Góc broker: Tâm sự cuối năm!
Đến bây giờ, người viết chỉ còn tâm niệm một điều về chứng khoán: “Keep it simple”
Năm 2014 không chỉ là cơ hội “break out” cho các broker về công việc, về sự nghiệp mà còn là cơ hội “break out” cho tài khoản của NĐT cá nhân. 2014 là một năm mà - như chia sẻ của chuyên gia MBS - “đánh chứng lỗ” còn… khó hơn “đánh lời”.
Cách đây 4 năm khi đăng ký chuyên ngành học Chứng khoán, người viết không ngờ rằng được ra trường đúng thời điểm thị trường kết thúc quá trình tạo đáy dài hạn và dần hồi phục theo nền kinh tế. Càng không ngờ hơn khi tiếp tục được gắn bó - làm cộng tác viên với Vietstock - qua chuyên mục “Góc broker” khi mới vào nghề được vài tháng.
Những háo hức thuở ban đầu; những xúc cảm trái chiều theo nhịp đập thị trường; hay những bài học xương máu, những kinh nghiệm thực tế được người viết thu lượm (hoặc trả giá) khi chinh chiến trong nghề đều được “Góc broker” ghi lại như một cuốn nhật ký nghề nghiệp. Nên không khó hiểu nếu bạn đọc tinh ý, hoặc những nhà đầu tư dày dặn kinh nghiệm sẽ nhận thấy “Góc broker” còn có đoạn non tay, còn có đoạn lỡ nhịp; hay về quan điểm đầu tư, về sự luân chuyển dòng tiền, về kỷ luật không đánh hàng đầu cơ…vv của người viết còn có phần cố chấp, bảo thủ, và có cả sự ngang bướng của tuổi trẻ. Theo thời gian, con người sẽ dần trưởng thành; trên thị trường chứng khoán (TTCK), quá trình đó thậm chí còn rút ngắn nhanh hơn.
Mà trong năm Quý Tỵ nhiều thăng trầm vừa qua - với một broker mới vào nghề, được theo sát sóng tăng từ cuối 2012, được thị trường “vật” cho vài lần - thì càng “già” nhanh hơn so với tuổi thực. Bù lại, là sự chuyển biến bước ngoặt về quan điểm đầu tư chứng khoán, về tư duy phân tích, dự đoán, về việc chọn hàng, lựa điểm mua - bán và về nghề nghiệp đang theo đuổi. Đến bây giờ, người viết chỉ còn tâm niệm một điều về chứng khoán:
“Keep it simple”
Hãy giữ sự đơn giản trong quan niệm đầu tư chứng khoán: Như chia sẻ của sếp người viết, đầu tư chứng khoán không phải là thứ gì đó cao siêu, không phải là sân chơi riêng của những người có IQ cao với chằng chịt số liệu trên màn hình, càng không phải là “sới bạc” cấp cao dành cho dân lướt sóng mua đáy bán đỉnh... Với nhà đầu tư (NĐT) cá nhân chúng ta, đầu tư chứng khoán đơn giản chỉ là cuộc chơi với hành trang 3 gạch đầu dòng: Kỷ luật, kiên nhẫn và bằng lòng.
Hãy giữ sự đơn giản trong phân tích: Người viết lúc mới ra trường đã từng tôn sùng, thần thánh hóa phân tích kỹ thuật; từng tìm hiểu nhiều trường phái, vẽ vời chằng chịt trên đồ thị…và hậu quả là say sóng, loạn chưởng khi thị trường có biến. Năm 2013, người viết quay trở về và chỉ phân tích trên giá và khối lượng (đấy là lý do vì sao những biểu đồ minh họa trên Góc broker hoàn toàn “trần trụi”); người viết cũng chỉ lựa chọn những mã đang trong xu thế tăng (liên tiếp lập đỉnh sau cao hơn đỉnh trước và đáy sau cao hơn đáy trước) để đầu tư hoặc trading. Những cổ phiếu trong xu thế giảm trung hạn luôn có rất nhiều bẫy tăng giá và thực sự khó đánh (như HAG, BVH, MSN…). Trong khi đó, thị trường có hơn 700 mã, tương ứng hơn 700 cơ hội, người viết quan điểm chỉ tìm kiếm những cổ phiếu có đồ thị tăng bền vững, với những nhịp điều chỉnh không sâu và chưa phá vỡ “thói quen” mà nó đang duy trì. VSC, HPG, PGS, TCM… là những ví dụ điển hình. Trên thị trường có nhiều cách kiếm tiền, người viết chọn cho mình một phương pháp phù hợp với bản thân, phù hợp với mức độ chấp nhận rủi ro thấp cả khi đầu tư hoặc tư vấn cho khách hàng.
Đơn giản trong nghề nghiệp: Người viết chọn nghề Broker một phần vì những ánh hào quang nó tạo ra cách đây 5 năm, nhưng phần nhiều vì nhận thấy bản thân đam mê với một nghề nghiệp phù hợp với tính cách, một nghề có triển vọng trong nền kinh tế thị trường. Tại những nước phát triển, broker thực sự là một nghề đỉnh cao của ngành tài chính; còn ở Việt Nam, vì thị trường mới thành lập, vì quan niệm trong xã hội còn có phần “kỳ thị” nên nhìn chung, nghề “broker” vừa còn nhiều bát nháo, vừa có phần hơi “tủi” khi so sánh với những nghề khác trong cùng ngành tài chính. Nhưng càng ngày, quá trình sàng lọc, đào thải trong nghề broker diễn ra ngày càng mãnh liệt; không chỉ trong giai đoạn thị trường ảm đạm vài năm qua, mà ngay trong điều kiện thị trường sôi động, các công ty chứng khoán càng có xu hướng phát triển đội ngũ broker theo hướng “quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Triển vọng của nghề trong năm 5 tới rất sáng sủa, nhưng sự đào thải của nó sẽ tàn khốc hơn. Để gắn bó và phát triển trong nghề, người viết nghĩ rằng một broker phải luôn duy trì được niềm đam mê ban đầu. Những cảm xúc tinh khôi về nghề nghiệp được nuôi dưỡng từ thời sinh viên cần được duy trì và lớn dần lên theo năm tháng.
2014 – Cơ hội break out của chứng khoán!
|
2014 – Cơ hội “Break out”!
Nhìn lại khoảng thời gian từ tháng 6-12/2013, VN-Index nhìn chung trong xu thế giảm (từ đỉnh 530 về 504) nhưng có không ít các cổ phiếu đi ngược thị trường, tăng rất mạnh và lập đỉnh cao mới về giá. DMC, PVT, PGS, PVS, PXS, TCM, VSC… là những ví dụ điển hình. Điều ấy có nghĩa là, trong điều kiện nào của thị trường, NĐT cá nhân chúng ta luôn có cơ hội kiếm tiền.
Từ bài viết “Góc broker: Đồng pha trước thềm 2014”, người viết cho rằng hiện tượng hàng loạt các cổ phiếu cơ bản đi vào trạng thái đồng pha “tích lũy thời gian dài” là một điều hiếm gặp. Khoảng một tháng qua, hiện tượng các mã vốn hóa lớn đồng loạt phản ứng đã chứng minh một điều: dòng tiền lớn đang đổ vào chứng khoán. Với nhiều chuyên gia, việc kinh tế Việt Nam hồi phục hay chưa vẫn là một câu hỏi tu từ; nhưng với riêng chứng khoán, người viết cho rằng chưa cần điều kiện kinh tế chắc chắn hồi phục, mà chỉ cần kinh tế “không xấu hơn năm ngoái” đã tạo ra vô vàn cơ hội kiếm lời. 2013 là một năm như thế và 2014 sẽ là năm tiếp diễn như vậy!
Trên cơ sở đó, năm 2014 không chỉ là cơ hội “break out” cho các broker về công việc, về sự nghiệp mà còn là cơ hội “break out” cho tài khoản của NĐT cá nhân. 2014 là một năm mà - như chia sẻ của chuyên gia MBS - “đánh chứng lỗ” còn… khó hơn “đánh lời”.
Thời cơ đang ở trước mắt, chớp lấy hay không là ở chúng ta!
Đoàn Xuân Thạo
Công Lý
|