Chứng khoán Tháng 10/2015: Sẽ chỉ có những con sóng nhỏ?
Hiệp định TPP và KQKD quý 3 nhiều khả năng sẽ thúc đẩy giao dịch tích cực ở một số cổ phiếu. Tuy nhiên, trước những e ngại từ giao dịch khối ngoại cũng như thiếu vắng thông tin hỗ trợ mạnh thì thị trường nhiều khả năng sẽ chỉ có những con sóng nhỏ.
Tháng 09: Thị trường giao dịch giằng co
(1) Giao dịch giằng co. Các chỉ số chính của thị trường diễn biến giằng co trong tháng 09. Cụ thể, VN-Index giảm nhẹ 0.37% và kết thúc tháng ở mức 562.64 điểm; trong khi HNX-Index tăng 1.39% lên mức 77.97 điểm. Cổ phiếu Mid Cap là nhóm tăng điểm mạnh nhất trong tháng với 1.19%; tiếp theo là nhóm Micro Cap tăng 0.93%, VS-Large Cap tăng 0.07% và duy nhất VS-Small Cap đứng yên.
(2) Giao dịch tiếp tục lao dốc. Diễn biến giao dịch trong tháng 09 kém tích cực khi khối lượng đã sụt giảm mạnh. Cụ thể, khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình phiên trên HOSE giảm mạnh 28.3 % so với tháng trước và chỉ đạt 81.2 triệu đơn vị/phiên; còn khối lượng giao dịch trên HNX giảm mạnh 24.2%, xuống tương ứng 31.9 triệu đơn vị/phiên.
(3) Điểm nhấn của giao dịch chứng khoán trong tháng 09:
Lưc cầu bắt đáy tăng mạnh trong tuần đầu tháng 09. Thị trường sụt giảm mạnh trong những tuần cuối tháng 08 đã thúc đẩy hoạt động bắt đáy gia tăng mạnh trong những tuần đầu tháng 09. Sức nóng tập trung mạnh vào nhóm cổ phiếu Tài chính và Dầu khí (nhờ diễn biến giá dầu thế giới khả quan) đã kéo thị trường hồi phục mạnh trở lại.
Thiếu vắng thông tin hỗ trợ. Sau giai đoạn hồi phục, xu hướng thị trường chủ yếu diễn ra trong thế giằng co. Việc thị trường thiếu vắng thông tin hỗ trợ đã khiến giới đầu tư e ngại và giảm mạnh giao dịch.
TTCK thế giới lao dốc. Diễn biến tiêu cực từ TTCK Trung Quốc đã lan rộng sang các TTCK khác trên thế giới. TTCK Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ khi đà giảm mạnh từ các TTCK khác đã ảnh hưởng mạnh lên tâm lý giới đầu tư trong các phiên giao dịch cuối tháng.
Hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETF. Khác với những lần tái cơ cấu gần đây, hoạt động tái cơ cấu lần này đã có sự ảnh hưởng khá lớn lên thị trường. Theo đó, các quỹ ETF đã bất ngờ thêm vào cổ phiếu BID và sau đó cũng bất ngờ loại bỏ cổ phiếu này trong tuần tái cơ cấu. Với vị thế là một trong những cổ phiếu dẫn dắt thị trường thì quyết định thêm vào và loại ra BID đã ảnh hưởng không nhỏ lên thị trường.
Khối ngoại đẩy mạnh bán ròng. Khối ngoại đổi hướng giao dịch khi quay đầu bán ròng trong tháng 09, với hơn 901 tỷ đồng trên HOSE và 88 tỷ đồng trên HNX. Hoạt động bán ròng của khối ngoại tập trung mạnh trong những phiên cuối tháng 09 chủ yếu do ảnh hưởng của hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETF, bên cạnh đó là giao dịch thỏa thuận ở một số cổ phiếu. Giao dịch kém tích cực của khối ngoại tiếp tục khiến giới đầu tư e ngại và thu hẹp giao dịch trong tháng vừa qua.
Trên HOSE, cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất trong tháng 09 là MSN với 491 tỷ đồng, tiếp đó là BCI với 383 tỷ đồng, VIC với 357 tỷ đồng, HAG với 182 tỷ đồng; trong khi mua ròng mạnh nhất thuộc về NT2 với 379 tỷ đồng, BID với 215 tỷ đồng và GTN với 81.6 tỷ đồng.
Trên HNX, khối ngoại bán mạnh ở VCG với gần 90.2 tỷ đồng, tiếp đến là PVS với 90.8 tỷ đồng, LAS với 16.6 tỷ; trong khi mua ròng mạnh ở CEO với 31.4 tỷ đồng và NDN với 19.9 tỷ đồng.
Tháng 10: Sẽ chỉ có những con sóng nhỏ?
Chúng tôi cho rằng các yếu tố sau đây sẽ chi phối xu hướng của TTCK Việt Nam trong tháng 10/2015.
(1) Chờ đợi kết quả đàm phán TPP. Việc đàm phán Hiệp định TPP sẽ được nối lại vào cuối tháng 09. Kết quả từ kỳ đàm phán này sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến thị trường. Đây sẽ là tâm điểm của thị trường trong những tuần đầu tháng 10.
Thông tin cho thấy tiến trình đàm phán đang có những diễn biến thuận lợi khi Mỹ và Nhật đều thống nhất sẽ hoàn tất đàm phán TPP trong lần đàm phán này. Trong khi đó, Canada và Mexico đã ra tín hiệu mở cửa thị trường ôtô Bắc Mỹ cho nhiều linh kiện sản xuất tại châu Á.
(2) Lựa chọn nhóm ngành nào cho kỳ công bố KQKD quý 3/2015? Tỷ giá tăng nhiều khả năng sẽ là yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến KQKD của một số doanh nghiệp đang vay nợ bằng đồng USD hoặc những công ty thiên về nhập khẩu trong quý 3 này.
Trái với cùng kỳ năm ngoái, hoạt động của nhóm cổ phiếu ngành Thuỷ sản nhiều khả năng cũng sẽ kém tích cực khi thống kê tình hình xuất nhập khẩu 9 tháng cho thấy lượng xuất khẩu thuỷ sản đang sụt giảm mạnh.
Sức nóng có thể sẽ hướng về nhóm cổ phiếu Bất động sản khi quý 3, 4 thường là thời điểm nhóm cổ phiếu này hạch toán mạnh doanh thu. Bên cạnh đó, những ngành hưởng lợi từ như vật liệu xây dựng, xây dựng cũng cần được chú ý.
Nhóm cổ phiếu kinh doanh ô tô cũng là điểm đến đáng chú ý khi hoạt động nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng tích cực trong quý 3. Ngoài ra, các cổ phiếu mang tính mùa vụ như bánh kẹo, hoạt động liên quan đến ngành giáo dục … rất có thể sẽ tiếp tục thu hút mạnh dòng tiền.
(3) Cần chú ý động thái từ Fed. Mặc dù Fed đã quyết định không tăng lãi suất trong tháng 09 nhưng động thái này nhiều khả năng vẫn sẽ diễn ra ngay trong tháng 10. Điều này có thể khiến giới đầu tư tiếp tục e ngại đối với dòng tiền từ khối ngoại, đặc biệt là khi giao dịch khối ngoại vẫn đang diễn ra kém tích cực trong thời gian gần đây.
PHÂN TÍCH KỸ THUẬT
Nhóm Large Cap thoái trào. Bảng phân loại tài sản theo tỷ suất sinh lợi VS-Market Cap tiếp tục thể hiện sự suy yếu của nhóm Large Cap.
Nhóm Micro Cap vẫn là nhóm cổ phiếu thể hiện tốt nhất trong 2 tháng vừa qua. Điều này cho thấy dòng tiền đã có sự dịch chuyển mạnh mẽ trên thị trường khi mà nhóm Large Cap đã tăng trưởng trong một thời gian khá dài.
Bảng tỷ suất sinh lợi VS- Market Cap trong 4 tháng gần nhất
(Nguồn: VietstockTrader)
VN-Index – Khó vượt kháng cự mạnh. Trong những tuần gần đây, VN-Index liên tục biến động mạnh và bất ngờ. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý nhất là khối lượng giao dịch liên tục sụt giảm và duy trì dưới mức trung bình 20 phiên (tương đương 83 triệu đơn vị). Trong các đợt phục hồi kéo dài và vững chắc trong quá khứ thì khối lượng luôn tăng trưởng ổn định và mạnh mẽ. Vì vậy, nếu tình trạng thanh khoản thấp vẫn còn duy trì thì khó có thể kỳ vọng VN-Index bứt phá.
Nhóm MA dài hạn (tương đương vùng 573-585 điểm) đã bị phá vỡ hoàn toàn. VN-Index đã test vùng này nhiều lần trong những tuần gần đây nhưng vẫn chưa thể phá vỡ. Vì vậy, nhóm này sẽ tiếp tục đóng vai trò kháng cự mạnh của VN-Index trong thời gian tới nếu có những phiên phục hồi xuất hiện.
Chỉ báo ADX liên tục sụt giảm và đạt mức thấp nhất trong vòng 10 tháng qua. Vì vậy, VN-Index có thể tiếp tục giằng co và tích lũy trong thời gian tới.
Nếu có điều chỉnh mạnh xảy ra thì đáy cũ tháng 12/2014 (tương đương vùng 512-530 điểm) sẽ đóng vai trò hỗ trợ mạnh. Đây là vùng có khối lượng tích lũy lớn và có nhiều lần test thành công trong quá khứ (tháng 08/2015, tháng 05/2015) nên độ tin cậy cao.
HNX-Index – Khối lượng sụt giảm liên tục. HNX-Index không có nhiều biến động lớn trong thời gian gần đây. Kịch bản sideway và giằng co mạnh trong phiên xảy ra khá nhiều lần.
HNX-Index đang hình thành mẫu hình Rising Wedge. Nếu breakpoint xuất hiện trong thời gian tới thì mục tiêu giá sẽ xuống đến vùng 72.5-73.5 điểm.
Chỉ báo Stochastic Oscillator đã giảm mạnh sau khi đạt đến vùng overbought. Khối lượng sụt giảm liên tục và ở dưới mức trung bình 20 phiên (tương đương 34 triệu đơn vị). Điều này cho thấy khả năng phục hồi mạnh không cao.
Các đường dài hạn như SMA100, SMA200… vẫn tiếp tục đi xuống trong những tuần gần đây cho thấy xu hướng giảm đang chi phối.
Phòng Tư vấn Vietstock
|