Thứ Tư, 17/01/2024 14:02

MBS: Xây lắp điện sẽ hưởng lợi lớn trong năm 2024

Theo báo cáo ngành điện 2024 mới công bố, MBS dự báo tăng trưởng tiêu thụ điện năm 2024 sẽ ở mức thấp. Nhiệt điện sẽ được huy động tích cực, trong khi năng lượng tái tạo vẫn là trọng tâm trong dài hạn, kéo theo nhóm xây lắp điện hưởng lợi.

Với quan điểm thận trọng, MBS dự báo nhu cầu sản lượng điện 2024 sẽ tăng 8.4% so với mức nền thấp 2023, nhưng mức này vẫn thấp hơn kế hoạch cung cấp điện của Bộ Công Thương (khoảng 9%) cho năm 2024. Dự kiến tăng trưởng kép sản lượng điện trung bình sẽ đạt 7.5% giai đoạn 2024-2030 theo kịch bản thấp của Quy hoạch điện 8 (QHĐ8). Đây sẽ là điểm tựa, củng cố triển vọng sản lượng của các nguồn điện.

Năm 2024, sản lượng thủy điện và điện khí sẽ ghi nhận sự phục hồi 8% và 11% so với nền thấp cùng kỳ. Sản lượng điện năng lượng tái tạo (NLTT) sẽ tăng nhẹ 6%, hỗ trợ bởi công suất bổ sung từ nguồn dự án chuyển tiếp, trong khi sản lượng điện than sẽ tiếp tục tăng trưởng 9% do nhu cầu cao tại miền Bắc.

Nhóm xây lắp hạ tầng điện hưởng lợi lớn

Trong khi khâu phát điện vẫn đối mặt rủi ro về huy động sản lượng, MBS nhận thấy các doanh nghiệp xây lắp bao gồm xây lắp dự án truyền tải và nhà máy điện sẽ có triển vọng chắc chắn hơn từ năm 2024. Phần lớn nhờ EVN dự kiến kế hoạch đầu tư xây dựng cho 2024 khoảng 102 ngàn tỷ đồng, tăng 12% so với 2023, nhờ dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối được cho là đặc biệt quan trọng.

MBS cho rằng hoạt động xây lắp các dự án truyền tải là cần thiết, trong bối cảnh hệ thống điện chưa đáp ứng được tỷ trọng công suất cao NLTT cùng với nhu cầu cấp bách tăng cường cung ứng điện cho miền Bắc. Trong khi đó, xây dựng các nguồn điện sẽ là điểm tựa cho tăng trưởng kinh tế, đặc biệt với kế hoạch Chính phủ tập trung phát triển NLTT để tiến tới Net Zero từ 2050.

Tình hình tài chính của EVN đang dần được cải thiện, qua đó hỗ trợ đẩy mạnh dòng tiền đầu tư các dự án truyền tải, đặc biệt khi khối lượng công việc cho xây lắp đường dây, trạm biến áp khá cao từ nay đến 2030. Ngoài ra, tham vọng mở rộng công suất điện gió và điện khí đến 2030 đang được hiện thực hóa khi khung giá cho NLTT và dự thảo khung giá điện khí LNG đã được ban hành trong trong quý 4/2023. Theo MBS, đây là các động lực để hiện thực hóa hai nhiệm vụ Chính phủ giao phó.

Triển vọng mở rộng công suất điện tái tạo, hướng đến trọng tâm dài hạn

Sản lượng của nhóm NLTT đang được duy trì ở mức ổn định. Triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp trong ngành do vậy đến từ khả năng mở rộng công suất - vốn đã chững lại gần hai năm khi chính sách giá FIT hết hạn từ tháng 11/2021.

Về tình hình đàm phán hợp đồng mua bán điện (PPA) cho các dự án theo khung giá chuyển tiếp, tính đến 11/10/2023, đã có 21/85 nhà máy hoặc phần nhà máy (tổng công suất hơn 1,200 MW) hoàn thành thủ tục COD đã phát điện thương mại lên lưới, nổi bật một số dự án như Tân Phú Đông 1 (GEG), Phù Mỹ 1, 3 (BCG).

Đầu tháng 11/2023, Bộ Công Thương ban hành Thông tư 19 - Quy định phương pháp xây dựng khung giá NLTT (không áp dụng với các dự án NLTT chuyển tiếp hoặc các dự án có hợp đồng mua bán điện còn hiệu lực với EVN), có hiệu lực từ ngày 19/12/2023. Đây là cơ sở đàm phán giữa EVN và các chủ đầu tư NLTT, nhưng vẫn cần thời gian để EVN tính toán mức giá cụ thể nhằm xác định tính khả thi kinh tế cho các dự án. Theo MBS, với định hướng phát triển nhanh, mạnh điện gió đến 2030 theo QHĐ8, đây là văn bản quan trọng để hiện thực hóa tham vọng này.

MBS ước tính giá trần mới theo Thông tư 19 có thể đi ngang và giảm nhẹ so với khung giá chuyển tiếp, lần lượt là 7.4 UScent/kWh và 6.8 UScent/kWh cho điện gió gần bờ và trên bờ. Giá điện mặt trời trang trại dự tính khoảng 5.9 UScent/kWh (tăng 16% so với khung giá điện chuyển tiếp) để đảm bảo tính khả thi về kinh tế.

MBS lưu ý ước tính sẽ có sự khác biệt phụ thuộc vào giả định lãi suất, suất đầu tư và sản lượng thiết kế của nhà máy. Đây là ba yếu tố sẽ tạo nên sự khác biệt, và những doanh nghiệp có năng lực trong triển khai dự án, tối ưu chi phí và huy động vốn rẻ sẽ hưởng lợi lớn nhất trong giai đoạn này.

Theo bảng phân tích độ nhạy suất đầu tư và lãi suất lên giá bán điện của MBS, giả định suất đầu tư giảm 6%, lãi suất giảm 0.5 điểm % sẽ hỗ trợ giá điện gió giảm 6-7%. Xu hướng suất đầu tư giảm, đặc biệt giá thiết bị - chi phí chiếm tỉ trọng lớn (70-75% tổng mức đầu tư) sẽ hỗ trợ triển vọng đầu tư các dự án điện gió. Trong đó, MBS cho rằng những doanh nghiệp có năng lực và kinh nghiệm triển khai dự án, sở hữu những dự án có sản lượng tốt, suất đầu tư hợp lý, cũng như khả năng huy động vốn rẻ sẽ hưởng lợi trong giai đoạn tới như PC1, HDG, GEG, REE.

Về rủi ro, ngày 25/12/2023, Thanh tra Chính phủ (TTCP) công bố kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong việc thực hiện quy hoạch và đầu tư các công trình điện theo QHĐ7 và QHĐ7 điều chỉnh. Theo đó, hàng loạt cái tên - là những doanh nghiệp NLTT lớn - được báo cáo có sai phạm trong quá trình triển khai dự án. Theo kết luận, MBS nhận thấy những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm phần lớn thuộc về các cơ quan như Bộ Công Thương, EVN, UBND các tỉnh... Về phía doanh nghiệp sẽ vẫn có những phương án xử lý kinh tế nhằm khắc phục hậu quả, đặc biệt rủi ro hơn với những trường hợp nằm trong danh sách chuyển tiếp sang Bộ Công an để tiến hành điều tra thêm.

Về hướng xử lý cụ thể, vẫn cần thêm những kết luận từ bên điều tra, dự kiến trong quý 1-2/2024 để làm rõ hơn về hướng xử phạt.

Thủy điện tiếp tục gặp khó tại quý đầu năm

Theo Viện Nghiên cứu Quốc tế về Khí hậu (IRI), dự kiến pha El Nino sẽ đạt đỉnh trong tháng 12/2023 và tháng 1/2024, sau đó tiếp tục duy trì đến ít nhất quý 2/2024, kéo theo thời tiết cực đoan, nắng nóng và các đợt khô hạn.

Dự kiến nửa đầu năm, sản lượng thủy điện tiếp tục duy trì ở mức thấp, tạo dư địa huy động cho các nguồn điện khác. Tuy nhiên, MBS vẫn kỳ vọng sự cải thiện trong nửa cuối 2024, khi pha thời tiết trung tính hơn, hỗ trợ sản lượng thủy điện phục hồi 8% từ mức nền thấp 2023.

Hiện tại, thủy điện vẫn đang là nguồn điện được huy động tối ưu nhất do giá rẻ và EVN vẫn gặp nhiều khó khăn về tài chính. MBS cho rằng triển vọng thủy điện đi rất sát với tình hình thủy văn, thời tiết và không bị ảnh hưởng bởi tình trạng thừa nguồn.

Điện khí gặp khó ngắn hạn

MBS cho rằng nhóm điện khí còn nhiều khó khăn trong ngắn hạn. Năm 2024, MBS dự báo sản lượng điện khí sẽ tăng 11% từ mức nền thấp 2023 nhờ nhu cầu điện phục hồi và huy động thủy điện vẫn gặp khó khăn trong ít nhất 4-5 tháng đầu năm. Tuy nhiên, một số rủi ro có thể làm gián đoạn đà phục hồi, gồm thiếu hụt khí trong giai đoạn cao điểm ảnh hưởng đến hiệu quả huy động và giá khí neo cao làm giảm khả năng cạnh tranh điện khí trong giai đoạn thừa cung.

Tuy nhiên, về dài hạn, điện khí sẽ là một trong những mũi nhọn phát triển chính theo QHĐ8. Trong đó, điện khí LNG sẽ là nguồn chạy nền quan trọng trong hệ thống có tỉ trọng công suất NLTT cao. Hiện tại, dòng khí đầu tiên đưa về kho cảng Thị Vải có mức giá từ 11-13 USD/mmbtu, cao hơn so với giá khí nội địa từ 8-9USD/mmbtu.

MBS cho rằng xu hướng giảm giá LNG thế giới cũng như giá điện bán lẻ dự kiến tiếp tục tăng sẽ hỗ trợ sản lượng huy động nhóm điện này. Những doanh nghiệp đang tham gia chuỗi giá trị điện khí LNG bao gồm các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng (GAS) và nhóm phát triển dự án được đánh giá cao như POW (Nhơn Trạch 3&4) và PGV (LNG Long Sơn).

Đối với dự án trọng điểm Lô B - Ô Môn, tuy vẫn có những vướng mắc trong đàm phán các điều khoản từ cả phía thượng nguồn và hạ nguồn, đây sẽ là triển vọng dài hạn cho PVN với các dự án nhà máy điện Ô Môn 3, 4 mới nhận chuyển giao từ EVN.

Điện than huy động tích cực

Năm 2024, MBS duy trì triển vọng huy động sản lượng tích cực với nhóm điện than, tăng 9% so với cùng kỳ, đặc biệt tại miền Bắc trong 6 tháng đầu năm.

Nguyên nhân do miền Bắc có tỉ trọng thủy điện cao, bị ảnh hưởng bởi thủy văn kém tích cực đến ít nhất quý 2/2024, phải bù đắp bằng điện than trong cao điểm những tháng mùa nóng. Hơn nữa, giá than nhập khẩu đang có xu hướng giảm mạnh, hỗ trợ giá than trộn giảm theo cải thiện khả năng cạnh tranh của điện than so với điện khí. Đồng thời, có thêm công suất bổ sung từ nhóm nhà máy điện than gặp sự cố về cơ bản đã khắc phục xong như Thái Bình 2, Vũng Áng 1.

Châu An

FILI

Các tin tức khác

>   Có nên cấm ngân hàng bán chéo bảo hiểm? (17/01/2024)

>   Ngành dệt may phục hồi chậm hơn dự kiến, SSI Research tiết lộ 2 cổ phiếu đang theo dõi (17/01/2024)

>   Góc nhìn 17/01: Tích lũy? (16/01/2024)

>   Góc nhìn 16/01: Có xu hướng tích lũy trong ngắn hạn? (15/01/2024)

>   Vì sao giải ngân đầu tư công nóng ngay tháng đầu năm 2024? (18/01/2024)

>   Bà Hoàng Việt Phương (SSI): Chứng khoán sẽ tiếp tục quán tính hồi phục và có lúc vượt 1,300 trong 2024 (15/01/2024)

>   Góc nhìn tuần 15 - 19/01: Thị trường đang vào nhịp điều chỉnh? (14/01/2024)

>   Cổ phiếu BAF, FMC và DRC có gì hấp dẫn? (15/01/2024)

>   Chuyên gia VinaCapital: Triển vọng lợi nhuận gặp ít biến số khó lường hơn (12/01/2024)

>   Giá dầu 2024 sẽ đạt mức 75-85 USD (12/01/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật