 2024 nhờ chênh lệch cung-cầu thế giới, đồng thời có thể được hỗ trợ phần nào từ việc thay đổi hải trình bởi các xung đột địa chính trị, từ đó tác động tích cực đến các doanh nghiệp vận tải dầu. Tuy nhiên, giá cước vận tải vẫn có thể bị ảnh hưởng nếu nhu cầu tấn-dặm không cao như kỳ vọng do ảnh hưởng từ nền kinh tế ảm đạm.
Cải thiện nhẹ biên lãi nhóm lọc dầu
MBS từng phân tích và kỳ vọng crack spread (chênh lệch giá dầu thô - thành phẩm) các sản phẩm dầu diesel và nhiên liệu bay sẽ neo cao trong năm 2024, nhờ nhu cầu du lịch hồi phục khi nền kinh tế hồi phục và El Nino dự kiến kéo dài đến hết 2024 và gây ra thiếu hụt năng lượng.
Tuy vậy, những số liệu vĩ mô trong các tháng gần đây không quá khả quan, đi kèm với cầu tiêu thụ các sản phẩm lọc dầu không cao như dự kiến và crack spread các sản phẩm này thấp hơn kỳ vọng ngay cả khi nguồn cung thắt chặt.
Do vậy, MBS điều chỉnh dự phóng các loại crack spread tham chiếu xuống thấp hơn 5% so với dự báo trước đó. MBS cho rằng lợi nhuận của các doanh nghiệp hạ nguồn mảng lọc hóa dầu cũng sẽ bị ảnh hưởng, giảm bớt phần tích cực so với các dự phóng trước đây. Dự báo crack spread tham chiếu năm 2024: crack spread xăng châu Á năm 2024F (forward) sẽ đạt 13.4 USD/thùng (2023E là 13 USD/thùng); crack spread diesel châu Á năm 2024F đạt 23.5 USD/thùng (2023E: 23.2 USD/thùng).
Châu An
FILI
|