Thị trường chứng khoán Việt Nam sắp tới sẽ ra sao?
Thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục phục hồi gần 3 tháng qua với mức tăng trưởng nhanh về thanh khoản và điểm số, nhưng các chuyên gia cho rằng kỳ vọng khả năng thị trường phục hồi “rất tốt” vào năm 2024 là hơi chủ quan.
Tăng trưởng kinh tế thực và thị trường chứng khoán
VnIndex, chỉ số đại diện cho Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) từ khi thị trường chứng khoán đi vào hoạt động, liên tục trải chuỗi tuần giao dịch bùng nổ khi với chỉ số vượt dứt khoát các ngưỡng cản tâm lý 1.200, 1.220, 1.240 nhờ sự ủng hộ của điểm số và thanh khoản. Thậm chí, dòng tiền vẫn có xu hướng vận động tích cực với sự thắng thế của bên mua, bất chấp các chỉ báo đi vào vùng quá mua, theo ông Hoàng Công Tuấn, kinh tế trưởng Công ty chứng khoán MB (MBS).
Cũng theo chuyên gia này, lực mua chủ động và áp đảo khiến các nhóm cổ phiếu giữ vai trò dẫn dắt thị trường như chứng khoán, bất động sản gần như không có nhịp chỉnh nào đáng kể. Thậm chí, tại những nhịp chỉ số tăng chậm lại, nhà đầu tư coi đó là cơ hội để giải ngân, thay vì quyết định “chốt lời”.
“Tâm lý hưng phấn khiến dòng tiền không còn quá quan tâm đến mùa báo cáo quý 2-2023, nhiều cổ phiếu vẫn tăng bất chấp kết quả kinh doanh ảm đạm. Đơn cử như nhóm bất động sản, dù kết quả kinh doanh phân hoá nhưng cả nhóm đều đồng loạt đi lên”, ông Tuấn nói tại một chương trình tiêu điểm chứng khoán cách đây ít ngày.
Thị trường chứng khoán liên tục phục hồi đã thu hút nhiều nhà đầu tư mới những tháng gần đây. Ảnh: LÊ VŨ
|
Lý giải nguyên nhân, ông Tuấn cho biết động lực thúc đẩy các chỉ số trên TTCK là xu hướng hạ nhiệt của lãi suất, không phải tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp. Do đó, lãi suất có tiếp tục hạ nhiệt hay không là yếu tố then chốt.
Đồng quan điểm, ông Michael Kokalari, chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital, cho rằng việc NHNN điều chỉnh giảm lãi suất điều hành đã thúc đẩy các ngân hàng thương mại (NHTM) giảm lãi suất huy động – cho vay, khiến một bộ phận nhà đầu tư rút tiền từ ngân hàng để đầu tư vào TTCK khi các khoản tiền gửi kỳ hạn 6 tháng đến thời điểm đáo hạn, qua đó hỗ trợ chỉ số VnIndex tăng hơn 20% trong giai đoạn từ đầu năm đến 8-8-2023.
Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực, ông Hoàng Công Tuấn dự báo TTCK vẫn đối mặt với không ít lực cản, gồm: bối cảnh nền kinh tế còn nhiều thách thức; tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp có thể đã tạo đáy, nhưng khó hồi phục mạnh mẽ do dòng tiền khó đầu tư vào cổ phiếu của các doanh nghiệp có thị giá tăng quá cao, trong khi kết quả kinh doanh kém ấn tượng.
Về kết quả kinh doanh, thống kê của SSI Research cho thấy lợi nhuận quý 2-2023 của các doanh nghiệp niêm yết thuộc nhóm ngành giữ vai trò động lực thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế đều suy giảm. Cụ thể, lợi nhuận các ngành dầu khí, hóa chất và tài nguyên cơ bản giảm 60-80% từ mức cao của cùng kỳ năm 2022.
Ngoài ra, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu yếu gây áp lực lên lợi nhuận nhiều ngành như hàng cá nhân và gia dụng, điện nước và xăng dầu khí đốt, ô tô và phụ tùng, bánh lẻ với mức giảm lần lượt là 52%, 27,8%, 52,2%, 92,1% so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả, tổng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế quý 2-2023 của các doanh nghiệp niêm yết đã công bố kết quả kinh doanh tính tới ngày 7-8, giảm 3,9% và 12,8% so với cùng kỳ năm 2022. Nếu loại trừ lợi nhuận đột biến ở nhóm doanh nghiệp liên quan tới Tập đoàn Vingroup thì doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế quý 2 của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE lần lượt giảm 9% và 10,7% so với cùng kỳ năm trước.
Điểm tích cực, theo SSI Research, là mặt bằng lợi nhuận đã có dấu hiệu tạo đáy với lợi nhuận sau thuế phục hồi đáng kể so với mức đáy của quý 4-2022 và tăng nhẹ 2,7% so với quý 1-2023.
“Kết quả kinh doanh quý 2 chưa thật sự tăng tốc trong bối cảnh kinh tế vĩ mô còn nhiều thách thức, tuy nhiên tốc độ giảm đã thu hẹp đáng kể và đà giảm đã chậm lại
trong 3 quý liên tục với khả năng tạo đáy, cho thấy các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đang dần phản ánh vào nỗ lực hồi phục của các doanh nghiệp”, SSI Research đánh giá
Về bối cảnh kinh tế, ông Nguyễn Bá Hùng, kinh tế trưởng của ADB, cho rằng hai yếu tố bên ngoài tạo tác động khác nhau với kinh tế Việt Nam là cuộc cạnh tranh công nghệ giữa các nền kinh tế lớn và chính sách tiền tệ của Mỹ.
Cụ thể, cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc ở mảng chất bán dẫn và chip công nghệ cao đang “nóng” lên khi Trung Quốc bắt đầu có động thái siết nguồn cung cấp nguyên liệu cho ngành bán dẫn trên toàn cầu, trong khi Mỹ và châu Âu mong muốn tự chủ hơn trong chuỗi sản xuất điện tử.
Điều này khiến khu vực Đông Nam Á và Việt Nam, hai chủ thể tham gia tích cực vào chuỗi giá trị ngành điện tử, chịu tác động đáng kể. Điều này thể hiện qua việc ngành điện tử và thiết bị điện tử, vốn là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đối mặt với thách thức lớn năm vừa qua.
Nguyên nhân là các thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam như Mỹ và châu Âu đang đối mặt với lạm phát cao, nguy cơ suy thoái, làm giảm nhu cầu tiêu dùng của người dân. Ngoài ra, các nước này đã có ý muốn tự chủ hơn trong chuỗi sản xuất về thiết bị điện tử sau thời kỳ Covid-19 và xung đột thương mại với Trung Quốc.
“Phần lớn các quốc gia đều có trợ cấp để các tập đoàn công nghệ đầu tư cơ sở sản xuất chip tại nước mình, gây ảnh hưởng lớn đến Việt Nam”, ông Hùng nói tại Diễn đàn cấp cao cố vấn tài chính Việt Nam 2023 diễn ra tuần qua.
Về chính sách tiền tệ của Mỹ, ông Hùng cho biết việc Ngân hàng dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) điều chỉnh tăng lãi suất vào cuối tháng 7-2023 tạo ảnh hưởng tới thương mại của Việt Nam. Theo đó, thặng dư thương mại 7 tháng đầu năm 2023 đạt 16,48 tỉ đô la Mỹ – theo công bố của Tổng Cục Thống kê là cao hơn so với cùng giai đoạn năm 2022, nhưn thực tế kim ngạch nhập khẩu và xuất khẩu đều sụt giảm đáng kể.
“Các doanh nghiệp bị ảnh hưởng rất lớn. Đây là nguyên nhân sâu xa làm số đơn hàng của Việt Nam sụt giảm mạnh thời gian qua, nhiều nhà máy giảm giờ làm, thậm chí đóng cửa và sa thải người lao động”, ông Hùng nói.
Cũng theo chuyên gia này, việc Fed tăng lãi suất và giữ lãi suất ở mức cao sẽ khiến tốc độ phục hồi của kinh tế Mỹ chậm lại, buộc người dân của quốc gia này không mở rộng tiêu dùng, từ đó ảnh hưởng tới nhu cầu nhập khẩu trong bối cảnh Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam.
Với bối cảnh trên, SSI Research cho rằng cho rằng sự phục hồi tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trong hai quý cuối năm và các các chính sách hỗ trợ của Chính phủ sẽ là nền tảng vững chắc cho TTCK duy trì xu hướng tăng ổn định trong trung và dài hạn. Ngược lại, rủi ro điều chỉnh ngắn hạn vẫn hiện hữu do cung chốt lời và nút thắt thanh khoản trên thị trường trái phiếu vẫn chưa được giải quyết triệt để, biến động của tỷ giá cũng như khả năng suy thoái ở các nền kinh tế vẫn còn trước mắt.
“Điều này có thể khiến thị trường chứng khoán sẽ có những biến động mạnh hơn trong giai đoạn tới”, SSI Research dự báo.
Cẩn trọng trước rủi ro
Đà tăng tích cực của TTCK những tháng gần đây khiến nhiều nhà đầu tư muốn tham gia thị trường, với số lượng tài khoản chứng khoán mở mới của nhà đầu tư cá nhân trong nước đạt mức 151.000 tỏng tháng 7-2023, tăng 3% so với tháng 6 và là mức cao nhất trong vòng một năm qua.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc đầu tư thuộc Công ty quản lý quỹ VinaCapital, lo ngại nhà đầu tư đối mặt với không ít rủi ro trong bối cảnh lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết trên sàn tăng trưởng thấp hoặc không tăng trưởng.
Trong khi đó, chỉ số P/E của chỉ số VnIndex hiện ở mức 15-16 lần, tiệm cận P/E trung bình nhiều năm qua. Thậm chí, nếu loại bỏ nhóm cổ phiếu ngân hàng thì P/E hiện ở mức 21 lần, tương đương thời điểm quý 1-2018 và quý 2-2021, là lúc thị trường tăng trưởng “nóng” nhờ sự xuất hiện của dòng tiền mới.
“Nhà đầu tư mới tham gia thị trường đầu tư theo dòng tiền nóng vào các cổ phiếu tăng mạnh, nhưng không có cơ bản tốt thì rất rủi ro”, bà Phương nói và lo ngại việc dòng tiền tập tủng nhiều nhiều vào nhóm cổ phiếu penny, với vốn hoá vừa và nhỏ sẽ khiến thị trường phát triển lệch lạc.
Với các quỹ đầu tư, bà Phương cho biết sẽ tìm kiếm cơ hội ở hai khía cạnh, gồm định giá cổ phiếu và hoạt động của doanh nghiệp.
“Hiện phải xem định giá cổ phiếu đang đắt hay rẻ và doanh nghiệp có triển vọng phục hồi như thế nào về cuối năm”, bà Phương nói.
Cũng theo bà Phương, nhà đầu tư cần chú ý việc thị trường luôn định giá lại các cổ phiếu. Chẳng hạn, P/E của cổ phiếu FPT chỉ khoảng 9-10 lần năm 2018, nhưng khi dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân vào, lợi nhuận tăng trưởng ổn định thì đã lên khoảng 15-18 lần năm 2020. Trong khi đó, định giá của nhóm ngân hàng và bất động sản đi theo hướng ngược lại và giờ đang được xem là rẻ.
Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Công ty Dragon Capital, cũng đưa ra ba lưu ý với nhà đầu tư trong giai đoạn này, gồm: quản trị rủi ro tốt, đa dạng hoá danh mục đầu tư, đánh giá đúng khẩu vị rủi ro của mình.
“Xét cho cùng, khi thủy triều rút mới biết ai là người bơi không mặc quần”, ông Dominic Scriven dẫn lại câu nói của nhà đầu tư nổi tiếng Warren Buffett, để nhắc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiểu về tình hình tài chính và khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư.
Cũng theo vị này, nhiều tổ chức quốc tế đang có sự lúng túng khi cố gắng phân tích các yếu tố tác động lên các biến số vĩ mô. Theo đó, những đầu tàu kinh tế của thế giới Mỹ, Trung Quốc, châu Âu, Nhật Bản, châu Phi, trừ khu vực Trung Đông đều đang gặp vấn đề nên việc nhận định về khả năng phục hồi “rất tốt” trong năm sau, như phân tích của Ngân hàng Thế giới cũng như của một số tổ chức, là hơi “chủ quan”.
Vân Phong
TBKTSG
|