Chứng khoán Tuần 04-08/04/2022: VN-Index giảm mạnh sau khi test vùng 1,510-1,535 điểm
VN-Index khởi đầu tuần giao dịch tương đối tích cực. Tuy nhiên, áp lực bán tăng cao sau khi test kháng cự mạnh đã khiến chỉ số quay đầu giảm sâu. Khối ngoại cũng trở lại bán ròng trên cả hai sàn HOSE và HNX với tổng mức bán ròng hơn 995 tỷ đồng.
I. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN 04-08/04/2022
Giao dịch: Trong phiên cuối tuần, VN-Index giảm 20.35 điểm, kết phiên ở mức 1,482 điểm; HNX-Index giảm 9.59 điểm, xuống mức 432.02 điểm. Xét cho cả tuần, VN-Index giảm tổng cộng 34.44 điểm (-2.27%); HNX-Index giảm 22.08 điểm (-4.86%).
Khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HOSE hơn 763 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 2.95% so với tuần giao dịch trước. Sàn HNX đạt trung bình hơn 90 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 32% so với tuần giao dịch trước.
Thị trường chứng khoán tiếp tục đón nhận thông tin tiêu cực từ việc Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị bắt, liên quan đến sai phạm trong việc phát hành khối trái phiếu trị giá 10 ngàn tỷ đồng. Bộ Tài chính và Bộ Xây dựng đang rà soát, đánh giá tác động của việc hủy phát hành trái phiếu của Tân Hoàng Minh liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản. Thông tin trên ảnh hưởng khá xấu đến tâm lý nhà đầu tư trong tuần qua.
VN-Index có tuần giảm điểm mạnh sau khi test lại đỉnh cũ tháng 01/2022 (vùng 1,510-1,535 điểm). Chỉ số mở của tuần giao dịch với mức tăng nhẹ hơn 8 điểm dưới sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu Large Cap. VN-Index giao dịch có phần thận trọng trong hai phiên tiếp theo. Tuy nhiên, áp lực bán mạnh ở hai phiên cuối tuần đã kéo VN-Index giảm sâu. Tính cho cả tuần, VN-Index giảm mạnh 34.44 điểm, xuống mức 1,482 điểm.
Xét theo mức độ đóng góp, BID, VNM, DIG và SHB là những mã có ảnh hưởng tiêu cực nhất đến VN-Index. Riêng cổ phiếu BID đã lấy đi hơn 3 điểm của chỉ số này. Ở chiều ngược lại, NVL, HPG, MSN và GVR là những mã có tác động tích cực nhất.
Ngành bất động sản có tuần giao dịch ảm đạm khi nhiều mã trong nhóm đều hiện sắc đỏ. Các cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp như IDC, KBC, ITA đều có mức giảm khá sâu, tính cho cả tuần các cổ phiếu trên giảm lần lượt ở mức 19.48%, 9.68% và 9.88%. Đà giảm còn hiện diện ở nhiều cổ phiếu khác như FLC (-10.41%), DXG (-13.98%), IJC (-5.72%), NTL (-4.29%)…
Ở ngành bán lẻ, sau những tuần tăng mạnh trước đó, nhiều cổ phiếu trong nhóm đã có sự điều chỉnh giảm trở lại. Trong đó, MWG giảm 3.85%, VGC giảm mạnh 15.65%, FRT sụt nhẹ 2.96%,…
Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 995 tỷ đồng trên cả hai sàn. Khối ngoại bán ròng hơn 937 tỷ đồng trên sàn HOSE và bán ròng gần 58 tỷ đồng trên sàn HNX.
Cổ phiếu tăng tiêu biểu trong tuần qua là KDM
KDM tăng 29.46%: Sau khi chuyển dịch ngành nghề kinh doanh cốt lõi của mình sang bất động sản, cổ phiếu KDM đã liên tục tăng giá. Trong tuần qua, KDM tiếp tục tiến tốt hơn 29%, tiến lên giao dịch tại mức 31,200 đồng/cp, đây cũng là mức giá cao nhất trong lịch sử của cổ phiếu này.
Cổ phiếu giảm giá mạnh trong tuần qua là ROS và MHL
ROS giảm 18.21%: Bị giảm mạnh sau khi chịu tác động tiêu cực từ sự việc Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn FLC - ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố. Cổ phiếu ROS tiếp tục ghi nhận tuần giao dịch ảm đạm khi sụt giảm hơn 18%. Hiện cổ phiếu đang giao dịch ở mức giá 5,660 đồng/cp.
MHL giảm 27.72%: Sau khi tiến lên test vùng đỉnh tháng 11/2021, cổ phiếu MHL tưởng chừng đã có thể vượt đỉnh, song lực bán tại vùng giá cao đã xuất hiện khiến giá cổ phiếu giảm mạnh. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch của cổ phiếu vẫn duy trì ở mức cao trên trung bình 20 phiên gần nhất cho thấy dòng tiền vẫn chưa rời bỏ cổ phiếu này.
II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TUẦN QUA
Bộ phận Phân tích Kinh tế & Chiến lược Thị trường, Phòng Tư vấn Vietstock
FILI
|