"Sell in May" có luôn đúng ở thị trường chứng khoán Việt Nam?
"Sell in May and go away" là một trong những câu nói phổ biến nhất trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, có phải lúc nào thị trường cũng lao dốc mạnh mẽ trong tháng 5 hay không?
Cứ đến tháng 5 là giảm sâu?
Tháng 5 thường được coi là tháng xấu và không nên đầu tư mạnh trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, dựa vào các thống kê trên VS100 từ năm 2006-2014, chúng tôi nhận thấy thực tế không phải lúc nào cũng như vậy. Điều này chỉ đúng khi khối lượng trong tháng 5 giảm hoặc đi ngang. Nếu có dấu hiệu tăng trưởng mạnh của khối lượng đi kèm thì thường sẽ nhận được kết quả tốt.
Lưu ý: Giai đoạn từ 2005 trở về trước không xét vì số lượng cổ phiếu trên thị trường chứng khoán khá ít và thanh khoản cũng không nhiều.
Than khoản thường đi kèm với các trường hợp ngoại lệ. Có 3 trong số 9 năm (tỷ lệ là 33.33%) là thị trường tăng trong tháng 5. Điểm thú vị là những năm có tháng 5 là tháng tăng điểm (cụ thể là 2007, 2009 và 2013) thì khối lượng khớp lệnh đều tăng rất mạnh trong tháng đó (đều tăng trên 25%). Điều này cho thấy, khối lượng có vai trò quyết định và báo hiệu khả tăng tăng trưởng đối với xu hướng của tháng 5.
Dựa vào kết quả thống kê của bảng trên thì tháng 5 nhìn chung vẫn là tháng xấu và có nguy cơ giảm cao. Tuy nhiên, nếu khối lượng bứt phá thì nhiều khả năng năm đó sẽ có một ngoại lệ xảy ra.
Cũng nên cẩn thận trong tháng 6. Chỉ có 3 trong 9 năm (tỷ lệ là 33.33%) tháng 6 là tháng tăng điểm. Như vậy, tháng 6 rõ ràng là nguy hiểm không kém gì tháng 5 và đáng để nhà đầu tư phải cảnh giác hơn.
Một đặc điểm khác cũng cần lưu ý là nếu tháng 5 tăng điểm thì tháng 6 thường giảm điểm mạnh hơn mức bình thường (trừ năm 2009 vì đây là năm phục hồi sau khủng hoảng 2007-2008).
Chiến lược cho giai đoạn sắp tới
Quan sát phản ứng tại các vùng hỗ trợ mạnh. Việc khối ngoại vẫn mua ròng khá đều đặn (trừ phiên ngày 12/05/2015) là một trong những điểm sáng trong giai đoạn hiện nay.
Vùng 515-535 điểm của VN-Index và vùng 77.5-79 điểm của HNX-Index đang được test lại. Nếu các vùng này trụ vững thì đà tăng nhiều khả năng sẽ quay trở lại, còn nếu sự phá vỡ xảy ra thì nguy cơ lặp lại kịch bản giảm sâu của các năm trước sẽ rất lớn.
Yếu tố thanh khoản đóng vai trò quyết định. Theo kết quả thống kê thì khối lượng khớp lệnh đều tăng rất mạnh trong những năm có tháng 5 tăng điểm. Vì vậy, sự suy yếu của khối lượng trong thời gian gần đây có thể coi là một tín hiệu cảnh báo quan trọng về sự sụt giảm trong những tuần tới.
Vì vậy, chúng tôi cho rằng việc mua mạnh trong giai đoạn hiện nay là không cần thiết khi cả HNX-Index và VN-Index đều đang duy trì bên dưới nhóm MA dài hạn (SMA100, SMA200...). Việc mua từ từ theo phương pháp bình quân giá lên được ủng hộ hơn để phòng ngừa rủi ro.
Nguyễn Quang Minh, Phòng Nghiên cứu Vietstock
|