Có nên cấm ngân hàng bán chéo bảo hiểm?
Một số thông tin tiêu cực trong lĩnh vực bảo hiểm xảy ra thời gian qua, dẫn đến những tranh luận có nên hay không cấm ngân hàng bán chéo sản phẩm bảo hiểm. Đa số ý kiến chuyên gia đều cho rằng không nên cấm, mà cần có chế tài để đảm bảo được quyền lợi cho khách hàng từ cả ngân hàng và công ty bảo hiểm.
Tại kỳ họp bất thường lần thứ 5 của Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) đã đề cập đến việc ngân hàng thương mại làm đại lý bảo hiểm nhân thọ. Hệ lụy của việc các ngân hàng liên doanh, liên kết bán bảo hiểm thời gian qua đã rất rõ ràng. Các ngân hàng vốn không có trụ sở bảo hiểm. Do vậy, đại biểu này ủng hộ quan điểm là không cho phép các ngân hàng liên doanh, liên kết bán bảo hiểm…
Đại biểu Phạm Văn Thịnh cho rằng việc bán chéo bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng thương mại dễ dàng đã kéo các ngân hàng thương mại, các công ty bảo hiểm nhân thọ bỏ qua các ranh giới nghề nghiệp, xóa bỏ uy tín được tích lũy để bước vào vòng xoáy tìm kiếm lợi nhuận.
Bàn luận về vấn đề có nên hay không cấm việc ngân hàng bán chéo sản phẩm bảo hiểm trước đây đã từng gây tranh cãi rất nhiều. Cho đến nay, vẫn tiếp tục được đưa ra trên bàn hội nghị Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Vì sao phải cấm?
Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật Anvi
|
Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật Anvi đặt ra câu hỏi vì sao phải cấm ngân hàng bán chéo bảo hiểm?
Ông Đức cho rằng chỉ khi nào làm sai, gây nguy hiểm và thiệt hại thì mới cấm. Vấn đề ở đây là làm thế nào để ngăn chặn, xử lý những gì chưa hợp lý. Việc ngân hàng bán chéo sản phẩm là cần thiết. Còn những vấn đề như gian lận, lợi dụng, lừa đảo, làm trái nguyên tắc tự nguyện, tự do ý chí, gây nhầm lẫn, gian dối đương nhiên phải cấm.
Có nhiều lý do dẫn đến tất yếu phải để cho ngân hàng bán chéo bảo hiểm.
Thứ nhất, bảo hiểm cho tài sản bảo đảm mà pháp luật có quy định bắt buộc phải có khi cho vay.
Thứ hai, nếu như không bắt buộc, mà ngân hàng cho vay đánh giá cần phải có cũng vẫn phải có và phải được công khai, rõ ràng.
Thứ ba, bảo hiểm về chuyện thu hồi nợ. Khi khách hàng đi vay gặp vấn đề không trả được nợ thì ngân hàng vẫn thu hồi được nợ.
“Tuy nhiên, tất cả phải trên tinh thần tự nguyện về giá thành, chi phí và lãi suất, nếu khách hàng đánh giá các mức này ổn thỏa thì sẽ tham gia bảo hiểm. Lãi suất vay có thể công bố công khai, khách hàng nếu thỏa điều kiện thì vay, nếu không thỏa thì sang ngân hàng khác vay. Đó mới là thị trường”, luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh.
Luật sư Đức cho rằng nguyên tắc cơ bản giao dịch dân sự là tự nguyện, tự do, nếu có dấu hiệu đe dọa, cưỡng bức… thì đó lại là hình sự.
Thêm vào đó, Luật kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 cũng đã được Quốc hội thông qua. Và gần đây nhất là Thông tư số 67/2023/TT-BTC ngày 02/11/2023 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm. Trong Thông tư 76 đã có quy định chi tiết về việc khi tư vấn phải ghi âm khi cần thiết.
Ngân hàng phải được và rất cần được khai thác khách hàng từ việc bán bảo hiểm. Đây là nguồn dữ liệu tốt nhất và nguồn khách hàng tiềm năng cho cả ngân hàng và công ty bảo hiểm. Thế nhưng, phải làm thế nào để nhân viên tư vấn đúng sản phẩm, không trục lợi từ bảo hiểm.
Nếu như khách hàng đến ngân hàng nào cũng bị yêu cầu phải mua bảo hiểm mới cho vay là câu chuyện của thị trường, cạnh tranh và rủi ro của ngân hàng. Trường hợp chỉ có một vài ngân hàng ép khách hàng mua bảo hiểm mới là vấn đề cần xử lý và làm sao để đảm bảo rủi ro cho khách hàng.
Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng cách duy nhất là thị trường cạnh tranh và sòng phẳng. Cạnh tranh là nếu khách hàng nhận thấy ngân hàng nào có dấu hiệu ép khách hàng mua bảo hiểm như vừa qua, thì lựa chọn ngân hàng khác.
Thêm nữa là quyền lợi của người tiêu dùng. Khách hàng phải biết sử dụng quyền lực đó, cả Nhà nước và xã hội đều bảo vệ quyền lợi này.
Có chế tài thì sẽ không có vi phạm
PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM
|
PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân – Giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM cũng cho rằng không nên cấm việc ngân hàng bán chéo sản phẩm bảo hiểm, vì Bancassurance là kênh phổ biến trên thế giới. Đó là một nghiệp vụ giúp tăng doanh thu của các bên với nhau. Vấn đề nằm ở chỗ là việc quản lý chưa đúng, chưa chặt chẽ.
Thay vì cấm, thì phải đưa ra được những quy định chặt chẽ hơn về trách nhiệm, quyền hạn của các bên tham gia như ngân hàng, công ty bảo hiểm, cũng như bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Điều này sẽ tốt hơn việc cấm hẳn ngân hàng bán bảo hiểm.
Luật kinh doanh bảo hiểm cũng có quy định khi tư vấn phải ghi âm, không được tư vấn cho khách hàng vay mua bảo hiểm liên kết đầu tư. Nhưng lại không có chế tài nếu như nhân viên tư vấn sai phạm.
Ví dụ, nếu nhân viên bảo hiểm không làm đúng thì sẽ bị xử phạt thế nào, nhẹ thì sẽ bị bồi thường bao nhiêu phần trăm giá trị hợp đồng, nặng thì truy cứu trách nhiệm hình sự thế nào…
“Phải có quy định chế tài, khung hình phạt cụ thể về dân sự và hình sự, thì các bên mới thực hiện đúng. Khi có chế tài cũng sẽ bảo vệ được quyền lợi của khách hàng, từ cả ngân hàng và công ty bảo hiểm. Ví dụ ngân hàng ép, thì khách hàng có quyền kiện. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải có đường dây nóng túc trực, tiếp nhận xử lý vụ việc.
Hoặc cũng có thể ngân hàng nào vi phạm thì sẽ có thể bị cấm kinh doanh bảo hiểm trong thời gian nhất định. Có tài chế thì sẽ không vi phạm”, PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân đề xuất một số chế tài để bảo vệ quyền lợi cho khách hàng.
Bancassurance là một trong những nguồn thu của ngân hàng và phải làm thế nào để trở thành nguồn thu bền vững dài hạn. Ngoại trừ phải có chế tài, việc tư vấn phải mang đúng tính chất sản phẩm trên tinh thần tự nguyện. Để khách hàng có nhu cầu thì sẽ tự nguyện mua sản phẩm bảo hiểm. Được như vậy thì việc tăng trưởng có thể chậm nhưng sẽ bền vững.
Trên thực tế, vẫn có một bộ phận khách hàng có nhu cầu thực muốn mua bảo hiểm từ phía ngân hàng. Bây giờ nếu cấm thì ngân hàng sẽ mất lượng khách hàng này, làm ảnh hưởng đến việc phát triển các dịch vụ và thị trường tài chính của mình.
“Tôi nghĩ không nên cấm mà cần có chế tài cụ thể, đưa nghiệp vụi bancassurance vào khuôn khổ và chuyên nghiệp hơn”, PGS.TS. Huân nhấn mạnh.
Cần xây dựng lại nội dung hợp đồng và cách thức tư vấn
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế
|
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh – Chuyên gia kinh tế cũng đồng tình không nên cấm ngân hàng bán chéo sản phẩm bảo hiểm.
Việc kết hợp giữa ngân hàng và bảo hiểm để bán bảo hiểm thì hầu hết các quốc gia trên thế giới đều làm và có hiệu quả. Đây là một trong những hình thức thông dụng của các quốc gia.
Vấn đề quan trọng là việc quản lý không tốt, nên thời gian qua mới phát sinh chuyện lừa đảo người gửi tiết kiệm thành tiền mua bảo hiểm, mua trái phiếu. Nếu việc tư vấn, giải thích rõ ràng, đây là sản phẩm bảo hiểm, người mua hiểu rõ sản phẩm và chấp nhận mua bảo hiểm là việc bình thường.
Thêm vào đó, việc kết hợp để ngân hàng bán sản phẩm bảo hiểm có nhiều lợi ích, vừa tạo thêm việc làm cho phía ngân hàng, vừa đảm bảo tính sâu rộng cho việc tuyên truyền và đảm bảo các tầng lớp dân cư có thể có các loại bảo hiểm khác nhau, đảm bảo cho cuộc sống, các mặt hoạt động của con người trong xã hội.
Cần phải có biện pháp để đảm bảo rủi ro cho khách hàng. Kể cả việc bán bảo hiểm từ công ty bảo hiểm hay bảo hiểm kết hợp với ngân hàng, đều phải có bằng chứng lưu lại, nhân viên tư vấn đã giải thích rõ về sản phẩm, người mua đã hiểu và tự nguyện đồng ý mua sản phẩm bảo hiểm đó, vì có rất nhiều loại sản phẩm bảo hiểm.
Ngay cả bảo hiểm nhân thọ cũng có bao nhiêu loại, vấn đề làm sao để có minh chứng đã giải thích cho người mua đã hiểu được việc khách hàng mua là tự nguyện và hiểu được đúng bản chất loại bảo hiểm mình mua. Ngoại trừ việc ghi hình, ghi âm… khi tư vấn, hợp đồng bảo hiểm cũng nên lược giản bớt các nội dung vặt vãnh khó tiếp cận, chỉ cần đưa các nội dung cơ bản, dễ hiểu.
“Hợp đồng bảo hiểm dài 100 trang, cũng khó để khách hàng trong thời gian 1-2 tiếng đọc hiểu và đồng ý ký được”, ông Thịnh dẫn ví dụ.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh đề xuất cần phải thiết kế lại nội dung hợp đồng, phải xác định cách thức để nhân viên tư vấn và khách hàng mua hiểu sản phẩm và có bằng chứng ghi lại. Trong Luật kinh doanh hảo hiểm được thông qua từ tháng 06/2022 cũng đã có quy định việc này, còn việc cấm ngân hàng bán sản phẩm bảo hiểm là không được, vì các doanh nghiệp, đơn vị khác vẫn có quyền bán bảo hiểm…
Vấn đề là chưa có chế tài cụ thể trong việc kinh doanh bán bảo hiểm, không cho phép kinh doanh, bán bảo hiểm, hay rút giấy phép kinh doanh… Mức độ xử lý sai phạm thế nào để cho nhân viên bảo hiểm khi vi phạm phải đền bù, cách thức ra sao…
Cũng vì không có chế tài với nhân viên tư vấn và cả đơn vị kinh doanh, nên thời gian qua mới xảy ra những trường hợp tư vấn sai, đôi khi người tư vấn chỉ cần bán được hợp đồng bảo hiểm là được.
“Cần phải có chế tài thật nặng, thậm chí là cấm nhân viên tư vấn không được làm trong ngành tài chính nếu có dấu hiệu vi phạm liên quan đến lừa đảo. Đây là đạo đức kinh doanh của người làm tài chính. Nếu giải quyết được vấn đề này thì mới xử lý được và đảm bảo quyền lợi cho khách hàng”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nói thêm.
* Đại biểu Quốc hội: Người dân cầm cố số đỏ vay ngân hàng 300 triệu, phải mua bảo hiểm tới 20 triệu
* Đại biểu Phạm Văn Hòa: Không nên cho phép các ngân hàng liên doanh, liên kết bán bảo hiểm
Cát Lam
FILI
|