Khối ngoại bán mạnh trong tháng 3 có đáng lo ngại?
Cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của US Dollar Index thì việc khối ngoại đột ngột chuyển từ mua ròng mạnh trong các tháng trước sang bán ròng mạnh trong tháng 03/2015 đã làm gia tăng sự thận trọng của nhà đầu tư.
Khối ngoại có thường xuyên bán ròng trong tháng 3?
Việc bán ròng trong tháng 3 không phải là điều được khối ngoại làm thường xuyên trong quá khứ. Theo bảng thông kê dưới đây thì trong giai đoạn từ năm 2007 – 2014 thì chỉ có 2 lần khối ngoại bán ròng trong tháng 3. Như vậy, tỷ lệ chỉ là 25%, một con số khá thấp.
Lưu ý: giai đoạn từ 2006 trở về trước, người viết không thống kê do thanh khoản thị trường không đủ lớn và số mã chứng khoán giao dịch trên thị trường không nhiều.
Việc bán ròng trong tháng 3 mang ý nghĩ gì?
Trong năm 2007 và 2014, khối ngoại đều bán ròng rất mạnh trong tháng 3 và đều dẫn đến kết quả chung là vào tháng kế tiếp (tháng 4) thị trường giảm điểm (trong trường hợp này người viết dùng chỉ số VS100 để tính toán). Như vậy, việc khối ngoại bán ròng trong tháng 3 thường dẫn đến kết quả là thị trường sẽ rung lắc và điều chỉnh trong tháng kế tiếp.
Tính đến thời điểm ngày 23/03/2015, khối ngoại đã bán ròng tổng cộng 403.93 tỷ đồng trên cả hai sàn HOSE và HNX nên khiến giới đầu tư khá lo lắng.
Sự thay đổi đột ngột của khối ngoại làm gia tăng sự thận trọng của nhà đầu tư
Cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của US Dollar Index thì việc khối ngoại đột ngột chuyển từ mua ròng mạnh trong các tháng trước sang bán ròng mạnh trong tháng 03/2015 đã làm gia tăng sự thận trọng của nhà đầu tư. Điều này được thể hiện khá rõ nét qua khối lượng giao dịch của thị trường.
Khối lượng giao dịch của VS100 giảm liên tục trong tháng 03/2015 cho thấy nhà đầu tư đang hạn chế giao dịch mạnh ngay cả khi nhiều mã cổ phiếu trên thị trường đã điều chỉnh sâu và về vùng hấp dẫn.
Như vậy, nếu xu hướng bán ròng vẫn tiếp diễn cho đến hết tháng 03/2015 thì việc hạn chế bắt đáy mạnh là cần thiết để tránh thiệt hại trong ngắn hạn.
Nguyễn Quang Minh, Phòng Nghiên cứu Vietstock
|